Những ngôi làng 'ngâm chân' trong lũ sông Lam: Bài cuối – Về nơi bò thi… hoa hậu
Phương án tối ưu mà người dân lựa chọn không phải là sơ tán vật nuôi lên mặt đê mỗi khi có lũ về mà là phương thức sống chung tại chỗ với lũ theo kiểu 'mặt đối mặt'.
Ngược dòng sông Lam khoảng 2 cây số là địa phận của xã Hưng Nhân cũ (nay được sáp nhập với xã Hưng Châu thành đơn vị hành chính mới - Châu Nhân). Hơn 3.300 người sinh sống trên diện tích 6,5 km2 ở ngoài đê Tả Lam.
Khác với Hưng Lợi, toàn bộ các xóm của Hưng Nhân đều nằm cách xa đê. Bởi vậy, phương án tối ưu mà người dân lựa chọn không phải là sơ tán vật nuôi lên mặt đê mỗi khi có lũ về mà là phương thức sống chung tại chỗ với lũ theo kiểu “mặt đối mặt”.
Ưa bò, kị trâu
Dưới bóng mát của dãy tre gai, bà Nguyễn Thị Vận (58 tuổi, trú ở Xòm 7) đang ngồi vuốt ve con bò cái tầm 5 tuổi. Bà nói, không che giấu niềm tự hào: “Chú thấy con bò nhà tui có sọi (xinh đẹp) không? Trong xóm ni, nó thuộc hàng hoa hậu đó, đẹp từ mặt, lông tới dáng”.
Quan niệm thẩm mỹ của bà Vận cũng như của mọi người chân nuôi ở vùng lũ Hưng Nhân gắn chặt với khả năng sinh sản của con vật. Cụ thể, con bò nái phải bảo đảm mỗi năm sinh một lứa và con me (bê) phải đủ tiêu chuẩn làm bò nái trong tương lai (nếu là con cái) và làm bò giống (nếu là con đực). Dĩ nhiên, bò mẹ được “khuyến khích sinh con gái” vì điều này có lợi hơn cho người nuôi.
Bà Vận liệt kê ra một loạt tiêu chuẩn để chọn bò nái: về tổng thể bò có dáng thanh thoát, da mỏng, lông thưa, các phần đầu, cổ, thân và vai kết hợp hài hòa. Đầu thanh nhẹ, mũi to, mõm rộng, hàm răng đều đặn và trắng bóng, cổ dài vừa phải và thanh, da cổ có nhiều nếp nhăn.
Ngực sâu và rộng, xương sườn mở rộng, cong về phía sau, bụng to nhưng không sệ, bốn chân thẳng và mảnh, móng khít, mông nở, ít dốc. Bầu vú phát triển về phía sau, 4 núm vú đều, dài vừa phải, da vú mỏng, đàn hồi… Đó là về hình thức. Bên cạnh đó, con bò mẹ tương lai phải có “công dung” - thuần tính, hiền lành.
Giá một con bò đẹp và bò xấu chênh lệch nhau khá lớn – 20 triệu đồng so với 12 triệu đồng. Còn đối với bê con, hình thức trở thành vấn đề sinh tử, không đơn thuần là chênh lệch về giá cả. Bê đẹp được giữ lại làm giống, bê xấu được đưa thẳng vào lò mổ.
Bà Vận cho biết thêm: Nếu ai cũng có nhiều tiền để mua hẳn một con bò hai tuổi về cho nó đẻ con thì mọi việc rất đơn giản. Nhưng nhà bà không có 20, 25 triệu đồng để mua con bò cái trưởng thành mà phải mua me con giá 7- 8 triệu đồng. Mua me thế nào để nó lớn lên thành “hoa hậu” mắn đẻ, sinh ra thế hệ sau khỏe mạnh, không phải ai cũng làm được.
Bò mang thai xoay quanh trục “chín tháng mười ngày” giống như ở người, mỗi năm đẻ một lứa, mỗi lứa thường là một con. Bò có thể mang thai khi tròn 24 tháng tuổi, nhưng tốt nhất là ở tháng 27 – 30. Những con nái tốt có thể sinh con khỏe mạnh ở lứa thứ 10, thậm chí 15.
Nếu như ở loài người, tình trạng “mẹ cú con tiên” hoặc “mẹ tiên con cú” không phải là hiếm thì ở bò hầu như không có chuyện đó. Bà Vận khẳng định: “Bò mẹ đẹp, chắc chắn con cũng đẹp”.
Chăn nuôi ở vùng lũ hay ở vùng ngoài lũ muốn có hiệu quả hay không đều phải coi trọng khâu chọn giống. Tuy nhiên, người dân vùng lũ đặc cái biệt chú trọng khâu lựa chọn con nái vì họ không cho phép mình nuôi một con bò “lười đẻ”. Việc nuôi, chăm sóc bò trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt sẽ trở nên công cốc nếu năm đó bò cái “tịt”, bởi lẽ toàn bộ lợi nhuận của người chủ nằm ở con bê.
Bà Vận kể: “Nhà ở xa đê nên tui xây cái gác cao cho bò tránh lũ, có cầu thang thoai thoải. Trên đó, chất đầy rơm khô dự trữ. Rơm nếu kiếm không đủ thì phải mua, giá 50.000 đồng một yến (10 kg). Bó rơm nặng hai yến mà bò nhai hết trong ba ngày, chưa kể chất độn. Chú tính, lụt một tháng sẽ tốn kém bao nhiêu. Vậy nên đến mùa lũ, các nhà chỉ giữ lại bò mẹ chứ me con phải bán trước rồi”.
Những người nuôi bò đẻ như bà Vận thuộc nếp “sinh hoạt” của con vật như con cái trong nhà. Thấy bò bỏ ăn, ngẩn ngơ, kêu rống lên, phá chuồng, có biểu hiện “chịu đực” (thích âu yếm đồng loại hoặc đứng yên cho con khác cưỡi lên), đuôi cong hoặc lệch sang một bên… là người chủ phải dắt đi lấy giống ngay với giá 300.000 đồng mỗi lượt. Xon xuôi rồi mà bò cái vẫn lồng lên, chạy nhảy lung tung, có nghĩa là lấy giống không thành công và phải lặp lại quy trình. Nếu con vật trở nên thuần tính, có nghĩa bò cái đã thụ thai.
Giống bò được nuôi phổ biến ở vùng lũ ngoài đê ở huyện Hưng Nguyên là bò vàng Việt Nam, nhánh bò Nghệ An. Đặc điểm tiêu biểu của giống bò vàng là có tầm vóc nhỏ bé (bò cái nặng 160-200 kg và bò đực nặng 250-300kg); khả năng chịu đựng tốt với điều kiện nhiệt đới nóng ẩm, thích nghi được với phương thức chăn nuôi tận dụng, đầu tư ít, bò thành thục sớm, mắn đẻ, có thể kéo cày, kéo xe.
Nhược điểm của giống bò này là không đáp ứng với yêu cầu chăn nuôi hiện đại vì hiệu quả kinh tế thấp do sinh trưởng chậm, năng suất thịt và sữa rất thấp, tỷ lệ thịt xẻ thấp.
Ở vùng ngoài đê của xã Châu Nhân rất ít gia đình nuôi trâu, dù sức kéo của trâu gấp đôi bò. Bà Vận lý giải: Trâu phàm ăn, ăn bằng hai bò, rất tốn kém khi phải nuôi trong mùa lũ. Trâu ưa nước, thấy nước sẽ đòi đằm mình, khó dắt lên gác chống lũ. Bò lại khác, thấy nước là sợ, chịu để người điều khiển, gác làm chỗ trú cho bò cũng không cần chắc chắn như dành cho trâu.
Gia đình bà Nguyễn Thị Vận cũng như những người nông dân ở xã Hưng Nhân cũ dựa vào chăn nuôi để có nguồn thu chính. Thu nhập từ lúa và hoa màu ngày càng trở nên bấp bênh do phụ thuộc vào sự “đỏng đảnh” của ông Trời – hạn hán, lũ lụt, bão tố, sạt lở đất…
Sống chung và di dời – bài toán không đơn giản
Huyện Hưng Nguyên của tỉnh Nghệ An có 4 xã nằm ngoài đê sông Lam gồm Hưng Lĩnh, Long Xá, Xuân Lam, Hưng Lợi và phần Hưng Nhân cũ của xã Châu Nhân) với dân số lên tới hàng chục nghìn người.
Ông Nguyễn Hữu Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên, cho biết: Đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa lũ lụt là chủ trương nhất quán của huyện cũng như của tỉnh. Nhưng việc đảm bảo an toàn lại tách ra hai phương án - sống chung với lũ và di dời. Sống chung như thế nào và di dời như thế nào cũng không áp dụng đồng nhất cho tất cả các xã mà tùy theo tình hình và điều kiện cụ thể.
Cùng là sống chung với lũ nhưng do địa hình và điều kiện khác nhau nên cách thức thực hiện ở xã Hưng Lợi và xã Hưng Nhân cũ không giống nhau. Dân cư ở Hưng Lợi sinh sống ở sát chân đê Tả Lam nên từ lâu đã hình thành tập quán đưa người và vật nuôi lên đê tránh lũ.
Còn ở Hưng Nhân, do sống xa đê, người dân phải tôn nền nhà thật cao, làm chạn chắc chắn và xây nhà gác cho vật nuôi. Với Hưng Nhân, việc di dời dân vào trong đê không được tính đến trong tương lai trung hạn. Phương án di dời chỉ được áp dụng trong nội bộ xóm, từ chỗ đất thấp lên chỗ đất cao, từ chỗ sạt lở đến chỗ an toàn.
Cùng thuộc xã Hưng Lợi nhưng vấn đề di dời không đặt ra với các Xóm 1, 2, 3, 4, 5 nhưng lại áp dụng với Xóm 6, Xóm 7. Lý do là vùng đất của hai xóm này trũng hơn, nằm ở vị trí nước xoáy nên tình trạng xói mòn, sạt lở đất diễn ra khá nghiêm trọng.
Việc di dời người dân Xóm 6 và Xóm 7 vào trong đê, dù là được chính quyền thực hiện theo nguyện vọng của người dân, cũng không hề đơn giản. Lý do là đất thổ cư, thổ canh của người dân ngoài bãi khá rộng, trong khi đất chia lô ở khu tái định cư chỉ từ 200 – 300 m2. Phương án di dời nhà nhưng giữ lại đất sản xuất tưởng là tối ưu trong hoàn cảnh cụ thể nhưng vẫn không nhận được sự ủng hộ của một số bà con với lý do “đi làm xa, không thuận tiện”…
Theo lãnh đạo huyện Hưng Nguyên, người dân ngoài đê ở địa phương đã hình thành tập quán “sống chung với lũ” theo cách hiểu đơn giản là an toàn vượt qua mùa mưa bão. Với chính quyền và các cơ quan chức năng, để đạt “mục tiêu kép”- vừa đảm bảo sự an toàn của người dân trong lũ lụt, vừa giúp bà con tìm kế sinh nhai hiệu quả và phù hợp với môi trường sống đặc thù, lại là một câu chuyện khác./.