Những ngôi nhà kỳ lạ ở Vĩnh Long

Vĩnh Long có ngôi nhà 3 gian 2 chái truyền thống hoàn toàn bằng gốm đỏ Vĩnh Long lớn nhất Việt Nam, cùng đó, ngôi nhà được xây dựng từ hơn 4.000 cây dừa cũng khiến du khách kinh ngạc.

Nhà gốm Tư Buôi - Một tình yêu mãnh liệt với nghề gốm đỏ

Nhà gốm Tư Buôi - Một tình yêu mãnh liệt với nghề gốm đỏ

Tọa lạc phường 5, thành phố Vĩnh Long, nhà gốm Tư Buôi là một trong những ngôi nhà độc đáo của Vĩnh Long, được xây dựng theo kiến trúc của ngôi nhà Nam Bộ xưa, đến đây du khách không chỉ được chiêm ngưỡng ngôi nhà hoàn toàn làm bằng gốm đỏ, mà còn được hồi tưởng về những thế kỷ trước qua những cổ vật quý giá do chủ nhân ngôi nhà sưu tầm và trưng bày.

Một trong những người đi tiên phong trong tạo ra sản phẩm gốm gắn với xây dựng, nội thất là ông Tư Buôi (tên đầy đủ là Nguyễn Văn Buôi) - Cái tên quen thuộc với khá nhiều người vùng gạch gốm Mang Thít và Long Hồ. Gia đình ông có truyền thống làm nghề gốm đỏ và có những giai đoạn cũng thăng trầm với nghề. Bản thân chú cũng theo nghề này từ nhỏ, đến nay cũng đã mấy chục năm nên tình yêu của ông dành cho gốm là vô bờ bến. Và câu chuyện về ngôi nhà gốm - độc đáo bậc nhất cả nước tọa lạc tại phường 5, TP. Vĩnh Long đã xuất phát từ đây.

Ngôi nhà làm từ gốm độc đáo ở miền Tây.

Ngôi nhà làm từ gốm độc đáo ở miền Tây.

Chủ nhân ngôi nhà đã tự thiết kế bản vẽ, tự tính toán kỹ thuật và phác họa từng chi tiết kết cấu cho căn nhà. Qua bàn tay tài hoa của đội ngũ thợ lành nghề, các phần cột, hoa văn, kết cấu căn nhà dần được hình thành. Căn nhà được khởi công và chỉ trong vòng 3 tháng căn nhà đã lắp ráp xong khung sườn.

Khi hoàn thiện, nhà có diện tích gian chính khoảng 200 m2, khu nhà sau 100 m2. Vách tường nhà được xây bằng gạch ống kích thước lớn gần gấp đôi gạch thường, không tô do chính chủ nhân ngôi nhà sản xuất. Ngoài ra còn có những công trình phụ để minh họa cho căn nhà.

Hoa văn trên chất liệu gốm rất đẹp, về mặt chế tác thì độ thẩm mỹ được đánh giá cao. Những hàng cột gốm ngoài mái hiên được thiết kế, trang trí theo các chủ đề của đất phương Nam như: nông nghiệp lúa nước, lễ hội, thời khẩn hoang…Riêng cột kèo trong gian nhà chính được lấy cảm hứng từ những họa tiết trên trống đồng Đông Sơn.

Những đầu giáo dùng để nối kèo với cột cũng được thiết kế bằng các con vật gần gũi trong cuộc sống hằng ngày như: tôm, cua, gà, cá, khỉ... Còn tường rào thì trang trí bích họa gốm đỏ mỹ thuật. Trong nhà, những rui, mè, kèo, cột, đòn dông, mái nhà cũng đều bằng gốm đỏ. Tất cả đều là tâm huyết và sự kỳ công của nghệ nhân muốn “thổi hồn” và tìm hướng mới cho cái nghề ông cha.

Nhằm tạo điểm nhấn cho ngôi nhà, Ông Tư Buôi còn mua sắm toàn bộ nội thất bằng gỗ bên và gõ mật rồi đem đi tạo tác theo kiểu giả cổ; vật dụng trang trí bên trong các phòng: phòng bà cả, bà hai, bà ba và phòng chờ của bà tư phía sau khá sắc sảo qua những họa tiết, hoa văn tinh tế của các món đồ gỗ quý như: giường ngủ, đi văng, tủ thờ, ghế kiểu,…

Ngoài ra, chủ nhân ngôi nhà còn sưu tầm đồ đồng xưa quý hiếm như bộ dụng cụ sinh hoạt bằng đồng thau cổ, bộ cân đòn của người Việt xưa, đặc biệt là bộ 100 chiếc đèn cổ với những kiểu dáng vô cùng độc lạ được mua ở Việt Nam và cả ở Pháp mang về.

Nhà làm bằng dừa có một không hai.

Nhà làm bằng dừa có một không hai.

Bên cạnh nhà gốm thì nhà dừa cũng là một nơi thu hút du khách gần xa với mức độ “độc – lạ” của mình. Đây cũng là nơi thưởng lãm cảnh quan có một không hai ở miền tây. Với kiến trúc toàn dừa, hơn 4000 cây dừa lão được sử dụng - từ rễ, gốc, gỗ, vỏ bìa, gáo, lá, chà, nang, bẹ, trái…tất cả đã góp phần tạo nên một tác phẩm nghệ thuật vô cùng ấn tượng và độc đáo.

Nhà được chia thành nhiều khu vực như: khu nhà tự, nhà ăn, lưu niệm, homestay và vườn trái cây.

Nhà dừa là nơi thu hút du khách gần xa với mức độ “độc – lạ” của mình.

Nhà dừa là nơi thu hút du khách gần xa với mức độ “độc – lạ” của mình.

Đặc biệt nhất là tủ thờ và mặt chiếc bàn tròn được khảm bằng gáo dừa thay vì ốc xà cừ thường thấy. Trước hiên nhà, gia chủ còn chọn 4 gốc dừa lão to nhất, đẹp nhất để tạo hình 4 tượng Phúc – Lộc – Thọ và Phật Di lặc để trang trí. Để hoàn thành quần thể này phảo tốn khoảng 4.000 cây với tổng kinh phí gần 6 tỉ đồng.

Những gốc dừa lão tưởng như vô tri nằm ở góc vườn, thế nhưng qua bàn tay đầy tài hoa nghệ thuật của các nghệ nhân, chúng mang trong mình hình hài mới, dáng dấp mới và mang giá trị mới.

Ngoài căn nhà chính 2 gian 3 chái làm điểm nhấn còn rất nhiều điểm tham quan khác như các điểm dừng chân, hồ cá, vườn lan có chậu là những gáo dừa được chạm khắc tinh xảo, chi tiết.

Nhiều vật dụng và trang trí cũng làm bằng dừa.

Nhiều vật dụng và trang trí cũng làm bằng dừa.

Thanh Hoàng

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/du-khao/nhung-ngoi-nha-ky-la-o-vinh-long-c14a79263.html