Những năm tháng không quên...
Đất nước thống nhất, những ''người lính Cụ Hồ'' trở về với cuộc sống đơìthường. Có người lành lặn, có người mang trên mình thương tật suốt đời. Mỗi khi trái gió trở trời, vết thương ấy lại đau nhức. Thế nhưng, họ vẫn lạc quan, cùng chung sức xây dựng quê hương.
1. Nhắc đến Đại tá Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Năm (xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) có lẽ không còn xa lạ với nhiều người. Cuộc đời ông là những năm tháng sống, chiến đấu để bảo vệ đất nước tuy gian lao mà anh dũng. Tiếp chúng tôi trong căn nhà yên tĩnh là người đàn ông với mái đầu bạc nhưng toát lên vẻ nhanh nhẹn, tinh anh của một trinh sát lão luyện năm nào. Nhấp chén trà, ông hồi tưởng cuộc đời mình như một cuốn phim. “Mới đó, đất nước giải phóng được 47 năm mà tôi cứ ngỡ như ngày hôm qua.
Hồi đó, khi nghe đài tại Trung ương Cục miền Nam phát đi thông điệp thắng trận của quân ta và Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, cảm xúc lúc ấy thật không có gì diễn tả hết. Có ai bên cạnh là ôm ghì lấy nhau khóc, quên hết những trận chiến đấu khốc liệt mà thay vào đó là niềm hạnh phúc vỡ òa” - ông Năm nhớ lại.
Ông Năm kể, hồi đó nhà ông Năm ở gần đồn bót của địch. Hàng ngày, chứng kiến sự hung hăng, tàn bạo của quân địch, cậu thiếu niên đã nung nấu ý chí quyết tâm lên đường giết giặc dù gia đình không có ai tham gia cách mạng. Vào một đêm tối, chàng thiếu niên khi ấy mới 15 tuổi đã bỏ nhà ra đi, tham gia vào du kích địa phương. Năm 1964, khi vừa tròn 18 tuổi, ông nhập ngũ vào lực lượng An ninh vũ trang bảo vệ Trung ương Cục miền Nam. Đến tháng 3/1967, ông nhận công tác tại Trung đội 5 (B5) Trinh sát, Đoàn 180.
Với vai trò là bảo vệ căn cứ Trung ương Cục miền Nam, ông cùng đồng đội luôn là “lá chắn thép” tạo sự yên tâm cho Trung ương Cục chỉ đạo cách mạng miền Nam qua các giai đoạn - từ chống “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” đến lúc hoàn toàn đánh bại kẻ thù trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Từng trực tiếp tham gia nhiều trận đánh nhưng có một trận đánh đem về cho ông nhiều chiến công.
Vào ngày 28/12/1967, qua trinh sát nắm tình hình, phát hiện một đại đội biệt kích Mỹ đang đóng tại Trảng Tranh (xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) để bảo vệ căn cứ Thiện Ngôn, ông xin ý kiến cấp trên và trực tiếp chỉ huy tiểu đội tập kích bất ngờ, diệt được gần 70 tên địch. Sau đó, ông cùng một đồng đội tiếp cận đội hình địch, cài 2 trái mìn, tiêu diệt gần như toàn bộ đại đội của địch. Trận đánh này mang về cho ông danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” cấp 1.
Sau khi thống nhất đất nước, ông cùng đồng đội tiếp tục bảo vệ, xây dựng quê hương. Hòa bình được vài năm, người trinh sát quả cảm, gan lì này lên đường làm nghĩa vụ quốc tế tại nước bạn Campuchia. Gần 10 năm chiến đấu chống bọn phản động Pôn Pốt, ông trực tiếp chỉ huy 15 trận đánh lớn, diệt 135 tên địch, bắn cháy 2 xe tăng, thu hơn 100 súng các loại. Đến năm 1988, ông được tạo điều kiện để đoàn tụ gia đình và chuyển về làm Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Long An. Năm 1999, ông nghỉ hưu theo chế độ với cấp hàm Đại tá. Ông từng 3 lần được tặng thưởng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, 3 danh hiệu “Dũng sĩ quyết thắng”, 1 danh hiệu “Dũng sĩ diệt xe cơ giới” và nhiều huân, huy chương. Đặc biệt, năm 2011, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
2. Qua sự giới thiệu của cán bộ ở huyện Đức Hòa, chúng tôi đến nhà ông Huỳnh Văn Khoắn (thị trấn Hậu Nghĩa). Tiếp chúng tôi là người lính già từng cầm súng ở các chiến trường trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bây giờ là một người cựu chiến binh vui với cuộc sống điền viên. Phía trước nhà, ông bố trí một khoảng trống để tiếp khách mỗi khi có người đến thăm. Phía bên trên, ông dành một vị trí trang trọng để đặt danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. “Đây là danh hiệu tập thể, được Chủ tịch nước trao tặng cho tôi và những đồng đội trong trại giam Phú Quốc khi xưa”, nói đến đây, giọng ông chùn xuống.
Đó là sau chiến dịch Mậu Thân năm 1968, ông bị địch bắt tù đày tại trại giam Phú Quốc. Được nghe ông kể về những màn tra tấn dã man của địch, chúng tôi càng khâm phục ý chí của những người chiến sĩ cách mạng. Có nhiều chiến sĩ bị giam cầm trong các nhà đá, bị tra tấn man rợ: Dùng que thép nung đỏ xuyên vào bắp thịt, bẻ răng, rút móng tay,... Nhưng trên hết, đồng đội ông vẫn không khuất phục.
Ông nhớ lại, một buổi chiều năm 1970, đồng đội của ông khoảng 40 người tìm cách vượt ngục. Khi ấy, anh em nghiên cứu kỹ địa hình. “Lúc đó, cứ nghĩ một sống hai chết, bằng mọi cách phải trốn thoát khỏi nhà lao nên anh em vùng lên,... Cuối cùng trong 40 người, chỉ có 27 người may mắn về lại căn cứ an toàn,...”. Sau đó, ông ra đảo Phú Quốc, tiếp tục hoạt động, rồi về lại Trung ương Cục miền Nam,... liên tục thay đổi vị trí theo sự chỉ huy.
Đến năm 1973, ông trở về Long An và hoạt động tại địa bàn Mỹ Hạnh (xã Mỹ Hạnh Bắc và Mỹ Hạnh Nam ngày nay). Tháng 3/1975, trong một trận đánh, ông bị bắt và ở tù lần hai tại Cần Thơ. Sau ngày đất nước giải phóng, hai miền Nam - Bắc thống nhất, ông kinh qua nhiều chức vụ, từng làm Bí thư Huyện đoàn Đức Hòa đến Trưởng phòng Thương nghiệp, Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa, Trưởng Công an huyện, Trưởng phòng Công tác Chính trị Công an tỉnh,... nghỉ hưu với cấp hàm Trung tá.
Hoạt động cách mạng khi còn khá trẻ, đến nay, 74 năm tuổi đời, ông có trên 50 năm tuổi Đảng. Hồi tưởng những chuyện đã qua, điều khiến ông trân trọng nhất chính là cả cuộc đời mình được “Đảng dạy - dân nuôi”. Ông nói, nếu như không có Đảng, không có dân che chở, có lẽ ông không có lý tưởng và không còn sống đến ngày hôm nay.
Ông Khoắn chia sẻ: “Là con người, ai cũng sợ chết. Chiến đấu ở chiến trường khốc liệt mà được lành lặn trở về là may mắn nên vết thương trên thân thể không là gì so với những hy sinh, mất mát của đồng đội. Nếu như không được dân thương, dân quý, dân đào hầm che mắt quân thù thì tôi và một số đồng đội khó lòng thoát được”. Trong thời chiến, dân giấu cách mạng trong nhà như những “quả bom nổ chậm”.
Nghĩ đến chân tình đó, sau ngày hòa bình, ông thường tìm về những gia đình từng cưu mang mình ngày xưa. Có người còn sống, có người qua đời nhưng tình nghĩa đó suốt cuộc đời ông không thể nào quên. Bao năm trôi qua, những người lính Cụ Hồ năm nào giờ đây mái tóc đã bạc. Nhưng dù tuổi cao, sức yếu, họ vẫn là niềm tự hào của thế hệ trẻ, tấm gương sáng để con, cháu noi theo./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nhung-nam-thang-khong-quen--a134499.html