Những năm tháng hào hùng

Nghĩ về những năm tháng đó, thương đồng đội mãi nằm lại chiến trường, tôi mạnh mẽ sống và mang tâm nguyện xứng đáng với những người đã hy sinh vì Tổ quốc này

Chiều muộn, tôi viếng đồng đội ở nghĩa trang Long An. Trong mùi hương khói còn phảng phất, tôi thấy một người mẹ (trạc tuổi má tôi) tóc đã pha sương, thẫn thờ nhìn hàng ngàn ngôi mộ trong thinh lặng. Thấy tôi tập tễnh, mẹ hỏi: "Con thắp nhang cho đồng đội à?". Dạ! Tôi hỏi: "Mẹ viếng mộ con hay ai mà muộn rồi chưa về", mẹ bảo: "Mẹ đến thắp nhang cho đồng đội của con trai, chứ con của mẹ thì tử trận không về". Tôi nói mẹ về đi chứ ở đây chiều muộn rồi...

Lòng quặn thắt, tôi nhớ về chiến trường xưa, nhớ về những đồng đội ngã xuống khi tuổi đời vừa mười tám, đôi mươi!

Lên đường ra mặt trận

Cuối năm 1985, tôi tròn 19 tuổi, một chàng trai miệt bưng biền vạm vỡ, cao hơn 1,7 m, nặng hơn 75 kg, ria rậm, tóc dài, nhiều mộng mơ và chưa hề yêu ai. Tết năm đó, má tôi sắm sửa tươm tất hơn, có lẽ ra giêng tôi lên đường nên được má ưu ái. Ngày Tết, tôi được uống rượu với bạn bè mà không bị tía la rầy. Tía ít nói, thích đờn ca tài tử, tôi chỉ được cái tốt mã chứ không rành những ngón đờn ca như tía.

Tác giả (bìa phải) và đồng đội trong một chuyến dã ngoại

Tác giả (bìa phải) và đồng đội trong một chuyến dã ngoại

Tháng 3-1986 (khoảng giữa tháng giêng) tôi nhập ngũ. Đêm trước ngày lên đường, bạn bè trong làng đến tiễn biệt rất đông. Đám con trai mang rượu đến uống, đờn ca đến khuya; tụi con gái đứa tặng chai dầu gió, đứa cho cuốn sổ, đứa tặng cây bút, đứa gói tiền trong chiếc khăn tay dúi vào túi tôi, chúc: "Mai đi gìn giữ sức khỏe", "Mai lên đường bình yên"… Tuyệt không đứa nào gọi "anh Mai" (Mai là tên tôi và mai cũng có thể là ngày mai, nghe hay hay) rồi năm bảy đứa xúm nhau thút thít, tôi bối rối, nghệt mặt ra. Đến giờ vẫn không hiểu sao hồi đó quê nghèo mà bạn bè thương nhau đến vậy.

Sau 3 tháng huấn luyện tại quân trường Bến Lức (tỉnh Long An), chúng tôi vào chiến trận. Campuchia lúc này vào đầu mùa mưa, trận đầu tiên chúng tôi đánh ở tỉnh Tbong Khmum và không gặp khó khăn mấy vì tàn quân Pol Pot kháng cự yếu ớt. Hơn 3 tháng, chúng tôi quét sạch tàn quân Pol Pot ở nơi này, đồng đội hy sinh ít, đa số chỉ bị thương, do lính mới chưa quen chiến trận.

Bị mìn cướp mất một chân

Mùa mưa năm 1987, chúng tôi đánh địch ở tỉnh Kampong Thom, qua bao làng mạc, phum sóc tôi không nhớ hết, chiến trận nơi đây giằng co ác liệt. Cuối năm 1988, chúng tôi vẫn còn đánh ở Kampong Thom, chiến trận khắc nghiệt hơn và chết chóc xảy ra hằng ngày, cuối cùng cũng giành phần thắng nhưng tiểu đoàn của tôi thiệt hại nhiều, được sáp nhập vào Tiểu đoàn 1 trực thuộc Tỉnh đội Long An.

Mùa sang mùa, chúng tôi đi qua nhiều nơi, đóng quân nhiều chỗ, chiến đấu kiên cường, không còn màng chuyện sống chết.

Kampong Cham - nơi tôi có trận đánh sau cùng đời lính trận. Tháng 4-1989, đơn vị hành quân qua cánh đồng trong đêm tối và bị lọt vào ổ phục kích của Pol Pot. Tôi đi đầu, sát sau tôi là Nguyễn Văn Hoàng (hiện sống ở TP HCM). Tôi giẫm phải mìn, tiếng nổ chát tai và sắc lạnh, tôi đổ gục, phía sau tôi, Hoàng và năm, ba đồng đội khác cũng đổ gục.

Con gái Lê Hải Châu Châu theo bước cha, phục vụ trong quân đội

Con gái Lê Hải Châu Châu theo bước cha, phục vụ trong quân đội

Phút chốc tỉnh lại, tôi nghe tiếng đồng đội hô vang, tiếng đạn liên thanh nổ rêm tai. Có lẽ bị tấn công bất ngờ nên anh em phản ứng bắn loạn xạ, cây 12ly7 khạc lửa liên hồi, tiếng đạn pháo rêm trời, cốt là để thị uy chứ trong đêm tối có phát hiện mục tiêu nào đâu. Khoảng hơn 15 phút, tiếng súng lắng dần, đơn vị tiến sang một mô đất thiết lập trận địa chiến đấu nhưng quân Pol Pot đã lặn mất tăm.

Tôi được đồng đội Nguyễn Văn Đương (hiện sống ở Long An) cõng chạy. Không hiểu sao cái thân hình hộ pháp của tôi mà Đương cõng chạy như bay… Khi ổn định hàng ngũ, kiểm lại quân số còn đủ nhưng bị thương 7 người. Lúc mê lúc tỉnh, tôi thấy chân mình nhẹ tênh và không cử động được nữa, nhìn xuống thấy một chân bị mìn tiện cụt sát gối, chân còn lại bị vạt sạch da, đỏ hỏn và phỏng rát, tôi lịm đi…

Tôi được băng bó rồi đưa về Bệnh viện Mặt trận dã chiến tiền phương 779 điều trị. Ở đây 1 tuần rồi chuyển về Bệnh viện 7C - Thủ Đức, TP HCM, sau đó chuyển qua Quân y viện 175. Từ hơn 75 kg, 4 tháng bị thương, tôi gầy rộc, chỉ còn 45 kg. Quê nhà biết tôi dưỡng thương tại Quân y viện 175, anh Ba (anh ruột tôi) tìm đến thăm. Hồi lâu anh mới nhận ra tôi, bản lĩnh và can trường của người lính trận nên tôi không khóc. Anh tôi mủi lòng nhưng kịp động viên: "Mày còn hên đó Mai, bị thương vầy mà không mất giống là may mắn rồi…", hai anh em nhìn nhau cười mà nước mắt cứ chảy.

Hạnh phúc muộn màng, đơm hoa kết trái

Tháng 8-1989, tôi được đưa về an dưỡng tại Đức Hòa (Long An) rồi về quê cuối năm đó. Thấy tôi về còn một chân, gầy đen, tay chống tó bước đi khó nhọc, má không cầm được nước mắt, ôm chầm lấy tôi nức nở. Tía tôi nói: "Mày còn về được là may rồi con"!

Lê Văn Mai và vợ Nguyễn Thị Mịnh

Lê Văn Mai và vợ Nguyễn Thị Mịnh

Về quê còn lại tấm thân gầy yếu, đầy thương tích (thương binh hạng 2/4, tỉ lệ thương tật 69%), tôi trở lại cuộc sống như xưa thật khó khăn. Những ngày đầu chân còn đau chưa đi chân giả được, phải chống tó với cái chân cụt, má tôi nhìn là khóc. Những cái quần đánh trận sờn rách, tôi cắt nửa ống, còn lại ống rưỡi cho vừa cái chân cụt, cốt là để đỡ vướng víu và khỏi nhột nhạt chỗ cụt, nhìn rất buồn cười. Anh Ba tôi vốn hài hước, nhìn mấy cái quần ống rưỡi đang phơi nổi hứng làm thơ: "Nhà mình có cái quần què/ Có một ông cụt ngồi nghe ông đờn…", má tôi nghe được chửi rùm tai. Tía tôi có lẽ xót con còn trẻ mà mang thương tích nên càng ít nói và tiếng đờn cũng buồn hơn xưa.

Nghĩ về những năm tháng hào hùng, tôi thương những đồng đội mãi nằm lại chiến trường, tôi mạnh mẽ sống và mang tâm nguyện xứng đáng với những người đã hy sinh vì Tổ quốc này.

Khó khăn rồi cũng qua, đám bạn ngày xưa đã tứ tán, lớp bỏ làng theo chồng về xứ khác. Duy có Mịnh - người ngày xưa gói tiền trong khăn tay dúi cho tôi ngày ra trận - thường lui tới thăm hỏi, rồi biểu tôi kể chuyện lính, chuyện đánh trận cho nghe. Có lần Mịnh hỏi: "Mai có cô gái Khmer nào để ý không". Thật thà tôi nói không ai để ý cả nhưng có phải lòng một cô gái Khmer. Mịnh dỗi tôi cả 10 ngày không đến. Tôi thấy thiếu vắng và khắc khoải đợi chờ, rồi Mịnh cũng qua, lại nói tôi kể chuyện đánh trận, Mịnh sờ sờ cái chân cụt rồi hỏi Mai có đau không, tôi cười nói chỉ… nhột chứ không đau.

Mịnh nghe tôi kể chuyện riết đến lúc… chúng tôi về ở với nhau và có bé gái Châu Châu bây giờ. Lúc này, Mịnh đã tiệm tuổi 30, có lẽ vì thương mà lặng thầm chờ tôi cả một thời xuân sắc. Tận đáy lòng tôi phong cho Mịnh anh hùng thời hậu chiến vì đã đợi chờ, vì những năm tháng chịu thương, chịu khó chăm sóc một thương binh và hơn thế, Mịnh đã cúi xuống, dìu tôi đi qua phần đời còn lại.

Con gái nối bước cha

Giờ đây, Châu Châu tiếp bước tôi phục vụ tại Bộ Tư lệnh Quân khu 7. Những ngày TP HCM oằn mình chống dịch, trong màu áo lính Châu Châu ra tuyến đầu, tôi tự hào rơi nước mắt vì biết mình đã thắng trong trận đánh cuộc đời. Là lời thỉnh cầu chứ không phải dạy bảo ai rằng lớp trẻ hôm nay hãy sống sao cho xứng đáng với máu xương của bao lớp cha anh đã đổ vì độc lập tự do của dân tộc, vì chủ quyền và sự trường tồn của Tổ quốc này!

ĐƠN VỊ TÀI TRỢ, ĐỒNG HÀNH

LÊ VĂN MAI

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/nhung-nam-thang-hao-hung-20220427211437267.htm