Những ngày tháng Tư lịch sử
Ngày 30/4/1975 đã đi vào lịch sử dân tộc là mốc son chói lọi, đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. 47 năm đã trôi qua, nhưng ký ức, cảm xúc của những người lính Cụ Hồ trực tiếp tham gia vào quá trình giải phóng dân tộc vẫn còn vẹn nguyên.
Thiếu tướng Triệu Văn Ngô- Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu 1:
Tháng 8/1972 khi đang là học sinh cấp 3, chàng thanh niên 17 tuổi Triệu Văn Ngô xung phong lên đường nhập ngũ. Trải qua thời gian huấn luyện, ông hành quân vào chiến trường miền Nam. Từ năm 1973, ông tham gia chiến đấu trong đội hình của Tiểu đoàn 631 (Tiểu đoàn 1) Trung đoàn 25, Quân đoàn 3.
Tìm gặp ông vào một ngày giữa tháng 4, khi biết tôi muốn ông chia sẻ về những ngày tháng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ông trầm mặc: “Tôi may mắn vì đến giờ vẫn còn được ngồi đây, được chia sẻ về những năm tháng hào hùng nhưng cũng rất đau thương ấy… Có những đồng đội tôi trực tiếp chôn cất, đã vài lần quay lại tìm kiếm tôi vẫn chưa chưa thể tìm thấy hài cốt”.
Người mà ông nhắc đến chính là Liệt sĩ Phan Văn Trung quê ở Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, người đã cùng ông và các đồng đội ở Tiểu đoàn 631 (Tiểu đoàn 1) tham gia chiến đấu để giải phóng sân bay Thành Sơn (Phan Rang).
Sân bay Thành Sơn là nơi cất cánh của “Phi đội quyết thắng” do Phi công Nguyễn Văn Lục làm Phi đội trưởng cùng các phi công: Nguyễn Thành Trung, Từ Đễ, Hán Văn Quảng, Hoàng Mai Vượng, Trần Văn On ném bom sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 28/4/1975. Tại đây “Phi đội quyết thắng” đã phá hủy 24 máy bay A37, tiêu diệt và làm bị thương hơn 300 tên địch, góp phần vào đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Tháng 4, thời tiết Phan Rang nắng nóng, các con suối trên vùng rừng núi Bác Ái khô cạn. Đêm 14/4 chúng tôi được lệnh hành quân vào chiếm lĩnh trận địa, cả đơn vị đều thiếu nước, máy bay trực thăng của địch liên tục bắn phá trận địa. Nhiều đồng đội hy sinh, số bị thương cũng nhiều. Đến ngày 16/4 chúng tôi cùng các đơn vị khác đã làm chủ được sân bay Thành Sơn.
Chúng ta đang sống trong hòa bình, đất nước ngày càng phát triển, kinh tế - xã hội ngày một đi lên, nhưng tôi cũng rất trăn trở khi hiện nay môn Lịch sử chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Mong rằng các cấp, ngành tiếp tục tăng cường công tác giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ; quan tâm tốt hơn đối với những người đã tham gia kháng chiến hiện đang sinh sống tại địa phương./.
Cựu chiến binh Triệu Văn Be, thôn Nà Pái, xã Vi Hương (Bạch Thông):
Tháng 02/1964, chàng thanh niên Triệu Văn Be lên đường nhập ngũ khi vừa cưới vợ được 50 ngày. Trải qua huấn luyện, ông được biên chế về Đại đội 18, Trung đoàn 246, tháng 12/1967 bắt đầu hành quân vào Nam sau đó chiến đấu ở Khe Sanh, Quảng Trị. Sau đó ông được bổ sung về Đại đội 16, Trung đoàn 18, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2, chi viện cho Thành cổ Quảng Trị.
“Chúng tôi nhận nhiệm vụ phải vận chuyển khẩu pháo 12,7mm vượt qua đường 1 để vào trận địa chi viện cho bộ binh đánh. Vào giữa trưa, trời nắng chang chang, riêng chân của khẩu pháo đã nặng khoảng 50kg, nòng nặng hơn 30kg. Cái khó ló cái khôn, chúng tôi đã dùng tôn mỏng trắng để che và cõng bò qua đường và thành công chuyển được 02 khẩu pháo 12,7mm vào trận địa”.
“Tôi đã chết hụt ở Thành cổ Quảng Trị ít nhất ba lần. Lần đầu là vào giữa trưa khi nghe đồng đội hô “Nó bắn chỉ điểm đấy”, vừa kịp chạy ra, hầm đã bị đánh tan. Lần thứ 2 cũng thoát chết trong gang tấc khi vừa ra khỏi hầm. Lần thứ 3 vào lúc 6h tối, 4 người chúng tôi đang ở trong hầm thì bị bom dội trúng, trước khi ngất đi, hình ảnh vợ, bố mẹ, anh em, ngôi nhà sàn, cây sáo hiện rõ trong đầu tôi”.
Sau đó tôi được kể lại là đồng chí liên lạc khi quay trở về phát hiện hầm của chúng tôi bị sập mới gọi các đồng chí ở Đội Bộ binh bên cạnh cuốc đất để tìm và lôi từng người ra, chúng tôi được đưa đi chữa thương. Sau khi bị thương và điều trị tôi được điều động về đơn vị cũ vào năm 1973. Sau giải phóng, tôi đã qua nhiều vị trí công tác và sau này là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Bạch Thông, hiện là thương binh với thương tật 31%.
Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đang trên đà phát triển và hội nhập, nhưng mỗi độ tháng Tư về, dù là bất cứ ai, làm công việc gì ở đất nước hình chữ S này cũng mang trong mình cảm xúc đặc biệt, niềm vui và sự tự hào của Ngày Giải phóng miền Nam - thống nhất đất nước, những ký ức hào hùng của một thời “bom đạn”, những chiến thắng được làm nên từ “máu xương” của biết bao thế hệ cha ông ta. Tháng Tư tới như nhắc nhở chúng ta cần nỗ lực hơn nữa để sống xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ đi trước, nỗ lực học tập, công tác tốt, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh./.
Cựu chiến binh Nông Văn Thuật, tổ 4, phường Xuất Hóa (TP. Bắc Kạn):
Xung phong tòng quân khi vừa tròn 20 tuổi, ông Nông Văn Thuật đã tham gia giữ vùng giải phóng ở tỉnh Quảng Trị vào những năm 1972. Từ năm 1974 ông tham gia vào trận đánh tại Quảng Nam, Đà Nẵng và tiến vào giải phóng Sài Gòn theo mũi tiến công phía Đông trong đội hình của Đại đội 12, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2.
“Không thể nhớ đã tham gia bao nhiêu trận đánh, bao nhiêu cuộc giằng co để giữ trận địa, các cao điểm, nhưng những ngày chiến đấu ở Thượng Đức là những ngày tôi không thể nào quên”.
Tháng 4/1974 chúng tôi bắt đầu công tác chuẩn bị đánh Thượng Đức như tải đạn, mở đường đưa pháo vào trận địa, vận chuyển lương thực. Đêm 28/7/1974 bắt đầu tiến công Thượng Đức, Trung đoàn 66 của chúng tôi là đơn vị chủ công, lúc đầu nhận được chủ trương đánh và giải phóng Thượng Đức trong 3 ngày nhưng địch chống trả quyết liệt nên không thành công, quân ta bị thương vong nhiều buộc phải tạm dừng tiến công để bổ sung, củng cố lực lượng. Đến ngày 06/8, chúng tôi tiếp tục tiến công Thượng Đức, lúc này quân ta đã đưa pháo 85mm từ điểm cao 118 lên điểm cao 296 để ngắm bắn trực tiếp ở cự ly 700m để phá lô cốt, hàng rào của địch. Đến sáng 07/8/1974 các lực lượng của ta đã hoàn toàn làm chủ Chi khu quân sự - quận lỵ Thượng Đức.
Mất Thượng Đức, quân địch tổ chức tiến công ồ ạt hòng nhanh chóng chiếm các trận địa để tạo bàn đạp đánh vào Thượng Đức nhưng đều thất bại, chúng đã chuyển sang tập trung đánh lên các cao điểm 109, 700, 1062 và áp dụng chiến thuật “lấn dũi”.
Lúc đó đơn vị của tôi được giao nhiệm vụ giữ cao điểm 1062, tại đây chúng tôi đã giằng co với địch dai dẳng và quyết liệt, hôm nay của ta, mai địch lại chiếm. Quân ta thay nhau đánh lên, lúc hỏa lực địch mạnh hơn ta phải lùi xuống. Mỗi khi quân ta vừa chiếm được 1062, lập tức địch dội pháo, điên cuồng xông lên chiếm lại, cả hai bên mất đi, rồi giành lại đỉnh 1062 nhiều lần. Pháo, súng, lựu đạn và bom đốt cháy cả cánh rừng nguyên sinh, cày nát đỉnh đồi… “Ai được tham gia trực tiếp mới biết sự ác liệt của trận đánh, rất nhiều đồng đội vừa nói chuyện cùng nhau nhưng vài phút sau đã hy sinh”.
Đến cuối tháng 3/1975 đơn vị tôi được lệnh từ Thượng Đức hành quân đánh vào sân bay Đà Nẵng, sau đó ở Đà Nẵng củng cố lực lượng. Đến trung tuần tháng 4 bắt đầu hành quân tiến vào Sài Gòn theo hướng Đông Nam, tôi được trực tiếp đánh ở căn cứ Nước Trong...
47 năm đã qua đi, trải qua những lần vào sinh ra tử, đến nay trên cơ thể của ông Thuật vẫn còn mảnh cối M79 găm lại, mỗi khi trái gió trở trời lại khiến ông nhức mỏi. “Tôi rất may mắn khi vẫn còn có thể trở về, có rất nhiều đồng đội đã nằm lại ven rừng, trên đỉnh 1062, sườn núi và ngay cửa ngõ Sài Gòn- nơi cách niềm vui chiến thắng chỉ vài bước chân”./.
Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/xa-hoi/202204/nhung-ngay-thang-tu-lich-su-ab91323/