Những ngã rẽ bền bỉ của nhiều vận động viên thể thao Hải Dương
Không còn thi đấu, không còn hào quang từ những tấm huy chương nhưng nhiều vận động viên ở Hải Dương vẫn sống cùng thể thao theo cách rất riêng.

Căn phòng tập rộng hơn 50 m 2 ngổn ngang tạ, bao cát và thảm tập ở TP Hải Dương là thành quả của cựu vận động viên boxing Kim Anh
Những người không bỏ cuộc
Chị Kim Anh (sinh năm 1999) giải nghệ ở tuổi 19, sau 5 năm luyện tập và thi đấu tại Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh. Chị nhớ lại: “Khi rời đội, tôi hoang mang thật sự, vì chỉ biết đến tập luyện và thi đấu. Lúc ấy không biết làm gì tiếp theo”.
Sau thời gian làm huấn luyện viên cho một phòng boxing tư nhân, dịch Covid-19 khiến phòng đóng cửa. Không chịu từ bỏ, chị dồn toàn bộ số tiền dành dụm sắm vài dụng cụ tập luyện, mở phòng tập ngay tại phòng trọ. Chật hẹp, nóng bức, nhưng đó là bước khởi đầu cho một hành trình mới.
Hai năm sau, chị khai trương phòng tập riêng tại đường Võ Thị Sáu (phường Nguyễn Trãi, TP Hải Dương). Là vận động viên chuyên nghiệp, lại là phái yếu, chị đặc biệt có duyên với nhóm khách hàng nữ. “Tôi hiểu cách tập đúng, ăn đúng, nghỉ đúng. Những gì mình từng trải qua, giờ là lợi thế để giúp người khác", chị Kim Anh chia sẻ.

Gắn bó với cô giáo Kim Anh đã 2 năm, chị Bùi Thu Trang (phường Ngọc Châu) từ một người lười vận động đã phải thay đổi
Từ một căn phòng trọ nhỏ, phòng tập gym của chị Kim Anh giờ đây trở thành điểm đến của hàng chục người mỗi ngày. Họ đến để rèn luyện, để sống khỏe và có thêm người đồng hành hiểu rõ giá trị của thể thao.

Những tấm hình khách hàng đã cải thiện được sức khỏe, vóc dáng được dán tại phòng tập của cựu vận động viên boxing Kim Anh
Từng là võ sĩ của đội tuyển karate Hải Dương, anh Vũ Văn Long khởi đầu sự nghiệp với nhiều tấm huy chương tại Giải vô địch trẻ quốc gia năm 2013, Giải karate Bắc Ninh mở rộng năm 2016...
Sau khi giải nghệ năm 2018, anh Long không rời bỏ võ đạo. Anh chọn làm huấn luyện viên cá nhân tại Nhà Thi đấu thể dục thể thao tỉnh. Anh chia sẻ: “Chính những học viên đầu tiên đã động viên tôi mở phòng tập riêng. Họ tin tôi có thể làm được”.

Cựu võ sĩ karate Vũ Văn Long giờ trong vai trò huấn luyện viên cá nhân
Năm 2020, giữa nhiều lo toan về tài chính và dịch Covid-19, anh Long thành lập trung tâm thể hình Happy Smile tại thị xã Kinh Môn. “Hai năm đầu rất khó khăn, nhưng tôi không bỏ cuộc. Tôi làm điều này vì muốn truyền lại tinh thần luyện tập đúng cách cho nhiều người khác", anh Long nói.
Đến nay, Happy Smile là tổ hợp gym, boxing, yoga với 4 huấn luyện viên. Anh Long không chỉ điều hành mà còn trực tiếp giảng dạy. Mỗi giờ lên lớp với anh là cơ hội tiếp tục lan tỏa tinh thần võ đạo theo cách rất gần gũi, đời thường.

Cựu vận động viên wushu Hoàng Văn Hiệp (bên phải) thành công trong vai trò mới
Sinh năm 1996, anh Hoàng Văn Hiệp từng là vận động viên wushu triển vọng của Hải Dương. Anh giành huy chương vàng giải quốc gia năm 2015, từng lên tuyển quốc gia. Nhưng chấn thương khiến anh phải dừng lại khi mới 20 tuổi.
"Khi rời thảm đấu, tôi thật sự bỡ ngỡ. Mình giỏi võ, nhưng kinh doanh lại là chuyện khác. Ba năm đầu tôi chỉ đi làm thuê cho phòng gym, vừa kiếm sống vừa học nghề", anh Hiệp kể.
Không đầu hàng, anh kiên trì học từng chút về tài chính, kỹ năng giao tiếp, quản lý. Đến năm 2020, anh mở phòng tập chuyên về striking trong MMA (môn tập trung vào đối kháng ở tư thế đứng) tại TP Hải Dương.

Phòng tập Striking của anh Hiệp hiện là một trong những phòng tập hiện đại và có quy mô lớn tại Hải Dương
“Ban đầu khách ít, lại phải cạnh tranh với nhiều nơi khác. Nhưng tôi luôn giữ đúng tinh thần võ thuật, không ngừng cải thiện. Nhiều người nghĩ wushu khó, nhưng tôi thấy rất phù hợp với cả người lớn tuổi, trẻ em, thậm chí người cần phục hồi sau bệnh", anh Hiệp nói.
5 năm qua, phòng tập của anh Hiệp phục vụ hàng trăm học viên từ học sinh, nhân viên văn phòng đến người hưu trí. Anh không chỉ dạy võ mà còn giúp họ xây dựng kỷ luật và lòng tin vào chính mình, điều từng kéo anh khỏi cảm giác lạc lõng sau khi rời đội tuyển.
Bước tiếp không huy chương
Đối với nhiều vận động viên, không chỉ là bước ngoặt mà còn là một cuộc "tái sinh" đầy thử thách. Họ không có bảo hiểm nghề nghiệp, không có tích lũy tài chính đáng kể sau thời gian dài thi đấu trong môi trường thể thao chuyên nghiệp.
Phần lớn các vận động viên đều bắt đầu sự nghiệp từ rất sớm, chấp nhận đánh đổi cả thanh xuân để theo đuổi vinh quang. Nhưng khi rời đội tuyển, họ thường thiếu hụt kỹ năng mềm, kiến thức quản lý, thậm chí cả định hướng nghề nghiệp cụ thể.

Không còn trên đỉnh cao nhưng những cựu vận động viên như anh Hoàng Văn Hiệp vẫn chưa rời cuộc chơi
Việc mở một phòng gym, một trung tâm thể thao tưởng chừng đơn giản mà lại là hành trình tự học, tự thử thách và tự chịu trách nhiệm trong từng quyết định của họ.
Không ít người phải đi làm thuê trong nhiều năm để tích lũy kinh nghiệm và vốn, có người thất bại rồi làm lại từ đầu. Nhưng vượt lên tất cả là tinh thần không từ bỏ, một phẩm chất đã được tôi luyện trong thể thao và tiếp tục trở thành bệ đỡ trong cuộc sống đời thường.
Dưới lớp vỏ của một mô hình kinh doanh, phòng tập của các vận động viên còn là nơi truyền cảm hứng. Họ từng là người trên sàn đấu, hiểu giá trị của rèn luyện và kỷ luật. Giờ đây, họ tiếp tục giữ lửa ấy theo cách thực tế nhất, bằng việc đồng hành cùng khách hàng mỗi buổi tập, biến từng giọt mồ hôi thành động lực sống khỏe hơn mỗi ngày.

Với nhiều vận động viên như anh Vũ Văn Long, thể thao không chỉ là cuộc chơi thời trẻ, đó là hành trình suốt đời
Rời sàn đấu không có nghĩa là rời bỏ thể thao. Với những vận động viên Hải Dương đã "lỡ thì", kinh doanh thể thao chính là một cú chuyển mình, nơi họ không chỉ làm giàu mà còn tiếp tục truyền đi niềm tin vào giá trị rèn luyện, kỷ luật và sức bền.