Những ngày mài ngón tay trong ngục của nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa

Chúng tôi được gặp nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa vào một ngày Sài Gòn ngập nắng, trong căn nhà có vuông sân râm mát với 3 cây khế trĩu quả.

LTS: Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, báo VietNamNet giới thiệu loạt bài với chủ đề “Ngày 30/4 - kỷ nguyên mới”.

Tại đây, các chuyên gia, nhà quân sự, chứng nhân lịch sử chia sẻ những ký ức, bài học, kinh nghiệm từ thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, bài học huy động sức dân, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế; bài học ngoại giao, quân sự trong công cuộc kháng chiến cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Đó là sự sáng tạo, kiên cường, là sức mạnh của chiến tranh nhân dân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bài học lớn trong phát huy nội lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

VietNamNet mời độc giả gặp lại những “tượng đài sống”, chứng nhân hiếm hoi còn lại trong những thời khắc lịch sử. Đó là các bác, các cô là cựu chiến sĩ biệt động, cựu tù chính trị, những người từng tham gia phong trào học sinh sinh viên, đấu tranh đô thị… Họ đã dành tuổi trẻ, niềm tin, lòng quyết tâm và cả niềm hy vọng cho ngày toàn thắng.

Bà vừa trở về từ một loạt chuyến công tác liên tục, mà khi nghe kể lại, chúng tôi thật sự nể phục sức làm việc của một người đã ở tuổi 80.

Câu chuyện giữa chúng tôi vào những ngày này, như một lẽ dĩ nhiên, là về quãng thời gian không thể quên của cả dân tộc cách đây 50 năm.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa. Ảnh: Nguyễn Huế

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa. Ảnh: Nguyễn Huế

Người thứ 23

Ngày 7/3/1975, tù nhân chính trị Trương Mỹ Hoa được thả vô điều kiện. Bà rời Côn Đảo sau 11 năm bị giam cầm nơi “địa ngục trần gian” cách đất liền hàng trăm kilômét.

- Tôi ở tù từ 1964, và tổng thời gian tôi trải qua cảnh ngục tù là 11 năm.

“Trả tự do vô điều kiện” là cụm từ dành cho người tù không chấp nhận một điều kiện gì của kẻ thù để đổi lấy việc được trả tự do.

Bởi vì, kẻ thù có thể trả tự do cho mình lúc nào cũng được nhưng kèm theo những điều kiện hạ uy thế chính trị của người tù, như chào cờ ba que (cờ của chính quyền ngụy), đả đảo cộng sản hay lãnh tụ. Trước những dụ dỗ đó, chúng tôi vẫn quyết tâm chống chào cờ, chống học tập tố cộng, chống tất cả những nội quy của địch đề ra.

Những người tù nhất định không chấp nhận các điều kiện đó bị địch cho là cứng đầu cứng cổ, thường bị chúng đày đọa, hành hạ và giam giữ không có ngày về, nghĩa là ở tù rục xương.

Bà Trương Mỹ Hoa từng là Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2002-2007, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Hiện bà là Chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu.

Trong quãng thời gian bị giam cầm, nếu chúng tôi chấp nhận mọi điều kiện thì địch cũng thả; nhưng khi về trong điều kiện đó thì mình chẳng còn được ai tin tưởng, vì đã phản bội lại lý tưởng cách mạng, phản bội Đảng và Nhân dân.

Hiệp định Paris được ký kết vào tháng 1/1973, trong điều 14C về tù chính trị và tù binh, địch chỉ chấp nhận giam giữ có 5.081 người. Trong khi đó, cả miền Nam có gần 200.000 tù chính trị.

Do đây là hiệp định đình chiến toàn miền Nam, mặc dù tranh cãi quyết liệt nhưng cuối cùng, phía mình bảo lưu, tạm dừng vấn đề đó và tìm giải pháp khác.

Tôi không được trao trả, tiếp tục bị giam tại Côn Đảo. Sau khi địch giữ phần lớn tù chính trị ở lại, chúng bắt đầu lên kế hoạch thực hiện một âm mưu mới. Chúng bắt những người tù phải lăn tay, chụp ảnh để dựng hồ sơ khác. Với hồ sơ mới sẽ không còn tù nhân chính trị, mà tất cả đi tù với các tội danh mới: “gian nhân hiệp đảng”, tức là tù của những đảng ăn trộm, cướp bóc, giết người...

Chúng làm việc này nhằm mục đích sau này, nếu thành lập chính phủ các bên hay phía mình có đòi người, sẽ dùng hồ sơ mới đối phó lại, vì số tù nhân chính trị vẫn đang bị giam giữ rất lớn.

Như vậy, sau khi Hiệp định Paris ký kết, chúng tôi ở trong tù vẫn tiếp tục đấu tranh - cuộc đấu tranh một mất, một còn để đối phó với sự tráo trở của kẻ thù.

Tập thể chúng tôi bàn bạc, nếu chúng thực hiện được những âm mưu này thì chúng tôi không còn là tù chính trị. Cho nên, nếu có chết, chúng tôi cũng phải đấu tranh và bằng mọi giá phải bẻ gãy bằng được âm mưu của kẻ thù. Vì vậy, tiếng súng thì ngừng nhưng trong tù, máu vẫn phải đổ.

Khi ấy, chúng tôi bàn nhau kế hoạch chuẩn bị cho cuộc đấu tranh mới. Chúng tôi thống nhất rằng, nếu kẻ thù có lôi kéo lên chụp hình thì phải chống trả bằng cách nhắm mắt, há miệng, để không chụp được hình.

Thứ hai, nếu không chịu chụp hình thì chúng tôi phải đề phòng khi bị xỉu, địch sẽ lôi ra, lăn tay mình vào hồ sơ thì cũng dựng được hồ sơ. Chính vì thế, ngày nào cũng vậy, chúng tôi ngâm hai bàn tay vào thau nước nhỏ, sau đó mài các ngón tay xuống nền xi măng của nhà tù để vân tay mòn hết, thậm chí ngón tay rớm máu.

Chúng tôi không biết khi nào sẽ bị lôi đi lăn tay nên ngày nào cũng tranh thủ mài ngón tay để đối phó.

"Ngày nào cũng vậy, chúng tôi ngâm hai bàn tay vào thau nước nhỏ, sau đó mài các ngón tay xuống nền xi măng của nhà tù để vân tay mòn hết, thậm chí ngón tay rớm máu". Ảnh: Nguyễn Huế

"Ngày nào cũng vậy, chúng tôi ngâm hai bàn tay vào thau nước nhỏ, sau đó mài các ngón tay xuống nền xi măng của nhà tù để vân tay mòn hết, thậm chí ngón tay rớm máu". Ảnh: Nguyễn Huế

Rồi việc gì đến cũng phải đến, địch kêu chúng tôi đi lăn tay, chụp hình. Chúng tôi không đồng ý và nói rằng chúng tôi đã có hồ sơ từ lâu rồi, không lăn tay chụp hình gì nữa. Vì đã có sự chuẩn bị từ trước, chúng tôi cột cửa bằng kẽm và từ phía trong tạt xà bông, nước tiểu ra ngoài để phản kháng. Sau mấy tiếng đồng hồ đấu tranh, để đạt được mục đích của chúng, cuối cùng, địch ném lựu đạn cay vào buồng giam để chúng tôi bất tỉnh rồi phá cửa, lôi chúng tôi đi thực hiện âm mưu đê tiện.

Chúng tôi nhắm mắt há miệng khiến địch không chụp hình được. Chúng tôi đã mài mòn vân tay nên địch không lăn tay được. Địch tức tối và đánh những trận đòn nhừ tử, khiến mình mẩy chúng tôi bầm đen như trái bồ quân, đau đớn không dậy nổi. Tù nhân chúng tôi phải dùng muối pha vào nước tiểu để thoa vết thương, giúp tan máu bầm.

Sau cuộc đấu tranh đó một thời gian, địch đưa chúng tôi về đất liền, giam ở nhà lao Tân Hiệp (Biên Hòa).

Hiệp định Paris bắt đầu có hiệu lực, phong trào đấu tranh đòi trả tù chính trị rầm rộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới phối hợp phong trào đấu tranh trong nước và trong các nhà lao. Trước tình hình đấu tranh quyết liệt đó, để xoa dịu phong trào, địch buộc phải thả một số ít tù nhân chính trị không kèm điều kiện, trong đó có tôi.

Trước tôi có 22 chị ở nhà lao Tân Hiệp được thả vô điều kiện, không cần ký giấy tờ. Tôi là người thứ 23.

Bình nước của người đàn ông ở ngã tư Bảy Hiền

Ngay khi được trả tự do, bà nhanh chóng tham gia vào cuộc đấu tranh tổng tiến công năm 1975. Xin bà cho biết về kỷ niệm mà bà nhớ nhất trong những ngày tháng hào hùng đó của dân tộc?

- Khi ra tù, tôi được cơ sở cách mạng đã móc nối trước đưa về ngoài vùng giải phóng ở Củ Chi, rồi đưa về cơ quan L71 làng 18 Dầu Tiếng chờ kiểm điểm theo quy định.

Chiến dịch Hồ Chí Minh nổ ra, Thành đoàn được lệnh xuống đường. Tôi cũng được lệnh về cơ quan Thành Đoàn cùng xuống đường.

Thường ở tù về chưa làm kiểm điểm thì sẽ không được phân công công tác, nhưng cấp trên vẫn cho tôi xuống đường và phân công tôi đảm nhận vai trò đội phó của đội số 3 thuộc lực lượng chính trị của Thành Đoàn, xuống đường theo hướng tấn công chiếm lĩnh các mục tiêu ở Gia Định.

Được tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh tôi mừng lắm, đó là điều mà tôi không bao giờ nghĩ đến. Nhưng việc chưa được kiểm điểm làm tôi băn khoăn nên tôi vẫn đề nghị được làm kiểm điểm trước khi xuống đường. Tôi nói: “Trong cuộc chiến đấu lần này, không biết tôi có còn cơ hội được làm kiểm điểm hay sẽ hy sinh. Do đó, tôi mong được Đảng đánh giá, xác định rõ đúng sai suốt 11 năm tù cho tôi yên tâm”.

Với đề nghị tha thiết đó, cuối cùng Thành ủy cũng chỉ đạo cho cơ quan kiểm điểm tôi. Trong cuộc kiểm điểm đó, tôi được đánh giá không có khuyết điểm, có nhiều ưu điểm, được khẳng định giữ vững khí tiết, uy thế của cách mạng, làm tốt nhiệm vụ người đảng viên.

Cuối cùng, tôi rất yên tâm, phấn khởi mang balo xuống đường cùng với đồng đội. Đội của tôi có khoảng 15 người ngày nghỉ đêm đi, vừa đi vừa thăm dò tình hình. Khoảng ngày 10/4/1975, chúng tôi di chuyển từ Bến Cát (Bình Dương) về Củ Chi rồi về đến Hóc Môn. Do cầu Rạch Chiếc ở Hóc Môn bị sập, chúng tôi phải đổi lộ trình theo hướng Củ Chi ra quốc lộ 1.

"Để bảo vệ được lý tưởng và khí tiết, chúng tôi chấp nhận hy sinh". Ảnh: Nguyễn Huế

"Để bảo vệ được lý tưởng và khí tiết, chúng tôi chấp nhận hy sinh". Ảnh: Nguyễn Huế

Ngày 30/4, khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng thì chúng tôi đang ở sát nách Sài Gòn. Trên đường đi, chúng tôi biết tin qua đài phát thanh. Mọi người vô cùng phấn khởi. Chúng tôi tiếp tục đi bộ, đồng thời xin quá giang các phương tiện đi ngang qua. Người dân lúc đó cũng rất hồ hởi và sẵn lòng giúp đỡ, đưa chúng tôi vào thành phố.

Khi đến ngã tư Bảy Hiền, dòng người đổ về quá đông đến nỗi kẹt xe, khiến chúng tôi phải dừng lại khá lâu. Nhưng bị dừng lại mà vẫn vui bởi xung quanh, người dân hò reo, phấn khởi, vui mừng vì đất nước được giải phóng.

Trong lúc chờ đợi, chúng tôi được một người đàn ông lớn tuổi sống gần ngã tư Bảy Hiền mang một bình nước lớn ra mời uống. Điều khiến tôi nhớ mãi là khi thấy chúng tôi chưa nhận ngay - thực lòng là vì bất ngờ chứ không phải nghi ngại, bác ấy đã chủ động uống một chén trước để chứng minh nước không có độc.

Sau này, khi về công tác ở quận Tân Bình, tôi đã tìm lại được bác ấy. Bác chia sẻ rằng lúc đó sợ bộ đội còn dè dặt nên đã hành động như vậy, để chúng tôi tin rằng nước sạch, và đó là tấm lòng chân thành của người dân.

“Trên đầu mình có Đảng, có Bác Hồ, có nhân dân”

Xin được quay trở lại với quãng thời gian 11 năm ở trong ngục tù của bà. Khi đó, mới là cô gái 19 tuổi, vậy đâu là sức mạnh để bà vượt qua những thử thách, khó khăn và đòn roi của kẻ thù?

- Ở trong tù, chúng tôi phải đối mặt với rất nhiều âm mưu và thủ đoạn xảo quyệt của kẻ thù.

Một người tù bị bắt vào đó phải trải qua mấy chặng. Đầu tiên là bị đánh đập để khai thác về tổ chức cách mạng, cá nhân. Tiếp theo, sau khi địch hoàn thành hồ sơ rồi xử án ở tù, chúng tiếp tục bắt người tù chào cờ, thực hiện nội quy của chúng.

Trong thời gian ở tù, người tù phải tiếp tục đấu tranh đòi dân sinh dân chủ, đòi cải thiện cuộc sống lao tù. Như vậy, người tù phải qua một chặng nữa - chặng đấu tranh để giữ được khí tiết.

Có thể nói, cuộc sống trong tù rất khắc nghiệt, không gì có thể diễn tả hết được âm mưu, thủ đoạn, sự tàn ác của kẻ thù. Vậy thì, điều gì giúp cho người tù vượt qua được những điều đó hay làm thế nào để bảo vệ được cơ sở cách mạng?

"Chúng tôi tin tưởng tuyệt đối vào cách mạng vì sự chính nghĩa, vì sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ và sự tin cậy của nhân dân". Ảnh: Nguyễn Huế

"Chúng tôi tin tưởng tuyệt đối vào cách mạng vì sự chính nghĩa, vì sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ và sự tin cậy của nhân dân". Ảnh: Nguyễn Huế

Trước hết, theo tôi, đã là tù nhân chính trị thì ai cũng cũng có giác ngộ cách mạng, được sự giáo dục cách mạng và có lý tưởng nhất định. Để bảo vệ được lý tưởng và khí tiết, chúng tôi chấp nhận hy sinh. Và khi đã khẳng định chấp nhận hy sinh thì chúng tôi mạnh dạn đối mặt, đấu tranh với kẻ thù.

Nếu như ở ngoài đời, chúng tôi chiến đấu với kẻ thù thì khi vào trong tù, chúng tôi cũng vẫn chiến đấu với kẻ thù - đó là sự đối mặt trực tiếp hàng ngày, hàng giờ.

Ngày trước, chúng ta nói rằng, những người chiến đấu ở thành phố Sài Gòn là chiến đấu trong lòng địch, còn nếu bị bắt vào tù thì chúng tôi gọi là chiến đấu trong lòng của trong lòng kẻ thù.

Mà chiến đấu trong lòng của trong lòng kẻ thù rất gay go, gian khổ. Mình bị nhốt trong 4 bức tường, không một tấc sắt trong khi kẻ địch thì đủ thế lực, vũ khí, đạn dược, trăm mưu ngàn kế. Để người tù có thể chống lại, vũ khí sắc bén nhất đó là lý tưởng, là tinh thần yêu nước và lòng tin tuyệt đối vào cách mạng.

Trên đầu mình có Đảng, có Bác Hồ, có nhân dân còn trước mặt mình chỉ có kẻ thù. Mọi người phải khắc sâu điều đó để chống lại kẻ thù, phấn đấu vượt qua khó khăn gian khổ để bảo vệ khí tiết, dù chết cũng không chịu khuất phục.

"Sau hòa bình, tôi hay trở lại Côn Đảo, thăm lại những đồng đội năm xưa". Ảnh: Nguyễn Huế

"Sau hòa bình, tôi hay trở lại Côn Đảo, thăm lại những đồng đội năm xưa". Ảnh: Nguyễn Huế

Đã nghĩ thông được như vậy, chúng tôi không sợ điều gì nữa. Đã ở trong tù là chúng tôi xác định cách mạng nhất định thắng lợi. Chúng tôi tin tưởng tuyệt đối vào cách mạng vì sự chính nghĩa, vì sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ và sự tin cậy của nhân dân. Với tôi, chính nghĩa bao giờ cũng thắng. Đó là bài học lớn của ông cha chúng ta để lại từ ngàn xưa trong quá trình dựng nước và giữ nước, và trở thành chân lý trong cuộc đấu tranh giữa ta và địch.

Tôi nhớ mãi bài “Một thế kỷ, mấy vần thơ” của nhà thơ Truy Phong mà tôi biết từ khi chưa làm cách mạng:

“Việt Nam, nước của tôi

Già như trẻ

Gái như trai

Chết thì chịu chết

Không cúi lòn ai!

Tham lam ai muốn vô xâm chiếm

Thì giặc vào đây, chết ở đây!”

Tin tưởng là vậy nhưng cũng phải chuẩn bị tâm lý rằng ngày chiến thắng có thể sẽ không có mình, nghĩa là có thể hy sinh trên con đường đi đến chiến thắng.

Chính những điều này giúp tôi vượt qua được thử thách, đòn roi tra tấn, âm mưu và thủ đoạn xảo quyệt của kẻ thù, để vững thế đứng của người cách mạng ở nhà lao, không gì có thể lay chuyển được.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa trong chuyến thăm Côn Đảo tháng 7/2024. Ảnh: TL

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa trong chuyến thăm Côn Đảo tháng 7/2024. Ảnh: TL

Nhớ lại những ngày tháng kháng chiến, điều đầu tiên bà nghĩ tới là gì và người đồng đội đầu tiên bà nghĩ đến là ai?

- Tôi nghĩ đến những người bạn cùng ở tù, những người chiến đấu bên tôi và đã dũng cảm hy sinh.

Đặc biệt, tôi nhớ đến má Sáu mù - một trong những người ở chuồng cọp cùng tôi.

Trong những ngày tháng bị giam cầm, má Sáu mù luôn nói về những ngày hòa bình. Dù mạng sống đang nằm trong tay kẻ thù, mắt mù không thấy đường nhưng má luôn có ước mơ. Má từng nói với tôi, chừng nào hòa bình, má sẽ trở về quê hương Quảng Nam để thăm lại bà con họ hàng. Má cũng mong được một lần ra thăm Hà Nội để viếng Bác Hồ...

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa cùng đồng đội trong chuyến thăm cựu tù Côn Đảo sinh sống ở huyện Côn Đảo năm 2022. Ảnh: Thanh Vũ/ TTXVN

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa cùng đồng đội trong chuyến thăm cựu tù Côn Đảo sinh sống ở huyện Côn Đảo năm 2022. Ảnh: Thanh Vũ/ TTXVN

Tôi cũng nghĩ về những người đồng đội đồng trang lứa, cùng ở trong chuồng cọp tại nhà tù Côn Đảo và đã hy sinh trước ngày hòa bình do sự đày đọa, hành hạ của kẻ thù.

Ngày ấy, các bạn cùng lứa tuổi với tôi có rất nhiều mơ ước. Nào là mơ ước về ngày hòa bình sẽ tiếp tục được đi học, về tình cảm lứa đôi hay về một gia đình hạnh phúc với chồng con, con trai con gái đặt tên là gì... Nhưng cuối cùng, họ mãi mãi nằm lại Côn Đảo khi cuộc đấu tranh còn chưa kết thúc. Ngày nhận tin chiến thắng, tôi và đồng đội rất vui mừng nhưng vẫn có những nỗi buồn, mất mát không thể bù đắp được.

Bà đã có những ngày tháng không thể nào quên nơi "địa ngục trần gian" này. Ảnh: TL

Bà đã có những ngày tháng không thể nào quên nơi "địa ngục trần gian" này. Ảnh: TL

Sau hòa bình, tôi hay trở lại Côn Đảo, thăm lại những đồng đội năm xưa. Tôi nhắn nhủ với các bạn rằng hòa bình đã lập lại, đất nước đã trọn niềm vui thống nhất. Sự hy sinh của các bạn cuối cùng cũng được đền đáp xứng đáng, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Chúng tôi từng chứng kiến bà Trương Mỹ Hoa khóc nghẹn khi nghe bài hát Tự nguyện của nhạc sĩ Trương Quốc Khánh. Ở lần gặp này, khi có dịp, chúng tôi hỏi bà lý do tại sao lại xúc động đến thế.

Bà nói rằng: “Đó không phải là bài hát duy nhất từng khiến tôi khóc. Tôi hay xúc động khi nghe những ca khúc về cách mạng. Còn nói về bài Tự nguyện, tôi thấy bài hát này rất hay, chứa đựng lời kêu gọi của sự đoàn kết và hy sinh để trở thành một con người tiêu biểu, chín chắn và chính nghĩa. Hãy là vầng mây, là cánh chim, là những điều rất tích cực, tốt đẹp cho xã hội, cho cả bầu trời, thiên nhiên Việt Nam của chúng ta”.

Kỳ tới -Nguyên Phó Chủ tịch nước: Nước mắt hạnh phúc ngày đoàn tụ sau 21 năm

Hiền Anh

Ngân Anh

Phước Sáng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nhung-ngay-mai-ngon-tay-trong-nguc-cua-nguyen-pho-chu-tich-nuoc-truong-my-hoa-2383596.html