Những ngành nào sẽ là tâm điểm trong năm 2025?
Điểm số của VN-Index chỉ là một trong những cơ sở tham khảo để quyết định đầu tư. Lựa chọn đúng nhóm ngành có thể hưởng lợi trước những biến động kinh tế vĩ mô để đầu tư luôn là yếu tố tiên quyết và quan trọng hơn nhiều so với việc dự đoán chỉ số.
Nhóm đầu tàu kéo chỉ số
1.400 điểm là mục tiêu mà chỉ số VN-Index có thể đạt được trong năm 2025, theo đa số dự báo của giới phân tích. Như vậy, chỉ số này có thể tăng thêm khoảng 11,1% tính từ mức 1.266 điểm tại ngày 31-12, một mục tiêu không phải quá khó. Những nhà đầu tư lạc quan hơn thậm chí còn hy vọng VN-Index có thể chinh phục lại mốc 1.500 điểm, khi xu hướng tăng dài hạn của thị trường vẫn đang được duy trì và câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) sẽ là chất xúc tác quan trọng.
Dù vậy, điểm số của VN-Index chỉ là một trong những cơ sở tham khảo để quyết định đầu tư, vì trong một thị trường chung đi lên vẫn có thể diễn ra sự phân hóa sâu rộng giữa các nhóm ngành, trong đó có những ngành tăng trưởng vượt trội và ngược lại có những ngành trì trệ hoặc thậm chí suy giảm. Do đó, lựa chọn đúng nhóm ngành có thể hưởng lợi trước những biến động kinh tế vĩ mô để đầu tư luôn là yếu tố tiên quyết và quan trọng hơn nhiều so với việc dự đoán chỉ số.
Chứng khoán được xem là ngành hưởng lợi lớn nhất nếu TTCK Việt Nam kịp nâng hạng trong năm 2025. Giới quan sát hiện nay đều tin rằng việc nâng hạng sẽ diễn ra trong kỳ đánh giá chỉ số bán niên của FTSE vào tháng 9-2025. Việc hệ thống giao dịch chứng khoán mới - KRX - sẽ vận hành trong năm 2025; các sản phẩm mới như hợp đồng tương lai VN100 dự kiến triển khai trong quí đầu năm 2025; các chỉ số, thị trường mới dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), khởi nghiệp sáng tạo được phát triển... đều góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh của nhóm chứng khoán tăng trưởng tích cực.
Chứng khoán được xem là ngành hưởng lợi lớn nhất nếu TTCK Việt Nam kịp nâng hạng trong năm 2025. Giới quan sát hiện nay đều tin rằng việc nâng hạng sẽ diễn ra trong kỳ đánh giá chỉ số bán niên của FTSE vào tháng 9-2025.
Về phần mình, các công ty chứng khoán (CTCK) đã cung cấp dịch vụ mở tài khoản và xác thực trực tuyến, rà soát lại toàn bộ dữ liệu tài khoản chứng khoán và kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, giúp nâng cao hiệu quả và an toàn trong hoạt động, cũng như thu hút thêm các nhà đầu tư mới. Ngoài ra, là ngành có nhu cầu vay vốn lớn để phục vụ hoạt động cho vay ký quỹ, đặc biệt là vay vốn ngoại tệ từ các định chế tài chính quốc tế, xu hướng lãi suất đô la Mỹ giảm cũng mang lại cơ hội cho các CTCK nâng cao hiệu quả lợi nhuận.
Nhóm ngân hàng chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn nhất trong chỉ số VN-Index, được kỳ vọng sẽ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, trong bối cảnh nợ xấu đã đạt đỉnh và quy mô tín dụng ngày càng mở rộng khi nhu cầu vay vốn dự kiến tăng mạnh hơn trong năm 2025. Thách thức lớn nhất của nhóm này là chi phí vốn vẫn đang tăng dần theo xu hướng đi lên của lãi suất tiền gửi, nhưng trước triển vọng chính sách tiền tệ vẫn nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng, cũng như sự phục hồi của phân khúc cho vay bán lẻ, nhóm ngân hàng sẽ còn nhiều động lực để phát triển.
Trước tình hình thị trường bất động sản dân cư đang có dấu hiệu ấm trở lại sau giai đoạn trì trệ, cổ phiếu nhóm bất động sản cũng được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn trong năm 2025. Mặt bằng lãi suất cho vay đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm góp phần hỗ trợ giá nhà đất, trong khi nhiều dự án cũng dần được tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, cùng với Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Xây dựng (sửa đổi) có hiệu lực từ đầu năm 2025, sẽ tác động tích cực lên ngành bất động sản trong năm 2025.
Hưởng lợi từ vĩ mô và các xu thế mới
Tương tự, nhóm bất động sản khu công nghiệp cũng hưởng lợi trước xu hướng dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam, đặc biệt ngày càng nhiều tập đoàn công nghệ đa quốc gia chuyển dịch chuỗi sản xuất sang Việt Nam. Các cơ sở hạ tầng giao thông trọng điểm được đẩy mạnh đầu tư và ngày càng hoàn thiện cũng góp phần đẩy giá cho thuê bất động sản khu công nghiệp lẫn các dự án bất động sản dân cư.
Với mục tiêu tăng trưởng tham vọng lên đến 8%, Chính phủ sẽ tăng cường mở rộng chính sách tài khóa hơn nữa, bằng cách đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư công để lan tỏa động lực tăng trưởng cũng như duy trì lợi thế cạnh tranh thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Các dự án hạ tầng lớn sẽ được tập trung trong năm sau như chạy nước rút để có thể hoàn thành dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành, khởi động dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, cộng thêm sự phục hồi của thị trường bất động sản như đã nói, nhóm ngành xây dựng và vật liệu xây dựng có thể sẽ phục hồi từ mức đáy.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu điện cũng cần được lưu ý, với nhu cầu tiêu thụ điện dự kiến tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2025, khi các động lực đầu tư từ khu vực công, tư nhân và cả vốn đầu tư nước ngoài đều mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, với Quy hoạch Điện 8 được điều chỉnh và Luật Điện lực (sửa đổi), hướng đến một thị trường phát điện cạnh tranh hơn, ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, nhằm đảm bảo nguồn cung điện giai đoạn 2026-2030, các doanh nghiệp ngành điện còn nhiều dư địa để tăng trưởng trong thời gian tới.
Trước tình hình hoạt động thương mại có thể gặp nhiều thách thức trong năm 2025, do rủi ro bị áp hàng rào thuế quan ảnh hưởng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, Chính phủ đang nỗ lực chuyển dịch động lực tăng trưởng sang tiêu dùng nội địa. Thêm vào đó, triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực hơn cũng kích thích niềm tin tiêu dùng phục hồi, vì vậy nhóm ngành bán lẻ được dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn nữa.
Trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu đối mặt với thách thức, chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục được tái cấu trúc, các doanh nghiệp từ Trung Quốc có thể chuyển dịch cơ sở sản xuất sang Việt Nam để tránh mức thuế quá cao từ phía Mỹ, hoặc tận dụng Việt Nam như một điểm trung chuyển. Việt Nam cũng ngày càng tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, khi tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do đã ký trong những năm qua. Theo đó, nhóm cảng, vận tải biển và logistics có thể hưởng lợi, đặc biệt khi giá tàu, cước vận tải vẫn neo cao do căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông.
Cuối cùng không thể không nhắc đến câu chuyện chuyển đổi số, từ các cơ quan nhà nước đang có kế hoạch sắp xếp tinh giản bộ máy, cho đến khu vực tư nhân muốn tăng năng suất lao động. Việc Việt Nam đang chuyển đổi sang mạng 5G; định vị ưu tiên phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và thu hút các tập đoàn công nghệ hàng đầu rót vốn đầu tư, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, phát triển điện toán đám mây; cùng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ để thúc đẩy ngành..., có thể giúp nhóm công nghệ thông tin hưởng lợi.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nhung-nganh-nao-se-la-tam-diem-trong-nam-2025/