Những ngày đầu làm báo Hưng Yên
Năm 1997, tái lập tỉnh, tôi về Báo Hưng Yên trong vai người học việc thư ký tòa soạn. Oai phết! Bắt chước anh bạn cùng lớp đại học hiện làm chân chạy việc mo-rat ở Báo Hải Hưng lúc ấy, tôi cũng đặt in hẳn một hộp danh thiếp, có dòng chữ trịnh trọng ghi tên…, dòng dưới ghi chức danh: Trợ lý Thư ký tòa soạn. Gặp đối tác làm việc là trịnh trọng đưa: “Tôi công tác tại Báo Hưng Yên!”. Được chưa? Quá là được. Làm nhà báo lúc ấy, “quyền lực thứ 4”, đi đâu cũng được trọng vọng, ưu đãi ra phết! Nhớ lại 2 năm trước đó, bạn tôi - Nguyễn Thế Kỷ (nguyên là Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam) kéo một đoàn bạn cùng lớp đại học Ngôn ngữ K22 Trường đại học Tổng hợp Hà Nội về chơi, sau cơm trưa cùng đi Thái Bình thăm nhà một bạn nữ cùng lớp ở huyện Đông Hưng đã mất. Qua phà Triều Dương, một đoàn xe dài đang xếp chỗ chờ đến lượt để qua, xe chúng tôi lách lên vượt qua các xe khác để lên phà, bảo vệ đeo băng đỏ giơ gậy ách lại. Ngay lập tức 5 chiếc thẻ nhà báo (không có tôi) đồng loạt giơ qua cánh cửa xe, và cũng ngay lập tức bảo vệ phà nép người đưa tay chỉ: Mời các đồng chí đi! Các xe sau lác mắt. Tôi còn nghe tiếng ông bảo vệ nói oang oang với các lái xe đang xếp hàng: Ưu tiên đoàn nhà báo đi công tác! Oai chưa? Lúc ấy Nguyễn Bá Kỷ (bây giờ đổi thành Thế Kỷ) còn là Phó Giám đốc Đài Nghệ An đang học trường Nguyễn Ái Quốc ở Hà Nội (sau này là cao cấp lý luận chính trị), dự nguồn cán bộ tỉnh Nghệ An.
Đông đảo bạn đọc vui mừng đón đọc tờ báo Hưng Yên số 1 ngày đầu tái lập tỉnh. (Ảnh: Tư liệu)
Khởi nguồn từ câu chuyện ấy thôi thúc tôi đến với nghề báo. Nhất là trong bữa cơm trưa hôm ấy, Nguyễn Bá Kỷ hỏi tôi: Anh làm báo quá hợp lý, sao không làm đi? Cần gì thì bảo em giới thiệu. Tôi ngớ người lúng túng: Tao… làm thế này (lúc ấy tôi mới chuyển công tác từ phòng Văn hóa sang Đài Truyền thanh Kim Động) là được rồi! Đó là thời điểm tháng 6 năm 1996, vừa tái lập hai huyện Ân Thi và Kim Động chưa lâu. Nhưng rồi dư âm của chuyến đi qua phà Triều Dương và hình ảnh những tấm thẻ nhà báo giơ lên để được ưu tiên qua phà cứ ám ảnh mãi trong tôi. Ước mơ làm nhà báo chuyên nghiệp cứ lớn dần. Và rồi dịp may đến. Một ngày tháng 10 năm ấy, anh bạn mo-rat báo Hải Hưng đã nói ở trên điện cho tôi: Ông ra ngay, tôi giới thiệu với Ban biên tập để nhận ông về làm Báo Hưng Yên. Sắp tách tỉnh rồi!
Nói là may, là mừng vì sắp tách tỉnh nhưng thật ra tôi lấn cấn giữa có và không, giữa đi và ở để đến với nghề làm báo chuyên nghiệp. Đang ấm chỗ, chuyển công tác đi nơi khác là việc khá khó khăn, không quyết đoán rất dễ lùi. Dù không được đào tạo báo chí chính danh nhưng ngành tôi học để làm báo thì “quá hợp lý” như Thế Kỷ nói. Ngôn ngữ là cái vốn để tạo hồn cốt cho những bài báo, tin tức đưa ra công luận; còn sáng tạo là do nghề nghiệp rèn giũa cộng với tư chất làm báo có hay không trong con người anh. Có kỹ năng làm báo tốt, cộng với ngành nghề đào tạo cơ bản, anh dễ trở thành nhà báo có nghiệp vụ vững, cũng đủ tự tin để sống với nghề (ở đây tôi chỉ nói chữ “sống” chứ còn “chết” về nghề thì cũng không hiếm). Và nếu kết hợp đủ mọi yếu tố: Nhanh nhạy, xốc vác, biết “lăn xả” vào cuộc sống để khai thác, tìm tòi, phát hiện, phân tích, chọn lọc… cộng với kiến thức anh có, rất có thể anh trở thành một nhà báo giỏi đích thực.
Và rồi, như đã nói ở trên, tôi - trợ lý Thư ký tòa soạn Báo Hưng Yên được biệt phái công tác tại Hải Dương để làm nhiệm vụ học vẽ ma két báo và cho in báo tại Nhà in Hải Dương. Tôi được lãnh đạo Báo lúc ấy, anh Nguyễn Thế Đắc cử thêm một trợ lý (tôi cười thầm: Mình cũng có trợ lý rồi, trợ lý của trợ lý!). Chả gì tôi và anh Đắc vốn đồng trường, đồng khóa (Đại học Tổng hợp Hà Nội), chỉ khác khoa. Biết nhau, tin tưởng lắm anh mới giao cho tôi vai “chết người” ấy. Nói “chết người” nghe thì giật mình, nhưng có nhập vai tôi trong hoàn cảnh ấy mới thấy đáng sợ đến thế nào. Buổi sơ khai cái gì cũng mới lạ, tôi được hai họa sĩ của Báo Hải Dương (lúc ấy còn là Báo Hải Hưng) là Huy Chương và Thanh Huyền dạy vẽ ma két, học cách phân biệt tin quan trọng và tin thường (vì tôi trong vai Thư ký tòa soạn Báo Hưng Yên mà), đồng thời dạy luôn cả “trợ lý” của tôi. Mỗi lần vẽ ma két cho một số báo là một bài toán khó. Trình bày thế nào còn phải đoán ý Tổng biên tập có thích ma két như thế không, nếu phải làm lại thì có nghĩa “bài toán” ấy chưa giải đúng. Ôi mệt! Nhiều đêm hai anh em đánh vật với bản ma két đến tận nửa đêm chưa xong, hì hục “làm toán” lại để đưa Tổng biên tập duyệt. Khi ấy tiện anh Đắc đang học chính trị ở Hải Dương, nhà thì chưa chuyển về Hưng Yên, còn chúng tôi thì tạm trú nhà bạn để làm báo bên ấy chứ không chỉ việc đi lại duyệt ma két cũng hết hơi. Tôi có chiếc xe Cup 81 màu đồng mới mua cũng ngon, chạy khỏe re; còn “trợ lý” của tôi thì “thỉnh” đâu được chiếc 80 máy cánh chạy sau, cứ đi một đoạn tôi lại phải ngoảnh lại nhìn xem nó có bám theo mình không? Nhỡ lạc (rất có thể) do xe chết máy dọc đường, như bệnh kinh niên. Mà lạc lúc ấy thì khó tìm vì không ai có điện thoại di động (cả tòa soạn chỉ có mỗi anh Đắc có cái “hòn gạch” to như cái điện thoại của cánh bảo vệ bây giờ, mà bắt sóng khó nghe lắm, không rõ tiếng). Để lạc mất trợ lý ma két thì tôi - “trợ lý thư ký” cũng gay go! Xe thì không thể nối dây vào nhau để kéo được. Đâu cũng mất mấy chuyến như thế chúng tôi vừa đi vừa cảnh giác chờ nhau. Tuy chưa chính thức với chức danh gì nhưng khi ấy tôi vẫn được anh Đắc cho phép sai chú em “trợ lý của trợ lý” làm bất cứ việc gì cần thiết để ra báo. In báo xong, “trợ lý của trợ lý” tất tả chở báo về Hưng Yên bằng chiếc 80 máy cánh tã (mà có lẽ nhiều lần vừa đi vừa sửa, tôi không biết, vì chú ta có kể lại đâu!). Thông cảm thôi, sinh viên cao đẳng sư phạm nhạc họa vừa mới ra trường, nhà nghèo, sắm được chiếc xe “đồng nát” lúc ấy với nhiều người là cả ước mơ. Tôi cẩn thận: Mày chạy trước đi, tao chạy sau cảnh giới còn biết xe mày có hỏng hay không chứ! Chú em cười hì hì, chiếc máy cánh lại phóng vút đi, xả về phía sau khói đen ngòm.
Vậy mà đã hơn 20 năm! Công nghệ làm báo nay đã quá khác rồi. Xã hội đã đổi thay quá nhiều với công nghệ thông tin của thời đại 4.0 bao phủ. Thế giới phẳng đưa con người ở cả thế giới gần lại với nhau. Chỉ trừ lúc ngủ, bất cứ lúc nào ta cũng có thể trò chuyện với người thân, bạn bè bằng hình ảnh qua chiếc điện thoại thông minh ở nửa kia bán cầu trái đất. Chiếc điện thoại “cục gạch” của anh Đắc có lẽ ngành viễn thông đã đưa vào bảo tàng. Nếu lớp trẻ hiện nay được một lần nghe tiếng của chiếc điện thoại ấy chắc sẽ cười không ngậm được mồm. Vui chuyện, giá anh Đắc có giữ được chiếc điện thoại ấy, đến lúc đấu giá đồ cổ chẳng được ối tiền?
Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/xa-hoi/202106/nhung-ngay-dau-lam-bao-hung-yen-1be6d4f/