Những nghĩa cử ấm áp tình người trong mùa dịch Covid-19
Những ngày dịch bệnh Covid-19 xảy ra, trên địa bàn Hà Nội xuất hiện nhiều tấm lòng thơm thảo tặng lương thực, thực phẩm giúp đỡ người khó khăn vượt qua đại dịch.
Ai cần cứ đến lấy
Chương trình “Ai cấn cứ đến lấy – Chia sẻ thực phẩm hàng ngày cùng nhau vượt qua Covid-19” đã được triển khai tại nhiều địa điểm khác nhau trong TP. Hàng sáng, từ 9 giờ, tại địa chỉ 182 Lương Thế Vinh, quận Thanh Xuân - trước cổng Ký túc xá Mễ Trì có một cái bàn rộng, bên trên đặt nhiều túi quà dành cho những người gặp khó khăn. Cầm túi thực phẩm gồm 2 gói mì tôm, 2 quả trứng, 2 thanh xúc xích, chị Lưu Thị Thu Phương (phường Thanh Xuân Bắc) xúc động chia sẻ: "Tôi bị đau ốm quanh năm. Những ngày này, thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, tôi nghỉ bán hàng nước và không ra khỏi nhà. Nhưng tôi thực sự lo lắng, nếu dịch bệnh kéo dài biết lấy gì để sống. Thật may vì có những tấm lòng thơm thảo giúp đỡ chúng tôi".
Chương trình "Ai cần cứ đến lấy" còn thu hút sự tham gia của nhiều sinh viên, bảo vệ khu ký túc xá hàng ngày trợ giúp nhận hàng, chia thành túi, chở đến các địa điểm để mọi người đến nhận. Họ làm việc thiện nguyện không quản ngày giờ, nắng mưa, chỉ mong sao người nghèo, người khó khăn được hỗ trợ kịp thời vượt qua giai đoạn dịch bệnh này.
Chương trình “Ai cần cứ đến lấy” được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội đã lan tỏa đến nhiều người. Theo dõi của phóng viên, những người đến nhận quà chủ yếu làm nghề xe ôm, chạy grab, mua bán đồ phế liệu cũ, công nhân bị mất việc... cuộc sống vốn không mấy dư giả, nay dịch bệnh càng khó khăn hơn. Để túi thực phẩm vừa nhận vào giỏ xe đạp cà tàng, chị Nguyễn Thị Hai, thuê nhà ở phố Phùng Khoang rơm rớm nước mắt: "Vợ chồng tôi quê Thái Bình, lên Hà Nội để mua phế liệu. Khi có Chỉ thị cách ly xã hội, chúng tôi nghiêm chỉnh chấp hành. Không đi làm nên tôi chẳng có tiền để trả thuê phòng trọ. Thật may có chương trình tặng thực phẩm, giúp chúng tôi vượt qua những ngày khốn khó".
Đến nhận thực phẩm tại địa chỉ 1A phố Yết Kiêu còn có những người đại diện cho đoàn thể xã hội quan tâm đến các hội viên yếu thế. Ông Nguyễn Hồng Quang - Ban Truyền thông, Hội Người khuyết tật (NKT) TP Hà Nội cầm trên tay các suất quà cho biết, đây là những suất thực phẩm được phát cho 15 hội viên NKT có hoàn cảnh khó khăn nhất của quận Hoàn Kiếm. "Nhiều NKT thời gian này gặp rất nhiều khó khăn. Tôi đã không cầm được nước mắt khi chứng kiến các hoàn cảnh đáng thương của hội viên NKT" - ông Quang chia sẻ.
Lan tỏa những tấm lòng thơm thảo
Nguyễn Phan Huy Khôi – một trong những người khởi xướng chương trình "Ai cần cứ đến lấy" là chủ một DN trên địa bàn Hà Nội. Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, DN của anh bị thiệt hại đáng kể. Những ngày ở nhà cách li, nghĩ tới các người nghèo đô thị còn khó khăn hơn, vợ chồng anh Khôi đã bỏ ra 100 triệu đồng để mua lương thực, thực phẩm phát cho người nghèo và những người đang bị tổn thương. Chương trình kéo dài đến khi dịch bệnh Covid-19 kết thúc, với thông điệp: "Ai khó khăn có thể lấy một phần trong ngày, còn đã có rồi hoặc đang đủ hãy san sẻ với người khác".
Không chỉ phát thực phẩm, chương trình còn kết hợp tuyên truyền mọi người thực hiện phòng chống dịch như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay. Chương trình đã thu hút được nhiều DN, cá nhân tham gia ủng hộ. Thậm chí, cả những người đang gặp khó khăn cũng muốn chia sẻ với người nghèo khó hơn. Vừa lĩnh được ít tiền trợ cấp tạm nghỉ làm, chị Nguyễn Thu Giang ở phố Trung Liệt (quận Đống Đa) mang 200.000 đồng đi ủng hộ. “Tôi đang nghỉ làm ở nhà, phải chăm mẹ già bệnh, con nhỏ nhưng muốn chung tay đóng góp để giúp cho những người khó khăn hơn. Mong sao dịch bệnh sớm qua đi”- chị Giang nói.
Chị Nguyễn Phương Thanh đến từ phường Hà Cầu (quận Hà Đông) chở 5 thùng mì tôm, 10 gói xúc xích đến tặng chương trình cho biết, ngay từ khi dịch xảy ra, chị đã có ý định mở một điểm tặng quà từ thiện nhưng nếu một cá nhân làm thì rất khó duy trì lâu. Khi biết chương trình này được tổ chức bài bản và lan rộng, chị đã kêu gọi bạn bè cùng ủng hộ lương thực, thực phẩm. "Dù đang phải nghỉ làm luân phiên nhưng tới đây, tôi tiếp tục hỗ trợ, tùy vào khả năng của mình” - chị Thanh chia sẻ.