Những mũi vắc xin đầu tiên phòng COVID-19 đã được tiêm
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trực tiếp tiêm vắc xin phòng dịch COVID-19 cho một nhân viên y tế của tỉnh Hải Dương. Ảnh: TTXVN
“Được tiêm vắc xin phòng COVID-19 là một niềm hạnh phúc và vinh dự đối với chúng tôi, tuy nhiên, đây cũng là lời nhắc nhở về bổn phận và trọng trách những “chiến binh” tuyến cuối về điều trị đại dịch này”. Đây là cảm xúc của các nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh - những người đầu tiên tại Việt Nam được tiêm vắc xin COVID-19 sáng 8/3.
Ngoài Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, tỉnh Hải Dương, trong đợt đầu tiên, có 20 cơ sở y tế tại 12 tỉnh, thành khác trong cả nước được ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Vinh dự khi được ưu tiên tiêm vắc xin
Trong ngày 8/3, 100 nhân viên y tế của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh tại Khoa Nhiễm D, Khoa Hồi sức cấp cứu chống độc người lớn và Khoa Cấp cứu là những người đầu tiên được tiêm vắc xin phòng COVID-19. Đây là những bác sĩ, điều dưỡng đang trực tiếp điều trị, chăm sóc bệnh nhân COVID-19 từ khi dịch bùng phát đến nay.
Bước ra đầu tiên từ phòng tiêm, bác sĩ Dư Lê Thanh Xuân, Khoa Hồi sức cấp cứu chống độc người lớn - người từng phụ trách điều trị cho bệnh nhân số 91 (phi công người Anh) chia sẻ rằng chị rất bất ngờ khi là người đầu tiên được tiêm vắc xin phòng COVID-19, bởi so với công sức của các nhân viên y tế khác đã túc trực hàng năm trời tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi thì những đóng góp của chị chỉ như hạt cát giữa biển khơi.
“Khi chuẩn bị tiêm, tôi khá hồi hộp nhưng lúc tiêm thì lại rất nhanh và hoàn toàn không đau. Sau theo dõi 30 phút, sức khỏe của tôi hoàn toàn bình thường, không có các triệu chứng chóng mặt, đau đầu như khuyến cáo”, bác sĩ Xuân cho hay.
Cũng theo bác sĩ Xuân, dù rất vinh dự khi được ưu tiên tiêm vắc xin trước nhưng chị luôn mong mỏi tất cả mọi người dân đều được tiêm ngừa vắc xin phòng COVID-19 để trở lại cuộc sống bình thường, không còn lo sợ bị virus xâm nhập.
Cùng với nhân viên y tế Khoa Hồi sức cấp cứu, chống độc người lớn, toàn bộ 21 nhân viên y tế của Khoa Nhiễm D - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh - một trong những khoa chủ lực trong tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 đều được tiêm vắc xin phòng COVID-19 trong buổi sáng 8/3.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa Nhiễm D chia sẻ: “Suốt hơn 1 năm qua, nhân viên y tế gặp áp lực lớn vì mức độ lây nhiễm, tỉ lệ tử vong phức tạp của dịch COVID-19. Dù Việt Nam đã có những thành công trong việc khống chế nhưng dịch bệnh trên thế giới vẫn phức tạp, do đó những liều vắc xin đầu tiên này đã góp phần giải tỏa bớt một phần áp lực của chúng tôi”.
Chia sẻ niềm vui với các nhân viên y tế ở tuyến đầu được tiêm vắc xin phòng COVID-19, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cho biết: “Khi được Bộ Y tế chọn là một trong 18 cơ sở trực tiếp điều trị dịch COVID-19 được ưu tiên tiêm vắc xin trong đợt đầu, trở thành những công dân đầu tiên của Việt Nam được tiêm vắc xin là một niềm hạnh phúc và vinh dự đối với chúng tôi”.
TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho rằng đây cũng là lời nhắc nhở về bổn phận và trọng trách những “chiến binh” tuyến cuối về điều trị dịch COVID-19 của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Được tiêm vắc xin, các nhân viên y tế như được trang bị thêm một hệ thống giáp bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi rút.
“Phòng ngừa nhân viên y tế nhiễm bệnh là một việc làm cần thiết vì điều này giúp họ đủ sức khỏe để chăm sóc bệnh nhân và quan trọng hơn nữa là ngăn không gây hại cho bệnh nhân, không lây nhiễm cho cộng đồng”, bác sĩ Châu nhấn mạnh.
Không để xảy ra tiêu cực khi tiêm vắc xin
Sáng 8/3, UBND tỉnh Hải Dương đã triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Phát biểu tại đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định: Dịch COVID-19 tại Hải Dương đang được kiểm soát tốt. Việc tiêm vắc xin là một trong những giải pháp quan trọng để kiểm soát, khống chế và dập dịch. Thứ trưởng lưu ý, tuy được tiêm vắc xin nhưng những người đã được tiêm vẫn phải tuân thủ các quy định, biện pháp phòng, chống dịch theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Các điểm tiêm phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng, chống dịch như: có nước sát khuẩn, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách…, các chất thải sau tiêm phải được xử lý theo đúng quy định. Các cơ quan chức năng phải khám sàng lọc, tư vấn thật kỹ các đối tượng trước khi đưa vào tiêm và theo dõi các đối tượng sau tiêm. Các đơn vị chức năng của Bộ Y tế hướng dẫn tỉnh Hải Dương và các đơn vị tiếp nhận vắc xin đúng quy trình từ vận chuyển, bảo quản, tiêm và sau tiêm để đảm bảo an toàn.
Hải Dương được Bộ Y tế phân bổ cho 33.000 liều vắc xin phòng COVID-19, nhiều nhất trong 13 tỉnh, thành có ca bệnh. Theo ông Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đề nghị các địa phương rà soát thật kỹ lưỡng, nhất quán, xác định các trường hợp ưu tiên tiêm vắc xin chính xác, dân chủ, công khai, không để xảy ra tiêu cực. Việc tổ chức tiêm phải đảm bảo khoa học, an toàn, hiệu quả. Các cơ quan chức năng có phương án để xử trí những trường hợp có thể có phản ứng sau tiêm.
Với 33.000 liều vắc xin, UBND tỉnh Hải Dương đã phân bổ cụ thể cho các nhóm đối tượng là nhân viên y tế đã, đang điều trị bệnh nhân COVID-19 (1.101 liều); cán bộ lấy mẫu xét nghiệm (1.245 liều); nhân viên tại các cơ sở cách ly tập trung (1.047 liều); thành viên tổ truy vết (3.944 liều); nhân viên tham gia điều tra dịch tễ (2.549 liều); cán bộ trực tiếp tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 (984 liều); nhân viên trực chốt kiểm dịch (5.558 liều) và các tổ phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng (16.572 liều). Nhóm lực lượng quân đội, công an thống kê riêng theo chỉ đạo của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.
Tỉnh Hải Dương tiến hành tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 từ ngày 8/3 và chia thành 2 đợt, mỗi đợt cách nhau 1-2 ngày và thực hiện kéo dài 3-4 ngày. Đợt 1 sẽ triển khai tiêm ở các địa phương: TP Hải Dương, TP Chí Linh, TX Kinh Môn, các huyện Cẩm Giàng, Kim Thành và Nam Sách. Đợt 2 sẽ tiêm tại các địa phương còn lại trong tỉnh. Trong đó, TP Hải Dương được phân bổ số lượng vắc xin nhiều nhất (4.959 liều), tiếp theo là huyện Cẩm Giàng (4.363 liều), TP Chí Linh (4.173 liều)...
Đến nay, Hải Dương đã ghi nhận hơn 700 ca bệnh; trong đó hơn 350 ca đang được điều trị. Tổng số F1 là 17.374 trường hợp, trong đó còn 2.718 trường hợp đang cách ly tập trung. Hải Dương đã lấy được 629.777 mẫu để xét nghiệm.
Suốt hơn 1 năm qua, nhân viên y tế gặp áp lực lớn vì mức độ lây nhiễm, tỉ lệ tử vong phức tạp của dịch COVID-19. Dù Việt Nam đã có những thành công trong việc khống chế nhưng dịch bệnh trên thế giới vẫn phức tạp, do đó những liều vắc xin đầu tiên này đã góp phần giải tỏa bớt một phần áp lực của chúng tôi.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh