Huyện Mỹ Tú tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững

Những năm qua, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) luôn xác định sản xuất nông nghiệp là thế mạnh trong phát triển kinh tế của địa phương. Từ đó, cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện đã tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, xây dựng chuỗi giá trị sản xuất bền vững nhằm từng bước phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại.

Theo đồng chí Nguyễn Thanh Điền - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp được cấp ủy, chính quyền, các ngành trong huyện triển khai đồng bộ, chặt chẽ, phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng, trong đó tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng hiệu quả. Đồng thời, huyện cũng thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nông dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ về giảm tổn thất sau thu hoạch, phát triển thủy sản, qua đó đã giúp nông dân ổn định sản xuất.

Nuôi cá đăng quầng đang được xem là mô hình hiệu quả trong chuyển đổi cơ cấu mùa vụ trên địa bàn huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng). Ảnh: TẤN PHÁT

Nuôi cá đăng quầng đang được xem là mô hình hiệu quả trong chuyển đổi cơ cấu mùa vụ trên địa bàn huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng). Ảnh: TẤN PHÁT

Trong 9 tháng của năm 2024, toàn huyện đã xuống giống được trên 53.200ha lúa, trong đó, sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm 93,89%, một số giống lúa được gieo trồng chủ yếu như: ST, RVT, Đài thơm 8, OM18, OM5451, diện tích có hợp đồng liên kết bao tiêu, tiêu thụ chiếm 16,81% diện tích xuống giống. Đồng thời, tình hình gieo trồng hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày diễn ra ổn định, thích ứng với biến đổi khí hậu, diện tích gieo trồng 5.719ha với chủ lực là các loại cây trồng như: rau ăn lá, bắp, khoai, ớt. Bên cạnh đó, diện tích cây ăn trái trên địa bàn huyện là trên 1.552ha, trong đó có 531ha trồng cây chất lượng cao, chủ yếu với các loại cây trồng như: cam, quýt, bưởi, chanh. Hiện nay, ngành nông nghiệp của huyện đang tập trung rà soát các loại cây ăn trái chủ lực để thực hiện cấp mã số vùng trồng, qua đó đã thực hiện cấp mã số vùng trồng trên cây quýt đường ở xã Hưng Phú với diện tích 29,6ha.

Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Mỹ Tú đã chú trọng thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng địa phương. Trong đó giảm dần diện tích lúa Xuân - Hè, lúa Thu - Đông sang trồng màu, nuôi cá đăng quầng, luân canh 1 vụ sen, 1 vụ lúa, vận động nhân dân cải tạo, nâng chất diện tích cây ăn trái, chuyển đổi đất mía kém hiệu quả sang trồng khóm MD2 có hợp đồng hỗ trợ bao tiêu và liên kết tiêu thụ sản phẩm ổn định. Thời gian qua, mô hình nuôi cá đăng quầng được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú quan tâm nhân rộng tại các xã vùng trũng như: xã Mỹ Tú, xã Hưng Phú, xã Mỹ Phước với khoảng 500ha diện tích thả nuôi. Nuôi cá đăng quầng không chỉ là mô hình mang lại thu nhập ổn định cho người dân do chi phí đầu tư thấp, tận dụng được nguồn thức ăn từ môi trường tự nhiên mà còn có lợi ích giúp tăng độ phì nhiêu cho đất, giảm chi phí phân bón cho mùa vụ lúa tiếp theo, tăng năng suất lúa.

Anh Lê Văn Cường, ấp Mỹ An, xã Mỹ Tú cho biết:

Sau vụ lúa Hè - Thu, tận dụng diện tích đất trồng lúa ngập nước không canh tác, tôi đầu tư mua lưới bao quanh ruộng, mua thêm 100kg cá giống về thực hiện mô hình nuôi cá đăng quầng. Hiện cá đang phát triển tốt nên tôi rất phấn khởi, mô hình này giúp tôi có thêm thu nhập trong thời gian bỏ đồng chờ nước rút để sản xuất lúa vụ Đông - Xuân.

Ông Lê Văn Thương ở ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Tú cũng đã thực hiện mô hình nuôi cá đăng quầng trong vài năm qua. Kết thúc vụ lúa Hè - Thu, ông Thương bắt đầu thực hiện bao lưới xung quanh 30 công ruộng ngập nước của gia đình để giữ cá đồng tự nhiên; đồng thời thả thêm các giống cá rô, cá mè để tăng sản lượng. Mô hình nuôi cá đăng quầng giúp ông tăng thêm thu nhập trên 40 triệu đồng/vụ.

Lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) đến tham quan mô hình nuôi hươu sao sinh sản và lấy nhung của hộ dân. Ảnh: TẤN PHÁT

Lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) đến tham quan mô hình nuôi hươu sao sinh sản và lấy nhung của hộ dân. Ảnh: TẤN PHÁT

Song song đó, tình hình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện có sự phát triển thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát. Tổng đàn gia súc trên địa bàn huyện hiện nay đạt trên 28.500 con, đàn gia cầm đạt trên 697.500 con, huyện hiện có 18 nhà yến, diện tích thả nuôi thủy sản trên 3.800ha. Đồng thời, huyện đã quan tâm xây dựng các mô hình chăn nuôi là lợi thế của vùng như: mô hình nuôi dê, nuôi bò, vịt trời, nuôi ba ba… Đặc biệt, thời gian gần đây, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi mới có tiềm năng phát triển, trong đó mô hình nuôi hươu sao sinh sản và lấy nhung cho nhiều triển vọng. Cụ thể, huyện Mỹ Tú có 3 mô hình nuôi hươu sao tại xã Thuận Hưng và xã Phú Mỹ. Hươu sao tương đối phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết, đặc biệt là vùng chuyên sản xuất nông nghiệp như huyện Mỹ Tú, người nuôi có thể tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp sẵn có để làm thức ăn, giảm chi phí chăn nuôi.

Cách đây 2 năm, sau khi tìm hiểu qua nhiều kênh thông tin, gia đình ông Lâm Khel, ấp Trà Lây 2, xã Thuận Hưng đã mạnh dạn đưa giống hươu sao từ tỉnh Tiền Giang về nuôi. Theo ông Khel, hươu sao thích hợp với thổ nhưỡng của địa phương lại có giá trị kinh tế cao thông qua việc bán nhung hươu và bán những con cái. Trong quá trình nuôi ít tốn công chăm sóc, ít tốn chi phí thức ăn, được công ty bao tiêu sản phẩm nên gia đình rất phấn khởi. Hiện đàn hươu sao của gia đình ông phát triển khỏe mạnh, từ 14 con ban đầu đã tăng đàn thêm 2 con.

Huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) tập trung phát huy lợi thế của huyện, từng bước phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại. Ảnh: TẤN PHÁT

Huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) tập trung phát huy lợi thế của huyện, từng bước phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại. Ảnh: TẤN PHÁT

Với nhiều mô hình, cách làm mang lại hiệu quả cao, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện Mỹ Tú thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Để tiếp tục phát huy lợi thế của huyện, từng bước phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành huyện Mỹ Tú sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp đặc điểm thực tế từng địa bàn, đẩy mạnh các mô hình sản xuất là thế mạnh vùng cao và vùng trũng, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, sản xuất hàng hóa với quy mô lớn gắn với thị trường tiêu thụ. Đồng thời đẩy mạnh xây dựng và đăng ký cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi cho sản phẩm chủ lực của huyện, từng bước đưa sản phẩm nông sản lên các trang thương mại điện tử và tập trung triển khai thực hiện Đề án Phát triển bền vững một triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long.

TẤN PHÁT

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/huyen-my-tu/202410/huyen-my-tu-tap-trung-chuyen-oi-co-cau-cay-trong-vat-nuoi-phat-trien-nong-nghiep-theo-huong-ben-vung-13a670b/