Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội: Hành trình vươn mình

Hà Nội, Thủ đô vinh quang của nước Việt Nam, vinh dự là chứng nhân lịch sử, theo dõi sự vươn mình vĩ đại của cả đất nước suốt hơn một ngàn năm qua.

Từ đất rồng bay

Với vị trí địa lý nằm giữa vùng châu thổ sông Hồng, Hà Nội đã trở thành trung tâm của đất Việt từ thời xa xưa. Vị hoàng đế đầu tiên của nước ta thời kỳ độc lập ngắn ngủi - Lý Nam Đế đã chọn thành Long Biên, đất Hà Nội xưa làm nơi đóng đô. Kinh đô của Ngô Quyền - vị vua mở ra thời kỳ độc lập - đóng tại Cổ Loa xưa do Thục Phán An Dương Vương khởi dựng từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên. Thành Đại La nằm bên hồ Tây và sông Tô Lịch cũng từng là thủ phủ của viên quan đô hộ Cao Biền khi cai trị nước ta ở thời Đường, với nhiều câu chuyện truyền thuyết về thế đất linh thiêng.

Khuê Văn Các - một trong những biểu tượng của Hà Nội.

Khuê Văn Các - một trong những biểu tượng của Hà Nội.

Đến thời kỳ độc lập của dân tộc, thành Đại La đã vươn mình theo thế rồng bay, sau khi được Vua Lý Thái Tổ chọn làm "nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời". Trong "Chiếu dời đô" năm 1010, nhà vua đã khẳng định: "Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương. Từ đó, trải hơn một ngàn năm qua, Hà Nội luôn là trái tim của cả nước, nơi "lắng hồn núi sông nghìn năm" như trong ca khúc "Người Hà Nội" của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi.

Đất rồng bay cũng nhiều lần phải gánh chịu vết thương chiến tranh, như trong những lần kháng chiến chống quân Nguyên - Mông giữa và cuối thế kỷ XIII, vua quân nhà Trần nhiều lần dùng kế "thành không nhà trống" dụ giặc vào hãm địa để rồi tung đòn quyết định, đuổi sạch chúng ra khỏi bờ cõi. Suốt 3 cuộc chiến thắng quân Nguyên - Mông, dưới sự chỉ huy tài tình của các vua Trần và những danh tướng như Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật... chỉ sau vài tháng, quân dân nhà Trần đã khải hoàn rước thượng hoàng và nhà vua về kinh. Trong bài thơ "Tụng giá hoàn kinh sư" của Trần Quang Khải, đã hát lên khúc hoan ca "Thái bình tu trí lực, vạn cổ thử giang san" (Thái bình nên gắng sức, non nước ấy nghìn thu).

Sau khi nhà Hồ dời đô về Tây Đô (Thanh Hóa) để Thăng Long trở thành Đông Đô, rồi để đất nước rơi vào tay giặc Minh vì đánh mất lòng dân, từ rừng núi Lam Sơn, Bình Định vương Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa. Thành Thăng Long chính là nơi chứng kiến những ngày tháng cuối cùng của cuộc kháng chiến chống quân Minh. Bên tường thành Thăng Long, trước sông Nhị Hà, chủ tướng Lê Lợi và tướng nhà Minh là Vương Thông đã đắp đàn làm lễ trong sự kiện lịch sử "Hội thề Đông Quan" cuối năm 1427, sau đó hàng vạn quân Minh được an toàn rút quân về nước.

Bình Định vương cùng các tướng lĩnh, nghĩa quân hân hoan từ Điện Tranh Bồ Đề (Gia Lâm) kéo quân vào thành, để đầu năm 1428, lên ngôi đại thống, đặt niên hiệu là Thuận Thiên, định quốc hiệu là Đại Việt, đô hiệu là Thăng Long. Sự kiện đó mở ra một thời kỳ huy hoàng của thành Thăng Long - trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của nhà nước Đại Việt suốt trong triều Lê sơ, chỉ gián đoạn mấy chục năm khi nhà Mạc tiếm quyền.

Sau giai đoạn đất nước phân chia bởi Trịnh - Nguyễn phân tranh, những năm cuối thế kỷ XVIII, thành Thăng Long lại chứng kiến liên tiếp những lần ra quân "xuất quỷ nhập thần" của danh tướng Nguyễn Huệ, sau là Vua Quang Trung, tấn công đánh bại hoàn toàn quân đội của chúa Trịnh với danh nghĩa "phò vua Lê", rồi sau đó, oanh liệt nhất là chiến dịch mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789) đánh đuổi hoàn toàn hàng chục vạn quân xâm lược nhà Thanh, khiến chủ tướng Tôn Sĩ Nghị phải nửa đêm cuống quýt bỏ chạy "người không kịp mặc giáp, ngựa không kịp đeo cương".

Vào mùa thu lịch sử năm 1945, trong những ngày tháng Tám cuồn cuộn dòng thác cách mạng, Hà Nội đã chứng kiến hàng vạn đồng bào hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Việt Minh, xuống đường cùng cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ, bao vây các trụ sở của chính quyền cũ để giành chính quyền về tay nhân dân. Chiều 2/9/1945, đại diện cho cả dân tộc, đồng bào Thủ đô vinh dự được trực tiếp chứng kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Hà Nội từ đó trở thành Thủ đô thiêng liêng của đất nước.

Nhưng, độc lập, tự do không dễ gì có được, thực dân Pháp đã tiếp tục gây hấn, để rồi kháng chiến chống Pháp lại bùng nổ. Sau những ngày đêm khói lửa anh dũng của quân và dân Hà Nội, đầu năm 1947, các chiến sĩ, đồng bào Thủ đô đã bí mật rút ra khỏi thành phố, cùng toàn quân tham gia cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ. Sau trận Điện Biên Phủ oanh liệt, thực dân Pháp phải rút về nước, Hà Nội lại hân hoan chào đón những người con chiến thắng trở về. Ngày 10/10/1954, các cánh quân đồng loạt tiến vào nội thành, tiếp quản Thủ đô, hân hoan như lời hát "trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về" mà nhạc sĩ Văn Cao đã tiên đoán từ nhiều năm trước đó.

Đến vươn mình hướng tới tương lai

Không phải như lời sấm truyền "Thăng Long phi chiến địa", Hà Nội vẫn còn phải đương đầu với những trận tấn công bằng không lực của đế quốc Mỹ trong suốt giai đoạn chiến tranh ác liệt, từ 1965-1972. Trong đó, suốt 12 ngày đêm khói lửa cuối năm 1972, "rồng lửa Thăng Long" của bộ đội tên lửa, cùng thế trận phòng không 3 thứ quân đã ngày đêm giăng lưới lửa khắp bầu trời, "vít cổ" hàng chục "siêu pháo đài bay bất khả xâm phạm" B52 của đối phương. Dù đổ nát, thương vong, nhưng Hà Nội anh dũng, quật cường đã khiến Mỹ phải chấp nhận ký kết hiệp định Paris, rút quân về nước. Hà Nội đã thực hiện đúng như lời tiên tri của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội".

Hà Nội đang phát triển thành một đô thị hiện đại.

Hà Nội đang phát triển thành một đô thị hiện đại.

Từ sau ngày hòa bình lập lại, Hà Nội mau chóng khắc phục các vết thương chiến tranh, vươn mình trở thành một thành phố xanh, thành phố hòa bình không chỉ được người dân cả nước yêu mến, mà còn khiến bạn bè quốc tế cảm phục. Hà Nội yên bình, xinh đẹp, luôn được nhắc đến trong những bài thơ, ca khúc...

Sau 40 năm đổi mới, Hà Nội lại có cơ hội một lần nữa chuyển mình đổi thay mạnh mẽ trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Kỷ nguyên ấy được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề cập trong bài phát biểu trước các đại diện ngoại giao tại Việt Nam trong buổi tiệc chiêu đãi vào ngày 28/8/2024, nhân dịp Quốc khánh nước ta. Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: "Từ một vùng đất chưa có tên trên bản đồ thế giới, từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Việt Nam đã vươn lên trở thành biểu tượng hòa bình, ổn định, hiếu khách, điểm đến của các nhà đầu tư và du khách quốc tế".

Đó cũng chính là cơ hội mà Thủ đô Hà Nội đã nắm bắt và giữ vững, khi luôn khẳng định được vị thế một thành phố hòa bình, ổn định, hiếu khách, nơi thu hút các nhà đầu tư và du khách nước ngoài.

Kết luận của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 10 khóa XIII vừa qua cũng thống nhất khẳng định: Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. "Kỷ nguyên vươn mình" cũng đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm làm rõ hơn trong bài phát biểu chính sách tại Đại học Columbia, nhân dịp chuyến làm việc tại New York, Mỹ, vào ngày 23/9 vừa qua. Theo đó, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; sẽ tiếp tục là điểm đến ổn định, tin cậy và hấp dẫn với các nhà đầu tư, doanh nghiệp và du khách nước ngoài. Đây cũng chính là những điều mà đảng bộ và nhân dân thành phố Hà Nội vẫn đang ngày đêm nỗ lực thực hiện.

Trước đó, ngày 9/8, trong chuyến thăm, làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội; việc quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã khẳng định: Hà Nội là Thủ đô của đất nước, trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, hội nhập quốc tế.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, trong suốt chiều dài lịch sử, Thăng Long - Hà Nội luôn tiêu biểu cho khát vọng hòa bình, chủ nghĩa nhân văn, tinh thần nhân đạo và hòa hiếu của dân tộc Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, truyền thống văn hiến đó lại càng được thể hiện rõ nét hơn. Thủ đô Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, mà còn có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội là điểm tựa quan trọng trong việc ổn định chính trị, bảo vệ an ninh đất nước và xây dựng mối quan hệ ngoại giao với các quốc gia khác.

Mùa thu năm 2024 này, nếu từ trên máy bay đáp xuống sân bay quốc tế Nội Bài vào buổi tối, có thể thấy những dòng xe hối hả ngược xuôi trên các con đường cao tốc nối liền Hà Nội với khắp các tỉnh, khu vực của miền Bắc. Trên các công trường xây dựng đường vành đai 3, 3,5, vành đai 4, đều đang sáng đèn suốt đêm, hối hả thi công. Cùng với hạ tầng giao thông phát triển, quy hoạch đồng bộ, các khu đô thị đang mọc lên quy củ, xanh và đẹp. Đời sống nhân dân Thủ đô ngày một được nâng cao, các yếu tố môi trường, văn hóa, y tế, giáo dục, xã hội cũng được cải thiện. Hà Nội đang chuyển mình mạnh mẽ, mà chỉ cần đi xa một tháng, đã nhận rõ sự khác biệt.

Với sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, với sự tin yêu và ủng hộ của nhân dân cả nước và nỗ lực của đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn Thủ đô, Hà Nội chắc chắn sẽ vươn mình mạnh mẽ, là đầu tàu dẫn dắt trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, xứng đáng với truyền thống ngàn năm nối tiếp từ những Đại La - Đông Đô - Thăng Long vẫn âm vang trong suốt chiều dài lịch sử.

Lê Tiên Long

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/thang-long-dong-do-ha-noi-hanh-trinh-vuon-minh-i746788/