Những 'nghịch lý' trong cơ cấu kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long
Mặc dù được mệnh danh là vựa lúa, trái cây và thủy sản của cả nước, là trung tâm sản xuất và xuất khẩu nông nghiệp lớn nhất nhưng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ lại chiếm tới 70% GRDP của Đồng bằng sông Cửu Long.
Nông nghiệp không đủ sức vực dậy nền kinh tế của ĐBSCL
Vốn đã tăng trưởng chậm lại từ trước năm 2019, kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa qua lại phải chịu thêm cú sốc nặng nề từ đại dịch Covid-19.
Tốc độ tăng trưởng giảm sâu từ 7,14% trong năm 2019 xuống chỉ còn 2,42% trong năm 2020 - thấp hơn đáng kể so với bình quân 2,9% của cả nước, và rơi tiếp xuống âm 0,43% trong năm 2021, trong khi cả nước vẫn duy trì được mức tăng trưởng 2,6%.
Như vậy, về tăng trưởng kinh tế, ĐBSCL chịu tác động của đại dịch Covid-19 nghiêm trọng hơn so mặt bằng chung của cả nước.
Cụ thể, vào năm 2020, chỉ có duy nhất Cần Thơ chịu tác động suy thoái kinh tế với mức tăng trưởng âm 2,7%. Tuy nhiên, đến năm 2021, có tới 6/13 tỉnh bị suy thoái, nghiêm trọng nhất gồm Vĩnh Long (âm 4,55%), Trà Vinh (-3,92%), Cần Thơ (-2,79%), và Cà Mai (-2,68%).
“Hiện trạng trên xuất phát từ đặc thù cơ cấu kinh tế của ĐBSCL”, theo báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 do VCCI và Trường Chính sách công và quản lý Fulbright thực hiện.
Thứ nhất, mặc dù không phải là nền kinh tế hiện đại, song tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu GRDP của ĐBSCL thậm chí còn cao hơn so với cả nước, mà dịch vụ lại chính là khu vực chịu tác động nặng nề nhất của Covid-19.
Thứ hai, sự yếu kém có tính cố hữu của khu vực công nghiệp của ĐBSCL đã không thể giúp vực dậy tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng. Trong năm 2021, khu vực công nghiệp giảm sâu (âm 2,26%), thấp hơn hẳn so với mức tăng trưởng 4,05% của cả nước.
Thứ ba, điểm sáng kinh tế lớn nhất của ĐBSCL là khu vực nông nghiệp, duy trì mức tăng trưởng dương trong hai năm 2020 và 2021, lần lượt là 2,02% và 1,57%. Tuy nhiên, chỉ mình ngành nông nghiệp không đủ sức vực dậy nền kinh tế của ĐBSCL vì hai khu vực còn lại chiếm hơn 70% GDP của vùng đều tăng trưởng âm ở mức khá sâu.
ĐBSCL khó bứt phá khi khu vực công nghiệp và dịch vụ chưa đủ vững chắc để trở thành trụ cột kinh tế bền vững cho vùng.
Bên cạnh đó, thay đổi trong thu nhập bình quân đầu người có sự khác biệt rất lớn giữa các địa phương trong vùng.
Theo đó, thu nhập bình quân ở Cần Thơ và Long An giảm, trong khi ở 11 tỉnh còn lại đều tăng với mức độ khác nhau. Tiền Giang và Hậu Giang có tốc độ tăng thấp (2,7%), các địa phương còn lại đều có mức tăng trên 5%, riêng Bạc Liêu tăng đột biến 28,5%.
Điểm đáng chú ý ở ĐBSCL là tốc độ tăng năng suất lao động nông nghiệp trung bình rất cao, trong giai đoạn 2015-2020 lên tới 9,03%/năm, gấp hơn 2 lần so với khu vực công nghiệp (4,39%) và dịch vụ (3,82%). Điều này cho thấy ĐBSCL vẫn còn nhiều tiềm năng chuyển đổi cơ cấu và tăng năng suất.
Tuy nhiên, "nghịch lý" tốc độ tăng năng suất lao động nông nghiệp cao hơn hẳn so với công nghiệp và dịch vụ cho thấy hạn chế của hai khu vực này.
Số lượng doanh nghiệp không tương xứng với quy mô vùng
Bên cạnh đó, một ‘nghịch lý’ khác đã tồn tại từ lâu là mặc dù mặt bằng PCI của ĐBSCL gần như tốt nhất nước, nhưng số lượng và quy mô doanh nghiệp trong vùng lại rất hạn chế.
Tuy ĐBSCL chiếm gần 20% dân số cả nước, nhưng tỷ trọng doanh nghiệp giảm từ 7,6% xuống chỉ còn 6,7% trong giai đoạn 2017-2021, chỉ cao hơn Trung du và Miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, hai vùng miền núi có điều kiện tự nhiên bất lợi.
Theo số liệu PCI, chất lượng điều hành kinh tế là thế mạnh của vùng. Tuy nhiên, chất lượng cơ sở hạ tầng, nguồn lao động và sự phát triển của các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh đang là những yếu tố hạn chế cơ bản khiến ĐBSCL thiếu sức hút với các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, thứ hạng PCI của vùng cũng đang suy giảm. ĐBSCL có điểm PCI trung bình dẫn đầu cả nước ở các năm 2017, 2018 và chỉ xếp sau Đồng bằng sông Hồng ở năm 2019, 2020 với cách biệt không đáng kể.
Tuy nhiên, đến 2021 thì điểm PCI trung bình của ĐBSCL đã không bắt kịp nhịp tăng của các vùng khác và đã xếp sau cả Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.
ĐBSCL dẫn đầu cả nước trong “tiếp cận đất đai”, “chi phí thời gian”, “chi phí không chính thức”, “cạnh tranh bình đẳng”, “tính năng động” từ 2017 trở lại đây. Tuy nhiên, 5 chỉ số này chỉ chiếm trọng số 30% trong PCI.
Ở các chỉ số còn lại, ĐBSCL khá yếu ở “gia nhập thị trường”, “tính minh bạch”, “đào tạo lao động” là ba chỉ số chiếm đến 45% trọng số của PCI. Trong 4 năm trở lại đây, chỉ số “đào tạo lao động” của ĐBSCL luôn nằm trong nhóm thấp cả nước.
Đồng bằng sông Cửu Long kỳ vọng trở thành trung tâm năng lượng sạch
Chất lượng lao động đang là điểm yếu cốt lõi của ĐBSCL. Hình ảnh ĐBSCL có lợi thế về nguồn lao động dồi dào và giá rẻ nay đã không còn. Nguồn lao động dồi dào đã mất đi do lao động trẻ di cư đến vùng Đông Nam Bộ, còn giá rẻ thì lại đi đôi với chất lượng thấp. Hai điều này cùng nhau khiến lợi thế vốn có về nguồn lao động của khu vực này bị suy giảm.
Không chỉ yếu về chất lượng lao động, số lượng lao động trong khu vực chính thức cũng đang trở thành vấn đề ở ĐBSCL. Trong giai đoạn 2017-2021, ĐBSCL là vùng có tỷ lệ giảm lao động lớn nhất cả nước với 42%. Đáng lo ngại là ĐBSCL là vùng duy nhất trong cả nước có xu hướng giảm số lượng lao động ở tất cả các năm trong giai đoạn 2017-2021.
Trong năm 2021, tỷ lệ giữa doanh nghiệp rút khỏi và gia nhập thị trường ở ĐBSCL lên tới 108%, cao nhất trong các vùng và cao hơn hẳn so với mức bình quân 82% của cả nước. Để phát triển doanh nghiệp, ĐBSCL không chỉ cần tăng số lượng thành lập mà còn phải giảm tỷ lệ “tử vong” của doanh nghiệp.
Tăng trưởng nguồn vốn không bền vững
Mặc dù ghi nhận mức tăng trưởng GRDP âm trong năm 2021, nhưng ĐBSCL lại là một trong hai vùng duy nhất trong cả nước vẫn có sự gia tăng vốn đăng ký so với năm 2020, trong đó một phần đến từ các dự án FDI trong lĩnh vực năng lượng.
Tiếc thay, sự khởi sắc trong nguồn vốn không phải nhờ khắc phục được những vấn đề cố hữu liên quan đến cơ sở hạ tầng hay nguồn nhân lực… mà chủ yếu nhờ vào việc khai thác các lĩnh vực mới, tạo nên sự tăng trưởng không bền vững.
Mặt khác, lĩnh vực có số dự án FDI lớn nhất là công nghiệp chế biến chế tạo (chiếm 77,6%), song lĩnh vực tiếp nhận vốn FDI lớn nhất lại là năng lượng (60,25%). Ngành nông nghiệp vốn là thế mạnh của ĐBSCL nhưng chỉ thu hút được 1,7% số dự án và chưa đến 0,3% vốn FDI đăng ký của toàn vùng.
Bên cạnh đó, sự hiện diện của doanh nghiệp nhà nước ngày càng suy yếu qua các năm tại khu vực này. Điều này thể hiện qua tỷ trọ đóng góp của khu vực nhà nước giảm liên tục từ 22,4% năm 2016 xuống 23,3% vào năm 2021, trong khi tỷ trọng của khu vực ngoài tư nhân - trong nước và nước ngoài - tăng liên tục, chiếm tới hơn 75% tổng vốn đầu tư xã hội ở ĐBSCL.
Về huy động vốn và tín dụng ở ĐBSCL, mặc dù chiếm khoảng 18% GDP cả nước, song tỷ trọng huy động vốn của ĐBSCL lại giảm từ 6,1% năm 2019 xuống chỉ còn 5,7% năm 2021. Hoạt động tín dụng của ĐBSCL cũng tăng nhẹ về số tuyệt đối nhưng tỷ trọng so với cả nước hầu như không đổi, luôn ở mức trên dưới 8%.
Báo cáo nêu rõ: về mặt kinh tế, ĐBSCL đang phải đối diện với ít nhất ba "vòng xoáy đi xuống" bao gồm "vòng xoáy ngân sách", "vòng xoáy lao động" và "vòng xoáy cấu trúc kinh tế".