Những ngày trước khi Bác mất
Trong những ngày ốm, khi tỉnh lại sau mỗi lần cấp cứu, Bác lại hỏi han: Nước sông Hồng đã xuống chưa? Hôm nay đồng bào miền Nam đánh thắng ở đâu?...
Ông Trần Viết Hoàn - nguyên Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch - là người trực tiếp canh gác, bảo vệ Bác Hồ trong những ngày Bác ốm. Khi Bác mất, ông cũng là một trong số những chiến sĩ công an ở lại để tiếp tục trông nom di sản của Người.
Kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ đi xa, ông Trần Viết Hoàn kể lại nhiều kỷ niệm về giây phút xúc động trong những ngày cuối cùng của Bác Hồ. Zing.vn ghi lại.
“Dân chịu được thế nào, Bác chịu được như vậy”
16h ngày 12/8/1969, Bác Hồ gặp đồng chí Lê Đức Thọ tại nhà nghỉ Hồ Tây để nghe báo cáo tình hình Hội nghị Paris. Đêm hôm đó, Bác lên cơn sốt và ho, rồi những ngày sau, Bác ho nhiều hơn, sốt nặng hơn. Nhưng Bác vẫn lên xuống nhà sàn gắng gượng làm việc.
Theo đề nghị của bác sĩ, tối 17/8/1969, Bác Hồ không làm việc ở nhà sàn nữa, Người xuống ở và làm việc tại ngôi nhà nhỏ phía sau nhà sàn. Đây là ngôi nhà mà Bộ Chính trị đã quyết định làm cho Bác trong những ngày tháng 5/1967 khi Bác sang Trung Quốc để chữa bệnh, với mục đích để bảo đảm an toàn cho Bác trong những năm máy bay giặc Mỹ bắn phá Hà Nội.
Nhưng Bác không nhận sử dụng riêng cho mình, Bác nói: “Khi nào có nhiều đồng chí phụ trách đến làm việc với Bác thì họp ở nhà ấy cho chắc chắn. Còn lúc ở một mình, Bác cứ ở nhà sàn gỗ này thôi. Các chú lo cho Bác, cũng phải lo cho dân. Dân chịu được thế nào, Bác chịu được như vậy”.
Một ngày Bác ốm nặng, nhưng Bác rất vui khi nghe báo cáo về Nghị quyết của Bộ Chính trị về kỷ niệm 4 ngày lễ lớn trong năm 1970.
Bác nói với một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: “Các chú nên bàn cho kỹ, còn ý kiến của Bác, Bác không đồng ý đưa ngày 19/5 là ngày kỷ niệm lớn trong năm 1970 (ngày 19/5 chính là ngày sinh nhật Bác).
“Hiện nay, các cháu học sinh sắp bước vào năm học mới, giấy mực, tiền bạc dùng để tuyên truyền về ngày sinh của Bác thì các chú nên dành để in sách giáo khoa và mua dụng cụ học tập cho các cháu, khỏi lãng phí...”, Bác dặn.
Những ngày tháng 8/1969, trời mưa to, mực nước sông Hồng lên cao, trong lúc Bác đang lâm bệnh, Trung ương mời Bác lên ATK (an toàn khu) đề phòng đê sông Hồng vỡ gây lụt lội. Nhưng Bác bảo: “Bác không thể bỏ dân, trước hết hãy lo cho dân”. Vì vậy, Trung ương đã chuẩn bị xe lội nước để đưa Bác lên ATK nếu Hà Nội bị lụt và đằng sau xe Bác có nhiều xe lội nước khác để cứu dân.
Sự linh thiêng trong những thời khắc lịch sử
Cho dù ở thời khắc nghiệt ngã của quy luật cuộc đời, Bác Hồ vẫn chăm lo trọn vẹn bổn phận của mình đối với ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và ngày Quốc khánh 2/9/1969.
Ngày 1/9/1969, Bác rất mệt, cũng có lúc tỉnh táo và nhanh nhẹn hơn, tự tay bưng và ăn được chén con long nhãn.
Những ngày Bác ốm, mỗi lần tỉnh dậy sau cấp cứu, Bác hỏi han mọi việc, mà điều đầu tiên Bác hỏi: Nước sông Hồng đã xuống chưa? Hôm nay đồng bào miền Nam đánh thắng ở đâu?...
Ngày 29/8/1969, Bác nói với Thủ tướng Phạm Văn Đồng rằng lễ Quốc khánh, Bác sẽ ra dự mươi mười lăm phút.
Nhưng 9h ngày 2/9/1969, Bác bị một cơn đau tim rất nặng, các giáo sư, bác sĩ Việt Nam và Trung Quốc phải thực hiện cấp cứu cho Bác.
Đến 9h47, đồng chí Phạm Văn Đồng trào nước mắt: “Thôi các đồng chí ạ, Bác của chúng ta không qua khỏi nữa rồi”. Thế là, 9h47 ngày 2/9/1969 truyền đến cho nhân loại một nỗi đau, Bác Hồ ra đi mãi mãi để cho “đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”.
Ngày 2/9 thật linh thiêng làm sao. 2/9/1945, Bác Hồ đã cứu dân tộc khỏi kiếp khổ nạn, mang lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho mọi người, thì ngày đó 24 năm sau, Người lại ra đi.
Con số 9 cũng linh thiêng làm sao, khi 9h ngày 10/5/1965, Bác viết những dòng đầu tiên của bản Di chúc để lại những lời dặn dò cho hậu thế. 9h ngày 10/5/1969, Bác đã hoàn tất trọn vẹn những điều dặn lại cho mai sau.
9h ngày 19/5/1969, Bác xem lại lần cuối cùng những điều “gửi lại muôn vàn tình thân yêu” cho cháu con. Và 9h47 ngày 2/9/1969, Bác ra đi, hưởng thọ 79 tuổi. Ngày 9/9/1969, cả dân tộc làm lễ truy điệu để tiễn đưa Người về thế giới người hiền.
Người dân muốn hiến trái tim mình cho Bác
Trong những ngày Bác yếu, hàng ngày xe cộ ra vào nhiều, đưa các đồng chí Trung ương vào thăm Bác, đưa các bác sĩ vào chữa bệnh cho Bác... nên người dân dự đoán rằng có thể Bác ốm.
Vì thế, có nhiều người dân đến cổng đỏ (cổng ra vào Phủ Chủ tịch, hàng ngày Bác vẫn thường đi lại cổng này), nói lên một tâm nguyện: “Nếu đúng Bác ốm, chúng tôi xin hiến trái tim của mình để thay tim cho Bác”.
Từ ngày 3 đến 6/9/1969, dòng người không lúc nào vắng, ai nấy đều nước mắt tuôn trào, buồn rầu, đội mưa thầm lặng, trật tự đi đến lễ đài Ba Đình để viếng ảnh Bác.
Và những ngày thi hài Bác quàn trong quan tài kính đặt tại Hội trường Ba Đình, vì đông người vào viếng nên các cháu thiếu nhi không vào viếng Bác được, thế là các cháu cứ khóc lóc với các chú công an làm nhiệm vụ bảo vệ ngoài hội trường “các chú trả Bác cho chúng cháu đây”.
Trước đó, lúc trở bệnh, Người đề nghị được uống chút nước dừa. Như hiểu được lòng của Bác, thư ký riêng của Bác - đồng chí Vũ Kỳ - nói với mấy anh em bảo vệ chúng tôi ra hai cây dừa trước nhà sàn lấy ở mỗi cây một trái, bổ ra hòa nước vào một chiếc cốc và tách ở mỗi trái một miếng cùi dừa bày vào đĩa, đưa lên cho Bác. Đó là hai cây dừa giống miền Nam hàng ngày Bác vẫn chăm bón.
Bác đã nhấp một chút nước dừa để coi như được mang theo mình vào cõi trường sinh “nỗi nhớ miền Nam - nỗi nhớ nhà”...
Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nhung-ngay-truoc-khi-bac-mat-post984970.html