Những ngày đầu tiếp quản Thủ đô: Nhớ lời dạy của Bác Hồ cảnh giác với 'viên đạn bọc đường'
Ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu'. Thực dân Pháp thất bại nhục nhã, buộc chúng phải ký Hiệp định Genève lập lại hòa bình ở Đông Dương, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, đất nước ta còn tạm chia cắt làm hai miền Nam - Bắc bởi vĩ tuyến 17. Miền Bắc nước ta hoàn toàn giải phóng, từng bước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Lo sợ làn sóng xã hội chủ nghĩa lan rộng toàn khu vực Đông Nam Á, đế quốc Mỹ nhảy vào Đông Dương, thế chân Pháp, xâm chiếm miền Nam Việt Nam bằng chính sách thực dân mới. Trước tình hình đó, Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ quyết định trở về Thủ đô tiếp tục lãnh đạo cách mạng Việt Nam đấu tranh đi đến thống nhất Tổ quốc.
Tiền thân là đơn vị trực tiếp bảo vệ Bác Hồ, các đồng chí Trung ương, Chính phủ ở chiến khu Việt Bắc trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp; để đáp ứng yêu cầu cách mạng trong giai đoạn mới, chuẩn bị lực lượng bảo vệ Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ về tiếp quản Thủ đô, Tiểu đoàn 600 (nay là Trung đoàn 600 thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh vệ) được Bộ Quốc phòng bổ sung quân số và ra quyết định chính thức thành lập Trung đoàn 600. Đồng chí Tạ Đình Hiểu được bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng.
Nhiệm vụ tổ chức hành quân và kế hoạch bảo vệ Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ về tiếp quản Thủ đô được cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 600 chuẩn bị rất chu đáo. Đồng chí Tạ Đình Hiểu - Trung đoàn trưởng, là một thành viên trong Tổ công tác Tiền trạm do Ban Bí thư Trung ương cử ra đi tiền trạm trước để xác định đường hành quân, các chặng nghỉ; điều tra, khảo sát địa bàn để xây dựng kế hoạch bảo vệ, cũng như việc chuẩn bị doanh trại cho các tiểu đoàn và cơ quan Trung đoàn bộ; chuẩn bị cơ sở vật chất, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các hoạt động của các đồng chí lãnh đạo cấp cao, các trụ sở đầu não của Trung ương khi vào tiếp quản thủ đô.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Tổ công tác Tiền trạm được lệnh quay lại chiến khu Việt Bắc để đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về tiếp quản thủ đô Hà Nội. Đoàn bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số đồng chí Thường vụ Trung ương Đảng ngay từ đầu tháng 8/1954 đã chuyển địa điểm từ Yên Sơn (Tuyên Quang) về thôn Vai Cầy, xã Văn Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
Để công tác tiếp quản Thủ đô được nhanh chóng, an toàn, tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập toàn bộ CBCS bảo vệ và phục vụ để căn dặn trước khi về Thủ đô Hà Nội. Như người cha dặn dò con cháu khi đến công tác tại một môi trường, địa bàn mới, Bác nói: "Bác cháu ta từng chịu gian khổ trong kháng chiến đã quen, nay về Hà Nội, địch chiếm đóng lâu năm, đầy rẫy những cảnh sống xa hoa, trụy lạc nên dễ nảy sinh tư tưởng thèm muốn hưởng thụ. Vì vậy, Bác dặn các chú phải vững vàng, đừng sa ngã trước viên đạn bọc đường".
Theo đó, mỗi CBCS khi thực hiện nhiệm vụ tiếp quản thủ đô phải giữ vững lập trường, bản chất cách mạng, luôn kiên định, trách nhiệm với công việc được giao, không dao động trước sự phồn hoa của đời sống thị thành.
Tuy ngắn gọn, súc tích nhưng lời dạy đó là sự nhắc nhở sâu sắc đối với mỗi CBCS Trung đoàn 600 nói riêng, CBCS lực lượng Cảnh vệ, Quân đội, Công an nói chung cần phải giữ vững phẩm chất, đạo đức cách mạng, khí tiết của người chiến sĩ cộng sản; gương mẫu trong mọi lời nói, hành động và việc làm; phát huy khối đại đoàn kết toàn dân để thực hiện nhiệm vụ một cách nhanh chóng và chính xác, tránh sa vào những cạm bẫy của cuộc sống đời thường.
Chặng đường hành quân hơn 100km đường rất khó đi, phương tiện vận chuyển thiếu thốn, chủ yếu là do anh em mang vác để vận chuyển về Hà Nội. Nhiệm vụ bảo vệ và cuộc hành quân gặp rất nhiều khó khăn, vất vả nhưng với tinh thần quyết tâm cao, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 600 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ về Hà Nội an toàn. Về tới Hà Nội, Bác ở tạm trong một ngôi nhà thuộc khu vực Đồn Thủy (nay là khu Viện 108) đến ngày 19/12/1954, Bác chuyển về ở và làm việc trong Phủ Chủ tịch. Nhiệm vụ vũ trang bảo vệ Bác và khu Phủ Chủ tịch do Tiểu đoàn 11 thuộc Trung đoàn 600 đảm nhiệm.
Mặc dù tình hình an ninh chính trị và trật tự xã hội ở Thủ đô Hà Nội những ngày mới giải phóng hết sức phức tạp, bọn phản động tay sai đế quốc như Việt Nam quốc dân đảng, Phục quốc... ra sức chống phá cách mạng, tìm cách cài lại bọn tay sai để thực hiện âm mưu phá hoại, nhất là tìm cách ám hại Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước; các tệ nạn xã hội như mại dâm, nghiện hút, trộm cắp, tàn dư của chế độ cũ để lại rất nặng nề; điều kiện cuộc sống ở Thủ đô hoàn toàn khác với môi trường rừng núi. Song thấm nhuần lời dạy của Bác, CBCS Trung đoàn 600 đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng có liên quan triển khai đồng bộ các mặt công tác, ổn định nơi ăn ở, kiện toàn tổ chức, xây dựng phương án bảo vệ theo từng khu vực, bố trí lực lượng bảo vệ khép kín nhằm bảo vệ an toàn Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước tại Thủ đô Hà Nội.
70 năm đã trôi qua nhưng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị, nhất là trong cuộc chiến chống tệ nạn tham nhũng không khoan nhượng như hiện hiện nay của Đảng ta.
Phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, CBCS Trung đoàn 600 nói riêng, CBCS lực lượng Cảnh vệ nói chung luôn khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng, không để rơi vào cạm bẫy, xa hoa; luôn nêu cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp "Bảo vệ Đảng, bảo vệ lãnh tụ", "chỉ biết còn Đảng thì còn mình".