Những ngày rộn ràng trên cánh đồng mai Tết ở Sài Gòn
Rằm tháng Chạp năm nào, chị Hiền và gia đình cũng bỏ hết công việc thường ngày để đi lặt lá mai thuê. Đây là công việc không đòi hỏi nhiều kỹ thuật và sức khỏe nhưng mang lại thu nhập khá nên được nhiều người lựa chọn.
Xem video: Thu nhập tiền triệu nhờ nghề lặt lá mai dịp cận Tết
Cả gia đình đi lặt lá mai thuê
Siết lại quai nón, bật bài nhạc yêu thích từ cái radio bé xíu, chị Hiền (40 tuổi, quê tỉnh Trà Vinh) cùng chồng và đứa con trai 14 tuổi len qua những liếp mai xanh rì. Chị vừa nhận lặt lá cho cánh đồng mai Tết rộng hơn 1ha tại làng mai Bình Lợi (huyện Bình Chánh, TP.HCM) này với giá 30.000 đồng/h.
Chị Hiền cho biết, rằm tháng Chạp năm nào, chị và gia đình cũng bỏ hết công việc thường ngày để đi lặt lá mai thuê. Đây là công việc không đòi hỏi nhiều kỹ thuật và sức khỏe nhưng mang lại thu nhập cao nên được nhiều người lựa chọn.
“Năm nào vào thời điểm này, những người như chúng tôi đều tạm dừng việc làm riêng để đi lặt lá mai thuê. Thường ngày, vợ chồng tôi làm thợ hồ nhưng nay tôi tạm nghỉ để đi lặt lá. Mấy người bạn của tôi vốn chỉ ở nhà nội trợ nay cũng bỏ việc nhà đi lặt lá mai luôn”, chị Hiền thông tin.
Đi trên bờ kênh dọc theo những ruộng mai bạt ngàn, chúng tôi cảm nhận rõ sự tất bật, náo nhiệt của những “công nhân” lặt mai thuê. Những người phụ nữ đội nón lá, đeo bao tay tuốt lá trong tiếng cười nói rôm rả trong khi cánh đàn ông vừa lặt lá vừa pha trò, gọi nhau í ới. Họ cười đùa, trò chuyện làm náo nhiệt cả một vùng.
Bỏ việc nhà đi lặt lá mai thuê, chị Nguyễn Thị Hoài (36 tuổi) cho biết, chị đã gắn bó với cây mai từ khi còn là con gái. Thường ngày, chị vẫn nhận cắt nhánh, tỉa cành cho mai Tết. Tuy nhiên, chị vẫn trông chờ mai vào vụ lặt lá. Bởi, thời điểm này chị có được công việc nhẹ nhàng nhưng đem lại thu nhập cao.
Chị Hoài nhận lặt lá cho chủ vườn với giá 35-40.000 đồng/giờ tùy theo mai lớn, mai nhỏ. Nhiều năm kinh nghiệm, chị được các chủ vườn tin tưởng, giao cho một diện tích lớn để lặt lá. “Khi lặt, mình phải tuốt lá xuôi theo cành. Nếu làm ngược lại, nụ hoa sẽ rụng nhiều hơn. Tôi lặt lá nhiều năm nên quen tay, vừa lặt nhanh vừa ít rụng nụ hoa nên được chủ vườn đánh giá cao”, chị Hoài tự tin nói.
Cùng “đội” với chị Hoài, nhiều người phụ nữ trung niên khác cũng tiết lộ mình bỏ công việc nội trợ để đến làng mai lặt lá, kiếm tiền tiêu Tết. Thậm chí, có người đóng cửa tiệm làm móng tay, móng chân để “rảnh” tay đi lặt lá thuê.
Theo ghi nhận của PV, công việc lặt lá mai cũng thu hút những người có tuổi. Cô Bảy (63 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) cho biết, thường ngày cô đi làm cỏ vườn chanh cho chủ. Tuy nhiên, đến rằm tháng Chạp, cô lại xin nghỉ để vào vườn mai làm việc.
“Làm việc này vui lắm, ai cũng làm được cả, chỉ cần chịu khó, chịu nắng một chút. Cô làm từ 6h sáng đến 6h chiều. Lặt lá mai không hẹn ngày, giờ nghỉ. Bọn cô ăn cơm tại vườn, ăn xong lặt tiếp. Đến chiều, nếu mệt quá thì về, mai ra làm tiếp”, cô Bảy nói.
Chủ vườn rụt rè bán mai “khủng”
Chị Hoài cho biết, năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, sức mua mai của thương lái giảm đáng kể. Điều này khiến các nhà vườn cũng “rụt rè” hơn trong việc lặt lá mai. Tuy nhiên, do mai đạt chất lượng hơn mọi năm, cành lá đẹp nên chị và những người chuyên lặt lá vẫn có việc làm và đảm bảo thu nhập.
Trong khi đó, không ít chủ vườn đang rơi vào tình thế lưỡng lự, không dám mạnh tay lặt lá những vườn mai có tuổi đời lớn, giá trị cao. Trao đổi với VietNamNet, anh Tuấn, chủ vườn mai Tết tại làng mai Bình Lợi cho biết, năm nay, mai cho nhiều nụ, cành, nhánh đều, đẹp. Tuy nhiên, so với mọi năm, đến giờ này, anh chỉ dám lên chậu khoảng 30% số mai tại vườn.
“Năm nay, những gốc mai lớn, có tuổi đời cao, tôi không dám cho người lặt lá, lên chậu vì sợ bán không được. Nếu bán không được, chúng tôi phải đem mai về vườn trồng lại. Những cây trồng lại như thế phải mất 2 năm, chưa kể, khi đào lên trồng lại cây có thể bị chết. Tôi đành để lại, sau Tết xả tàn, nuôi cây đợi năm tới”, anh Tuấn nói thêm.
Cùng cảnh ngộ, một chủ vườn khác cũng than thở việc thương lái vẫn hờ hững, chưa dám xuống tay đặt mai. Chị này cho biết, vào thời điểm này năm ngoái, các thương lái đã đến đặt mai, lên chậu đạt 90% vườn. Trong khi năm nay, dù Tết đã cận kề, mai cho hoa đẹp, thương lái vẫn đặt hàng rất dè dặt, thậm chí không dám đặt những cây mai "khủng".
Để tránh rủi ro thấy trước, các chủ vườn này cũng chọn giải pháp không vội cho người lặt lá những cây mai lớn, có tuổi đời, giá trị cao. Chị Lan, chủ vườn mai tại làng mai Bình Lợi nói: “Nhiều cây lớn, nụ đặc cành nhưng chúng tôi không dám lặt lá, không dám bứng. Vườn này, tôi chỉ bứng đem đi bán tại các bãi khoảng 30% vườn thôi”.
“Những cây có giá khoảng vài triệu, tôi chưa vội cho người lặt lá. Tôi để tại vườn chờ khách mối đến xem. Họ chốt giá hoặc có khách lẻ đến đặt mua, chúng tôi mới lặt lá, lên chậu… Nếu lên chậu, lặt lá mà không bán được chúng tôi trồng lại sẽ lỗ thêm 2 năm chăm cây”, chị Lan nói thêm.
Để ứng phó với sức mua có thể sụt giảm các chủ vườn không chỉ hạn chế lặt lá, lên chậu các cây mai khủng, giá trị lớn mà còn gia tăng bến bãi trưng bày, bán mai Tết. Dọc theo con đường dẫn vào làng mai, các chủ vườn đã trưng bày những cây mai dáng đẹp, sai hoa để thu hút khách hàng.
Ngoài ra, các chủ vườn cũng chủ động gia tăng bến bãi bán mai tại các địa phương để kích cầu sức mua. Anh Tuấn nói: “Năm ngoái, tôi thuê 1 bãi bán mai Tết ở Bình Dương nhưng năm nay, tôi thuê 2 bãi. Phải chia ra như để thu hút sức mua. 21 tháng Chạp, tôi đem lên Bình Dương bán rồi”.
Bài, ảnh và clip: Nguyễn Sơn