Những ngày xuân oai hùng trên quê hương Thanh Hóa
Trong lịch sử của dân tộc Việt Nam, xứ Thanh luôn được xem là vùng đất căn bản - nơi khởi phát các phong trào khởi nghĩa giành độc lập, cũng là nơi luôn sẵn sàng cung cấp nguồn nhân lực, vật lực to lớn cho các cuộc kháng chiến giữ nước và quá trình dựng nước. Trên dải đất này, có những mùa xuân oai hùng, gắn liền với các sự kiện lịch sử to lớn và rực rỡ, mà hôm nay, thế hệ người dân Việt Nam vẫn còn nhắc nhở...
Về Lam Kinh. Ảnh: Xuân Hoa
Tết Mậu Tuất 1418
Huyện Thọ Xuân nằm ở phía Tây xứ Thanh, nơi có dòng Lương Giang chảy qua như con rồng xanh uốn lượn. Khí thiêng tụ hội tạo nên địa linh, trời đất giao hòa sản sinh nhân kiệt. Bởi vậy, Thọ Xuân là quê hương của không ít tên tuổi lẫy lừng trong lịch sử, trong đó có Lê Lợi - Lê Thái tổ, vị anh hùng dân tộc, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn huyền thoại, lật đổ ách đô hộ của nhà Minh, xây dựng nền thái bình thịnh trị cho dân tộc.
Nằm bên cạnh dòng Lương Giang, có một ngọn núi thiêng tên gọi Lam Sơn (trước đây thuộc xã Xuân Lam, nay thuộc thị trấn Lam Sơn). Chuyện xưa kể lại: Cụ Tằng Tổ của Lê Lợi là Lê Hối, vốn người huyện Nga Lạc (nay là huyện Ngọc Lặc), một hôm ngao du sơn thủy đến đây, thấy chim chóc tụ họp, cho rằng chỗ này đất tốt nên dời nhà đến ở. Kể từ đó “Con cháu ngày một đông, tôi tớ ngày càng nhiều”.
Lê Lợi là hậu duệ đời thứ 4 của Lê Hối. Ngay từ nhỏ, Ngài đã bộc lộ tư chất hơn người, miệng rộng, trán cao, bước đi như hổ.
Khi Lê Lợi đến tuổi trưởng thành cũng là lúc đất nước rơi vào cảnh loạn lạc. Năm 1400, Hồ Quý Ly đoạt ngôi nhà Trần, xây dựng vương triều Hồ rồi đặt tên nước là Đại Ngu. Khi nhà Minh xâm lược nước ta, triều Hồ non trẻ, không được lòng dân, nên đã nhanh chóng thất bại trong cuộc kháng chiến chống ngoại bang. Đất nước ta thêm một lần nữa rơi vào ách đô hộ của phương Bắc.
Trong bối cảnh đó, với lòng yêu nước và ý chí căm thù giặc, mùa đông năm 1416, khi mới ngoài 30 tuổi, Lê Lợi đã cùng 18 bằng hữu lập ra hội thề Lũng Nhai, cùng nhau tuyên thệ: “(Có kẻ) bằng đảng xâm chiếm nước ta... nên Lê Lợi cùng Lê Lai đến Trương Chiến, 19 người chung sức đồng lòng, gìn giữ đất nước, làm cho xóm làng được ăn ở yên lành”. Kể từ đó, các anh hùng Lũng Nhai gấp rút chuẩn bị mọi điều kiện cho cuộc khởi nghĩa chống giặc Minh.
Khi điều kiện đã chín muồi, ngày 7-2-1418 (tức ngày mùng 2 tháng Giêng năm Mậu Tuất), Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa trên đất Lam Sơn, tự xưng là Bình Định Vương, chính thức phát động cuộc chiến chống giặc Minh, truyền hịch đi khắp mọi nơi kêu gọi Nhân dân cùng đứng lên chống giặc.
Về sự kiện này, Đại Việt sử ký toàn thư chép lại: “Mùa xuân, tháng Giêng, ngày Canh Thân, vua dấy binh ở Lam Sơn. Trước người Minh thường trao cho quan chức để dụ dỗ, vua không chịu khuất, khẳng khái có chí dẹp loạn. Từng nói rằng: “Trượng phu sinh ở đời phải cứu nạn lớn, lập công lớn để tiếng thơm ngàn năm, sao lại chịu hèn nhát để cho người sai khiến?”. Bèn đem hào kiệt dựng cờ nghĩa, quyết diệt giặc Minh”.
Từ những ngày xuân khởi nghĩa ấy, nghĩa quân Lê Lợi đã nếm mật nằm gai, từng bước trải qua cuộc kháng chiến trường chinh. Từ giai đoạn đầu tiên khó khăn hoạt động ở vùng núi rừng Thanh Hóa đến giai đoạn tiến quân vào Nghệ An, bước sang giai đoạn Bắc tiến, đánh ra Thăng Long; Bình Định vương Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn đã lần lượt dẹp tan phản loạn, đánh bại những thành trì và các đạo quân ứng cứu của nhà Minh...
Có thể nói, từ mùa xuân Mậu Tuất 1418, sau 10 năm, cuộc khởi nghĩa do Lê Lợi lãnh đạo đã chuyển biến thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc vĩ đại, đánh bại một trong những lực lượng quân sự hùng mạnh nhất thế giới, đập tan ách đô hộ 20 năm của phong kiến Trung Hoa, mở ra một thời kỳ huy hoàng cho lịch sử dân tộc Việt Nam.
Ngày mùng 2 tết năm Mậu Tuất đã đi vào lịch sử dân tộc, như mốc son khởi đầu cho cuộc kháng chiến thần thánh.
“(Lê Lợi) từng bảo người rằng: “Ta sở dĩ cất quân đánh giặc, không phải là có lòng tham phú quý, chỉ là muốn cho người ngàn năm về sau biết ta không chịu làm tôi giặc tàn ngược thôi”. Phép dụng binh của vua là biết lấy nhu để chế cương, lấy yếu để chế mạnh, cho nên hay thắng... Chưa từng giết bậy một người nào, bắt được viện binh của nhà Minh hơn 10 vạn người đều tha hết cả. Kinh dinh thiên hạ trong khoảng 10 năm, dẹp yên loạn lớn mà nên nghiệp đế”. (Đại Việt sử ký toàn thư).
Sau khi khởi nghĩa Lam Sơn giành thắng lợi, ngày 15-4-1428, Bình Định vương Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế ở Đông Đô, lấy niên hiệu Thuận Thiên, đặt tên nước là Đại Việt. Ông chính là người đặt nền móng vững chắc đầu tiên, xây dựng vương triều Hậu Lê thịnh trị, kéo dài 360 năm, từ 1428 đến 1788.
Thời gian lặng lẽ trôi qua... Hơn sáu thế kỷ, biết bao sự kiện đã lùi sâu vào quá vãng. Thế nhưng, cuộc khởi nghĩa trên đất Lam Sơn, khởi đầu từ mùa xuân oai hùng năm 1418, mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, trong tâm thức của muôn triệu người dân. Hào khí Lam Sơn, hào khí của tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết và sự hy sinh anh dũng quật cường là bất diệt, trường tồn.
Trước thềm mùa xuân Kỷ Dậu 1789
“Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để đen răng/ Đánh cho chúng chích luân bất phản/ Đánh cho chúng phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri Nam Quốc anh hùng chi hữu chủ”.
Đó là lời hiểu dụ tướng sĩ mà vua Quang Trung đọc tại lễ Thệ sư, tổ chức ở làng Thọ Hạc (nay thuộc TP Thanh Hóa) năm 1788, trong cuộc hành quân thần tốc ra Bắc đại phá quân Thanh. Lời hiểu dụ ấy, đã đi vào lịch sử dân tộc như một khẳng định bất diệt về ý chí độc lập quật cường và ý thức giữ gìn bản sắc của dân tộc ta.
Sử cũ ghi lại: Cuối năm 1788, mượn cớ tiêu diệt nghĩa quân Tây Sơn, phục hưng Lê Triều, nhà Thanh đem gần 30 vạn quân xâm lược đất nước ta. Trước tình hình đó, tướng Ngô Văn Sở và Ngô Thì Nhậm cho người cấp báo về Phú Xuân để vua Quang Trung được biết, sau đó chủ động rút quân vào đóng giữ phòng tuyến Tam Điệp (Ba Dội - Ninh Bình) - Biện Sơn (Tĩnh Gia - Thanh Hóa). Sự kiện này đã khởi đầu cho cuộc hành quân thần tốc có một không hai của vua Quang Trung trong lịch sử. Chỉ mất khoảng 40 ngày, Quang Trung từ Huế tiến quân ra Thăng Long, dẹp tan đạo quân xâm lược hùng hậu đến từ phương Bắc.
Trong cuộc kháng chiến vĩ đại đó, xứ Thanh, với phòng tuyến Biện Sơn, giữ vai trò chiến lược, vừa là nơi lui binh và cũng là địa điểm tập kết của đại quân Tây Sơn từ Phú Xuân ra. Theo các tài liệu, khi ra đến khu vực phía Bắc tỉnh Thanh Hóa, vua Quang Trung đã quyết định mở tiệc khao quân, với lời hẹn: “Nay hãy ăn Tết Nguyên đán trước, đến sang xuân, ngày mùng 7 Thăng Long sẽ mở tiệc lớn. Các ngươi hãy nhớ lời ta xem có đúng thế không?.
Kết quả, chỉ đến ngày mùng 5 tết năm Kỷ Dậu, nghĩa binh Tây Sơn đã giành chiến thắng tuyệt đối và toàn diện tại Thăng Long.
Ngày nay, trên dải đất xứ Thanh, nhiều nơi còn lưu truyền các truyền thuyết về sự kiện nghĩa quân Tây Sơn dừng chân ăn tết sớm. Tương truyền, ở vùng Thạch Thành ngày nay có mía Kim Tân nổi tiếng thơm ngọt. Khi Quang Trung và nghĩa quân đến Thanh Hóa, người dân dâng mía tiến vua. Nhà vua thưởng thức, thấy mía ngọt thơm, liền khen đây là giống cây quý, căn dặn người dân cố gắng giữ gìn. Từ đó, mía Kim Tân còn được gọi là mía Tiến.
Vùng đất Bỉm Sơn, phía bên này của dãy Tam Điệp, là nơi lưu giữ rất nhiều địa danh gắn với tên tuổi vua Quang Trung và cuộc hành quân thần tốc của Ngài. Động Cửa Buồng được xem là nơi vua Quang Trung cùng tướng lĩnh họp bàn, lên kế sách chuẩn bị cho cuộc tiến công thần tốc ra Thăng Long. Đình làng Gạo là nơi tích trữ lương thực của nghĩa quân. Đình làng Nghĩa Môn là nơi Tiên Nữ Ngọc Thủy Tinh công chúa báo mộng hiến kế cho vua diệt giặc...
Tương truyền, thuở ấy, người dân các vùng xứ Thanh nô nức tòng quân, dâng phẩm vật để nghĩa quân ăn tết sớm, lấy sức khỏe và sĩ khí tiến ra Thăng Long đại phá quân Thanh.
Để rồi, đúng vào đêm 30 tháng Chạp năm Mậu Thân 1788, trước thềm Xuân Kỷ Dậu 1789, Đại đế Quang Trung phát lệnh chia 5 đạo quân thần tốc tiến ra Thăng Long, dẹp tan gần 30 vạn quân xâm lược, bảo vệ độc lập chủ quyền cho dân tộc Việt Nam.
Lịch sử trôi qua, những mùa xuân oai hùng trên đất xứ Thanh dần chìm vào quá vãng. Nhưng, mỗi khi tết đến, xuân về, ký ức lại sống dậy, mãnh liệt và tươi mới, như nhắc nhớ và tri ân những anh hùng kiệt xuất, những nghĩa binh dũng cảm và các thế hệ cha ông đã đổ mồ hôi, xương máu, gìn giữ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, làm nền tảng xây dựng cơ đồ rộng mở cho dân tộc hôm nay.