Những ngân hàng đang cho vay bằng phương tiện điện tử?
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có đánh giá sơ bộ thực tiễn triển khai cho vay bằng phương tiện điện tử tại một số ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Trên cơ sở nắm bắt sơ bộ tình hình tổ chức tín dụng (TCTD) áp dụng phương thức điện tử trong hoạt động cho vay đối với khách hàng và các thông tin qua trao đổi với TCTD trong quá trình triển khai xây dựng Thông tư 06/2023/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước cho biết, về cơ bản, TCTD đã triển khai ứng dụng phương tiện điện tử vào quy trình cho vay, chú trọng phát triển và hoàn thiện các giải pháp công nghệ nhằm hỗ trợ/thay thế các khâu tác nghiệp thủ công.
Sơ bộ thực tiễn triển khai cho vay bằng phương tiện điện tử tại một số TCTD như sau:
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank): tích cực đẩy mạnh các giải pháp nhằm cải tiến hồ sơ, thủ tục cho vay, giải pháp không dùng tiền mặt trong hoạt động tín dụng (qua hệ thống thu nợ tự động center cut).
Agribank cũng đang trong quá trình hoàn thiện triển khai Đề án Ngân hàng điện tử (Internet Banking); trong đó, áp dụng công nghệ và phương thức tự động hóa trong quy trình khởi tạo khoản vay, quản lý nợ có vấn đề, quản lý tài sản bảo đảm.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV): ứng dụng phương tiện điện tử từ việc tiếp nhận nhu cầu vay vốn (ibank) đến khởi tạo, thực hiện và quản lý khoản vay (qua CROMS – khách hàng tổ chức, RLOS – khách hàng bán lẻ) hướng tới tăng cường tính tự động trong quy trình cấp tín dụng, ứng dụng công nghệ trong quản lý khách hàng.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank): đã đưa hệ thống CLOS hỗ trợ phê duyệt khởi tạo khoản vay khách hàng bán buôn, hệ hống RLOS hỗ trợ phê duyệt khởi tạo khoản vay của khách hàng bán lẻ… đồng thời, nghiên cứu áp dụng chữ ký số trong công tác thẩm định tín dụng.
Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacAbank): đối với một số tài sản như phương tiện vận tải (trừ tàu bay, tàu biển), máy móc thiết bị, ngân hàng đã áp dụng hình thức đăng ký giao dịch bảo đảm, xóa giao dịch bảo đảm trực tuyến.
Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapitalbank): áp dụng phương pháp chấm điểm tín dụng sử dụng Big Data và AI để nâng cao chất lượng tín dụng và tăng trải nghiệm khách hàng khi giao dịch vay vốn.
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPbank): đối với sản phẩm cho vay cầm cố sổ tiết kiệm, đã triển khai theo hình thức online (tháng 1/2018) từ đề nghị đến giải ngân thông qua ứng dụng ngân hàng.
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB): hoạt động cho vay được triển khai trên nhiều kênh giao dịch khác nhau (như App MBBank, Biz MBBank… hay liên kết với hệ thống của bên thứ 3 như Mcredit). Tập trung vào các khách hàng hiện hữu có quan hệ tốt, khách hàng có nguồn lương về tài khoản. Ứng dụng công nghệ định danh xác thực khách hàng điện tử (Electronic Know Your Customer – eKYC), nhận dạng ký tự quang học (Optical Character Recognition – OCR)…
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPbank): áp dụng các công nghệ chuyển đổi số trong việc cho vay đối với khách hàng (đặc biệt là tệp khách hàng sử dụng thẻ tín dụng và tiêu dùng tín chấp) không giấy tờ hồ sơ, bảo đảm an toàn, chi phí thấp.
Ngân hàng TMCP Sài gòn Thương tín (Sacombank): hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống khởi tạo, phê duyệt và quản lý khoản cấp tín dụng (LOS) đối với khoản cho vay cá nhân nhỏ lẻ dưới 500 triệu đồng.
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeAbank): đang triển khai giải pháp định danh xác thực khách hàng điện tử (eKYC) nhận diện khách hàng toàn diện, liên tục trong suốt quá trình quan hệ tài chính, tín dụng… giữa khách hàng cá nhân và ngân hàng thông qua đối soát mẫu vân tay trên chứng minh nhân dân và dấu vân tay thực của khách hàng.
Ngân hàng TMCP Sài gòn – Hà Nội (SHB): ngân hàng có nền tảng tự động hóa cơ bản là hệ thống CORE đã đáp ứng được việc tính toán, theo dõi và quản lý một cách tự động các khoản vay; hệ thống báo cáo đáp ứng nhu cầu số liệu một cách tự động theo nhu cầu quản lý khoản vay.
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank): đối với mảng cho vay mua bất động sản nhà dự án, phát triển và áp dụng một số khâu trong quy trình cấp tín dụng trên nền hệ thống IDC (Intelligence Decision Computing), bao gồm cả công tác thẩm định và phê duyệt tín dụng.
Ngân hàng Quốc tế (VIB): kết nối trực tiếp với Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) để tối ưu thời gian, chi phí tra cứu CIC, áp dụng quy trình thẩm định, phê duyệt và giải ngân qua platform điện tử (dự án ACL) và sử dụng chữ ký điện tử giảm bớt thủ tục văn bản giấy.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPbank): triển khai các dịch vụ cho vay thấu chi đối với khách hàng doanh nghiệp trực tuyến, giải ngân hạn mức trực tuyến; ứng dụng cho phép khách hàng cá nhân vay mua xe ô tô ngay tại đại lý ô tô và biết kết quả phê duyệt sau 5 phút; ứng dụng cho phép cán bộ bán hàng gặp trực tiếp khách hàng, thực hiện nhập liệu thông tin/nhận diện khách hàng và trình hồ sơ chứng từ trực tuyến.
Ngoài ra còn có các ngân hàng như ngân hàng Hàng Hải Việt Nam, TMCP Quốc dân (NCB), ANZ Việt Nam, HongLeong Việt Nam, HSBC Việt Nam, Public bank, Standard Chartered Việt Nam, SMCB – Chi nhánh TP Hà Nội và Ngân hàng Hợp tác xã áp dụng cho vay bằng phương tiện điện tử.