Những ngôi nhà mang dấu ấn sẻ chia ở Đồng Tháp
Nhằm giúp người nghèo 'an cư lạc nghiệp', tỉnh Đồng Tháp có nhiều tổ cất nhà từ thiện với hàng nghìn thành viên.

Thành viên Tổ cất nhà từ thiện Tân Thạnh, tỉnh Đồng Tháp, góp công cất nhà cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Nhựt An - TTXVN
Các tổ này tham gia vận động kinh phí và trực tiếp góp công xây dựng nhà cho người có hoàn cảnh khó khăn; góp phần tham gia thực hiện Chương trình Xóa nhà tạm và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (tiêu chí về nhà ở).
Mới đây, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam có dịp tham gia cùng Tổ cất nhà tình thương số 2 Định Yên đi xây dựng nhà cho hộ ông Huỳnh Văn Đồng và hai hộ khác tại xã Đốc Binh Kiều. Từ 4 giờ sáng, các thành viên đã lên xe di chuyển từ xã Lai Vung đến nơi thi công. Nhờ vật liệu đã tập kết sẵn, gần 10 thành viên nhanh chóng bắt tay vào việc và đến trưa, ngôi nhà tiền chế hơn 30m² (nền lót gạch, khung nhà bằng ống thép mạ kẽm, vách tôn, mái tôn) của ông Đồng cơ bản hoàn thiện.
Ông Đồng cho biết, gia đình không có đất canh tác, sống chủ yếu bằng nghề làm thuê, kinh tế khó khăn. Căn nhà cũ đã mục nát, xiêu vẹo nhiều năm mà không có điều kiện sửa chữa. Nhờ sự hỗ trợ của địa phương và Tổ cất nhà tình thương số 2 Định Yên, gia đình ông đã có nơi ở ổn định, yên tâm lao động, phát triển kinh tế.

Thành viên Tổ cất nhà tình thương số 2 Định Yên, tỉnh Đồng Tháp, xây dựng nhà cho gia đình khó khăn về nhà ở. Ảnh: Nhựt An - TTXVN
Ông Huỳnh Phú Quán, Tổ phó Tổ cất nhà tình thương số 2 Định Yên (tỉnh Đồng Tháp) cho biết, Tổ được thành lập từ năm 2016, hiện có hơn 60 thành viên chính thức và khoảng 20 thành viên dự bị. Trước đây, Tổ chủ yếu xây dựng nhà tình thương bằng gỗ. Những năm gần đây, Tổ chuyển sang xây dựng nhà tường và nhà tiền chế để nâng cao độ bền, kéo dài thời gian sử dụng. Gần 10 năm qua, Tổ đã xây dựng hơn 1.280 căn nhà, với mức hỗ trợ trung bình 27 triệu đồng/căn và tham gia khoảng 14.000 ngày công lao động, góp phần tích cực vào công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.
Ông Quán cho biết thêm, không chỉ tham gia xây dựng miễn phí cho các hộ khó khăn, nhiều thành viên trong Tổ còn tự nguyện đóng góp kinh phí để mua vật liệu xây dựng. Tổ thực hiện nghiêm túc công tác khảo sát, xác minh để bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng; đồng thời lập danh sách các nhà hảo tâm đóng góp, công khai rõ ràng các khoản thu chi, tạo được niềm tin và sự đồng hành lâu dài từ cộng đồng. Năm 2025, Tổ đặt mục tiêu xây dựng 120 căn nhà tình thương và đến nay đã hoàn thành 96 căn.

Thành viên Tổ cất nhà tình thương số 2 Định Yên, tỉnh Đồng Tháp, xây dựng nhà cho gia đình khó khăn về nhà ở. Ảnh: Nhựt An - TTXVN
Cùng với Tổ cất nhà tình thương số 2 Định Yên, nhiều tổ, nhóm thiện nguyện khác trên địa bàn cũng chung tay xây dựng nhà cho người nghèo. Nhóm thiện nguyện Lai Vung là một trong số đó. Trong hai năm qua, Nhóm đã vận động kinh phí, phối hợp với các tổ chức, cá nhân trao quà, khám bệnh, phát thuốc miễn phí, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho vùng thiên tai, lũ lụt và xây nhà cho người khó khăn. Từ đầu năm 2025 đến nay, Nhóm đã hỗ trợ xây gần 20 căn nhà.
Bà Phạm Thị Thu Hà, xã Phong Hòa, xúc động chia sẻ: “Căn nhà cũ gần sập rồi mà tôi chưa có tiền để sửa lại. Tôi sống một mình, sức khỏe yếu, không có nghề nghiệp ổn định nên không dám nghĩ đến chuyện xây lại nhà. Được hỗ trợ xây nhà mới trị giá hơn 80 triệu đồng, tôi rất mừng khi ước mơ thành sự thật”. Ngoài các tổ, nhóm trên, Đồng Tháp còn có các tổ cất nhà từ thiện khác như: Tổ Tâm Từ (phường Hồng Ngự), Tổ cưa xẻ gỗ ấp Nam (xã Tân Thạnh), Đội xây dựng nhà từ thiện Tân Thạnh... Đồng Tháp có hơn 60 tổ, đội cất nhà từ thiện với hàng nghìn thành viên. Đa số thành viên là nông dân, lao động tự do, tuy không dư giả vật chất nhưng giàu lòng nhân ái.

Ngôi nhà mới của bà Phạm Thị Thu Hà ở xã Phong Hòa, tỉnh Đồng Tháp, do Nhóm Thiện nguyện Lai Vung hỗ trợ xây dựng. Ảnh: Nhựt An - TTXVN
Gần 10 năm gắn bó với công việc thiện nguyện, ông Lê Văn Niêu (Tổ cất nhà tình thương số 2 Định Yên) chia sẻ: “Trước kia nhà tôi cũng tạm bợ, nên tôi hiểu nỗi khổ của người không có nơi ở ổn định. Bây giờ có điều kiện hơn, tôi sẵn sàng góp sức cùng anh em đi cất nhà cho người nghèo.”
Các tổ, đội cất nhà từ thiện đã góp phần xây mới, sửa chữa hơn 2.500 căn nhà đạt chuẩn “3 cứng” (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng), với diện tích trung bình từ 30m² trở lên. Tùy điều kiện địa phương, có thể là nhà tường, nhà tiền chế hoặc nhà sàn, song đều bảo đảm an toàn, bền chắc. Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong, trong thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, tỉnh phát huy mạnh mẽ tinh thần tương thân tương ái trong nhân dân; có nhiều phương thức kêu gọi nguồn lực xã hội hóa. Nhiều tổ, đội cất nhà từ thiện do người dân, tổ chức tôn giáo thành lập đã hoạt động trách nhiệm, tận tâm và hiệu quả, giúp người nghèo, người yếu thế có nơi ở ấm áp, ổn định cuộc sống. Đây là một trong những điểm sáng đáng ghi nhận trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Tháp.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhung-ngoi-nha-mang-dau-an-se-chia-o-dong-thap/380291.html