Du lịch châu Á điêu đứng vì siêu bão

Yagi được ghi nhận là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào châu Á tính đến đầu tháng 9 năm 2024. Sự tàn phá khủng khiếp của siêu bão đã khiến ngành du lịch châu lục này đối diện với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng có kể từ đại dịch Covid-19.

Theo NBC News, tính đến thời điểm này, Yagi là cơn bão lớn nhất ở châu Á trong năm 2024. Chỉ sau vài ngày, Yagi đạt trạng thái siêu bão, càn quét nhiều điểm du lịch nổi tiếng ở các quốc gia châu Á, trong đó có Thái Lan, Lào, Myanmar, Philippines, Trung Quốc và Việt Nam.

Cả Đông Nam Á ngập lụt

 Bão Yagi gây ngập lụt ở thị trấn Mae Sai, tỉnh Chiang Rai, Thái Lan ngày 11/9/2024. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Bão Yagi gây ngập lụt ở thị trấn Mae Sai, tỉnh Chiang Rai, Thái Lan ngày 11/9/2024. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Mưa lớn vẫn tiếp tục kéo dài ở Thái Lan do ảnh hưởng của bão Yagi và gió mùa đã khiến hơn 40 tỉnh thành được đặt trong tình trạng báo động về khả năng xảy ra lũ quét.

Các tỉnh phía bắc như Chiang Rai và Chiang Mai đã ghi nhận ít nhất 9 người thiệt mạng kể từ ngày 10/9. Khoảng 34.000 hộ gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng, với nhiều khu vực rơi vào tình trạng ngập lụt trên diện rộng.

Chính quyền Thái Lan đã ra lệnh triển khai khẩn cấp các biện pháp cứu trợ, đồng thời cảnh báo về tình hình mưa lớn sẽ còn tiếp diễn đến giữa tháng 9, làm gia tăng nguy cơ lũ lụt và sạt lở đất.

 Các tòa nhà bị ngập một phần nằm dọc sông Mekong ở tỉnh Luang Prabang (Lào). Ảnh: VIENTIANE TIMES

Các tòa nhà bị ngập một phần nằm dọc sông Mekong ở tỉnh Luang Prabang (Lào). Ảnh: VIENTIANE TIMES

Lào cũng đang đối mặt với tình trạng lũ lụt nghiêm trọng tại các tỉnh miền Bắc như Luang Namtha, Luang Prabang và Oudomxay. Những cơn mưa lớn từ ngày 7/9 đã khiến nhiều làng bản chìm trong nước, khiến 1 người thiệt mạng và 1 người khác mất tích. Hàng nghìn ngôi nhà và tài sản của người dân đã bị cuốn trôi.

Chính quyền và quân đội Lào đã khẩn trương triển khai lực lượng cứu hộ và cứu trợ, đồng thời thiết lập các trại tạm trú cho những người dân phải sơ tán.

Tình hình càng trở nên phức tạp khi các tuyến giao thông bị chia cắt, nhiều khu vực bị mất điện và gián đoạn dịch vụ viễn thông. Mực nước sông Mekong tại một số khu vực cũng đã đạt mức cảnh báo nguy hiểm, đe dọa các cộng đồng ven sông.

 Người Myanmar lội nước lũ ở Taungoo, vùng Bago, Myanmar, ngày 12/9. Ảnh: AFP

Người Myanmar lội nước lũ ở Taungoo, vùng Bago, Myanmar, ngày 12/9. Ảnh: AFP

Tại Myanmar, thành phố Tachileik thuộc bang Shan đã bị ngập lụt nghiêm trọng do mực nước sông Mae Sai Creek vượt ngưỡng an toàn vào ngày 10/9. Gần 4.000 người dân đã bị ảnh hưởng tại 8 quận, buộc lực lượng cứu hộ phải mở rộng quy mô hoạt động cứu trợ.

Các khu trú ẩn khẩn cấp đã được dựng lên để đảm bảo nơi ở tạm thời cho người dân. Tình trạng mất điện, gián đoạn viễn thông cùng với giao thông bị cản trở đã khiến công tác cứu trợ gặp nhiều khó khăn.

Theo Cục Khí tượng thủy văn Myanmar, bão Yagi kết hợp với mưa gió mùa còn ảnh hưởng đến nhiều khu vực khác của đất nước, bao gồm các bang Mandalay, Ayeyarwady và Rakhine.

Hàng chục điểm du lịch nổi tiếng ở Philippines vị tàn phá

 Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Philippines dùng xuồng cao su sơ tán người dân ở Allen, tỉnh Bắc Samar, ngày 1/9. Ảnh: AP

Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Philippines dùng xuồng cao su sơ tán người dân ở Allen, tỉnh Bắc Samar, ngày 1/9. Ảnh: AP

Bão Yagi đổ bộ vào Philippines tối 1/9, gây ra lũ lụt và sạt lở đất tại nhiều khu vực trước khi rời nước này vào ngày 3/9. Theo MNS, hàng nghìn hành khách bị mắc kẹt vào ngày 2/9. Tiếp đến, 34 chuyến bay nội địa bị hủy và du lịch đường biển ở một số cảng tại Philippines cũng bị hạn chế.

Theo ước tính ban đầu, quốc gia này thiệt hại về cơ sở hạ tầng khoảng 4 triệu USD, tổn thất trong lĩnh vực nông nghiệp là 77.000 USD.

Bộ Phúc lợi Xã hội và Phát triển Philippines cùng các cơ quan chính quyền địa phương đã cung cấp lượng thực phẩm và các hỗ trợ phi thực phẩm với tổng giá trị hơn 1,6 triệu USD tới những khu vực bị ảnh hưởng.

Trung Quốc thiệt hại do siêu bão lên đến 4,5 tỷ USD

 Các nhà chức trách Trung Quốc ước tính thiệt hại do cơn bão gây ra lên đến 4,5 tỷ USD. Ảnh: Sina

Các nhà chức trách Trung Quốc ước tính thiệt hại do cơn bão gây ra lên đến 4,5 tỷ USD. Ảnh: Sina

Sau khi rời khỏi Philippines, Yagi trở thành siêu bão vào ngày 4/9. Ngay sau đó, siêu bão đổ bộ thẳng tới tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) với sức gió lên tới 234km/h. Lúc này, siêu bão mạnh gấp đôi so với thời điểm đi qua Philippines.

Hải Nam vốn được mệnh danh là "Hawaii của Trung Quốc". Nơi đây tự hào với những bãi biển đầy cát, có khu vực lướt sóng, khu nghỉ dưỡng năm sao và khu mua sắm xa xỉ miễn thuế.

Nhằm đảm bảo an toàn trước khi siêu bão đổ bộ, chính quyền phải sơ tán khoảng 460.000 người trên đảo, chủ yếu là khách du lịch và ngư dân. Toàn bộ mọi hoạt động du lịch, vui chơi giải trí tại đây phải tạm dừng bao gồm cả dịch vụ đường sắt cao tốc quanh đảo và đóng cửa sân bay.

Các đại lý du lịch cũng tuyên bố tạm dừng mọi tour đến hòn đảo này. Các khu thiên đường mua sắm miễn thuế nổi tiếng của hòn đảo đều đóng cửa.

Tại sân bay quốc tế Mỹ Lan Hải Khẩu, 52 chuyến bay đã bị hủy và 5 chuyến bay bị hoãn khi cơn bão đổ bộ vào khu vực. Sân bay quốc tế Phượng Hoàng Tam Á có 28 chuyến bay bị hủy và 3 chuyến bị hoãn.

Với hàng trăm chuyến bay bị hoãn hủy trên khắp khu vực, nhiều hành khách bị mắc kẹt ở sân bay. Họ buộc phải kéo dài thời gian lưu trú trong thời gian bão đổ bộ và được chính quyền địa phương hỗ trợ.

Sau bão, chính quyền tỉnh Hải Nam cho biết, sức tàn phá của Yagi vượt quá sức tưởng tượng, thiệt hại 1,67 tỷ USD cho ngành nông ngư nghiệp, du lịch tại địa phương. Thiên tai này đã khiến 4 người chết và 95 người bị thương, với tổng số 526.100 người ở 19 thành phố và huyện ở tỉnh Hải Nam bị ảnh hưởng.

Tại thành phố Văn Xương của Hải Nam, Yagi đổ bộ vào địa danh này vào 6/9. 25.000 ngôi nhà, 18.000 ha cây trồng, 48.100 ha rừng bị bão hủy hoại. Các nhà chức trách địa phương ước tính thiệt hại do cơn bão gây ra lên đến 4,5 tỷ USD.

Khu vực Quảng Đông cũng thiệt hại đáng kể. Hơn 50 chuyến bay bị hủy. Cây cầu nối TP Chu Hải (Quảng Đông) - Ma Cao phải ngừng lưu thông trong giai đoạn có bão.

Khu vực Hong Kong cũng ghi nhận hơn 100 báo cáo về việc cây đổ và có 9 người bị thương do bão.

Du lịch Việt Nam chịu hậu quả nặng nề

 Quảng Ninh là một trong những tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất. Ảnh: VNN

Quảng Ninh là một trong những tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất. Ảnh: VNN

Theo các doanh nghiệp lữ hành, hiện nhiều tuyến du lịch ở miền Bắc Việt Nam, đặc biệt là tại các tỉnh ven biển như Quảng Ninh,Hải Phòng (vịnh Hạ Long, vịnh Lan Hạ, các đảo như Cô Tô, Vân Đồn...) đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi siêu bão Yagi. Nhiều tour đã bị hủy hoặc thay đổi lịch trình để đảm bảo an toàn cho du khách.

Quảng Ninh là một trong những tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất. Hàng loạt ngôi nhà bị sập, hàng trăm người dân chịu thương tổn do bão gây ra. Bên cạnh đó, theo thông tin từ tỉnh Quảng Ninh, bão Yagi đánh chìm hơn 20 tàu ở bến cảng Tuần Châu, nơi đưa khách tham quan Vịnh Hạ Long, khiến chủ tàu thiệt hại hàng tỷ đồng.

Đại diện Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu cũng cho biết, đó mới chỉ là số liệu thống kê tạm thời vì hiện tại, công tác thống kê, xác minh chủ phương tiện vẫn chưa hoàn tất do sóng viễn thông kém, mất điện, nhiều phương tiện đi tránh trú chưa liên lạc được.

Tại khu vực Bãi Cháy, nơi tâm bão tàn phá nhiều nhất là hình ảnh tan hoang, tiêu điều ở các khu du lịch. Thống kê đến ngày 9/9, đã có khoảng 38 tàu, thuyền bị chìm, mất tích; 1.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hại, chìm, mất tích. Số nhà bị tốc mái, hư hại lên đến hàng nghìn.

Ngoài thiệt hại về tàu thuyền, hàng loạt khách sạn ở tỉnh Quảng Ninh cũng đang chịu ảnh hưởng do bão số 3. Những khu lưu trú bị tốc vỡ cửa kính, dột trần nhà, mái, hư hỏng đồ đạc do gió bão, ước tính thiệt hại lên đến vài tỷ đồng. Thậm chí, rất nhiều công ty du lịch - lữ hành, cơ sở lưu trú, quán hàng tạm thời lùi lịch đón khách đến vài tuần để thực hiện công tác dọn dẹp, sửa sang.

Theo hãng Best Price, doanh nghiệp có nhiều đoàn khách với tổng số khoảng 100 khách nước ngoài dự định du lịch Hạ Long, Hải Phòng trong các ngày 7 - 8/9. Tuy nhiên, vì bão số 3 Yagi đổ bộ, mọi lịch trình bị hủy bỏ.

 Đường phố Hải Phòng ngổn ngang trong mưa bão. Ảnh: TL

Đường phố Hải Phòng ngổn ngang trong mưa bão. Ảnh: TL

Không chỉ có ngành du lịch của các tỉnh, thành như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội bị ảnh bởi bão Yagi, hiện tại, mặc dù cơn bão đã qua, nhưng vẫn gây mưa úng, ngập lụt, sạt lở nặng nề ở nhiều tỉnh miền núi. Không ít địa điểm đã ngưng đón khách du lịch để bảo đảm an toàn.

Trước tình hình này các doanh nghiệp lữ hành chắc chắn sẽ giảm doanh thu. Theo nhiều doanh nghiệp, phương án tốt nhất hiện nay là nỗ lực thay đổi tour, tuyến, lịch trình… nếu không, buộc phải hoàn lại tiền cho khách hàng.

Vào ngày 8/9, UBND thị xã Sa Pa đã ra thông báo dừng các hoạt động du lịch ngoài trời; đón khách tham quan tại các điểm di tích, danh thắng trên địa bàn đến khi có thông báo mới. Do ảnh hưởng của bão Yagi, hiện nhiều tuyến đường và các đập tràn ở Sa Pa bị hư hỏng, không bảo đảm an toàn giao thông.

Trước hình ảnh sạt lở của vùng đồi núi, mực nước sông suối dâng cao, nhiều chủ hộ homestay, nhà nghỉ đã chủ động liên hệ rời lịch với những khách đã đặt phòng trước để bảo đảm an toàn.

Vào năm trước, thời điểm này các điểm du lịch ngắm lúa chín nổi tiếng miền Bắc ở Mù Cang Chải và Hoàng Su Phì đang đông đúc khách du lịch. Năm nay, lo ngại về đường sá có thể gây nguy cơ sạt lở bất kỳ lúc nào nên hàng loạt tour và đơn đặt phòng trong hai tuần tháng 9 tiếp theo phải hủy hoặc dời lịch.

Hiện nay, nhiều tỉnh phía Bắc đang khẩn trương khắc phục hậu quả, đưa du lịch trở lại giai đoạn sôi động như trước đây. Song thời gian khắc phục dự kiến sẽ còn kéo dài và chi phí có lẽ là con số không hề nhỏ.

Thủy Tiên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/du-lich-chau-a-dieu-dung-vi-sieu-bao-post312198.html