Những nẻo đường xuân nơi biên viễn
Ngày Tết. Không khí vui tươi, nô nức trải dài trên khắp các bản, làng vùng biên Mường Lát. Sự rộn rã đến từ những tiếng khèn, tiếng sáo, lời ca của bà con các dân tộc Mông, Thái, Mường, Dao... Xuân Quý Mão này, với bà con vùng biên đầm ấm, sum vầy hơn xuân trước - thời điểm mà toàn dân phải căng mình chống dịch COVID-19. Và, một lý do không thể vui hơn - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 29-9-2022 về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Một cơ chế đặc thù, mở ra vận hội mới để Mường Lát sớm thoát khỏi huyện nghèo.
Như thường lệ, những ngày cuối năm tôi lại tất bật chuẩn bị cho chuyến về Mường Lát để được trải nghiệm không khí những ngày xuân ở nơi rẻo cao miền biên viễn. Được nghe tiếng khèn, tiếng sáo của những chàng trai, cô gái người Mông; điệu khặp, nhịp khua luống của đồng bào dân tộc Thái... những món ăn tinh thần ấy tự bao giờ đã trở thành dư vị không thể thiếu. Con đường ngược biên hôm nay, không còn khó như những thập niên về trước. Theo Quốc lộ 47, ra đường Hồ Chí Minh, vào Quốc lộ 15 rồi rẽ sang Quốc lộ 15C lên huyện Mường Lát, gần 300km đường đã được nâng cấp, mở rộng và thảm nhựa. Nói vui mà thực, như lời anh tài xế, có lỡ chợp mắt, tỉnh dậy đã chạm “Cổng trời”. Giao thông thuận lợi, phần nào cũng rút ngắn thời gian di chuyển của chúng tôi, chỉ khoảng chừng 5 giờ đồng hồ. Nhắc lại nhớ, có lần trò chuyện cùng Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, ông Nguyễn Văn Bình, từng nói về vai trò của đường giao thông trong phát triển kinh tế của huyện nhà. Rằng, nhờ sự thuận lợi của đường sá mà cành đào, cành mận hay gùi măng khô, bao lúa nếp nương Cay Nọi... của bà con Mường Lát xuôi được phố thị, ra được thị trường. Người miền xuôi biết được những sản phẩm của huyện miền biên, điều này có vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển sản phẩm mang tính hàng hóa của huyện.
Non nửa ngày di chuyển, xe chúng tôi cũng chạm địa danh “Cổng trời” (thuộc xã Trung Lý, huyện Mường Lát). Nán lại để hít hà cái không khí non cao vời vợi, nhìn ngắm những quầng mây đương ôm trọn ngọn núi, bản làng người Mông bình dị. Địa danh “Cổng trời” tự bao giờ đã trở thành điểm trung chuyển, mua bán của bà con người Mông. Tôi nhớ, mùa đào, mùa mận hay mùa dưa... mùa nào thức ấy, bà con người Mông lại gùi chở lên “Cổng trời” để bán. Tết này, ở “Cổng trời” là những cành đào đá, những bó lá dong riềng, buồng chuối, con lợn mán đen... Hóa ra, dọc đường đi, những chuyến xe chở đào xuôi phố của cánh thương lái bắt nguồn từ đây. Trong làn sương mờ ảo, xe chúng tôi chầm chậm lướt qua những bản làng người Mông các xã Trung Lý, Nhi Sơn, Pù Nhi... Sự đổi thay dễ nhận thấy không chỉ ở đường - trường - trạm được đầu tư khang trang, mà trên chính mảnh đất vốn một thời độc canh của cây thuốc phiện, đến nỗi được mệnh danh là “lãnh địa”, là “thủ phủ” ấy, giờ đây đã được thay thế bằng những nương ngô, rẫy sắn; cao hơn là những đồi xoan, đồi lát xanh mướt.
Xe dừng ở điểm hẹn, trước căn nhà sàn của già làng Hơ Chứ Hơ, nguyên trưởng bản Cá Nọi, xã Pù Nhi. Căn nhà vốn lúp xúp, lụp xụp năm nào tôi từng ghé, nay đã khang trang, tươm tất. Ông Hơ hồ hởi sau cái bắt tay nắm chặt với chúng tôi, vui vẻ kể về thực tại: “Bà con người Mông đoạn tuyệt được với cây thuốc phiện rồi! Cái bụng giờ no ấm hơn, không còn bị hành hạ bởi những cơn nghiện do đói thuốc như trước!”. Dù đã gần 30 năm trôi qua, kể từ ngày “nguồn sống” là cây thuốc phiện của đồng bào Mông bị triệt tiêu, nhưng ông Hơ vẫn nhớ như in chuyện hàng trăm người Mông từ các tỉnh phía Bắc như Sơn La, Lào Cai, Yên Bái... di cư vào các xã Trung Lý, Nhi Sơn, Pù Nhi, Tam Chung (Mường Lát). Đi đến đâu, người Mông phá rừng, phá nương để trồng thuốc phiện đến đó. Cứ đến dịp cuối năm, bản làng người Mông lại bạt ngàn một màu tím của hoa anh túc. Những tưởng không có loại cây trồng nào có thể thay thế, nhưng Chỉ thị 06/CT/TW của Chính phủ (năm 1996) ban hành cùng hàng loạt chính sách khuyến khích, khích lệ người dân như Chương trình 134, 135... Chỉ 3 năm, bản làng người Mông xóa bỏ được cây thuốc phiện. Tài thật!... Dẫu rằng, nói như ông Lâu Gia Pó, nguyên Chủ tịch UBND xã Pù Nhi thì, thời điểm đấy để triệt tiêu hoàn toàn được cây thuốc phiện là cuộc chiến lâu dài, dai dẳng nhiều năm sau đó.
Trong căn nhà của ông Hơ, câu chuyện về bài trừ cây thuốc phiện vẫn rôm rả, chưa hồi kết. Ông Hơ hãnh diện khi khoe với chúng tôi về bản Cá Nọi hôm nay đã khởi sắc: “Từ 75 hộ, giờ Cá Nọi đã tăng lên 145 hộ. Cả bản từ độc canh cây thuốc phiện, nay không có gia đình nào trồng, trong bản không một ai nghiện thuốc phiện. Bà con đã gắn bó với cây lúa nước, với ngô, cây sắn. Xã Pù Nhi còn lập đề án thâm canh vùng trồng mận, đào. Thanh niên trong bản hăng say phát triển vùng cây ăn quả; cán bộ biên phòng hỗ trợ con giống; ngân hàng chính sách xã hội cho vay vốn mua con bò, con trâu. Vui hơn cả khi con em đồng bào Mông ngày ngày cắp cặp đến trường tìm con chữ, rồi vào đại học, cao đẳng, đi xuất khẩu lao động”.
Sự đổi thay của bản Cá Nọi nói riêng, những bản làng người Mông vùng biên hôm nay là sự quan tâm, hỗ trợ từ Trung ương đến tỉnh, huyện. Song, Mường Lát hãy còn nghèo. Cái nghèo đặc thù của một huyện đặc thù. Đặc biệt, bà con vùng biên dễ bị tổn thương bởi thiên tai, bão lũ và sạt lở đất. Nói như Đại úy Nguyễn Văn Thiện, Chính trị viên Phó Đồn Biên phòng Tam Chung "chuyện thoát nghèo với bà con vùng biên là “con đường dài”, còn tái nghèo có thể chỉ sau một cơn bão, một trận lũ. Chẳng đâu xa, trận “đại hồng thủy” đầu tháng 9-2018 ập đến là một thảm họa với các xã vùng biên Mường Lát. Con đường tỉnh 521E từ Quang Chiểu lên Mường Chanh bị sạt lở, hư hỏng; tràn Na Chừa bị đánh sập, cuốn trôi. Từ một “xã điểm” trong đầu tư hạ tầng, xây dựng xã nông thôn mới (NTM) với 12 tiêu chí, sau bão lũ, Mường Chanh chỉ còn 9 tiêu chí. Trong khi đó, bản Poọng (xã Tam Chung) nơi tôi đã đến, chứng kiến sự tàn phá khốc liệt của thiên nhiên, gần như bị xóa sổ về hạ tầng giao thông, nhà cửa, người dân toàn bản phải đi di tản. Nhờ tinh thần đoàn kết, “tương thân, tương ái” từ Trung ương đến tỉnh; từ cá nhân đến tập thể đã chung sức chia sẻ, hỗ trợ, động viên bà con vượt qua được những khó khăn. Đến giờ, ông Vi Văn Thuân, Trưởng bản Poọng, xã Tam Chung vẫn nhớ như in hình ảnh ngày bác Phạm Minh Chính, Trưởng Ban tổ chức Trung ương, nay là Thủ tướng Chính phủ, hay tin bà con chịu thiệt hại của bão lũ, sạt lở đất đã không quản ngại khó khăn, vất vả, xắn quần lội bùn để đến động viên, chia sẻ với bà con. Nguồn động viên to lớn đó, chính là động lực để bản Poọng hôm nay phấn đấu, nỗ lực “cán đích” bản NTM.
Sáng sớm vùng biên, không khí vui xuân, đón tết đã tỏa ra từ khắp các nẻo đường. Trên những chuyến xe khách, con em đi làm ăn xa trở về tấp nập, nhộn nhịp. Cung đường tỉnh 521E từ thị trấn lên các xã Quang Chiểu, Mường Chanh hôm nay cũng đã thay “áo mới”. Không còn dấu vết của sạt lở năm nào, mà thay vào đó là những đồi luồng, nương ngô, rẫy sắn... Phía dưới con suối Xim vẫn ầm ào cuộn chảy cung cấp nguồn nước tưới cho cánh đồng lúa nếp Cay Nọi trải dài. Một sản phẩm hàng hóa đầu tiên được công nhận OCOP của xã Quang Chiểu và của huyện Mường Lát. Hồ hởi chia sẻ về cây lúa nếp Cay Nọi, ông Vi Văn Thứ, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu cho biết: Lúa nếp Cay Nọi có nguồn gốc từ Lào và được người dân các bản giáp biên giới mang về gieo cấy. Thống kê đến nay, toàn huyện có 1.100 ha lúa nước, thì diện tích gieo cấy lúa nếp Cay Nọi là hơn 500 ha với năng suất đạt 46 - 47 tạ/ha. Sau khi trừ các khoản chi phí, chưa tính công lao động, bình quân mỗi héc-ta bà con thu lợi nhuận hơn 40 triệu đồng. “Ngoài xây dựng lúa nếp Cay Nọi thì địa phương đang tập trung phát triển cây ăn quả; sản phẩm măng rối. Đây là những sản phẩm được xây dựng theo hướng hàng hóa. Bên cạnh đó, sự đổi thay của Quang Chiểu không thể không kể tới vai trò của xuất khẩu lao động sang các thị trường như: Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản... Nhờ đó, nhiều gia đình vùng biên đã thay đổi được tư duy, nhận thức, tập trung cho con cái học hành” - ông Thứ nói thêm.
Qua tràn Na Chừa đưa chúng tôi đến với xã Mường Chanh, xã xa xôi nhất của huyện vùng biên Mường Lát. Đây cũng là xã vinh dự được đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm hơn 10 năm về trước (tháng 9-2011). Đồng chí Tổng Bí thư ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc nơi đây, mong muốn Mường Chanh sẽ là “xã điểm” trong thoát nghèo của huyện vùng biên, gắn với xây dựng NTM. Từ sự động viên, chỉ đạo của Tổng Bí thư, bà con các dân tộc xã Mường Chanh đã tranh thủ sự ủng hộ, đầu tư về hạ tầng, phát triển kinh tế, sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 20 triệu đồng (gấp hơn 2 lần so với năm 2011); tỷ lệ hộ nghèo đa chiều là 28,9% (giảm 37,9% so với năm 2011, bình quân giảm 3,7%/năm). Xã đã có những bản đạt chuẩn bản NTM đầu tiên như Na Hin, Na Hào, Piềng Tặt, bản Chai... Song, bên cạnh những nỗ lực, kết quả ghi nhận, Mường Chanh hãy còn nhiều cái khó. Nói như ông Bùi Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã này thì, số tiêu chí trong xây dựng NTM của xã mới chỉ đạt 9/19 tiêu chí; chất lượng các tiêu chí còn thấp và nhiều tiêu chí khó chưa đạt.
Không chỉ Mường Chanh mà đây là tình trạng chung của Mường Lát. Tại cuộc trò chuyện cùng ông Hà Văn Ca, Bí thư Huyện ủy, ông Ca cũng thừa nhận Mường Lát vẫn là huyện nghèo. Cái nghèo thể hiện trên nhiều bình diện, từ huyện “trắng” xã NTM đến việc chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất quy mô, thu hút lao động nào. Huyện còn có tới gần 600 hộ dân với gần 3.000 nhân khẩu đang phải sống ở khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất; 132 hộ với 656 nhân khẩu đang sinh sống trong khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét nhưng vẫn chưa thể di dời đến nơi an toàn, tập trung... Song, với quyết tâm đưa Mường Lát thoát nghèo, từ sự quan tâm của tỉnh, một cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 11-NQ/TU ngày 29-9-2022 về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, sẽ là vận hội để Mường Lát thoát nghèo.
Đi qua những bản làng từ người Mông, Thái, Mường, Dao, Khơ Mú... một mùa xuân đang hiện diện trên những bản làng vùng biên. Mường Lát đang chuyển mình. Song, nói như già Hơ, già Pó hay Bí thư Huyện ủy Hà Văn Ca thì để thoát được nghèo, nội tại là ở người dân, chính quyền, phải thay đổi được tư duy, nhận thức, từ bỏ được “thói trông chờ, ỷ lại”.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/nhung-neo-duong-xuan-noi-bien-vien/177713.htm