Những nghệ sĩ thay đổi cuộc đời nhờ đọc sách
Trong bộ tiểu thuyết nổi tiếng Harry Potter, cô phù thủy nhỏ Hermione Granger có một câu nói đến nay vẫn nằm trong top trích dẫn hay: 'Sách có thể cứu rỗi cả cuộc đời của bạn'. Điều này đúng với nhiều nghệ sĩ Việt.
Vào năm 2016, nhóm 365daband đang đình đám tại Việt Nam bất ngờ tuyên bố ngừng hoạt động. Jun Phạm, một thành viên trong nhóm là người sốc nhất, bởi anh chưa kịp chuẩn bị cho việc hoạt động solo. Ngày ấy, nam ca sĩ đối mặt với muôn vàn khó khăn, show diễn thưa thớt, ở nhà thuê, cộng thêm chuyện gia đình rối ren khiến cho Jun Phạm mất thăng bằng và bế tắc trong cuộc sống.
Sau này, khi sự nghiệp đã có những thành công nhất định, anh chia sẻ với VietNamNet, đọc sách đã cứu anh ra khỏi những suy nghĩ tiêu cực, định hình lại sự nghiệp và tương lai. Cuốn sách đã thay đổi suy nghĩ của Jun Phạm chính là Sức mạnh của tiềm thức. Jun Phạm đã làm theo lời khuyên trong cuốn sách như: hình ảnh hóa toàn bộ mục tiêu đặt ra, in thành ảnh dán khắp nhà, từ đó lấp đầy anh động lực, quyết tâm có bằng được những thứ mình muốn để từ hình ảnh chuyển hóa thành hành động. 3 năm sau, anh có nhà, có xe, sự nghiệp ổn định và phát hành sách như mong muốn.
Trường hợp của Jun Phạm cũng giống như diễn viên Anh Dũng. Anh chia sẻ: “Đúng là sách có thể cứu rỗi cả cuộc đời của tôi”. Ba năm đầu tiên vào TP.HCM lập nghiệp, Anh Dũng trải qua những ngày tháng rất khó khăn khi tìm hướng đi mới, không có vai diễn, không bạn bè và cảm thấy lạc lõng trong môi trường mới. Chính lúc này, sách là người bạn duy nhất giúp cho Anh Dũng lấy lại được thăng bằng. Anh tìm thấy nhiều bài học, lời khuyên từ Đắc nhân tâm, Đánh thức con người phi thường trong bạn, Hành trình về Phương Đông,…
Nghệ sĩ Việt đọc sách gì?
Một khảo sát quốc tế năm 2016 cho thấy người Việt Nam đọc sách ít hơn nhiều so với các nước trong khu vực, chỉ có 30% người Việt đọc sách thường xuyên, 44% thỉnh thoảng mới đọc sách, và 26% hoàn toàn không đọc sách. Trong khi người Ấn Độ đọc gần 11 giờ/tuần, người Đài Loan đọc 5 giờ/tuần, người Nhật Bản đọc 4giờ/tuần, Hàn Quốc 3 giờ/tuần,… thì người Việt Nam trung bình đọc chưa tới 1 giờ/tuần. Vậy nghệ sĩ, người nổi tiếng ở Việt Nam, được cho là đại diện của công chúng, đọc sách gì?
Trong loạt bài Nghệ sĩ và văn hóa đọc trên VietNamNet, nhiều nghệ sĩ Việt đã chia sẻ đọc sách là một thói quen giúp họ lấy lại cân bằng cuộc sống, tìm thấy nhiều bài học quý giá. Một số nghệ sĩ dành thời gian đọc cố định như MC Thảo Vân đọc 7-10 phút/ngày, nhà thơ Phong Việt đọc 30 phút/ngày, nhạc sĩ Đức Huy đọc 1-2 tiếng/ngày, nhạc sĩ Quốc Bảo đọc mỗi tuần khoảng 2 tựa sách, Quốc Trường mất 7-10 ngày cho 1 tựa,…
Diễn viên Minh Dự, MC Liêu Hà Trinh, ca sĩ Hồ Trung Dũng,... lại thường đọc một cách tự do, tùy hứng. Đến nay, nhạc sĩ Đức Huy, Quốc Bảo đã đọc khoảng 1.000 tựa sách; diễn viên Anh Dũng đọc khoảng 200 tựa sách; hay như ca sĩ Tùng Dương, Trà Ngọc Hằng,… đơn giản là đọc “hết kệ sách nhà mình”.
Nghệ sĩ, với đặc thù làm việc tự do, di chuyển nhiều và đòi hỏi tập trung cao độ khi làm việc, vẫn tìm thấy nhiều lý do để đọc sách. Chẳng hạn, họ xem đọc là việc làm hữu ích và thiết thực nhất để lấp đầy thời gian di chuyển bằng xe, máy bay hoặc chờ ghi hình. Nghệ sĩ cũng tìm đọc sách để gỡ rối vấn đề của mình, đọc khi thấy cô đơn hoặc những ngày không có lịch trình.
Với họ, tần suất đọc không quan trọng bằng ý thức đọc. Hà Thanh Phúc thời trẻ có thể đọc 1 cuốn/ngày nhưng bây giờ là vài tuần; Liêu Hà Trinh có những ngày đọc ngấu nghiến cũng có khi cả tháng không đụng đến sách;… “Mỗi giai đoạn của đời người, chúng ta sẽ có những lựa chọn khác nhau, quan trọng là ý thức duy trì việc đọc thì dù ít dù nhiều vẫn tốt”, nhà thơ Hà Thanh Phúc nói.
Theo các nghệ sĩ, công việc bận rộn hay yếu tố bên ngoài nào đó không phải là lý do để từ chối đọc sách. Thảo Vân nói: “Không nên biện minh rằng mình chẳng có thời gian để đọc” và dẫn chứng rằng đã đọc trọn bộ 6 quyển tiểu thuyết Hoàng quyền dày cộm chỉ với 10 phút đọc/ngày. Với Đức Huy - nhạc sĩ 74 tuổi, câu “Lớn tuổi rồi, cần gì đọc nữa” tương tự câu “Lớn tuổi rồi cần gì đánh răng?”. Chúng đều không phải là lý do.
Nghệ sĩ cũng như mọi người, có mối quan tâm khác nhau. Lê Tuấn Anh thích đọc sách lịch sử; Thùy Minh quan tâm tư duy logic và thần kinh học; Đức Huy dành thời gian cho sách rèn luyện tâm hồn, hoàn thiện bản thân; Hồ Trung Dũng ưu tiên sách về ngôn ngữ và tâm lý học hành vi;… Đa số nghệ sĩ đề xuất các cuốn: Đắc nhân tâm (Dale Carnegie); Nhà giả kim (Paulo Coelho); Muôn kiếp nhân sinh (John Vũ - Nguyên Phong); Suối nguồn (Ayn Rand); Sapiens: Lược sử loài người (Yuval Noah Harari)…
Nghệ sĩ và vai trò truyền cảm hứng đọc sách đến công chúng
Sách tác động ít nhiều đến tư duy, quan điểm của nghệ sĩ, góp phần vào thành công hoặc những điều họ làm.
Với Hà Thanh Phúc, nếu không có cuốn Nhà giả kim, anh đã không dễ dàng vượt qua giai đoạn lạc lối, bế tắc trong tình yêu, công việc để đạt những thành tựu công việc như hiện tại. Nhờ đọc sách, hoa hậu Lương Thùy Linh khơi dậy lòng trắc ẩn và tự tin kiến thức để thể hiện mình tại Miss World Vietnam 2019.
Hoa hậu Ngô Mỹ Uyên từ thế giới mơ mộng rộng lớn của Nghìn lẻ một đêm thuở bé đã xây nên căn biệt thự dát vàng rộng 1.000 m2 nổi tiếng trên đường Hàn Thuyên, Quận 1 (TP.HCM), biến trí tưởng tượng thời thơ ấu thành hiện thực. Với Hồ Quang Hiếu, đọc sách giúp anh giao tiếp, trả lời phỏng vấn, talkshow tự tin, thu hút hơn; và “bỏ túi” nhiều bài học hay cho kinh doanh.
Chị Trần Thị Kim Thoa, Trưởng nhóm điều hành chương trình Tủ sách giải trí và giáo dục (năm 2009-nay), nhận định tự thân việc nghệ sĩ đọc sách đã truyền cảm hứng cho công chúng: “Việc truyền cảm hứng đọc không gói gọn trong việc giới thiệu sách mà còn thể hiện qua cách họ sống, việc họ làm và phát ngôn của họ. Công chúng nhìn vào thái độ sống, hành động và phát ngôn của nghệ sĩ sẽ gián tiếp thụ hưởng giá trị từ sách và biết ý nghĩa của việc đọc là gì”.
Chị kể, khi thực hiện chương trình 1.000 đại sứ góp sách cho trẻ em nông thôn, nhờ tương tác của nhiều nghệ sĩ trên cả 2 kênh online và offline mà số bạn đọc tham gia chương trình tăng lên rất nhiều, thu hút cả sự đồng hành doanh nghiệp.
Chị Lê Tuyết Thanh (sinh năm 1983) với hơn 11 năm hoạt động trong lĩnh vực phát hành sách, cho biết nghệ sĩ đóng vai trò rất quan trọng trong việc truyền cảm hứng đọc đến công chúng.
“Nghệ sĩ chỉ cần nói về một cuốn sách hay trích đoạn nào đó họ tâm đắc, một khía cạnh họ tìm thấy trong sách, đã mang đến sự tò mò cho rất nhiều fan của mình. Chúng tôi có một câu cửa miệng: Một cuốn sách, hay nhất là khi người ta chịu mở nó ra, chính sự tò mò nghệ sĩ truyền đến fan khiến họ mở cuốn sách ấy ra”, chị nói. Trong các nghệ sĩ, chị ấn tượng nhất hoa hậu H’Hen Niê luôn thể hiện sự thông minh, tâm huyết các hoạt động sách cộng đồng như mở thư viện vùng sâu, bán sách gây quỹ từ thiện,…
Không kể khán giả thì những ông bố, bà mẹ nghệ sĩ đã luôn truyền cảm hứng đọc cho chính con mình. Trà Ngọc Hằng đọc sách cho con gái như mẹ làm với cô thuở bé, hiện tại bé Sophia đã thành thói quen nghe sách hoặc nghe kinh hàng đêm. Bà xã của nhạc sĩ Đức Huy đọc sách theo đề xuất của chồng, họ có tiếng nói chung và thêm đề tài trò chuyện, dần dà cả nhà coi đọc sách là một hoạt động thường ngày. Diễn viên Dương Cẩm Lynh học theo người Do Thái nhỏ giọt mật lên trang sách để em bé trên tay mẹ liếm. Từ ấn tượng đầu tiên, con trai cô hiện rất mê sách, thích nghe, đọc và kể lại cho mẹ.
Tựu trung, nghệ sĩ với sự nổi tiếng và sức ảnh hưởng của họ sẽ lan tỏa niềm đam mê đọc sách và coi đó là trách nhiệm đối với khán giả. Vì vậy, vai trò của họ đối với việc lan tỏa cảm hứng đọc là rất minh thị. Đọc sách không hẳn giúp con người “hóa rồng” nhưng chắc chắn luôn là phiên bản tốt hơn của chính mình. Do đó, việc nghệ sĩ đọc sách tốt cho chính họ và gián tiếp tốt cho công chúng - những người yêu mến, thần tượng họ.