Những ngày trong khu cách ly
Người ta bảo 'Thức đêm mới biết đêm dài', câu nói này nó rất đúng với tôi trong những ngày tháng ở khu cách ly y tế của huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Trải qua một chặng đường dài từ miền Trung vào đến địa phận Lâm Đồng rồi từ ranh giới - nơi có những chốt kiểm soát dịch COVID của tỉnh, tôi được xe dịch vụ cứu thương của huyện Di Linh chở về cách ly tập trung tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú của huyện. Có trải qua một chặng dài như thế, tôi mới thấy hết những điều đáng ghi nhận của công tác phòng, chống dịch tại tỉnh Lâm Đồng.
Về đến khu cách ly, sau khi khai báo y tế, tôi được cán bộ ở đây phát cho một túi đầy đủ những nhu yếu phẩm sinh hoạt cần thiết với lời dặn dò “Cái này là Nhà nước hỗ trợ. Ngoài ra, người cách ly còn được Nhà nước hỗ trợ thêm tiền ăn 40 ngàn/ngày/người, chỗ ở không mất tiền, nếu anh có sổ hộ nghèo, cận nghèo thì sẽ hỗ trợ hoàn toàn”, rồi tôi được dẫn lên một phòng gồm 6 chiếc giường đã giãn cách hơn 2 m với đầy đủ mùng mền, chăn chiếu. Sáng hôm sau, vừa thức dậy, giọng của người phụ trách ở khu cách ly đã vang lên “dậy tranh thủ cầm chổi tập thể dục thôi anh em ơi”. Tất cả mọi người trong khu đều được phát dụng cụ bảo hộ để làm vệ sinh trong khu vực của chỗ mình ở. Trong khu cách ly, nam nữ đều có khu vực riêng và phân theo tiêu chí: khu vực dành cho những người là F1, cho những người đến từ những vùng chưa áp dụng Chỉ thị 16 và khu vực dành cho những người đến từ vùng đã áp dụng Chỉ thị 16. Vệ sinh xong, là người mới nên tôi được cán bộ nhắc nhở “mỗi phòng ở sẽ được giao cho 1 phòng tắm, 1 phòng vệ sinh và khu vực phơi đồ riêng, phòng nào sử dụng của phòng đó, anh nhé”. Đi từ khu vực nghỉ ngơi xuống đến khu vực vệ sinh tất cả đều được rào ngăn, phân cách rất cẩn thận. Thoáng một lúc tôi đã cảm nhận thấy: Trong khu vực đòi hỏi tính phân tách cao thì chỉ có nếp sống và bàn tay vốn đã quen với kỉ luật của lực lượng vũ trang mới có thể làm chặt chẽ, chỉn chu đến thế. Tới đây, tôi mới thấm hết được chủ trương “Phòng thủ chặt, tấn công thần tốc” của tỉnh nó toàn diện đến mức nào. Kể từ khi có những ca bệnh đầu tiên, tỉnh Lâm Đồng quyết tâm “Phòng thủ chặt, tấn công thần tốc”. “Phòng thủ chặt” là đảm bảo không để lây nhiễm trong khu cách ly, là đảm bảo ngăn ngừa bùng phát dịch trong cộng đồng và đặc biệt phòng thủ chặt là thực hiện nguyên tắc “quân pháp bất vị thân” ở các chốt kiểm dịch nơi các cửa ngõ: tất cả các trường hợp đi vào tỉnh (ngoại trừ một số trường hợp được phép) đều phải liên hệ với địa phương tuyến xã, tuyến huyện nếu đảm bảo có chỗ để cách ly và có xe chuyên dụng của trung tâm y tế đón về thì mới được qua chốt. Ngoài ra, so với chủ trương của một số tỉnh khác “cao hơn một mức - sớm hơn một bước” thì có thể thấy phương châm phòng thủ chặt đã giúp tỉnh Lâm Đồng giữ vững được trận địa chống COVID. Cụ thể, khi hai xã vùng ven của thành phố Đà Lạt bùng phát dịch (có thời điểm đã có hơn 50 ca/ ngày) nhưng lãnh đạo tỉnh quyết định chưa áp dụng Chỉ thị 16 cho toàn thành phố mà lập hàng rào để phòng thủ chặt toàn thành phố, tập trung tấn công dịch ở hai xã này. Đi đôi với phòng thủ chặt là “tấn công thần tốc”. Cụ thể, từ cuối tháng 6 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 3 điểm nóng về dịch COVID là huyện Đạ Tẻh và hai thành phố Bảo Lộc, Đà Lạt. Với phương châm “Tấn công thần tốc”, đến nay điểm nóng Nhà máy sợi Đà Lạt (với 146 ca) đã cơ bản truy hết F0 trong cộng đồng; ở Đạ Tẻh, bệnh nhân COVID-19 cuối cùng được xuất viện.
Di Linh mùa này, sáng nắng chiều mưa, khí hậu mát mẻ, phòng của tôi gần cổng chính ra vào nên ngoài việc được ngắm nhìn những lá hoa tươi đẹp thì hằng ngày, tôi nhìn thấy ngay cổng chính có rất nhiều người đến làm công tác thiện nguyện tiếp sức cho những cán bộ và những anh chị em trong khu cách ly. Những bó rau, kí thịt, những thùng mì, bao gạo, những mùng mền, chăn chiếu… Thật là xúc động và cảm nguyện. Thông qua những hành động này, có thể nói phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của tỉnh Lâm Đồng đã lan tỏa mạnh mẽ trong Nhân dân. Nhìn rộng ra, tôi thấy chính nhờ tinh thần “tương thân tương ái” của người dân, nhờ hiệu quả của các phong trào chung tay cùng cả nước chống dịch mà Lâm Đồng (cùng với một số địa phương) thực sự đã trở thành hậu phương chắc chắn cho những chiến địa cam go và khốc liệt như Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu… Cụ thể, trong thời gian vừa qua, “Mặt trân Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị, tổ chức từ thiện, tôn giáo, các huyện, thành trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã hỗ trợ cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 tổng số gần 11.000 tấn nông sản các loại”. Và theo kế hoạch, tỉnh Lâm Đồng dự kiến “từ ngày 22/8 đến ngày 15/9, mỗi ngày sẽ có khoảng 200 tấn nông sản, phong phú chủng loại như cà rốt, khoai tây, su su, bắp cải, dưa leo, cà tím… từ Lâm Đồng được cung ứng về TP Hồ Chí Minh”. Bên cạnh đó, từ 22/7 đến nay đã có hơn 100 y, bác sĩ, tình nguyện viên (chia làm 3 đợt) chi viện cho Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài việc đảm bảo nguồn nông sản kịp thời cho các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID thì tỉnh Lâm Đồng còn chủ động hỗ trợ cho du học sinh của Lào đang theo học tại Đại học Đà Lạt cùng vượt qua đại dịch, tìm cách tháo gỡ khó khăn cho công dân của tỉnh đang ở những vùng có dịch phức tạp, đặc biệt là lãnh đạo các địa bàn trong tỉnh đã chủ động tuyên truyền, vận động các chủ trương phòng, chống COVID của Đảng, Nhà nước tới bà con đồng bào dân tộc thiểu số bằng tiếng dân tộc, phát hiện các hiện tượng bất thường ở cơ sở, quan tâm đến những người có hoàn cảnh khó khăn; khen thưởng đột xuất những tổ chức và cá nhân trong vùng đồng bào đã tích cực tham gia phòng, chống dịch.
Trong buổi chiều tà, dưới cơn mưa lất phất, ngồi trong khu cách ly tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng nhìn ra ngoài tôi vẫn cảm thấy lòng nhẹ nhàng và tin tưởng vào chủ trương rất đúng đắn là phòng thủ chặt mọi bề để Nhân dân tự tin mưu sinh.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/vhnt/202109/nhung-ngay-trong-khu-cach-ly-3076706/