Những nền kinh tế có giá trị tài sản trên đầu người cao nhất thế giới

Đồ thị thông tin gồm 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có mức tài sản bình quân và trung vị cao nhất thế giới, theo dữ liệu từ báo cáo Global Wealth Report năm 2024 của ngân hàng UBS...

Năm 2023, giá trị tài sản toàn cầu tăng 4,2% nhờ thị trường chứng khoán phục hồi. Đồ thị thông tin gồm 10 quốc gia, vùng lãnh thổ có mức tài sản bình quân và trung vị cao nhất thế giới, theo dữ liệu từ báo cáo Global Wealth Report năm 2024 của ngân hàng UBS.

Tài sản bình quân đầu người được tính bằng cách chia tổng tài sản của quốc gia/vùng lãnh thổ cho dân số trưởng thành. Con số này có thể bị sai lệch khi có những giá trị cực thấp hoặc cực cao như tài sản của các tỷ phú.

Dưới đây là 10 nơi có mức tài sản bình quân đầu người cao nhất thế giới năm 2023 trong số 56 quốc gia/vùng lãnh thổ chiếm 92,2% dân số toàn cầu.

Theo đó, Thụy Sỹ dẫn đầu với tài sản bình quân đầu người năm 2023 là 709.612 USD, tăng từ 685.226 USD của năm 2022. Thụy Sỹ cùng đa số quốc gia/vùng lãnh thổ khác trong danh sách này như Luxembourg và Singapore là những nơi có quy mô dân số nhỏ và có ngành tài chính phát triển. Đây là các nền kinh tế thu hút đầu tư nước ngoài lớn và có chính sách thông thoáng dành cho doanh nghiệp. Đơn cử, Singapore miễn thuế thu nhập từ vốn đầu tư và cổ tức.

Xét theo khu vực, châu Âu, Trung Đông và châu Phi có tài sản bình quân đầu người là 166.000 USD. Mức bình quân của châu Á-Thái Bình Dương là 156.000 USD, châu Mỹ là 146.000 USD.

Nếu xét theo mức tài sản trung vị, một phương pháp đo mang tính đại diện hơn, xếp hạng có sự thay đổi lớn. Tài sản trung vị là giá trị chia tổng tài sản của dân số làm hai nửa, một nửa dân số có nhiều hơn và nửa còn lại có ít hơn. Mức tài sản trung vị là giá trị tài sản chính giữa của hai nửa dân số này.

Theo bảng bên dưới, giá trị tài sản trung vị trên đầu người trưởng thành thấp hơn đáng kể so với tài sản bình quân đầu người trưởng thành tại nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ. Điều này cho thấy khoảng cách tài sản giữa các nhóm dân số. Tại Thụy Sỹ, hai con số này chênh lệch nhau 4 lần. Ở Mỹ, mức chênh lệch là gần 5 lần.

Theo cách tính này, Luxembourg là quốc gia dẫn đầu. Đây là quốc gia có mật độ triệu phú đông nhất thế giới, chiếm 16% dân số, cao hơn đáng kể so với mức bình quân 1,5% của 56 quốc gia/vùng lãnh thổ được phân tích. Với dân số hơn 653.000 người, Luxembourg không có tỷ phú nào.

Australia và Bỉ cũng tăng hạng theo cách tính này. Trong đó, Bỉ có khoảng cách không đáng kể giữa giá trị tài sản bình quân và trung vị, một phần nhờ tỷ lệ sở hữu nhà cao. 10% dân số Bỉ sở hữu ít nhất một căn nhà.

Trang Linh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nhung-nen-kinh-te-co-gia-tri-tai-san-tren-dau-nguoi-cao-nhat-the-gioi.htm