Những ngày tháng hào hùng

Đã 70 mùa thu trôi qua, song ký ức, hình ảnh và những câu chuyện kể về ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954) vẫn nguyên vẹn trong tâm trí của người dân Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Bản hùng ca Hà Nội ngày chiến thắng trở về mãi vang vọng và là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam.

Sau thời gian dài kháng chiến gian khổ, ngày 20/7/1954, Hội nghị Giơnevơ kết thúc, Hiệp định Giơnevơ về đình chiến ở Đông Dương được ký kết, điều này đồng nghĩa với việc thực dân Pháp phải rút hết quân khỏi Đông Dương. Mặc dù vậy, Hà Nội vẫn còn nằm trong khu vực tập kết của quân đội Pháp trong 80 ngày. Lợi dụng khoảng thời gian cuối cùng này, quân Pháp ráo riết tổ chức các hoạt động phá hoại Thủ đô về mọi mặt. Trước sức mạnh và sự đoàn kết keo sơn của quân và dân Hà Nội, cuối tháng 9/1954, Bộ Chỉ huy quân chiếm đóng Pháp chấp nhận rút khỏi thành phố đúng thời hạn. Đồng thời, qua nhiều ngày đấu tranh sôi nổi, các hiệp định về chuyển giao Hà Nội được ký kết ngày 30/9/1954 và ngày 2/10/1954 tại Ủy ban Liên hợp đình chiến Trung ương.

Cột cờ Hà Nội. Ảnh: TL

Cột cờ Hà Nội. Ảnh: TL

Ngày 17/9/1954, theo quyết định của Chính phủ, Ủy ban Quân chính Hà Nội được thiết lập, bộ máy tiếp quản được tổ chức. Trung ương ban hành và phổ biến cho cán bộ tiếp quản các chỉ thị: "Bảo vệ thành phố mới được giải phóng", cùng "08 chính sách đối với thành phố mới được giải phóng" và "10 điều kỷ luật của bộ đội, nhân viên công tác khi vào thành phố mới được giải phóng". Ủy ban Quân chính đã chuẩn bị một lực lượng quân - dân đủ mạnh để phòng và khắc phục mọi hậu quả âm mưu phá hoại của kẻ địch gây ra.

Đầu tháng 10/1954, Bác Hồ với Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận và các đoàn thể từ "Thủ đô gió ngàn" Việt Bắc trở về giải phóng Thủ đô Hà Nội. Từ Việt Bắc về Thủ đô Hà Nội, Người đã chuẩn bị nhiều bài viết cho ngày Thủ đô giải phóng, như "Lời kêu gọi nhân ngày thủ đô giải phóng", "Giữ gìn trật tự an ninh", "Ổn định sinh hoạt"... với bút danh CB, đăng báo Nhân Dân số 237 ngày 10/10/1954, số 238 ngày 13/10/1954... nhằm động viên tới từng giới, từng ngành, từng lứa tuổi, công chức, giáo viên, học sinh, thanh niên, công nhân, bác sĩ, bộ đội, công an, giới tu hành của các tôn giáo... đoàn kết mọi nguồn lực để tái thiết, xây dựng, bảo vệ Thủ đô sau ngày giải phóng.

Trong khi đó, tại Thủ đô Hà Nội, mọi lực lượng chính trị, quân sự, an ninh, các giới khẩn trương theo dõi tình hình rút lui, chuyển quân của Pháp và quân đội, chính quyền ngụy, không cho chúng phá hoại các công sở, nhà máy, di tích lịch sử văn hóa... Thành ủy Hà Nội phân công cán bộ cùng toàn thể nhân dân chuẩn bị cờ, ảnh Bác Hồ, hoa, đón chào Đoàn quân của Bộ đội Cụ Hồ về tiếp quản, giải phóng Thủ đô, lễ mít tinh chào mừng ngày giải phóng Thủ đô.

Sáng ngày 8/10/1954, các đơn vị quân đội chia làm nhiều hướng tiến vào ngoại thành Hà Nội, bao bọc nội thành các hướng đông, tây, nam, bắc, theo đường đê La Thành và ven sông Hồng, Hồ Tây. Vào lúc 6 giờ sáng ngày 9/10/1954, quân đội ta tiến vào 5 cửa ô rồi tỏa đi tiếp quản nhà ga, Phủ Toàn quyền, khu Đồn Thủy, khu Bờ Hồ, Phủ Thống sứ. Lúc 16 giờ ngày 9/10/1954, quân đội Liên hiệp Pháp rời khỏi thành phố, qua cầu Long Biên sang Gia Lâm, để rời Hà Nội từ sân bay Gia Lâm, hay theo đường bộ ra cảng Hải Phòng, di chuyển theo đường biển vào phía nam vĩ tuyến 17.

Đến sáng ngày 10/10/1954, Trung đoàn Thủ đô thuộc Đại đoàn 308 tiến vào tiếp quản Hà Nội trong rừng cờ hoa rực rỡ, trong tiếng reo hò của hàng chục vạn người dân. Vào 5 giờ sáng ngày hôm ấy, nhân dân Thủ đô quần áo chỉnh tề, mang cờ, hoa, ảnh Bác Hồ, xếp thành hàng trật tự, theo từng công sở, xí nghiệp, trường học, khu phố... kéo tới những con đường chờ đón đoàn quân sẽ đi qua. Đoàn xe đầu tiên do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ và bác sĩ Trần Duy Hưng dẫn đầu. Đến 8 giờ sáng cùng ngày, cánh quân phía tây xuất phát từ Quần Ngựa (nay là Cung Thể thao Hà Nội, phố Quần Ngựa). Đó là những chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn Thủ đô, mang trên ngực huy hiệu "Chiến sĩ Điện Biên Phủ" trở về với thành phố quê hương do Trung đoàn trưởng Nguyễn Quốc Trị - Anh hùng quân đội dẫn đầu. Các chiến sĩ diễu binh qua các phố Kim Mã, Hàng Đẫy, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang...

Thực cảnh tái hiện ngày 10/10/1954 đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô trong Chương trình “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” tổ chức ngày 6/10/2024 tại Hà Nội. Ảnh: ĐCSVN

Thực cảnh tái hiện ngày 10/10/1954 đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô trong Chương trình “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” tổ chức ngày 6/10/2024 tại Hà Nội. Ảnh: ĐCSVN

Vào lúc 8 giờ 45 phút, cánh quân phía nam thuộc hai Trung đoàn 88 và 36 cũng xuất phát từ Việt Nam học xá (nay thuộc Trường Đại học Bách Khoa), đi qua Bạch Mai, diễu binh qua hồ Gươm rồi vòng lại chiếm lĩnh toàn bộ khu Đồn Thủy (Bệnh viện Hữu Nghị ngày nay) và khu Đấu Xảo (Cung Văn hóa Lao động Hữu Nghị ngày nay). Đến 9 giờ 30 phút, Đoàn Cơ giới và Pháo binh xuất phát từ Bạch Mai, đi qua phố Huế đến bờ hồ, đi qua Hàng Đào, Hàng Ngang, chợ Đồng Xuân, rẽ sang đường Cửa Bắc và tiến vào thành phố lúc 10 giờ 45 phút.

Các đơn vị bộ đội ta đi đến đâu, thành phố như bừng sáng đến đó. Trên các ngả đường đoàn quân diễu binh đi qua, nhân dân Hà Nội cầm hoa, cờ, ảnh Bác Hồ, hát ca và hô khẩu hiệu mừng Đoàn quân giải phóng, mừng Bác Hồ, Trung ương, Chính phủ... trở về Thủ đô, mừng Thủ đô sạch bóng quân thù.

Đúng 15 giờ ngày 10/10/1954, còi Nhà hát Lớn nổi một hồi dài. Hàng nghìn người dân Hà Nội, cùng các đơn vị quân đội tham gia tiếp quản thành phố, trang nghiêm dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính Thành phố tổ chức tại sân vận động Cột Cờ. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên đỉnh Cột cờ cổ kính. Cả Hà Nội tưng bừng trong niềm vui giải phóng. Trong buổi lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội - Thiếu tướng Vương Thừa Vũ trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng. Lời Kêu gọi Bác viết: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay, do quân và dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, kháng chiến đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui khôn xiết kể”. Lời Bác thân mật, tha thiết làm cho nhiều người không nén được xúc động, nước mắt rưng rưng. Theo lời kể của Thiếu tướng Vương Thừa Vũ: “Lúc đó, tôi cũng xúc động không cầm được nước mắt, phải dừng lại ít phút, thì bỗng cả sân vận động hàng nghìn người hô vang: Hồ Chủ tịch muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!... những tiếng hô chứa chan lòng kính yêu lãnh tụ của nhân dân thủ đô”.

Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954) là mốc son sáng chói đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp tại Việt Nam, mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô và đất nước. Kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô, mỗi người dân Việt Nam trào dâng niềm xúc động và tự hào về những tháng ngày lịch sử hào hùng. Trong lòng người dân Hà Nội và nhân dân cả nước hân hoan khi xem hình ảnh tái hiện về một Hà Nội xưa tưng bừng chào đón đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô, những ngày tháng lịch sử hào hùng ở Thủ đô sống mãi trong lòng dân tộc.

THANH HIẾU

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/chinh-tri/202410/ky-niem-70-nam-ngay-giai-phong-thu-do-10101954-10102024-nhung-ngay-thang-hao-hung-fd618e4/