Bùi Tiến Dũng (CLB TP.HCM): Thủ môn sinh năm 1997 là nhân vật sa sút tiêu biểu của lứa Thường Châu. Rời giải với tư cách người hùng, Tiến Dũng không khẳng định được chuyên môn tại CLB Thanh Hóa, Hà Nội và TP.HCM. Anh mắc nhiều sai lầm, dự bị tại CLB, mất tích ở các đội tuyển, được nhắc tới với nhiều câu chuyện bên ngoài sân cỏ và giờ chỉ còn là cái bóng mờ của chính mình tại đội TP.HCM.
Nguyễn Trọng Đại (CLB Viettel): Từng là đội trưởng U19 Việt Nam giành vé dự World Cup trẻ và ngôi sao tiềm năng của lứa Thường Châu, Trọng Đại tiến bộ chậm chạp tại CLB Viettel vì sự thiếu quyết tâm trong tập luyện. Anh vắng mặt ở SEA Games 2019 và dần lạc nhịp trong một tập thể Viettel đang ngày càng tiến bộ trên tốp đầu bóng đá Việt Nam.
Châu Ngọc Quang (HAGL, trái): Cuộc cạnh tranh vị trí khốc liệt ở HAGL đã làm ảnh hưởng rất nhiều tới Ngọc Quang. Từng được gọi lên tuyển và có mặt ở lứa Thường Châu, Ngọc Quang phải chấp nhận cảnh dự bị. Cơ hội của anh càng ít hơn khi HAGL đã bước lên một tầm cao mới dưới thời Kiatisuk Senamuang. 4 mùa gần nhất ở V.League, Ngọc Quang chỉ được đá 32 trận. Mùa này, anh chưa đá chính lần nào, tổng thời gian vào sân là 20 phút.
Lê Văn Đại (Thanh Hóa): Khác với 3 người ở trên, chấn thương là vấn đề lớn của Lê Văn Đại. Anh vừa phải chia tay đội bóng xứ Thanh vì không cạnh tranh được vị trí và chưa có bến đỗ mới. Trung vệ này là cái tên hiếm hoi của lứa Thường Châu phải chia tay CLB chủ quản vì không cạnh tranh được vị trí.
Trương Văn Thái Quý (CLB Hà Nội): Giống như Ngọc Quang, Thái Quý không thiếu năng lực. Nhưng anh đối diện cuộc cạnh tranh vị trí cực kỳ khốc liệt ở CLB Hà Nội. Vấn đề của Thái Quý và nhiều cầu thủ PVF là họ không được nâng đỡ bởi một CLB chủ quản V.League, luôn phải cạnh tranh với cầu thủ bản địa như tại Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh.
Đặng Ngọc Tuấn (CLB Sài Gòn): Khác với 5 người ở trên, thủ môn số 3 của lứa Thường Châu không phải một cái tên xuất sắc. Sau vinh quang trên đất Trung Quốc, anh vẫn vô danh ở đội Đà Nẵng, tiếp tục ngồi ngoài tại CLB mới Sài Gòn. Ngọc Tuấn không có đóng góp gì trong thành công của U23 Việt Nam năm 2018, anh là cái tên lặng lẽ nhất trong lứa cầu thủ này.
Phạm Đức Huy (CLB Hà Nội): Đức Huy là trường hợp khác hẳn 6 người ở trên. Anh đá chính tại U23 châu Á, đã có những bước tiến vượt bậc tại đội Hà Nội. Nhưng anh đang dần đuối sức trong cuộc cạnh tranh vị trí tại cả CLB và đội tuyển. Từ năm ngoái, Đức Huy mới đá chính 12 trận tại V.League. Vấn đề của Đức Huy là anh không cho thấy nhiều tiến bộ trong khi bạn bè cùng lứa đều đã phát triển vượt bậc.
Theo Thanh Hà/Zing