Những nghị sĩ Cộng hòa có thể 'tạo biến' ở phiên luận tội TT Trump

Các nhóm thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bất đồng hoặc có quan điểm không ủng hộ tổng thống khiến các lãnh đạo đảng và Nhà Trắng lo lắng trước phiên luận tội ông Trump.

Với việc thúc đẩy các nhân chứng ra làm chứng trong phiên luận tội dự kiến của Thượng viện đối với Tổng thống Donald Trump, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer muốn tạo thêm sự chú ý và áp lực chính trị tới các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa.

Theo CNN, quan điểm của các nhóm khác nhau về phiên tòa gây lo ngại cho Nhà Trắng và các lãnh đạo đảng Cộng hòa về khả năng một số người chia rẽ và ủng hộ các đảng viên Dân chủ.

Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer đang cố gắng thu hút những người Cộng hòa có tư tưởng độc lập để ủng hộ chương trình nghị sự của ông trong phiên luận tội. Ảnh: Getty.

Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer đang cố gắng thu hút những người Cộng hòa có tư tưởng độc lập để ủng hộ chương trình nghị sự của ông trong phiên luận tội. Ảnh: Getty.

Nếu bốn người trong số họ phản đối lời kêu gọi từ các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa cho phiên tòa ngắn, không nhân chứng, thì nó có thể thúc đẩy sự không chắc chắn cho tổng thống.

Nhóm này bao gồm những người ôn hòa mong muốn tái tranh cử, như Thượng nghị sĩ Susan Collins của Maine, người có thể muốn thể hiện sự tách biệt khỏi ông Trump; các nhà lập pháp kỳ cựu, như Thượng nghị sĩ Lamar Alexander của Tennessee, người sẽ sớm nghỉ hưu và có thể không cảm thấy bị ràng buộc về mặt chính trị để hỗ trợ tổng thống.

Ngoài ra còn có những người thẳng thắn chỉ trích ông Trump như Thượng nghị sĩ Mitt Romney của Utah, người đã thách thức cách điều hành không chính thống của tổng thống.

Nhóm này không đủ lớn để đe dọa vị trí của ông Trump. Phải có ít nhất 20 đảng viên Cộng hòa phản đối ông Trump để cung cấp 67 phiếu cần thiết nhằm thực sự phế truất ông và không ai dự đoán điều này sẽ xảy ra.

Dù vậy, nếu có đủ người chia tách thì họ có thể cung cấp cho đảng Dân chủ 51 phiếu bầu cần thiết cho các chiến thắng quan trọng, chẳng hạn để bắt buộc các nhân chứng, yêu cầu các tài liệu và thúc đẩy các hoạt động tố tụng khác mà đảng Dân chủ có thể tìm kiếm ở Thượng viện.

Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mitch McConnell phát biểu trong cuộc họp báo tại Tòa nhà Quốc hội về cuộc điều tra luận tội tổng thống, ngày 29/10. Ảnh: Washington Post.

Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mitch McConnell phát biểu trong cuộc họp báo tại Tòa nhà Quốc hội về cuộc điều tra luận tội tổng thống, ngày 29/10. Ảnh: Washington Post.

Ông McConnell đang nỗ lực để tránh những điều bất ngờ như thế nhưng ông vẫn chưa đạt được thỏa thuận rộng rãi trong các cuộc đàm phán với ông Schumer về các quy tắc của phiên tòa. Ông nói rằng các bất ngờ và sự đổi hướng ở phiên tòa có thể được quyết định bởi 51 phiếu.

Đảng Cộng hòa chiếm đa số 53-47 ghế, nghĩa là chỉ bốn đảng viên Cộng hòa bỏ phiếu cùng đảng Dân chủ có thể có tác động lớn.

Có những người khác có thể phá vỡ một số dự tính. Chẳng hạn Thượng nghị sĩ Ben Sasse ở Nebraska và Thượng nghị sĩ Joni Ernst ở Iowa, cả hai đều chỉ trích ông Trump vì những điều ông đã làm hoặc nói (đặc biệt là về thuế quan) mặc dù ông Trump được ủng hộ ở các bang của họ và Thượng nghị sĩ Martha McSally ở Arizona, người có ý định tái tranh cử ở bang một dao động.

Trong một cuộc họp báo, ông Schumer đã cố gắng tăng áp lực lên nhóm đảng viên Cộng hòa này bằng cách nói rằng ông mong đợi sự ủng hộ của lưỡng đảng với lời kêu gọi của mình để các nhân chứng ra làm chứng.

"Tôi hy vọng sẽ có được sự ủng hộ của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa vì những lập luận rất mạnh mẽ. Nhiều đảng viên Cộng hòa đã nói riêng với tôi và các đồng nghiệp của tôi rằng họ nghĩ những gì tổng thống đã làm là sai nhưng họ không chắc có đủ chứng cớ để luận tội", ông Schumer nói.

Chưa có nhiều bằng chứng cho thấy bất kỳ ai trong số các thượng nghị sĩ sẽ phản bội. Nhiều người từ chối trả lời các câu hỏi về việc chuẩn bị ra làm chứng hoặc tỏ thái độ lấp lửng.

Thượng nghị sĩ Susan Collins chỉ trích cả Schumer và McConnell. Bà nói rằng "thật không may" Schumer đã công khai bức thư của mình trước khi tham gia vào các cuộc đàm phán riêng với McConnell và bà nói McConnell không nên báo hiệu rằng ông đang phối hợp với Nhà Trắng.

"Mỗi thượng nghị sĩ phải tự quyết định cách tiếp cận vụ việc. Nếu là tôi thì tôi sẽ không làm như thế", bà nói về ông McConnell.

Hôm 16/12, Thượng nghị sĩ Joni Ernst không cho thấy bà sẽ quay lưng với ông Trump. Bà cho biết không quan tâm đến phiên tòa với các nhân chứng và nói với các phóng viên rằng nó "càng ngắn càng tốt".

"Đây là cuộc đấu chính trị. Đừng làm quá lên như thế", bà nói.

Tuyết Mai

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nhung-nghi-si-cong-hoa-co-the-tao-bien-o-phien-luan-toi-tt-trump-post1026351.html