Những nét chính trong thỏa thuận trần nợ công của Mỹ
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã đạt được thỏa thuận 'trên nguyên tắc' về việc nâng trần nợ công, phá vỡ thế bế tắc trong đàm phán làm dấy lên lo ngại chính phủ Mỹ vỡ nợ. Mặc dù vậy, thỏa thuận này vẫn cần phải được Quốc hội đang bị chia rẽ sâu sắc của Mỹ thông qua.
MỸ ĐẠT THỎA THUẬN SƠ BỘ NÂNG TRẦN NỢ CÔNG
Thông báo về một "Thỏa thuận về nguyên tắc" giữa tổng thống Biden và chủ tịch Hạ viện là tia sáng mà giới tài chính Mỹ và thế giới mong chờ sau nhiều ngày thấp thỏm trước nỗi lo chính phủ Mỹ vỡ nợ, kéo theo hàng loạt hệ lụy. Ông Biden gọi đây là một bước tiến quan trọng. Còn chủ tịch Hạ viện Mỹ McCarthy thì lạc quan một cách thận trọng.
NỘI DUNG CHÍNH CỦA THỎA THUẬN
Theo Hãng tin Bloomberg, ông Biden và ông McCarthy thống nhất sẽ đình chỉ việc áp trần nợ trong 2 năm, đến 2025. Như vậy trần nợ sẽ không tăng, song Chính phủ Mỹ cũng sẽ không phải lo về việc không thể vay thêm tiền. Hiện trần nợ công của Mỹ là 31.000 tỉ USD. Điều này được xem là cực kỳ có lợi cho Đảng Dân chủ, đặc biệt là ông Biden, khi không phải lo lắng về việc lại phải đàm phán về trần nợ cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.Theo Bloomberg, thỏa thuận mới cho phép các khoản chi ngoài quốc phòng giữ nguyên trong năm 2024 và tăng 1% trong năm 2025.Phạm vi giới hạn sẽ là các khoản ngân sách cho các cơ quan liên bang và chương trình chính phủ mà Quốc hội có thể điều chỉnh định kỳ. Các chương trình bắt buộc như Medicare (bảo hiểm y tế) và an sinh xã hội không bị ảnh hưởng.Với những chi tiết trên, nhiều chương trình liên bang sẽ bị cắt giảm ngân sách vì khoản tiền được tăng không đủ để bù đắp lạm phát. Quốc hội vẫn cho phép tăng chi tiêu trong những trường hợp không lường trước như chiến tranh, bệnh dịch.
Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/nhung-net-chinh-trong-thoa-thuan-tran-no-cong-cua-my