Những nàng dâu Campuchia ở Trung Quốc
Theo số liệu của Trung tâm liên minh lao động và nhân quyền Campuchia, từ năm 2016 đến nay, mỗi năm có khoảng vài trăm phụ nữ và trẻ em gái Campuchia bị các đường dây buôn người đưa sang Trung Quốc dưới chiêu bài 'việc làm nhẹ, lương cao', nhưng khi đến nơi, họ bị ép phải lấy chồng Trung Quốc. Nhiều nạn nhân đã tìm cách bỏ trốn nhưng số thoát được chỉ đếm trên đầu ngón tay…
1. Sau khi ly hôn với người chồng đầu tiên hồi đầu năm 2020, Kunthea ở tỉnh Pursat, Campuchia (tên của các “cô dâu” trong bài đã thay đổi) xin được việc làm trong một nhà máy chế tạo đồ chơi trẻ em ở Phnom Penh và điều đó đồng nghĩa với việc cô phải để lại hai đứa con, nhờ vợ chồng anh ruột chăm sóc.
Tuy nhiên sự suy thoái kinh tế gây ra bởi đại dịch COVID-19 đã khiến mức lương của Kunthea chỉ là 120 USD/ tháng trong lúc cô phải làm việc theo ca 12 tiếng mỗi ngày. Kunthea nói: “Mặc dù tôi đã cố gắng tiết kiệm nhưng mỗi tháng tôi chỉ có thể gửi về cho anh chị tôi 40 USD. Ngay cả dịp Tết Chol Chnam Thmay, tôi cũng không mua nổi cho hai đứa con bộ quần áo mới”.
Tháng 10-2020, một người bạn làm chung với Kunthea cho biết nếu cô chịu sang Trung Quốc và cũng làm việc trong một nhà máy chế tạo đồ chơi, cô có thể kiếm mỗi tháng 1.100 USD. Theo Kunthea, gánh nặng con cái khiến cô nhanh chóng nhận lời mà không cần suy nghĩ: “Vài hôm sau, một phụ nữ đến gặp tôi, ứng trước cho tôi 200 USD kèm theo mảnh giấy ghi địa chỉ ở Phnom Penh. Bà ta nói đầu tháng 11 tôi sẽ lên đường”.
Địa chỉ mà Kunthea tìm đến là một nhà trọ gần bến xe chợ Orussey. Tại đó đã có hơn 30 phụ nữ khác cũng đang chờ để đi Trung Quốc, kể cả một thiếu nữ mới 16 tuổi. Sau 2 ngày ở nhà trọ, người phụ nữ đã ứng trước cho Kunthea 200 USD xuất hiện. Bà ta yêu cầu tất cả mua vé xe đi Lào. Cuộc hành trình kéo dài khoảng 1 tuần rồi khi vào đến thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, họ bị tách thành 4 nhóm, mỗi nhóm lên một chiếc xe khác nhau. Kunthea kể: “Một người đàn ông Trung Quốc nói tiếng Cam rất giỏi, đi theo xe tôi yêu cầu tất cả đưa hộ chiếu và điện thoại cho anh ta để mua sim Trung Quốc. Tuy nhiên khi đến một nơi gọi là Bắc Hải, anh ta chỉ trả lại cho chúng tôi chiếc điện thoại không sim, còn hộ chiếu anh ta vẫn giữ”.
4 ngày đầu tiên trên đất Trung Quốc, Kunthea cùng 8 cô bạn ở trong một căn phòng cửa nẻo đóng kín rồi được chụp ảnh chân dung, ảnh toàn thân mà theo lời gã đàn ông Trung Quốc: “Để làm hồ sơ lao động” nhưng thực tế là để “chào hàng” với những người muốn lấy vợ. Hàng ngày họ được cho ăn uống khá tử tế. Do thừa thãi thời gian, nhóm Kunthea đùa giỡn, trò chuyện, chụp ảnh tự sướng. Đến ngày thứ năm, cửa phòng được mở nhưng chẳng ai dám đi đâu vì không biết tiếng Hoa, giấy tờ đã bị thu hết.
Nhiều tuần lễ trôi qua, 6 trong số 8 phụ nữ cùng nhóm với Kunthea, là những người dễ coi nhất lần lượt được gọi “đi làm” nhưng lúc ấy, chẳng ai biết họ đã bị bắt phải lấy chồng Trung Quốc. Đến lượt Kunthea, thoạt đầu cô được đưa đến một nhà máy chuyên tái chế phế liệu. Tại đó, công việc của cô là rửa sạch tất cả những chất bẩn bám trong vỏ chai nhựa, túi nylon với mức lương 350 USD/tháng. Kunthea cho biết mặc dù không được 1.100USD như lời hứa ban đầu của bà môi giới nhưng dẫu sao, nó cũng hơn hẳn so với lúc cô còn ở Phnompenh.
Thế nhưng đến tháng 8, người đàn ông Trung Quốc nói giỏi tiếng Campuchia xuất hiện. Ông ta bảo Kunthea thu xếp đồ đạc để chuyển sang một chỗ làm mới, lương cao hơn. Tuy nhiên, “chỗ làm mới” của Kunthea lại là nhà của một người đàn ông Trung Quốc ở phía đông tỉnh Giang Tây và tới lúc ấy, Kunthea mới biết mình đã bị bán. Cô nói: “Chồng” tôi cho biết đã phải trả 20.000 USD để mua tôi. Trước khi lấy tôi, “chồng” tôi đã lấy một trong những cô bạn cùng nhóm sang Trung Quốc nhưng do cô này nhiều lần định bỏ trốn nên anh ta đã bán cô ấy cho một người khác. Tôi hiểu rằng nếu muốn trốn thoát, tôi phải làm ra vẻ cam chịu để “chồng” tôi không nghi ngờ…”.
2. Kunthea chỉ là một trong nhiều phụ nữ và trẻ em gái Campuchia bị bán sang Trung Quốc và bị ép buộc phải làm vợ người địa phương. Với chính sách “một con” được Trung Quốc áp dụng từ năm 1979 đến 2015, đã dẫn đến hệ quả mất cân bằng giới tính nghiêm trọng bởi lẽ phát xuất từ tâm lý ưa chuộng con trai, nhiều phụ nữ Trung Quốc khi có thai và khi biết bào thai là con gái, họ quyết định phá bỏ.
Các nhà nghiên cứu xã hội Trung Quốc ước tính có khoảng 30 đến 40 triệu thai nhi là con gái đã “biến mất” trong khoảng thời gian này. Chính vì trai thừa gái thiếu, chi phí trung bình của một thanh niên Trung Quốc dành cho việc kết hôn với người cùng chủng tộc phải mất ít nhất 40.000 USD nên với những người nghèo hoặc thu nhập thấp, lấy vợ là việc “khó như hái sao trên trời”.
Để có con nối dõi, nhiều người chọn “cô dâu” từ những quốc gia khác như Campuchia, Myanmar… Theo Trung tâm liên minh lao động và nhân quyền Campuchia, với những người vợ ấy, họ phải trả cho phía môi giới khoảng 20.000 đến 25.000 USD, còn các cô dâu, tối đa họ hoặc gia đình họ chỉ nhận được chừng 3.000 USD, thậm chí có những trẻ em gái bị chính cha mẹ chúng bán cho các tổ chức buôn người với giá từ 1.000 đến 3.000USD!
Một tường trình của cơ quan giám sát quốc tế Global Initiative Against Transnational Organisation Crime (Sáng kiến toàn cầu chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia) cho thấy sau nhiều năm theo dõi, cơ quan này ghi nhận các cô dâu thường bị đánh đập khi tìm cách bỏ trốn, thậm chí bị đánh nếu không đồng thuận trong vấn đề tình dục. Nếu cô dâu sau vài năm kết hôn mà không sinh được con trai, họ sẽ bị bán cho người khác.
Một trong những trẻ bị bán lúc mới 3 tuổi là Bai Xuefang. Mãi đến khi trưởng thành, Bai mới biết cô không phải là người Trung Quốc mà là người Campuchia, còn cái tên Bai Xuefang là do gia đình đã mua cô đặt cho cô. Theo Bai, một ai đó ở gần nhà cô đã bắt cóc cô rồi bán cho bọn buôn người với giá 1.500 USD. Năm 19 tuổi, Bai lấy chồng ở Bảo Định, tỉnh Hà Bắc và may mắn là cô gặp được một người chồng tốt. Chính chồng cô đã cho Bai biết về lai lịch của cô. Tấm ảnh cô chụp lúc mặc bộ quần áo cưới theo truyền thống Trung Quốc, tay cầm bức hình khi cô mới bị bán được Bai đưa lên mạng đã gây ra một làn sóng xúc động ở Trung Quốc đại lục. Bai nói: “Tôi hy vọng qua tấm ảnh này, cha mẹ tôi ở Campuchia sẽ nhận ra tôi”.
Tổ chức Chab Dai (tiếng Campuchia có nghĩa là “chung tay”) cho biết do đại dịch COVID, 237 nhà máy ở Campuchia đã tạm ngừng hoạt động với khoảng 118.000 công nhân mất việc nên nạn buôn người cũng theo đó mà gia tăng. Trong 3 tháng đầu tiên của năm 2000, cứ 3 ngày lại có một đợt phụ nữ bị bán sang Trung Quốc. Xu hướng này tiếp tục diễn ra vào năm 2021. Từ tháng 1 đến tháng 9, hơn 300 phụ nữ Campuchia đã bị bán trong lúc theo số liệu của Ủy ban Quốc gia về chống buôn người Campuchia, chỉ có 77 phụ nữ may mắn quay về được.
Sok, 22 tuổi là một trong những phụ nữ may mắn quay về được. Trước khi bị bán, cô sống ở phía đông tỉnh Kratie, Campuchia. Tháng 6-2018, có kẻ môi giới đến gặp cô rồi cho biết một nhà máy sản xuất giày ở Trung Quốc đang tuyển người. Theo kẻ môi giới, mức lương đầu tiên của Sok sẽ là 500 USD/ tháng, sau đó tăng lên 600 rồi 1.000USD! Sok kể: “Lúc ấy tôi mới 17 tuổi. Anh trai tôi là trụ cột trong gia đình lại vừa qua đời sau một tai nạn nên tôi nhận lời”.
Thoạt đầu, đúng là Sok được đưa vào nhà máy giày nhưng lương chỉ có 140 USD/tháng. Mới làm hơn 1 tháng, Sok bị buộc phải kết hôn với một thanh niên Trung Quốc. Theo lời Sok, kẻ môi giới hôn nhân đe dọa rằng nếu không chịu lấy người chồng này, cô sẽ bị bán vào nhà chứa! Sok nói: “Tôi như một cái xác biết đi trong đám cưới. Ngay trong đêm tân hôn, tôi quyết định phải bỏ trốn dù tôi chưa hình dung được mình sẽ trốn bằng cách nào”.
Những tháng sau đó, Sok cố gắng đóng vai “vợ hiền, dâu thảo”. Mất nhiều lần van xin năn nỉ, “chồng” cô mới cho phép cô được sử dụng điện thoại để xem phim trực tuyến với lời dặn “tuyệt đối không được liên lạc với người Campuchia”. Mò mẫm mãi, Sok tìm ra cách vượt tường lửa vào trang Facebook. Trên trang này, cô gửi tin nhắn đến nhiều người quen ở Campuchia, nhờ báo cho mẹ mình.
Ngày 10-10-2019, lần đầu tiên Sok liên lạc với mẹ và được biết mẹ cô đã đến Bộ Nội vụ Campuchia để nói về trường hợp của cô. Mấy hôm sau, cảnh sát Trung Quốc đến nhà chồng cô rồi giữa tháng 12-2020, Sok trở về Phnom Penh. Cô nói: “Thời gian ở đồn cảnh sát, họ không coi tôi là nạn nhân của mua bán người mà chỉ là vợ chồng không hòa thuận. Họ buộc tôi phải quay về nhà chồng nhưng nhờ sự can thiệp của Chính phủ Campuchia, tôi mới tự do”.
Với Kunthea, cô cũng may mắn được trở về quê hương nhưng con đường của cô gian nan hơn Sok. Tháng 8-2021, một tuần sau khi bị buộc phải lấy “chồng” rồi khi cùng “chồng” đi mua sắm, cô chạy thẳng vào đồn cảnh sát nằm cạnh siêu thị nhưng ngay lập tức, cảnh sát thông báo cho chồng cô. Kunthea nói: “Người phiên dịch cho tôi cho biết nếu tôi không theo chồng về, tôi sẽ phải ở tù 1 năm vì nhập cảnh Trung Quốc trái phép, còn nếu quay về với chồng thì tôi biết mình sẽ phải ở lại mãi mãi”.
Cuối cùng, Kunthea chấp nhận ở tù với hy vọng mong manh là sau 1 năm, cô sẽ bị trục xuất về Campuchia. Cô bị giam một mình trong một căn phòng không có cửa sổ. Trong nhiều tuần, Kunthea chẳng hề nhìn thấy ánh sáng mặt trời nhưng cô không biết là ở Campuchia, mẹ và anh trai cô đang cố gắng thuyết phục chính quyền tìm cách cứu cô. Trên trang Facebook của Phó Thủ tướng Campuchia là ông Sar Kheng, anh trai cô viết: “Em gái tôi được đưa đến Trung Quốc làm việc nhưng đã bị bán”, kèm theo đó là địa chỉ gia đình “chồng” Kunthea.
Vài ngày sau, gia đình Kunthea nhận được thư từ nhà chức trách Campuchia, nội dung: “Kunthea sắp về nước”. Cuối cùng, khi đoàn tụ với các con vào tháng 11-2021, Kunthea đã rất vui mừng: “Con tôi lao vào lòng tôi. Nó vừa khóc vừa gọi: “Mẹ ơi”, nhưng đứa thứ hai thì đã quên tôi vì khi tôi đi, nó còn quá nhỏ”.
Hiện tại, chưa có một con số chính thức nào về những phụ nữ Campuchia bị bán nhưng theo trang tin Thmey Thmey, Campuchia, chỉ riêng các tỉnh Quảng Đông, Vân Nam, Quý Châu, đã có khoảng 10.000 phụ nữ Campuchia làm thủ tục đăng ký kết hôn với người Trung Quốc. Những kẻ buôn người đã đe dọa họ nhằm ngăn không để họ bỏ trốn hoặc thông tin ra bên ngoài.
Trong một đoạn ghi âm được công bố trên mạng, có thể nghe thấy giọng nói của một phụ nữ bằng tiếng Campuchia, được cho là ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc: “Nếu mày không theo chồng, nếu mày muốn bỏ chồng, mày sẽ vào tù và sẽ được ăn cơm gạo đỏ…”. Su, một cựu cảnh sát ở miền đông Trung Quốc cho biết tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở những vùng nông thôn, nơi các cơ quan thực thi pháp luật miễn cưỡng công nhận buôn người là tội ác.
Su nói: “Cảnh sát không xem họ là nạn nhân. Hầu hết đều ác cảm với họ, rằng họ là những người tự nguyện bán mình để có một cuộc sống tốt hơn. Nhưng khi về làm vợ ở những vùng nông thôn và lúc biết “chồng” mình nghèo, họ trở mặt nói là họ bị bán và bị cưỡng hiếp…”.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/nhung-nang-dau-campuchia-o-trung-quoc-i666000/