Lào Cai: Đẩy mạnh công tác truyền thông xây dựng nông thôn mới
Để đạt hiệu quả trong công tác xây dựng nông thôn mới, những năm qua, tỉnh Lào Cai đã nỗ lực đẩy mạnh công tác truyền thông, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội một cách quyết liệt.

Tỉnh Lào Cai đẩy mạnh công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới hiệu quả
Theo đó, hàng năm tỉnh Lào Cai ban hành kế hoạch truyền thông về Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới một cách cụ thể, nhằm đẩy mạnh công tác truyền thông trong xây dựng nông thôn mới trên các phương tiện thông tin, truyền thông; các ấn phẩm, tài liệu chuyên môn nghiệp vụ, cẩm nang, sổ tay, tờ rơi, tờ gấp; qua các hội nghị, hội thảo, tập huấn, cuộc thi; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao; tuyên truyền trực quan; tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm hướng tới mục tiêu năm 2025, trông đó, 100% các địa phương có ít nhất 01 chương trình phát thanh/tuần về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên đài truyền thanh cấp xã.
100% Cổng thông tin điện tử hoặc trang/chuyên mục thông tin điện tử các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh thường xuyên cập nhật thông tin, kết quả, tiếp nhận và giải đáp kịp thời những phản hồi về các nội dung thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. 100% các câu hỏi của người dân và trả lời của UBND tỉnh Lào Cai về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.

Người dân chung tay xây dựng nông thôn mới tại xã Sín Chéng, tỉnh Lào Cai
Ngoài ra, việc ứng dụng các nền tảng mạng xã hội như trang tin điện tử, fanpage Nông thôn mới Lào Cai đảm bảo phong phú, hiệu quả và tiện ích nhất để mọi người dân đều có thể nắm bắt kịp thời các thông tin tuyên truyền về các nội dung xây dựng nông thôn mới.
Cho đến nay, có 52 chuyên mục về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới được phát trên các phương tiện truyền thông của tỉnh, hàng tuần cóc ít nhất 05 tin, bài viết/tuần về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đăng tải trên cơ quan báo chí địa phương.
Tổ chức 01 cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới gắn với sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Tổ chức 10 Hội nghị tuyên truyền xây dựng nông thôn mới tại các xã trên địa bàn tỉnh; mô hình dân vận khéo và phát huy dân chủ trong xây dựng nông thôn mới, kết hợp tuyên truyền công tác tôn giáo, vận động quần chúng Nhân dân.
Xuất bản và cấp phát sách, tài liệu về gương điển hình tiên tiến trong xây dựng nông thôn mới và sản xuất nông nghiệp hàng hóa (2.000 cuốn); tài liệu hệ thống tiêu chuẩn chất lượng và hướng dẫn quy trình kỹ thuật một số cây trồng, vật nuôi chủ lực trên địa bàn tỉnh, tài liệu hướng dẫn cho Tổ Khuyến nông cộng đồng (1.200 cuốn).
Một trong những nội dung trọng tâm lớn của tỉnh đề ra, đó là việc tuyên truyền đầy đủ các nội dung về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên các phương tiện thông tin đại chúng tới toàn thể xã hội và người dân. Từ đó, đưa các chủ trương, chính sách, định hướng, nội dung về xây dựng nông thôn mới của Trung ương, của tỉnh đi vào cuộc sống, tạo được sự thống nhất trong triển khai thực hiện từ tỉnh đến cơ sở; góp phần chuyển đổi tư duy, nâng cao nhận thức và cải thiện năng lực cho cán bộ, đảng viên, người dân và cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới.
Đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung quan trọng, gắn bó mật thiết với đời sống lao động sản xuất của người dân: Phát triển sản xuất gắn với xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh; Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn đồng bộ, hiện đại; Phát triển du lịch sinh thái góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc; Cải tạo về sinh môi trường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn.

Công trình xây dựng đường giao thông nông thôn
Tập trung tuyên truyền các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh liên quan đến nhóm các tiêu chí về xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, thôn nông thôn mới, thôn kiểu mẫu; các chính sách về thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách liên quan đến hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”; tuyên truyền quảng bá các sản phẩm nông sản, phát triển kinh tế số, thương mại điện tử, địa chỉ số.
Đẩy mạnh phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và các cuộc vận động “Toàn dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”,… phối kết hợp linh hoạt, sáng tạo tuyên truyền các phong trào thi đua “Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia” giai đoạn 2022-2025 và các phong trào thi đua khác.
Tăng cường công tác bồi dưỡng, đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng dân cư, cán bộ cơ sở và người dân ở nông thôn nhằm phát huy vai trò chủ thể của người dân nông thôn; nâng cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức Đảng, lãnh đạo các cấp, các ngành trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ về nông nghiệp, nông thôn. Tập trung ưu tiên cho các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu năm 2025; trong đó quan tâm các đối tượng là cán bộ, công chức xã là thành viên Ban chỉ đạo, Ban quản lý xã, Ban phát triển thôn, đại diện các hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ trang trại, người có uy tín và một số hộ dân tiêu biểu trên địa bàn xã.
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các Chương trình 06 chuyên đề hỗ trợ thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới: Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới; Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới hướng tới nông thôn mới thông minh; Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới.
Tuyên truyền về các điển hình trong xây dựng nông thôn mới, những cách làm hay, sáng tạo, những xã khó khăn nỗ lực trong xây dựng nông thôn mới, nơi có điều kiện khó khăn nhưng có giải pháp hiệu quả trong huy động nguồn lực xã hội; phương pháp, cách làm của các địa phương đạt chuẩn để duy trì và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới,… Phản ảnh những khó khăn, bất cập tồn tại, những biểu hiện thiếu tích cực trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới, các ý kiến đề xuất tháo gỡ khó khăn.
Thông qua các hoạt động tuyên truyền, cổ vũ, động viên kịp thời các tập thể, các nhân điển hình tiên tiến có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới; phát huy tinh thần đoàn kết, tính chủ động sáng tạo, huy động sự tham gia tích cực của người dân trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới.