Những nẻo đường trên tuyến Quốc lộ Quản lộ Phụng Hiệp

Quốc lộ Quản lộ Phụng Hiệp đi xuyên qua 4 tỉnh: Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, tổng chiều dài hơn 100km. Đoạn trên địa bàn Sóc Trăng đi qua huyện Mỹ Tú và thị xã Ngã Năm hơn 30km. Tuyến quốc lộ này nằm trên bờ kênh Quản lộ Phụng Hiệp, vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy, nối dài từ vùng sông nước Cà Mau qua Ngã Năm, Ngã Bảy, Trà Ôn, Mỹ Tho đến Thành phố Hồ Chí Minh phồn hoa. Nó giúp phá thế độc đạo của Quốc lộ 1, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Kỳ 1: Về xứ tràm Long Hưng

Từ Phụng Hiệp, Hậu Giang đến huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng đi qua địa bàn xã Long Hưng và xã Hưng Phú dù chỉ một đoạn khá khiêm tốn, nhưng vùng đất này vốn nổi tiếng trũng phèn, với cây tràm chủ lực. Trước đây, nơi đây chỉ có đường lộ nông thôn, nắng bụi, mưa sình lầy lội với vô số cầu khỉ lắt lẻo bắc qua các con kênh rạch như mạng nhện, làm thót tim bao người đi qua. Ngày nay, nhờ có cung đường này mà xứ tràm ngày nào đã thay da đổi thịt từng ngày. Những căn nhà khang trang, quán xá "mọc lên như nấm". Xe cộ tấp nập qua lại ngày đêm, góp phần rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong chuyến hành trình khám phá tuyến Quốc lộ Quản lộ Phụng Hiệp vào hạ tuần tháng 10, điểm đến đầu tiên của chúng tôi là vùng đất Long Hưng anh hùng của huyện Mỹ Tú. Nơi đây có một địa danh mà người dân địa phương quen gọi là Búng Tàu. Địa phương này là nơi giao nhau của ba con sông hợp thành, thuộc thị trấn Búng Tàu (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) và xã Long Hưng (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng). Kinh tế của vùng đất này chủ yếu dựa vào nông nghiệp với các loại cây trồng: tràm, lúa, mía, cây ăn trái…

Xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) đang từng ngày thay da đổi thịt. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) đang từng ngày thay da đổi thịt. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Đi dọc tuyến lộ này dễ dàng bắt gặp hình ảnh người nông dân chất phác đang vô chân mía, cấy tỉa tràm non, chăm sóc ruộng dứa (khóm), vườn cây,… Và có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng với màu xanh man mác, màu hy vọng ở tương lai của ruộng mía, của rừng tràm cùng nhiều sản vật địa phương khác.

Từ xa xưa, cây mía, cây tràm đã có tiếng trong vùng. Trải qua bao thế hệ, sự thăng trầm của lịch sử, những liếp mía, rừng tràm ngày nào giờ vẫn mượt mà màu xanh của lá. Từ khi có quốc lộ này đi ngang qua, nhiều hộ dân đã chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với điều kiện địa phương, đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng tốt hơn.

Anh Trần Văn Hùng ở xã Long Hưng thông tin: "Từ năm 2020, tôi chuyển đổi hơn 1,5ha đất để trồng dứa, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn cây mía, cây ăn trái. Tôi và người dân ở đây được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú, UBND xã Long Hưng hỗ trợ, tạo điều kiện liên kết với doanh nghiệp cung ứng giống, hỗ trợ kỹ thuật, thu mua khi thu hoạch dứa, tạo đầu ra ổn định cho vườn dứa của người dân ở đây. Bà con thật sự phấn khởi".

Đi trên con đường xưa, tôi bỗng nhớ tới chuyến ghé thăm bất ngờ vào lung Béc Trang cùng anh bạn đồng nghiệp từ nhiều năm về trước. Chuyến đi lần đó, chúng tôi ngồi trên chiếc vỏ lãi thuê được của người dân. Nhìn xung quanh, chúng tôi chỉ thấy sự vắng lặng, hoang vu của một vùng bưng trũng. Nếu không “bận tâm” chuyến về Búng Tàu thì có lẽ ghé vào lung Béc Trang là điểm dừng chân đầu tiên hôm nay của tôi.

Đồng chí Trần Bé Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã Long Hưng cho biết:

Xã Long Hưng có lợi thế với các trục giao thông phát triển, tạo lợi thế cho xã, đặc biệt là Quốc lộ Quản lộ Phụng Hiệp tạo thông thoáng cho vận chuyển hàng hóa, lưu thông đi lại của người dân, đời sống người dân có nhiều bước phát triển. Khi Quốc lộ Quản lộ Phụng Hiệp đi qua địa bàn, người dân hưởng lợi từ việc mở các cơ sở mua bán, các quán phục vụ ăn uống rất sung túc; tạo điều kiện để các mặt hàng nông sản của địa phương được tiếp cận với thị trường tốt hơn. Thời gian qua, lợi nhuận từ trồng lúa rất cao, bình quân khoảng gần 50 triệu đồng/ha/vụ. Bên cạnh đó, xã có mô hình liên kết với Công ty Werstfood trồng dứa với lợi nhuận 170 - 180 triệu đồng/ha/vụ, trồng đu đủ Nhật lợi nhuận khoảng 290 triệu đồng/ha.

Mô hình trồng dứa mang lại hiệu quả cho người nông dân tại xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng). Ảnh: HOÀNG PHÚC

Mô hình trồng dứa mang lại hiệu quả cho người nông dân tại xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng). Ảnh: HOÀNG PHÚC

Có dịp ghé vào một quán cà phê trên tuyến Quốc lộ Quản lộ Phụng Hiệp có bán các sản vật địa phương: ốc bươu, ốc lác, chuột đồng, cam, quýt... chúng tôi được anh chủ quán thông tin, trồng tràm hay trồng mía cũng na ná như trồng cây lúa; có năm trúng mùa, trúng giá, cũng có năm giá cả bấp bênh. Theo anh Nguyễn Văn Đắng ở xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú, từ khi có tuyến Quốc lộ Quản lộ Phụng Hiệp, nhiều người dân ở đây đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn. Nhiều người có thêm nguồn thu nhập nhờ việc kinh doanh, mua bán dọc tuyến đường. Bà con nơi đây bắt đầu trồng nhiều loại cây trồng khác cho thu nhập tốt hơn chứ không trồng cây tràm nhiều như ngày xưa nữa. Hồi trước chỉ có cây mía, cây tràm nhưng cả chục năm nay đã có nhiều vườn cây ăn trái khác mang nhiều lợi nhuận cho bà con nơi đây.

Anh chủ quán chỉ tay về hướng mấy thúng ốc, lồng chuột, bàn cam, quýt cười nói: "Coi đơn giản vậy đó, chỉ bán lai rai thôi nhưng dư tiền ăn hằng ngày, thu nhập gấp mấy lần bán cà phê, có ngày "trúng mánh" cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng là chuyện bình thường...".

Từ giã anh chủ quán vui tính, tôi chạy xe dọc cung đường quản lộ như để tận mắt thẩm định những mảnh vườn cây ăn trái nhanh chóng bén rễ trên vùng đất trũng phèn này. Nhìn những ruộng dứa, ruộng đu đủ với màu lá xanh đậm từ phù sa của thiên nhiên khiến tôi cứ băn khoăn, vì sao loài cây này lại phù hợp với vùng được mệnh danh là rốn phèn đến vậy.

Để tìm được nhà anh bạn "nối khố", tôi phải chạy tới, chạy lui và mấy lần hỏi thăm mới ghé được căn nhà mái ngói khang trang, rộng rãi, nổi bật. Bữa tiệc nhỏ cùng mấy anh hàng xóm với những món ăn toàn "cây nhà lá vườn": Ốc luộc chấm cơm mẻ, chuột khìa, rắn bông súng xào bông súng (món ăn này thật lạ nhưng lại rất ngon).

Tàn tiệc, trời cũng đã quá xế chiều, tôi cảm thấy tiếc nuối khi không "đột kích" một lần nữa vào lung Béc Trang thăm mấy ông bạn già trong đó. Không biết những miếng ruộng trồng sen, những mảnh vườn trồng cây trôm giờ phát triển đến đâu. Rồi tôi chợt nhớ lời của anh bạn nhậu khi nãy: "Xứ mình bây giờ kiếm một căn nhà lá “làm thuốc” cũng không có, nhà tường trăm phần trăm, còn xe mắc tiền cũng không phải là chuyện hiếm".

Nhóm tác giả
(Còn tiếp)

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/soc-trang-tiem-nang-va-phat-trien/202410/nhung-neo-uong-tren-tuyen-quoc-lo-quan-lo-phung-hiep-3912b10/