Những ngày đầu làm việc trên các xã mới vùng biên

HNN - Cùng với các phường, xã trên cả nước, ngày 1/7/2025, các xã vùng cao trên địa bàn vùng biên giới TP. Huế (huyện A Lưới cũ) đã chính thức đi vào hoạt động trong mô hình đơn vị hành chính mới. Dù còn không ít khó khăn, nhưng tinh thần đoàn kết, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân đã tạo nên không khí khởi đầu đầy khẩn trương và tích cực.

 Cán bộ, công chức xã A Lưới 4 hướng dẫn bà con nhân dân thực hiện các thủ tục hành chính

Cán bộ, công chức xã A Lưới 4 hướng dẫn bà con nhân dân thực hiện các thủ tục hành chính

Chúng tôi đến xã A Lưới 4 (xã mới được sáp nhập từ 4 xã: Lâm Đớt, Đông Sơn, A Roàng, Hương Phong) đã chứng kiến đông đảo bà con có mặt để làm các thủ tục hành chính (TTHC). Chị Hồ Thì Dờn, thôn Ka Nôn 1, xã A Lưới 4 cho biết: “Tôi đến xã để làm giấy tờ. Ban đầu tôi cũng hơi lo lắng vì xã đổi tên, cán bộ có thể thay đổi, nhưng khi đến nơi, tôi được cán bộ tiếp đón rất chu đáo, hướng dẫn tận tình từng bước. Ai chưa biết chữ, chưa hiểu rõ thủ tục thì cán bộ giải thích kỹ lưỡng, tôi rất yên tâm và tin tưởng...”.

Theo ông Hồ Dũng, Chủ tịch UBND xã A Lưới 4, bộ máy lãnh đạo xã mới được kiện toàn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, công chức. Trụ sở làm việc có phần xuống cấp, cơ sở vật chất còn thiếu, song địa phương chủ động bố trí hợp lý, đảm bảo tiếp nhận và giải quyết các TTHC cho người dân không bị gián đoạn. Các phòng, ban nhanh chóng ổn định tổ chức, triển khai các kế hoạch chuyên môn như công tác tiếp dân, chính sách xã hội, y tế, giáo dục, quản lý đất đai, an ninh trật tự… Ở các bản làng xa trung tâm, cán bộ xã chủ động xuống tận nơi để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con; đồng thời tuyên truyền về chủ trương sáp nhập xã, khơi dậy tinh thần đoàn kết, xây dựng quê hương mới. Dù nhiều người dân còn bỡ ngỡ trước sự thay đổi tên gọi đơn vị hành chính, nhưng họ đều tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và kỳ vọng vào sự đổi thay tích cực trong thời gian tới.

Ở xã A Lưới 1 (trên cơ sở sáp nhập 4 xã: Hồng Trung, Hồng Thủy, Trung Sơn, Hồng Kim) thuộc vùng Tây Trường Sơn Bắc, có đường biên tiếp giáp với nước bạn Lào và tỉnh Quảng Trị. Sau sáp nhập, xã có diện tích rộng lớn, dân số đa dạng chủ yếu là dân tộc thiếu số như Tà Ôi, Cơ Tu, Vân kiều. Bước vào hoạt động, địa phường còn có những khó khăn nhất định… song cấp ủy, chính quyền chủ động tuyên truyền, bố trí 3 vị trí tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cho người dân, bảo đảm quá trình tiếp cận TTHC mới không bị gián đoạn.

Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND xã A Lưới 1, chia sẻ: “Trong những ngày đầu tổ chức hoạt động, dù còn nhiều khó khăn nhưng tập thể cán bộ, công chức xã luôn đoàn kết, chủ động bắt tay ngay vào công việc. Chúng tôi đặc biệt chú trọng đến việc đón tiếp, hướng dẫn bà con đến liên hệ công việc một cách chu đáo, tạo sự gần gũi, tin tưởng. Việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, luôn được đặt lên hàng đầu. Chúng tôi sẽ tiếp tục bám sát thực tiễn địa phương, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng để tăng cường công tác dân vận, giữ gìn an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội”.

Tương tự xã A Lưới 1, xã A Lưới 4, các xã mới ở vùng cao A Lưới đã nhanh chóng ổn định bước vào làm việc. Cùng với việc duy trì tốt các hoạt động thường nhật, xã bắt tay vào rà soát các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp với quy mô đơn vị mới.

Thời gian đầu tuy còn không ít khó khăn, nhưng chính sự đồng thuận, đoàn kết giữa cấp ủy, chính quyền và người dân là yếu tố then chốt giúp 5 xã mới vùng cao A Lưới từng bước ổn định, phát triển...

Bài, ảnh: HOÀNG TRUNG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/nhung-ngay-dau-lam-viec-tren-cac-xa-moi-vung-bien-155578.html