Những ngày không thể quên ở bản Nà Pò của cựu sinh viên Bách Khoa

Ký ức về những tháng ngày sơ tán khỏi Thủ đô lên bản Nà Pò, miền xa xứ Lạng ngày ấy vẫn còn mãi trong trí nhớ của tôi.

LỜI TÒA SOẠN

Trong cuộc đời của mỗi người luôn có những nốt thăng, nốt trầm đan xen lẫn nhau.

Những lúc thăng hoa, vui vẻ, những kỷ niệm buồn, những vất vả, đắng cay một thời đều là những mảng màu sáng, tối làm nên bức tranh toàn cảnh về cuộc đời của mỗi người.

Báo VietNamNet mở diễn đàn Những ngày không quên để độc giả cùng chia sẻ những câu chuyện về cuộc đời mình. Đó có thể là những ngày nông rộn ràng ở vùng thôn quê, những ngày nhọc nhằn mưu sinh nơi phố thị, những ngày sơ tán thời chiến đã lùi vào dĩ vãng, hay những ngày chạy lũ, lặn lội cứu trợ đồng bào...

Bài viết của độc giả, vui lòng gửi về địa chỉ: bandoisong@vietnamnet.vn.

Dưới đây, trân trọng gửi đến độc giả bài viết của tác giả Nguyễn Xuân Định - cựu sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội:

Sau ngày 5/8/1964, không quân Mỹ càng tăng cường đánh phá miền Bắc. Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội được sơ tán lên 2 huyện Văn Lãng và Tràng Định của tỉnh Lạng Sơn. Khoa Xây dựng sơ tán lên huyện Tràng Định. Hai lớp Xây dựng Công nghiệp và Dân dụng cùng lớp Xây dựng Đô thị khóa 8 sơ tán lên bản Nà Pò thuộc xã Quốc Việt.

Ảnh minh họa: AI

Ảnh minh họa: AI

Tối ngày 6/9/1965, hai lớp chúng tôi lên tàu từ ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội bây giờ). Gần sáng, tàu đến ga Đồng Đăng. Từ đây chúng tôi hành quân theo dọc đường số 4, tối ngủ lại nhà dân ở Na Sầm.

Ngày ấy, đường sá nhỏ hẹp, gập ghềnh, không to rộng, bằng phẳng được phủ bê tông nhựa như bây giờ.

Khi hành quân, ngoài ba lô tư trang, chúng tôi còn vác thêm dụng cụ nhà bếp, dụng cụ vẽ kỹ thuật và một số thiết bị khác. Hai ngày đi bộ trên 40km. Hành quân bộ rõ ràng là mệt nhưng bù lại, chúng tôi được mở rộng tầm mắt và tắm mình trong một khung cảnh mới với không gian là đèo, núi, mây, trời, với cây rừng, chim muông, với những mái nhà sàn có khói lam chiều và màu áo chàm của đồng bào dân tộc.

Một khung cảnh khác xa với phố phường Hà Nội, kích thích trí tò mò và lòng ham hiểu biết của thanh niên chúng tôi. Nhờ nhà trường, khoa tổ chức tiền trạm nên không ai bị bỡ ngỡ. Chúng tôi vui vẻ, hăm hở, cố gắng đi nhanh tới điểm cuối cùng.

Dạo ấy đang là mùa mưa nên để vượt suối vào bản, chúng tôi phải dùng bè. Mấy tháng sau quay lại chỉ cần xắn quần lội bộ. Qua dốc khá cao là bản Nà Pò. Phía sau bản, địa hình thoải ra gắn với đồi núi xung quanh. Bản có 7 nhà người Tày, một nhà người Nùng do anh Yêm là đảng viên làm trưởng bản.

Lớp thanh niên và trung niên biết nhiều tiếng Kinh, còn người già và lũ trẻ chỉ biết tiếng dân tộc mình. Tôi cùng các bạn Vũ, Viện, Dũng, Triêu và anh Tuần lớp trưởng lớp Xây dựng ở trong nhà anh Yêm.

Do chủ nhà biết tiếng Kinh nên chúng tôi học được nhiều tiếng Tày để giao lưu với dân bản. Nhà sàn của dân rất rộng, thường đủ chỗ cho trên dưới một chục người ở thêm. Dưới sàn thường nuôi gà, lợn, trâu, bò nhưng thường xuyên được dọn vệ sinh nên cũng sạch sẽ, đỡ muỗi.

Người Tày sống vệ sinh, ăn chín uống sôi. Bếp lửa luôn cháy quanh năm. Ở đó thường có nồi nước nóng để uống và nồi cháo đặc, một thức ăn sáng vừa nhẹ bụng vừa đỡ khát nước cho cả ngày đi rừng, đi rẫy. Với cái giá lạnh của miền gần biên giới phía bắc, ở nhà sàn nên tránh được sơn lam chướng khí.

Trước khi vào trong nhà, phải qua cái sàn ở trước. Buổi tối, chúng tôi thường ngồi trên sàn để ngắm trăng, ca hát. Có khi quây quần bên bếp lửa cùng chủ nhà và hàng xóm đến chơi nướng sắn, khoai ăn và chuyện trò vui vẻ.

Từ ngày 9/9/1965, sau khi sắp xếp sinh viên ổn định trong bản, hai lớp chúng tôi kết thành một, có chỉ huy chung là anh Tuần để bắt tay xây dựng cơ sở vật chất như lớp học, nhà ở, nhà bếp, nhà ăn. Sau này còn tham gia làm hội trường cho khoa.

Toàn lớp chia thành 3 đội: Đội khỏe nhất đi vào rừng kiếm gỗ về để làm cột. Đội này có tôi, Thông, Đạt, Tuấn,... do tôi làm đội trưởng. Đội thứ hai có Nuôi, Tùng,... chuyên đi mua nứa, chặt nứa, kết bè xuôi sông Kỳ Cùng rồi về suối bản. Đội này thường đi các bản Kéo Phấy, Pò Chả... vì bản chúng tôi ở ít có nứa.

Đội thứ ba ở nhà chuyên đào móng, đắp nền, đục cột, làm kèo dựng sườn nhà. Vũ ở đội này từ đầu. Đạt sau đó chuyển về đây. Thông được rút từ đội gỗ về làm phụ quản lý bếp ăn của lớp. Có những việc làm riêng từng đội, có việc phải làm chung cả lớp như vác nứa từ suối về, chẻ nứa, chặt nứa theo kích thước rồi đánh thành tranh nứa, hay lợp mái, đánh nóc,...

Nhiều sinh viên xuất thân từ gia đình không làm nông nghiệp lúc đầu không quen công việc nhưng được các anh là cán bộ, bộ đội biệt phái, hoặc các bạn đã từng làm việc tương tự bảo ban nên dần đều thành thạo công việc.

Đội gỗ phải dùng toàn người khỏe vì vác gỗ từ chỗ chặt về bản, to nhỏ, nặng nhẹ cũng chỉ được 2 người vác. Trường hợp đặc biệt chỉ thêm người hộ tống vì gỗ nặng lại qua chỗ khó đi. Chuyển gỗ từ dốc xuống phải cẩn thận, đi đường cũng thế. Không được để sẩy vai một đầu vì đầu gỗ kia sẽ đánh vào người cùng vác.

Gỗ nhỏ thì chỉ một người vác, như thế dễ cơ động hơn. Cũng nói để biết thời đó chưa có lệnh cấm người vào rừng lấy gỗ, hơn nữa gỗ cần làm nhà tạm thuộc loại gỗ tạp, thấp cấp.

Đội nứa thì anh em phải đi bản xa, có khi vài ngày mới về. Nói là mua nứa nhưng mình phải chặt lấy cho nhanh. Chặt nứa không khéo thì nhát dao sắc, mũi nhọn của nứa có thể sẽ cắm phập vào chân. Thành thử phải rất cẩn thận.

Chặt nứa xong phải vác xuống bờ suối, đóng thành bè, xuôi ra sông Kỳ Cùng đưa về bản mình ở. Đội nứa cũng như đội gỗ khi về bản thường mang theo khế, sấu, ổi,... cho anh em ở nhà. Nói chung là mệt nhọc nhưng vui vẻ.

Ngày 25/9/1965, chúng tôi hoàn thành công việc xây dựng cơ bản gồm một nhà ở cho sinh viên nam, một nhà ăn có chỗ ở cho sinh viên nữ, một nhà bếp cho các chị nuôi và kho, một nhà lớp học. Đồng thời, chúng tôi cùng tham gia làm hội trường cho khoa ở bản Phiêng Lệnh.

Các bạn Vũ, Quân, Thái, Hùng, Việt,... còn dùng số tre nứa còn lại làm một ngôi nhà nhỏ trên chạc ba cây sung, đủ chỗ cho dăm sáu người quây quần vui vẻ. Sau đó làm tiếp một nhà nhỏ khác bên bờ suối, một số bạn người Nam Bộ thỉnh thoảng ra nhà này chơi, thường lắng nghe tiếng chim bìm bịp kêu mà nhớ về thủa bé thơ ở quê nhà. Nhà này sau giao cho lớp sử dụng. Làm xong nhà chúng tôi được nghỉ một ngày. Sáng hôm sau, khai giảng năm học mới tại vùng sơ tán.

Tôi, Thông, Vũ và một số bạn được chọn ở lại nhà với dân bản, không phải ra nhà tập thể. Nhờ ở trong nhà dân, vốn tiếng Tày của chúng tôi tăng lên đáng kể.

Được sự đồng ý của khoa, lớp chúng tôi lập một nhóm phát thanh tin tức hàng ngày bằng tiếng Tày cho dân bản nghe. Lúc đầu tôi có tham gia tổ này nhưng sau đó rút lui, vì vốn tiếng Tày không nhiều bằng Thông, Cầm và vài bạn khác.

Thường thì những vấn đề được phát thanh phải soạn trước bằng tiếng Việt, sau đó dịch ra tiếng Tày. Từ nào chưa biết thì hỏi dân bản. Một số từ tiếng Tày chưa có thì vẫn sử dụng tiếng Việt như từ "chính phủ", "hợp tác xã", "địa phương"...

Anh Hoan là một thanh niên hoạt bát trong bản tham gia nhiều với chúng tôi ở chương trình này. Anh Hoan còn tập cho chúng tôi bài "Bi-ooc-đáo" (hoa đào) bằng tiếng Tày mà đến nay sau gần 60 năm tôi vẫn còn nhớ. Dựa trên giai điệu bài này, bạn Cường sáng tác bài hát "Xuân về" bằng lời Việt khá tốt.

Một số anh em chúng tôi sống với dân bản trên nhà sàn thời gian lâu thì một việc không thể từ chối là phải uống rượu. Rượu uống bên bếp lửa hồng hay giữa sàn nhà khi gia đình có việc hoặc có khách đến thăm. Rượu không nặng, chắc cũng khoảng 20 -30 độ.

Bắt đầu, người Tày rót rượu ra bát. Chúng tôi chưa quen nên thấy sợ. Nhưng không phải uống cả bát mà mời mọi người dùng chiếc thìa sứ của từng người để múc rượu uống. Nói chung, chúng tôi quen dần với việc này theo ngày tháng, không đáng lo ngại.

Bếp ăn của lớp do các chị nuôi của khoa cùng đi nấu nướng hàng ngày. Chị nuôi có chị Ninh, chị Liên và cô Quý. Sinh viên chúng tôi chỉ phụ bếp và làm một số việc như tiếp phẩm cùng chị nuôi từ chợ về (trong đó có đi chợ xa ở Thất Khê), chuyên chở gạo ở Bình Độ, vào rừng lấy củi về làm chất đốt.

Có một hôm, Thông ở lớp Đô thị được cử làm phụ quản lý bếp, rủ tôi cùng đi Bình Độ để nhận một số thực phẩm về cho lớp. Tôi và Thông chèo mảng từ suối của bản ra sông Kỳ Cùng để đi. Mảng hay còn gọi là bè, làm bằng nhiều cây luồng ghép lại, rộng khoảng một mét.

Đường thủy khá xa. Nhận hàng xong, chúng tôi ra về ngay. Gọi là "chèo" nhưng nhiều đoạn gặp chỗ nước cạn phải nhảy xuống để đẩy mảng.

Sau hơn một buổi, chúng tôi đến bến suối bản vào lúc gần tối. Đói, mệt, hơi lạnh của thời tiết và dầm nước, nhưng chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ. Một thứ nữa là chúng tôi có hành trình với trời mây, sông nước khá lãng mạn. Nếu có máy quay phim như sau này để quay, chắc sẽ có một video khá đẹp.

Đang sức ăn sức ngủ nhưng trong thời chiến, lương thực phải ăn độn và có hạn theo tiêu chuẩn. Để có chất bột độn thêm, lớp phải cử một vài người mang quang gánh đi các bản xung quanh mua thêm sắn gánh về cho lớp nấu ăn dần, đặc biệt để ăn sáng cho thời kỳ lao động xây dựng cơ sở vật chất lúc mới đến.

Tôi nhớ anh Thành, anh Mai và anh Danh thường làm nhiệm vụ này. Các anh đi bộ giỏi và gánh khỏe. Tôi cũng được cho đi vài lần. Tất cả đều hành quân xa. Lên đèo, xuống núi, chỉ có rừng xanh, đường mòn, dốc cao, đèo quanh co.

Có khi đi gần suốt buổi mới gặp một vài người đi ngược chiều. Gặp nhau rất mừng. Chúng tôi hỏi thăm dân bản đi đâu, về đâu. Thường là gặp người đi chợ xa, đi thăm bà con, hoặc đi ăn giỗ hay dự cưới...

Chào hỏi, nói vài câu xong, ai nấy lại rảo bước theo hướng đi của mình. Chúng tôi đi qua nhiều bản. Có bản chỉ vài nhà. Có khi vào bản xin nước uống. Tại đây, bà con thường mời chúng tôi ăn khoai với mật ong.

Đến bản dự định mua sắn, chúng tôi ở lại và được dân bản đón tiếp nồng hậu. Khoảng chiều hoặc chập tối, tại một nhà nào đấy trong bản, các trai tráng kể cả người già tụ tập lại để gặp gỡ chúng tôi. Tất nhiên, thứ không thể thiếu là rượu và chúng tôi không thể từ chối lời mời chân tình của dân bản.

Việc mua sắn do các anh ấy làm. Còn tôi đến là phải hát. Đồng bào rất thích nghe tôi hát. Họ bảo tôi hát như đài hát. Do vậy, tôi hát bất cứ bài nào và bất cứ lúc nào. Phải nói kho bài hát trong tôi khá nhiều nên đáp ứng được yêu cầu của mọi người.

Đồng bào có cảm tình, càng tận tình giúp đỡ chúng tôi trong việc mua bán sắn. Thường mỗi nơi đến mua sắn, phải ở lại 2 - 3 ngày mới được về. Bà con nói không ưng chúng tôi về nhưng chúng tôi không thể ở lâu được. Khi các anh quẩy gánh lên vai là lúc dân bản tần ngần, bịn rịn và lưu luyến, không muốn rời...

Nguyễn Xuân Định

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nhung-ngay-khong-the-quen-o-ban-na-po-cua-cuu-sinh-vien-bach-khoa-2326096.html