Những năm tháng hào hùng của lực lượng vũ trang An Giang

Năm 1945, hòa trong khí thế cao trào Cách mạng Tháng Tám năm 1945, quân - dân An Giang nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền. Chiều 26/8/1945, tất cả 'Thanh niên tiền phong' tập hợp tại Thành PC, thành lập đại đội gồm 5 trung đội, mang tên gọi 'Cộng hòa vệ binh', do đồng chí Hùng Cẩm Hòa làm Tổng Chỉ huy. Từ sự kiện này, ngày 26/8 trở thành ngày truyền thống lực lượng vũ trang (LLVT) An Giang.

Thời gian đầu mới thành lập, tương quan lực lượng trên chiến trường không có lợi cho cách mạng tỉnh nhà, nhưng LLVT cùng Nhân dân trong tỉnh đã kiên cường bám trụ, bền bỉ vượt qua mọi khó khăn gian khổ, luồn sâu trong lòng địch, xây dựng phát triển lực lượng, phát triển chiến tranh du kích.

Đầu năm 1947, chỉ sau 2 năm được thành lập, được Khu 9 giúp sức, Chi đội 22 ra đời với 3 đại đội (64, 65 và 66), dân quân du kích xã có từ 1 tiểu đội đến 1 trung đội. LLVT vừa vận động xây dựng, củng cố khối đoàn kết các tôn giáo, dân tộc tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ toàn dân, toàn diện; vừa kết hợp đấu tranh quân sự với vận động chính trị và chiến đấu võ trang tuyên truyền; xây dựng hậu cần tại chỗ, bảo đảm tự lực được lương thực.

Quân dân An Giang phối hợp bộ đội chủ lực Khu 9 đánh nhiều trận, mở đầu chiến dịch giành thắng lợi, như: Trận Chân Đùng - Cái Hố (tháng 7/1947), trận đánh tàu trên sông Sở Thượng (tháng 4/1949), trận cầu sắt Vĩnh Thông (tháng 6/1949), chiến dịch Long Châu Hà I (năm 1950), chiến dịch Long Châu Hà II (năm 1951)… góp phần cùng cả nước đánh thắng thực dân Pháp xâm lược, “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, An Giang vẫn là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về cả quân sự và chính trị. Thời kỳ này, LLVT tỉnh vừa chiến đấu trên chiến trường trong tỉnh, bảo vệ các vùng căn cứ, giữ vững tuyến hành lang biên giới, vừa làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn trên chiến trường Campuchia.

Thành tích tiêu biểu đặc biệt xuất sắc trong giai đoạn này là trận quyết chiến 128 ngày đêm (từ ngày 7/11/1968 đến 23/2/1969) tại đồi Tức Dụp, núi Cô Tô (huyện Tri Tôn). LLVT và Nhân dân An Giang đương đầu với lực lượng quân địch đông gấp 400 lần, chịu hàng ngàn tấn bom pháo ròng rã hơn 3 tháng liền.

Cuối cùng, kẻ thù đã phải trả giá đắt với hơn 2.000 sinh lực bị tiêu hao, tiêu diệt; tốn hàng triệu đô la chiến phí. Chiến thắng Tức Dụp là nỗi kinh hoàng của “Lầu năm góc” và nhiều tướng, tá Mỹ - ngụy. Đồng thời, càng củng cố thêm tinh thần quyết tâm đánh Mỹ đến cùng của quân - dân ta.

Kết thúc kháng chiến chống Mỹ, tỉnh Long Châu Tiền và Long Châu Hà sáp nhập lại thành tỉnh An Giang. LLVT được biên chế tổ chức thành 2 tiểu đoàn bộ binh và một số đại đội binh chủng; mỗi huyện, xã có từ 2 tiểu đội đến 1 đại đội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, LLVT phối hợp với các lực lượng liên quan, dựa vào quần chúng Nhân dân truy lùng bọn tàn quân còn lẩn trốn, tiếp nhận ngụy quân, ngụy quyền ra trình diện, tịch thu vũ khí, phương tiện chiến tranh của địch, tham gia việc chăm lo ổn định đời sống và sản xuất của Nhân dân.

Thời kỳ này, bọn phản động trong nước và nước ngoài ngấm ngầm tổ chức lực lượng để chống phá cách mạng. LLVT phối hợp liên tục truy quét tàn quân địch, đập tan mọi âm mưu và xóa sổ các tổ chức phản động, toán cướp vũ trang… góp phần giữ vững thành quả cách mạng.

“Thù trong” chưa hết thì “giặc ngoài” tràn đến. Bọn Polpot - IêngSary gây ra cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Với phương châm “giúp bạn là tự giúp mình”, LLVT phấn đấu khắc phục mọi khó khăn gian khổ, giúp chiến đấu truy quét tàn quân Polpot; giúp bạn xây dựng, huấn luyện LLVT. Sau 10 năm giúp bạn, LLVT An Giang đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế, để lại tình cảm tin yêu, mến phục của chính quyền và người dân bạn đối với LLVT nói riêng, với Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân tỉnh nhà nói chung.

Trải qua 79 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, LLVT An Giang đã xây đắp nên truyền thống vẻ vang, được Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 9 khen tặng 8 chữ vàng “Chiến đấu anh hùng, xây dựng sáng tạo”. Năm 2000, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho 66 tập thể và 44 cá nhân tỉnh An Giang. Đó chính là niềm tự hào, là động lực tinh thần to lớn, cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh tiếp tục phấn đấu, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tá Nguyễn Thúc Linh, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết: “Chúng tôi rất tự hào với những thành quả mà thế hệ cha anh dày công vun đắp. Kế thừa thành quả cách mạng của thế hệ cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân đi trước để lại, dưới sự lãnh, chỉ đạo của Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 9, trực tiếp là Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp, giúp đỡ của ban, ngành, đoàn thể, địa phương và Nhân dân, LLVT tỉnh đã và đang phát huy truyền thống cách mạng, xây dựng LLVT tỉnh thật sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”.

Kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống LLVT tỉnh An Giang (26/8/1945 - 26/8/2024), Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trân trọng gửi tới các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng LLVT nhân dân, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ cùng toàn thể cán bộ, chiến sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng đã và đang công tác trong LLVT tỉnh qua các thời kỳ lời thăm hỏi ân cần, thân thiết nhất. Kính chúc các đồng chí cùng gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, tiếp tục giữ vững và phát huy truyền thống “Chiến đấu anh hùng, xây dựng sáng tạo” của LLVT tỉnh trên mọi Ĩinh vực công tác và đời sống.

Nhân dịp này, Đảng ủy - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 9; xin cảm ơn các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và Nhân dân các địa phương, cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội đã quan tâm, giúp đỡ, động viên và tạo mọi điều kiện thuận lợi để LLVT tỉnh luôn nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong suốt 79 năm qua.

GIA KHÁNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nhung-nam-thang-hao-hung-cua-luc-luong-vu-trang-an-giang-a403754.html