Những ngôi nhà tình thương trăm triệu
Mức chuẩn hỗ trợ nhà tình thương cho hộ nghèo được Quỹ Vì người nghèo tỉnh (Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh) áp dụng từ năm 2023 đến nay là 80 triệu đồng/căn nhà. Song tại Đồng Nai, thời gian qua, những căn nhà kiên cố được xây tặng người dân khó khăn về nhà ở có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên.
Điều này góp phần đảm bảo căn nhà kiên cố được bàn giao cho người dân có đầy đủ những chức năng cơ bản phục vụ sinh hoạt.
Hết cảnh nhà không công trình phụ
Trước năm 2022, mức chuẩn hỗ trợ nhà tình thương cho hộ nghèo được áp dụng ở Đồng Nai là 50 triệu đồng và 60 triệu đồng/căn nhà. Với số tiền này, cộng với khoảng 10-15 triệu đồng do gia đình, người thân phụ vào và địa phương vận động thêm, căn nhà thường thiếu trước hụt sau nếu không vận động được thêm nguồn khác. Vậy nên, không ít trường hợp căn nhà tình thương sau khi hoàn thành thường thiếu nhà vệ sinh với lý do để làm sau. Hay nhà không có la phông, tường gạch không tô, không có mái hiên…
Từ cuối năm 2023 đến nay, thực trạng này đã không còn xuất hiện trong những buổi bàn giao nhà cho người khó khăn về nhà ở, bởi số tiền mà mỗi căn nhà sau khi hoàn thành có giá trị gấp đôi hoặc có khi nhiều hơn so với tài trợ ban đầu.
Năm 2023, thông qua quỹ vì người nghèo các cấp, đã có 253 căn nhà tình thương được xây mới và 38 gia đình được trợ giúp kinh phí sửa nhà. 9 tháng của năm 2024, số lượng nhà được xây mới, sửa chữa từ quỹ vì người nghèo các cấp đã gần bằng cả năm 2023.
Theo quy định của Trung ương, mức hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà dành cho hộ nghèo, cận nghèo lần lượt là 40 và 20 triệu đồng hộ. Như vậy, mức chuẩn xây dựng nhà tình thương tại Đồng Nai đang áp dụng cao gấp đôi so với Trung ương quy định.
Trong tháng 9-2024, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và 2 huyện Tân Phú, Định Quán đã bàn giao 46 căn nhà kiên cố để những gia đình hoàn cảnh khó khăn về nhà ở vào sinh sống. Điểm đáng chú ý là giá trị xây dựng của mỗi căn nhà từ 90-150 triệu đồng, chưa kể công làm nhà, vật liệu sẵn có.
Bà Châu Thị Lan (ngụ xã Trà Cổ, huyện Tân Phú) cho hay, số tiền ban đầu do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và huyện vận động cho gia đình bà xây nhà là 80 triệu đồng. Gia đình bà chỉ có 10 triệu đồng để phụ thêm. Trong quá trình xây dựng, để tiết kiệm tiền mua đất, đá san nền, công đắp đất, cả nhà bà cùng anh em họ hàng mỗi người phụ một tay để đào đất trên mảnh vườn nhỏ kế nền nhà, rồi xin thêm đá tổ ong ở những khu rẫy xung quanh về đắp nền…
Cũng nhờ không phải mất tiền cho việc mua đất đắp nền, tiền công thợ ít lại nên dù chỉ có 90 triệu đồng nhưng căn nhà rộng 60m2 với kết cấu mái tôn kẽm, tường xây có quét sơn nước, nền nhà lát gạch, trong nhà có đầy đủ công trình phụ.
Niềm vui của gia đình bà Lan cũng là niềm vui của gần 250 gia đình được vào sống trong căn nhà kiên cố được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, huyện bàn giao từ đầu năm đến nay.
Cùng đóng góp dựng nhà kiên cố
Trong quá trình thực hiện xây dựng nhà kiên cố cho người dân, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, cả nước hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà đột nát. Tại Đồng Nai, tỉnh đã được Trung ương công nhận là địa phương hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát. Song tỉnh vẫn không ngừng nỗ lực vận động, kết nối nguồn lực xây nhà cho dân.
Tại Đại hội Đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2024-2029) diễn ra vào tháng 8 vừa qua, một trong những nhiệm vụ trong tâm của công tác Mặt trận được xác định là thực hiện tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa, bảo đảm an sinh xã hội với mục tiêu đến tháng 4-2025, người có công, gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân trên địa bàn tỉnh. Một trong những yếu tổ để hướng đến mục tiêu này chính là đảm bảo cho người dân được sống trong căn nhà kiên cố thay cho nhà tạm, nhà dột nát.
Theo Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang, ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh luôn chủ động tìm nguồn hỗ trợ xây nhà cho dân. Đáng chú ý là cùng với duy trì nguồn lực thường xuyên do các cơ quan, đơn vị, khối thi đua, cụm thi đua hay đóng góp của các tầng lớp nhân dân vào Quỹ Vì Người nghèo tỉnh, kinh phí xây nhà cho dân thời gian gần đây còn được các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, hiệp hội nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) quan tâm, hỗ trợ.
Điều này có được trước hết nhờ nguồn lực xây dựng nhà cho dân được sử dụng minh bạch, đúng mục đích, đúng đối tượng thụ hưởng. Thêm vào đó, việc kết nối giữa Đồng Nai, trong đó có MTTQ Việt Nam tỉnh, huyện với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, hiệp hội nước ngoài, doanh nghiệp FDI được đẩy mạnh thông qua công tác đối ngoại nhân dân. Kết quả này đã góp phần giúp Đồng Nai tranh thủ được nhiều nguồn lực trong quá trình xây nhà cho người dân.
Bên cạnh đó, mô hình “3 tại chỗ” trong xây nhà cho dân là: nhà tài trợ đóng góp ban đầu, gia đình cùng dòng họ đóng góp và chính quyền địa phương, đoàn thể ở cơ sở vận động thêm từ cộng đồng đã và đang phát huy hiệu quả tích cực.
Ông Nguyễn Tư Thanh, thợ hồ xây nhà cho bà Đoàn Thị Thủy (ngụ xã Trà Cổ, huyện Tân Phú), cho hay ông xác định xây nhà cho người nghèo thì phải tiết kiệm từng thùng vữa, từng viên gạch cho chủ nhà. Mỗi khi nhận xây nhà cho những hoàn cảnh này, ông luôn bớt tiền công vài ngày như là cách “lì xì” lấy may cho chủ nhà.
Trong lần đến thăm, giám sát quá trình xây nhà tình thương cho người dân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang gửi lời cảm ơn đến những người thợ xây đã giúp chủ nhà dựng nên căn nhà kiên cố theo hướng tiết kiệm và tận dụng đối đa nguyên vật liệu, giảm tiền công cho chủ nhà… để bà con khó khăn về nhà ở có được căn nhà kiên cố trong điều kiện kinh phí hạn hẹp.
Ngoài ra, trong quá trình bàn giao nhà, các hội, đoàn thể ở địa phương đều tặng thêm đồ dùng gia dụng cho chủ nhà. Nhờ vậy mà mỗi gia đình đều không thiếu những thiết bị phục vụ cuộc sống cơ bản.