Những năm giật gấu vá vai, làm công nhân, họa sĩ quèn của Hitler

'Đối với tôi, cái tên của thành phố thích vui chơi hời hợt ấy chỉ gợi lại 5 năm khốn khó và thiếu thốn. 5 năm ấy tôi phải tìm cách giật gấu vá vai, khởi đầu làm công nhân, sau đó là một họa sĩ quèn', Hitler từng kể lại.

4 năm kế tiếp, từ 1909 đến 1913, là khoảng thời gian khốn khó đến cùng cực đối với người trai trẻ khởi hành từ Linz để mưu cầu chinh phục. Trong những năm cuối cùng trước khi vương triều Habsburg sụp đổ, Vienna chẳng còn là thủ phủ của một đế quốc gồm 52 triệu dân nằm ở trung tâm châu Âu nữa.

Thế nhưng thành phố này vẫn có sự độc đáo so với những thủ đô khác trên thế giới bởi nét vui tươi và vẻ mê hoặc lòng người của nó. Chẳng những qua kiến trúc, điêu khắc, âm nhạc, cộng thêm với tinh thần phóng khoáng, vui vẻ và văn hóa của cư dân, Vienna còn thổi lên luồng không khí hoa mỹ và lộng lẫy mà không một thành phố phương Tây nào khác có được.

Nằm dọc sông Danube, dưới những ngọn đồi phủ rừng của vùng Wienerwald là những vườn nho mang theo màu vàng xanh xen kẽ, đó là nơi làm cho khách thăm viếng phải mê mẩn và khiến cho cư dân tin rằng mình được Ơn Trên ban phúc. Âm nhạc lấp đầy không gian - thứ âm nhạc đỉnh cao của những người con địa phương và là những bậc thầy mà cả châu Âu đều nghe danh: Haydn, Mozart, Beethoven và Schubert, khi mùa hè đến thì là những điệu luân vũ của Johann Strauss mà cả Vienna đều yêu thích.

Đối với những người được ban đặc ân như thế và đã quen với nếp sống sang cả như thế, cuộc đời tự nó như là giấc mộng đẹp. Cư dân của thành phố vui hưởng những cuộc khiêu vũ thâu đêm suốt sáng, uống rượu vang, hàn huyên tầm phào ở quán cà phê, lắng nghe âm nhạc và thưởng thức những vở nhạc kịch trình bày cốt truyện theo mộng tưởng, ve vãn và làm tình, lãng quên phần lớn cuộc đời của họ để vui thú và để mơ mộng.

Đúng là cần làm nhiều việc để cai trị một đế quốc, chỉ huy một quân đội, bảo trì tuyến giao thông, quản lý mậu dịch và điều hành lao động, nhưng rất ít người ở Vienna phải làm việc thêm giờ - hay thậm chí chỉ là toàn thời gian thôi - cho những việc này.

Dĩ nhiên là thành phố này vẫn có mặt trái. Giống những thành phố khác, Vienna cũng có người nghèo: người thiếu ăn, thiếu mặc hoặc sống ở những nơi tồi tàn. Nhưng - là một trung tâm công nghiệp ở Trung Âu cũng như là thủ phủ của cả một đế quốc - Vienna có mức sống cao và sự phồn thịnh được phân phối, chia sẻ cho mọi thành phần cư dân. Thành phần đông đảo dưới mức trung lưu kiểm soát thành phố về mặt chính trị: công nhân không những được thành lập nghiệp đoàn, mà còn có một Đảng chính trị đầy quyền lực là Đảng Dân chủ Xã hội.

 Năm tháng tuổi trẻ thiếu thốn in đậm trong ký ức Hitler. Ảnh: ABC.

Năm tháng tuổi trẻ thiếu thốn in đậm trong ký ức Hitler. Ảnh: ABC.

Đời sống luôn sôi sục ở thành phố hiện có số dân lên đến 2 triệu. Nền dân chủ lấn át chế độ chuyên chế của vương triều Habsburg, cơ hội văn hóa và giáo dục được mở ra cho quần chúng rộng rãi đến mức vào thời điểm Hitler đi đến Vienna năm 1909, gã trai trẻ không một xu dính túi vẫn có thể tiếp tục nền học vấn bậc cao hoặc kiếm được công việc mưu sinh đàng hoàng như một trong hàng triệu người đang làm việc ăn lương, sống dưới sự mê hoặc văn minh của thủ đô này. Chẳng phải anh bạn duy nhất, Kuzibek, cũng nghèo và không tiếng tăm như Hitler, đã thành danh ở Viện Hàn lâm Âm nhạc đấy sao?

Nhưng người trai trẻ Adolf không muốn theo đuổi tham vọng ở trường Kiến trúc. Dù không có bằng tốt nghiệp trung học, nhưng người có “tài năng đặc biệt” vẫn có thể được nhận vào học, dù Adolf không xin vào học theo cách ấy. Và cậu cũng chẳng thiết tha việc học nghề chuyên môn hoặc nhận bất kỳ việc làm thường xuyên nào. Thay vào đó, cậu nhận công việc lặt vặt này nọ: quét tuyết, làm sạch thảm, di chuyển hành lý bên ngoài ga tàu Tây, đôi lúc còn làm công nhân xây dựng trong vài ngày.

Tháng 11 năm 1909, không đầy 1 năm sau khi đến Vienna nhằm “thử thời vận”, gã trai trẻ phải rời bỏ căn hộ cho thuê có nội thất ở Simon Denk Gasse để sống 4 năm kế tiếp trong một phòng trọ rẻ tiền hoặc trong khu nhà trọ lụp xụp ở 27 Meldemannstrasse trong Quận 12 của Vienna, gần sông Danube và thường phải dùng bữa ở bếp ăn từ thiện của thành phố cho qua cơn đói.

Chẳng có gì lạ khi gần 2 thập kỷ sau, Hitler kể lại:

“Đối với nhiều người, Vienna là thành phố mẫu mực để hưởng thụ sự hồn nhiên, nơi vui chơi của những người thích hội hè đình đám, nhưng đối với tôi đó chỉ là một nơi khắc ghi giai đoạn buồn nản nhất trong cuộc đời mình.

Cho đến tận bây giờ, thành phố ấy vẫn chỉ khơi dậy trong tôi những ý nghĩ ảm đạm. Đối với với tôi, cái tên của thành phố thích vui chơi hời hợt ấy chỉ gợi lại 5 năm khốn khó và thiếu thốn. 5 năm ấy tôi phải tìm cách giật gấu vá vai, khởi đầu làm công nhân, sau đó là một họa sĩ quèn, cuộc sống túng quẫn không bao giờ xoa dịu được cơn đói hàng ngày của tôi”.

Ông nói vào thời gian ấy, ông luôn bị đói.

“Lúc ấy, cơn đói cứ chực chờ bên tôi, chẳng bao giờ rời xa phút nào... Cuộc sống của tôi là sự tranh đấu không ngừng nghỉ chống lại đói kém”.

[...]

Tuy tự nhận rằng mình sống như là một “họa sĩ quèn”, nhưng Hitler lại không cho biết thêm chi tiết nào, ngoài việc kể lại trong tiểu sử của mình rằng trong hai năm 1909 và 1910, ông đã cải thiện được cuộc sống của mình đến mức chẳng còn phải làm công nhân nữa. Đó là nhờ công việc vẽ kỹ thuật và họa sĩ màu nước. Ông kể: “Vào lúc ấy, tôi sống tự lập bằng nghề vẽ kỹ thuật và hội họa màu nước”.

Điều này có phần sai lạc, giống nhiều điều tự sự khác trong quyển Mein Kampf. Chúng ta nhiều thông tin nối ghép lại với nhau để tạo ra những hình ảnh xác thực hơn.

Có một điều khá chắc chắn là Hitler không bao giờ làm nghề sơn nhà, như các đối thủ của ông chế giễu. Ít nhất thì chẳng có chứng cứ nào cho thấy rằng ông đã làm việc đó. Ông chỉ vẽ hoặc sơn những hình ảnh thô thiển về Vienna, thường thể hiện nơi chốn dễ nhận như Thánh đường St. Stephen, nhà hát, hí viện Burgtheater, Quảng trường Schoenbrunn hoặc phế tích La Mã ở công viên Schoenbrunn.

Theo những người quen biết thì Hitler sao chép từ những công trình khác, hiển nhiên là ông ta không thể nào vẽ được phong cảnh thiên nhiên. Các bức vẽ thường cứng nhắc và vô hồn, giống như các bức phác họa thô thiển của kiến trúc sư, còn hình ảnh người mà đôi lúc ông thêm vào thì trông tệ đến nỗi khiến cho người ta liên tưởng đến kí họa. Tôi tìm thấy một ghi chép của mình sau khi xem qua một xấp phác họa ban đầu của Hitler: “Ít khuôn mặt. Thô thiển. Một khuôn mặt gần giống ma cà rồng”. Đối với Heiden, “Hình ảnh chồng chất lên nhau như những bao tải nhỏ căng phồng bên ngoài các cung điện cao lớn, uy nghiêm”.

Có lẽ hàng trăm bức họa nhỏ đáng thương hại như thế đã được Hitler bán cho những người bán dạo để trang trí một bức tường, cho người bán tranh để lấp đầy những khung trống nơi trưng bày và cho người làm đồ nội thất để đóng vào phía sau ghế bành hoặc ghế ngồi rẻ tiền theo cách thức ở Vienna thời ấy. Hitler cũng có thể có một chút đầu óc kinh doanh.

Ông thường vẽ pa-nô cho các cửa hàng để quảng cáo các sản phẩm như phấn trị mồ hôi hiệu Teddy. Và cũng có lẽ để kiếm thêm tiền vào dịp Giáng sinh, Hitler còn vẽ ông già Noel đang bán những cây nến nhiều màu, hoặc một bức vẽ khác còn cho thấy ngọn tháp của Thánh đường St. Stephen mà Hitler đã sao chép không mệt mỏi.

Đó là mức độ thành công của Hitler về mặt “nghệ thuật”, tuy rằng cho đến cuối đời ông vẫn xem mình là một “nhà nghệ thuật”.

Trong những năm sống ở Vienna, chắc chắn Hitler trông giống người Bohemian. Những người quen biết Hitler vào thời này còn nhớ anh ta luôn mặc áo choàng xộc xệch dài xuống cổ chân, do một người Do Thái - Hungary cùng sống trong khu nhà trọ tồi tàn làm nghề bán áo quần cũ tặng.

Họ còn nhớ anh quanh năm đội mũ quả dưa màu đen, mái tóc anh chải xuống trán giống như những năm sau này, phía sau rối bời phủ xuống cổ áo bẩn thỉu, bởi vì anh ít khi được cắt tóc hoặc cạo râu, hai bên má và cằm luôn có râu mọc lởm chởm.

William L.Shirer/Bách Việt Books - NXB Thông tin và Truyền thông

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhung-nam-giat-gau-va-vai-lam-cong-nhan-hoa-si-quen-cua-hitler-post1533450.html