Những ngôi nhà ấm áp nghĩa tình

Từ phát huy nội lực, tinh thần quan tâm giúp đỡ lẫn nhau, kết hợp sử dụng hiệu quả nguồn hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia, Thanh Hóa đã hoàn thành xây dựng, sửa chữa gần 2.000 ngôi nhà cho hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở.

Cán bộ xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa và các cơ quan chức năng trao đổi về công tác hỗ trợ các gia đình tái định cư.

Cán bộ xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa và các cơ quan chức năng trao đổi về công tác hỗ trợ các gia đình tái định cư.

Theo số liệu tổng hợp, đến cuối tháng 12/2024, toàn tỉnh Thanh Hóa đã huy động được hơn 226 tỷ đồng để từ đó hỗ trợ khởi công xây dựng mới, sửa chữa gần 3.700 căn nhà cho hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở. Gần 2.000 ngôi nhà được đưa vào sử dụng, đã góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

Cộng đồng nhân ái

Ngôi nhà của bà Phạm Thị Hải cùng vợ chồng con trai Phạm Văn Lê, ở bản Ngà, xã Nam Tiến, huyện Quan Hóa, không khang trang nhưng ấm áp tấm lòng nhân ái, tinh thần “lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Ngôi nhà sàn ba gian đã xuống cấp, vợ chồng anh Lê mới đầu tư 70 triệu đồng xây dựng, đưa vào sử dụng khu nhà bếp cùng phòng ở có diện tích sử dụng 30 m2.

Còn nợ tiền mua vật liệu xây dựng nhưng anh Lê cùng vợ Ngân Thị Lụa là công nhân nhà máy sản xuất linh kiện điện tử ở Bắc Ninh, có tổng thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng cho nên đã đề xuất nhường mức hỗ trợ 80 triệu đồng cho hộ bà Ngân Thị Nhiên có gia cảnh khó khăn hơn trong bản xây dựng nhà ở.

Bản Ngà có hơn 100 hộ, hơn 500 nhân khẩu chung sống, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường. Trong bản còn nhân khẩu dân tộc Gia Rai ở huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, là con dâu của bản, hòa nhập trong cộng đồng gắn kết. Ðược hỗ trợ 80 triệu đồng theo chính sách hiện hành, Rma Hleng cùng chồng Len Văn Cấp vay thêm Ngân hàng Chính sách xã hội 200 triệu đồng... đang xây dựng ngôi nhà khá khang trang, bảo đảm diện tích sinh hoạt cho sáu thành viên ba thế hệ trong gia đình.

Ðặc biệt, anh em thân tộc, nhân dân trong bản cùng trợ giúp gia đình hàng chục ngày công lao động, thi công nền móng, đổ sàn bê-tông; bảo đảm tiến độ thi công xây dựng, giúp hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số cải thiện khó khăn về nhà ở.

Những ngày này, bên những nẻo đường lên huyện vùng cao biên giới Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, có thêm nhiều nếp nhà đang xây dựng, tươi rói tường màu gạch đỏ đứng trên đế móng đổ bê-tông vững chắc. Anh Thào A Dình, ở bản Khằm 2, xã Trung Lý, huyện Mường Lát là người đã chủ động đề xuất nhường suất hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo Sùng A Páo.

Tốp thợ nề gồm chín người đang hỗ trợ A Páo đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thiện ngôi nhà có diện tích xây dựng gần 50 m2, dự toán khoảng 150 triệu đồng. Sùng A Páo cùng tốp thợ còn nhận thi công hai nhà ở tại xã Trung Lý nhằm có thêm thu nhập.

Mưu sinh chủ yếu bằng làm thuê, canh tác ruộng nước, trồng sắn, khó có thể xây dựng được căn nhà kiên cố, nhưng Sùng A Là cùng ở bản Khằm 2, xã Trung Lý vui mừng cho biết: “Ðược hỗ trợ 80 triệu đồng xây dựng nhà ở theo Chỉ thị 22 của Tỉnh ủy Thanh Hóa, vợ chồng tôi xây dựng ngôi nhà kiên cố có diện tích 48 m2, đang trong giai đoạn hoàn thiện”.

Qua rà soát, bình xét, đề xuất từ cơ sở, xã Trung Lý, huyện Mường Lát có 278 hộ được phê duyệt hỗ trợ xây dựng nhà ở. Nguồn thực hiện được bố trí từ các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; hỗ trợ hộ chuyển cư khỏi vùng nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, bố trí xen ghép, ổn định dân cư và huy động theo Chỉ thị số 22 của Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trung Lý Trương Văn Sự trao đổi: Ngoài sớm hoàn thành bố trí tái định cư xen ghép cho ba hộ thoát khỏi nguy cơ ảnh hưởng bởi thiên tai, trong số hơn 70 hộ được hỗ trợ xây dựng mới nhà ở, đã có hơn 30 hộ hoàn thành xây lắp với mức đầu tư 150-300 triệu đồng/nhà ở.

Anh em thân tộc, cộng đồng thôn, bản còn hỗ trợ bằng ngày công lao động cho nên tổng mức đầu tư xây dựng trung bình khoảng 200 triệu đồng/nhà ở. Các hộ rất phấn khởi, tiếp tục chung tay, góp sức, phấn đấu hoàn thành xây dựng mới, sửa chữa thêm hơn 100 ngôi nhà, đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán.

Ngoài mức hỗ trợ 80 triệu đồng từ chính sách hiện hành, ông Va Chung Nính, ở bản Lốc Há, xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát bán bớt bốn con bò được 36 triệu đồng, bù thêm để xây dựng nhà mới. Ông Nính cùng vợ tiếp tục canh tác khu ruộng nước, chăn nuôi, nhân đàn gia súc, trồng sắn để có thêm thu nhập; mua thêm vật liệu, phụ giúp con trai gia cố, láng nền nhà bếp cùng công trình phụ, bảo đảm nơi ở khang trang, sạch sẽ.

Ở huyện Mường Lát, bên cạnh những ngôi nhà Ðại đoàn kết, Nghĩa tình đồng đội, Bộ Công an cùng nhà tài trợ xây dựng 600 ngôi nhà tặng hộ nghèo và mới có thêm 160 ngôi nhà khởi công. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát Triệu Minh Xiết cho biết: Các đảng viên, công chức, viên chức trên địa bàn tự giác, tích cực hưởng ứng Chỉ thị số 22 của Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Bước đầu huyện đã huy động được hơn 1 tỷ đồng và tỉnh Thanh Hóa phân bổ hơn 5 tỷ đồng từ ba chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn huy động theo Chỉ thị số 22 cho huyện Mường Lát cùng các xã giải ngân cho các hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ dân tộc thiểu số triển khai xây dựng nhà ở.

Ngoài mức hỗ trợ 80 triệu đồng, bình quân mỗi hộ, gia đình huy động thêm 80 triệu đồng để xây dựng nhà mới bảo đảm phù hợp với điều kiện của gia đình. Lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân chung tay, trợ giúp hàng nghìn ngày công lao động, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở cho người nghèo.

Ngôi nhà mới đang được hoàn thiện của gia đình ông Va Chung Nính, ở bản Lốc Há, xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát.

Ngôi nhà mới đang được hoàn thiện của gia đình ông Va Chung Nính, ở bản Lốc Há, xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát.

Chung tay trợ giúp người nghèo

Nhiều hộ nghèo, hộ đồng bào các dân tộc thiểu số gặp khó khăn về nhà ở trên địa bàn huyện Mường Lát chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thổ cư. Cơ quan chức năng đã trích đo bản đồ, lập hồ sơ, tận tình hướng dẫn các hộ gia đình hoàn tất thủ tục liên quan để triển khai xây dựng nhà trên đất đang sử dụng, không có tranh chấp.

Phó Bí thư Thường trực Ðảng ủy xã Nhi Sơn Thao Văn Lênh cho hay: Hiện địa phương có 60 hộ nghèo, cận nghèo gặp khó khăn về nhà ở nhưng khó thực hiện chính sách hỗ trợ từ chương trình mục tiêu quốc gia và theo Chỉ thị số 22 của Tỉnh ủy Thanh Hóa, vì các hộ đã được hỗ trợ cải thiện khó khăn về nhà ở theo Chương trình 134, 135, Quyết định số 167/2008/QÐ-TTg theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP trước đây. Sử dụng đã lâu, các ngôi nhà trong tình trạng xuống cấp cho nên các hộ, nhân dân xã Nhi Sơn mong muốn tiếp tục được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở theo chính sách hiện hành.

Từ Quốc lộ 15A vào bản Giá, xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa đã có đường bê-tông nhưng đường giao thông nông thôn cheo leo, uốn lượn bên bờ suối Giá có vách cao phổ biến hơn 10m. Công trình thủy điện Hồi Xuân chậm tiến độ kéo dài, đoạn đường phục vụ thi công vào bản vốn gập nghềnh, nhiều dốc lại phát sinh thêm những khối đất, đá sạt lở, chưa xử lý triệt để.

Sau mưa bão, gia tăng hiện tượng nứt, sạt, trượt, lở đất, đe dọa cuộc sống ổn định của nhiều gia đình. Ông Hà Văn Toàn ở Khu 5, bản Giá lo lắng: Nứt, sạt ta-luy dương khiến nền, tường công trình phụ của gia đình ông xuất hiện vết nứt, đe dọa nghiêm trọng ngôi nhà sàn, nơi cư trú của ba thành viên trong gia đình ông.

Qua bình xét, gia đình ông thuộc diện được hỗ trợ 80 triệu đồng và ông đã chủ động thỏa thuận mua đất của hộ trong bản, sang năm sẽ di chuyển, dựng lại nếp nhà sàn tại nơi ở mới. Gia đình ông mong cơ quan chức năng tạo điều kiện, hỗ trợ phí, thuế chuyển đổi mục đích sử dụng đất, để gia đình sớm “an cư, lạc nghiệp”.

Mất nhà ở do lũ cuốn, ông Lữ Viết Ngâm bộc bạch: Gia đình phải di dời khẩn cấp, được anh em thân tộc, bà con nhân dân hỗ trợ dựng lán tạm, lưu trú tới 1,5 năm. Ông quyết định vay ngân hàng 200 triệu đồng, mua gần 100 m2 đất ở, huy động mọi nguồn lực, hoàn thiện xây dựng nếp nhà cùng công trình phụ, tổng trị giá 600 triệu đồng.

Phải tạo dựng lại nơi ở mới trong trường hợp cấp bách cho nên gia đình ông mong được hỗ trợ cải thiện khó khăn về nhà ở theo quy định hiện hành cùng trợ giúp của các cơ quan chức năng hoàn tất thủ tục pháp lý về quyền sử dụng đất, tài sản trên đất.

Theo công chức địa chính-xây dựng xã Phú Xuân, các hộ bị thiệt hại bởi thiên tai, cư trú ở khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đã được bố trí tái định cư xen ghép. Tuy nhiên với các hộ không có quỹ đất ở, phải bố trí tái định cư trong trường hợp khẩn cấp, các cấp có thẩm quyền cần quan tâm trợ giúp, hỗ trợ các hộ gia đình chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp thành đất ở.

Thực hiện kết luận của Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, huyện Quan Hóa chỉ đạo các xã rà soát, vận động người thân cho, tặng, hoặc chuyển nhượng đất ở nên 44 hộ đã có đất, triển khai tái định cư xen ghép với cộng đồng dân cư sở tại. Với các hộ bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi thiên tai, việc chủ động tìm kiếm quỹ đất ở rất khó khăn.

Theo đó, huyện Quan Hóa tập trung chỉ đạo, huy động các cấp chính quyền, hệ thống chính trị cùng vào cuộc hỗ trợ người dân tìm quỹ đất hợp pháp nhằm tiếp tục bố trí tái định cư xen ghép cho hơn 40 hộ còn lại, đồng thời hỗ trợ thêm 40 triệu đồng/hộ từ nguồn huy động theo Chỉ thị số 22 để các hộ xây dựng nhà ở.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quan Hóa Hà Văn Thủy thông tin thêm: Toàn huyện có tới 1.771 hộ cần trợ giúp cải thiện khó khăn về nhà ở, trong đó năm 2024 được phân bổ kinh phí để làm mới 358 nhà ở từ nguồn các chương trình mục tiêu quốc gia, đề án sắp xếp dân cư và nguồn huy động hỗ trợ theo Chỉ thị số 22 của Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Ðến đầu tháng 12 đã có hơn 200 hộ xây dựng xong nhà ở. Huyện Quan Hóa phấn đấu hoàn thành xây dựng mới hơn 300 ngôi nhà cho người nghèo, gia đình chính sách, hộ khó khăn về nhà ở trong năm nay; đồng thời quyết liệt chỉ đạo vận động, tạo quỹ đất hợp pháp cho 44 hộ di chuyển khỏi vùng nguy cơ cao xảy ra thiên tai, tái định cư xen ghép.

Bài và ảnh: MAI LUẬN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nhung-ngoi-nha-am-ap-nghia-tinh-post851281.html