'Những ngã tư và những cột đèn' sang Hàn Quốc sau nhiều 'chông gai'
'Những ngã tư và những cột đèn' có một số phận, 'đường đời' đặc biệt. Đến cuối năm 2018, tác phẩm sẽ được xuất bản bằng tiếng Hàn Quốc.
Theo thông tin từ Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, đơn vị này đã đại diện cho gia đình nhà văn Trần Dần giới thiệu thành công tác phẩm “Những ngã tư và những cột đèn” tới nhà xuất bản IWBOOK của Hàn Quốc.
Theo đó, tiểu thuyết “Những ngã tư và những cột đèn” sẽ được xuất bản bằng tiếng Hàn Quốc vào cuối năm 2018.
Ở Việt Nam, “Những ngã tư và những cột đèn” có một số phận đặc biệt. Cố nhà văn Trần Dần hoàn thành tác phẩm này vào năm 1966 và bản thảo viết tay được gửi lên Sở Công an Hà Nội kiểm duyệt.
Sau 22 năm (năm 1988), ông mới được nhận lại tập bản thảo. Tất cả vẫn còn nguyên nhưng các nhà xuất bản đều từ chối ông cùng “Những ngã tư và những cột đèn.”
Vào khoảng năm 1990, nhà văn chép lại và sửa chữa tập bản thảo thêm một lần nữa. Dẫu vậy, “Những ngã tư và những cột đèn” tiếp tục bị “phủ bụi” thêm 21 năm nữa trong ngăn kéo. Phải đến năm 2011, tác phẩm mới ra mắt bạn đọc lần đầu tiên sau 45 năm hoàn thành.
Nhà thơ, dịch giả Dương Tường cho biết: “Trần Dần khởi thảo ‘Những ngã tư và những cột đèn’ từ mùa Thu 1964. Dẫu đó là một tác phẩm ra đời từ cách đây hơn nửa thế kỷ nhưng tôi tin rằng, bạn đọc hôm nay sẽ không chỉ bị cuốn hút khi dõi theo những trang viết về số phận, đường đời đầy những ‘ngã tư’ hoang mang, gấp khúc của anh lính Dưỡng mà còn bởi sự sáng tạo trong câu chữ, lối hành văn của tác giả.”
Dịch giả kể, đã không ít lần, ông từng nghe các cây bút trẻ hiện nay nói với nhau rằng “Cụ ấy viết còn hiện đại hơn bọn ta bây giờ!” (khi trao đổi về Trần Dần và những sáng tác của ông nói chung cũng như tiểu thuyết “Những ngã tư và những cột đèn” nói riêng).
“Tôi không biết đi đâu. Rồi tôi cũng ra phố. Phố Hà Nội đêm trống rỗng. Một vài ánh đèn ngả trên đường nhựa. Đèn không đủ lạnh, không đủ nóng. Trong tôi cũng không thấy đâu ngay cả một cơn gió ảo não. Để mặc đôi chân, đưa đi đâu, thì tôi theo đấy. Tôi không nghĩ gì, chẳng còn gì quan trọng nữa. Sao mà vô nghĩa thế…” (trích “Những ngã tư và những cột đèn”).
Toàn bộ cuốn tiểu thuyết không có những trường đoạn miêu tả cảnh chiến tranh nhưng hai từ “chiến tranh” lại thành nỗi ám ảnh xuyên suốt, trôi theo những trang nhật ký của nhân vật từ trang đầu đến những trang cuối cùng…
Nói khác đi, trong “Những ngã tư và những cột đèn,” chiến tranh trở thành phông nền, tạo ra bối cảnh để con người bộc lộ mình cụ thể và toàn diện nhất. Sự chuyển đổi nhanh chóng của hoàn cảnh (từ chiến tranh sang hòa bình, rồi lại rơi vào chiến tranh) có làm thay đổi những tình yêu, tình bạn và tính cách, phẩm giá con người?
Theo dịch giả Dương Tường, sự song hành, đan lồng vào nhau một cách tài tình của thời gian hiện thực và thời gian ước lệ cùng những nghi vấn, dằn vặt về thời gian của anh lính Dưỡng và anh nhà văn trong ‘Những ngã tư và những cột đèn xoáy’ vào lòng người đọc suy tư về trách nhiệm của người đang sống với thực tại và quá khứ.
Nhà văn Trần Dần sinh năm 1926 tại Nam Định. Năm 1948, ông gia nhập Vệ Quốc Đoàn, tham gia lập nhóm Văn nghệ quân đội đầu tiên. Ông mất năm 1997.
Tác giả Trần Dần có nhiều đóng góp quan trọng trong quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam ở cả hai lĩnh vực: thơ và văn xuôi. Năm 2007, ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật./.