Những ngày ở nhà chống dịch
Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 3708 của Tỉnh ủy về triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, người dân Bình Phước nghiêm túc chấp hành giãn cách xã hội. Từ chỗ lo ngại về cảm giác ở nhà bức bí như nhiều người nghĩ, những ngày thực hiện giãn cách xã hội của một số gia đình ở thành phố Đồng Xoài lại trở nên rất có ý nghĩa.
Cuộc sống cần nhiều hơn những giá trị vật chất
Chấp hành đúng chủ trương của Chính phủ, sáng 31-3, chị Đ.T.T, Giám đốc Công ty TTP (Đồng Xoài) họp nhân viên và thông báo, công ty bắt đầu tạm nghỉ từ ngày 1-4 cho đến khi có thông tin mới. Chị T dặn dò nhân viên tuân thủ tốt các khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 và phát động toàn nhân viên trong khi nghỉ chống dịch dành thời gian hình thành và phác thảo ý tưởng để xây dựng chiến lược phát triển công ty thời gian tới. Trong thời gian nghỉ vì dịch, nếu công ty có việc đột xuất sẽ tổ chức họp online.
Ngày đầu tiên ở nhà, chị T vốn là “chân chạy” nên ban đầu cũng cảm giác khó chịu. Năng động, chị T không ngồi yên mà nghĩ ra cách sử dụng thời gian hiệu quả. Chị T cho biết: Mình điều hành doanh nghiệp nên cuộc sống bấy lâu nay chỉ xoay quanh công việc công ty, đôi khi 1 ngày 24 giờ trôi qua thật nhanh. Nhưng giờ sống chậm, có thời gian nhìn lại xung quanh thấy bản thân cần điều chỉnh rất nhiều để sống ý nghĩa hơn. Tự mình lên kế hoạch, sáng ngày giãn cách xã hội thứ 2, chị T dậy sớm tập thể dục, sau đó đi bộ đến cửa hàng mua thực phẩm cho gia đình và ba mẹ chồng. Theo quy ước trước đó, chị sang nhà ông bà và treo bịch thức ăn ở cổng, rồi quay về nhà nấu bữa sáng cho gia đình.
Chồng chị T nói: Từ ngày mở công ty, vợ chồng tôi hầu như ít có thời gian cho nhau nên việc ăn điểm tâm chung là rất hiếm. Nhà ba mẹ không xa nhưng khi ông bà có việc thì vợ chồng tôi mới về thăm hỏi vài câu. Mấy ngày nay được nghỉ làm, vợ chồng cùng bàn công việc, chăm sóc, giáo dục con cái, lên kế hoạch cho tương lai... mới thấy được cuộc sống cần nhiều hơn những giá trị vật chất và cảm nhận rõ sự thiêng liêng của 2 tiếng gia đình.
Sức mạnh tinh thần trước đại dịch Covid-19
Bà Trương Thị Lên (70 tuổi) thuộc diện hộ khó khăn ở khu phố Suối Cam, phường Tiến Thành, TP. Đồng Xoài. Khi nghe tin thực hiện giãn cách xã hội, bà rất lo lắng vì sẽ không có việc làm, không có thu nhập. Nhưng mấy ngày nay, thỉnh thoảng đại diện khu phố lại mang quà đến tặng bà. Đó là gạo, mì tôm, trứng... do các nhà hảo tâm chia sẻ khó khăn với người nghèo. Hàng xóm cũng hỏi thăm, tặng gạo và vận động quà rồi mang đến tận nhà bà. “Tôi rất vui mừng và cảm động, vì trong lúc đại dịch, ai cũng khó khăn nhưng tôi vẫn được quan tâm giúp đỡ” - bà Lên nói.
Giữa tâm dịch, biết chắc đời sống nhiều người nghèo sẽ thêm khó khăn nên những ngày qua, bà Vũ Thị Thanh Loan, Bí thư Chi bộ khu phố 4, phường Tiến Thành đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ phường tổ chức vận động đóng góp gạo, mì, trứng tặng những hộ dân khó khăn. Địa điểm phát tặng đặt ngay trước nhà bà Loan (QL14, khu phố 4, phường Tiến Thành). Bà Loan cho biết: Tôi rất tâm đắc với câu nói: “Nếu bạn khó khăn hãy nhận một phần, còn bạn ổn xin hãy dành cho người khác” nên đã chung tay phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ phường vận động MTTQ và các đoàn thể ủng hộ nhu yếu phẩm tặng bà con hoàn cảnh khó khăn. đây là hành động có ý nghĩa thiết thực nên từ ngày 1-4 đến nay, đã có nhiều đơn vị, cá nhân đến ủng hộ. Từ nguồn lực quyên góp được, chúng tôi phân thành từng phần, mỗi phần quà (tùy ngày) gồm gạo, mì, trứng, nước tương. Dự kiến mỗi ngày tại điểm này sẽ phát từ 20-50 phần, người đến nhận phải rửa tay, giữ khoảng cách 2m.
Vừa chở gạo đến điểm phát quà, anh Vũ Văn Anh (phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài) chia sẻ: Tôi làm nghề kinh doanh, nay phải đóng cửa nên nguồn thu giảm mạnh. Tuy nhiên, thấy xung quanh vẫn còn nhiều người khó khăn hơn mình nên muốn đóng góp ít gạo tặng bà con. Còn anh Nguyễn Văn Ban xúc động nói: Tôi làm công nhân trong khu công nghiệp nhưng mấy ngày nay thất nghiệp do công ty giảm bớt lao động. Nhận phần quà này, tôi thấy ấm áp vô cùng. Lúc khó khăn ai tặng hay cho cái gì đều quý, nhất là nhu yếu phẩm cần thiết.
Chị Bùi Thị Biên Linh, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh chia sẻ: Nhân dân ta có truyền thống tương thân tương ái, đó là vốn quý. Cùng với sự lan tỏa của những hành động đẹp, lối sống đẹp sẽ tạo nên sức mạnh cộng hưởng trong toàn dân. Đây chính là sức mạnh làm nên chiến thắng dịch bệnh nguy hiểm Covid-19. Bên cạnh đó, mỗi người dân cần triệt để làm theo những khuyến cáo của Bộ Y tế, có ý thức tự giác kỷ luật xã hội để cùng đất nước chống dịch. Lòng tốt sẽ chỉ có ý nghĩa tích cực khi biết tuân thủ những chuẩn mực tiến bộ khoa học vì sức khỏe cộng đồng.
Phương Dung
Xem thêm: Chung tay phòng chống Covid-19
Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/nhung-ngay-o-nha-chong-dich-581623