Những nghề có nguy cơ cao mắc phổi tắc nghẽn mạn tính
Theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường, yếu tố nguy cơ mắc COPD thuộc về cơ địa người bệnh và do tiếp xúc thường xuyên với các tác nhân có hại từ môi trường bên ngoài.
Phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một bệnh phổ biến, đến nay đã có hơn 380 triệu người mắc bệnh trên toàn thế giới. Ước tính cứ mỗi 10 giây có 1 người không qua khỏi do COPD. Đây cũng là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 3 trên toàn cầu.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường, Viện Điều trị cán bộ cao cấp Quân đội, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết bệnh COPD được đặc trưng bởi các triệu chứng hô hấp dai dẳng và giới hạn lưu lượng khí thở.
Điều này do sự bất thường của đường thở hoặc phế nang, gây nên từ sự phơi nhiễm đáng kể với các hạt bụi, khí độc hại hoặc ảnh hưởng bởi yếu tố vật chủ bao gồm cả sự bất thường trong quá trình phát triển của phổi.
Theo bác sĩ Cường, yếu tố nguy cơ mắc bệnh thuộc về cơ địa người bệnh và do tiếp xúc thường xuyên với các tác nhân có hại từ môi trường bên ngoài. Trong đó, những người hút thuốc lá, thuốc lào (gồm cả hút thụ động) có nguy cơ mắc COPD cao nhất. Những người này có nguy cơ mắc COPD cao gấp 3-4 lần nhóm không hút thuốc, đối với cả 2 giới.
Một trong những yếu tố nguy cơ khác của COPD có liên quan đến nghề nghiệp như công nhân luyện kim, công nhân xây dựng, dệt may và các lĩnh vực tiếp xúc với hóa chất, thuốc trừ sâu ≥ 20 năm.
Tỷ lệ mắc COPD có thể lên tới 15% ở những người tiếp xúc với nghề nghiệp trên và cao hơn nữa nếu có hút thuốc lá.
Khi nhận thấy triệu chứng ho, khó thở và khạc đờm kéo dài, người dân nên đi khám sớm để đo chức năng hô hấp. Từ đó, bác sĩ có thể chẩn đoán xác định, đánh giá nguy cơ để tư vấn điều trị duy trì chức năng phổi.
"Đây là một bệnh mạn tính, có thể điều trị được nhưng không thể khỏi hoàn toàn. Đa số các trường hợp tử vong do COPD đều xảy ra trong đợt cấp của bệnh", bác sĩ Cường nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia, đợt cấp COPD là một biến cố cấp tính đặc trưng bởi sự xấu đi của các triệu chứng hô hấp vượt quá dao động bình thường hàng ngày. Chúng dẫn tới việc thay đổi các biện pháp điều trị.
Đợt cấp khiến người bệnh phải nhập viện điều trị, tăng tỷ lệ tử vong, tăng tốc độ suy giảm chức năng phổi, ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống.