Những ngọn cờ đầu trong xây dựng nông thôn mới ở Vũ Quang
Diện mạo nông thôn mới trên địa bàn huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh đang ngày càng thay da đổi thịt nhờ được xây dựng trên nền tảng sản xuất nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp hiện đại, dần hình thành các chuỗi giá trị, mang lại giá trị thiết thực cho người dân.
Đức Lĩnh là một trong những lá cờ đầu trong xây dựng nông thôn mới ở Vũ Quang, với những thành công ấn tượng trong xây dựng cơ sở hạ tầng điện - đường - trường - trạm, phát triển sản xuất.
Ấn tượng từ xã điểm
Đến nay, xã đã và đang đầu tư củng cố, xây dựng nhiều công trình hạ tầng nông nghiệp - nông thôn. Địa phương hiện có trên 100 km đường giao thông được đầu tư từ các chương trình dự án và đường giao thông nông thôn theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Đáng chú ý, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nhiều HTX, tổ hợp tác trên địa bàn xã được thành lập. Đến nay, toàn xã có 5 HTX, 24 tổ hợp tác, 4 doanh nghiệp hoạt động sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, kinh doanh - dịch vụ, tất cả đều hoạt động có hiệu quả.
Bên cạnh đó, xã Đức Lĩnh cũng ghi nhận hơn 400 mô hình kinh tế cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân đầu người toàn xã cũng liên tục được nâng lên trong những năm qua.
Điển hình, với quy mô khoảng 800 đàn, HTX nuôi ong Đức Lĩnh đang hướng dẫn thành viên, người dân áp dụng quy trình VietGAP vào nuôi ong cũng như đầu tư thêm máy móc để thu hoạch. HTX cũng hỗ trợ nhiều hộ dân về đầu ra cho mật ong nên nghề nuôi ong ngày càng phát triển. Cùng với số đàn ong của HTX Đức Lĩnh, đến nay, xã này đã phát triển được khoảng 2.000 đàn ong.
Chính vì vậy, nuôi ong đang được cho là hỗ trợ người dân rất tốt trong nâng cao thu nhập, giảm nghèo. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã chỉ còn 3,75%. Nhiều hộ dân có nguồn thu nhập trên 100 triệu đồng/năm từ nuôi ong hàng hóa.
Không chỉ tại xã Đức Lĩnh, tại xã Ân Phú cũng đang phát triển khá mạnh nghề nuôi ong lấy mật. ông Phùng Đăng Anh (thôn 3, xã Ân Phú) - thành viên HTX nuôi ong Ân Phú, cho biết từ một hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, nhờ được chính quyền địa phương và HTX tiếp sức đến nay, gia đình đã có cuộc sống ổn định hơn với nguồn thu từ 80-90 triệu đồng/năm từ nuôi ong lấy mật.
Củng cố nền tảng sản xuất
Ông Dương Thế Đạt, Giám đốc HTX Ân Phú chia sẻ, nghề nuôi ong lấy mật cho hiệu quả kinh tế khá tốt nên thu hút nhiều thành viên tham gia. Nếu như năm 2022, HTX có 25 hộ thành viên với khoảng 275 đàn ong thì nay đã tăng lên 27 thành viên với gần 300 đàn.
Theo thống kê, hiện toàn xã Ân Phú có khoảng 40 hộ nuôi ong với hơn 500 đàn. Trong đó, HTX Nuôi ong Ân Phú đã xây dựng thành công sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Hiệu quả của nghề nuôi ong cũng là một trong những nhân tố giúp xã Ân Phú trở thành điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới huyện Vũ Quang. Cụ thể, xã Ân Phú về đích nông thôn mới nâng cao vào năm 2020. Từ khi đạt chuẩn nông thôn mới đến nay, xã đã làm mới và nâng cấp 6km/9 tuyến đường trục thôn từ chương trình dự án; làm mới 2,3km đường trục thôn theo cơ chế hỗ trợ xi măng.
Thống kê cho thấy, toàn xã Ân Phú hiện có 60 mô hình kinh tế cho thu nhập trên 100 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 43,4 triệu đồng/năm.
Ông Trần Thư - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ân Phú cho biết: “Từ đầu năm đến nay, xã đã huy động được hơn 1.000 ngày công và khoảng gần 1 tỷ đồng nâng chất các tiêu chí nông thôn mới... Đồng thời, triển khai xây dựng 1 cụm dân cư sinh thái, 5 nhà vườn sinh thái… Nhờ đó đến nay, địa phương đã đạt 2/4 tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu. Những kết quả đó không chỉ giúp xã tiến gần hơn đến "đích" xã nông thôn mới kiểu mẫu mà còn giúp huyện sớm về đích nông thôn mới nâng cao”.
Cũng theo ông Thư, đây là thời điểm “nước rút” hoàn thiện các tiêu chí, phấn đấu về đích xã NTM kiểu mẫu cuối năm nên bà con đang khẩn trương “tăng tốc” trên mỗi phần việc.
Có thể thấy, hiệu quả sản xuất nông nghiệp đang là một trong những chìa khóa giúp huyện Vũ Quang nâng tầm nông thôn mới. Vì vậy, trong thời gian tới, huyện dự kiến tiếp tục chú trọng phát triển sản xuất theo hướng sinh thái, liên kết chuỗi.
Huyện cũng chủ trương tập trung khai thác tiềm năng địa phương để hình thành các tour, tuyến du lịch sinh thái, trải nghiệm nông thôn mới, kết nối du khách tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Theo lãnh đạo huyện Vũ Quang, trước mắt, huyện sẽ kết nối du khách nội tỉnh, chú trọng xây dựng các sản phẩm chất lượng để khi du khách đến tham quan, không chỉ để trải nghiệm mà còn tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng như: cam, mật ong... của địa phương.
Ngoài ra, huyện chú trọng phát triển đa cây, đa con để mùa nào cũng có sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân. Tập trung khai thác hết tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững.
Nỗ lực đạt mục tiêu
Cần nhắc lại, Vũ Quang là huyện miền núi biên giới đầu tiên của cả nước được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới (chính thức được công nhận vào năm 2021). Kể từ đó đến nay, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của huyện tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực.
Đến nay, 4 tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao theo kế hoạch đạt chuẩn trong năm 2023 (gồm: quy hoạch; kinh tế; môi trường; an ninh trật tự - hành chính công) được quan tâm thực hiện.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, an sinh xã hội được bảo đảm, công tác cải cách, kỷ luật, kỷ cương hành chính được thực hiện nghiêm túc. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.
Thời gian qua, tất cả các xã của huyện Vũ Quang đều đang tập trung nâng cao các tiêu chí nông thôn mới, chung sức sớm đưa huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.
Theo Văn phòng nông thôn mới huyện Vũ Quang, từ đầu năm 2023 tới nay, với sự nỗ lực, quyết tâm cao, toàn huyện đã huy động được gần 16 tỷ đồng, hơn 150 nghìn ngày công lao động, vận động người dân hiến hơn 4.000 m2 đất và hàng trăm công trình kiên cố để tiến hành nâng cấp hơn 3 km nền và lề đường giao thông; chỉnh trang được hơn 3.400 vườn hộ...
Bà Nguyễn Thị Lương, Phó Chánh Văn phòng nông thôn mới huyện Vũ Quang cho biết: "Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương và đặc biệt là sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, đến thời điểm này, địa phương đã đạt 3/9 tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao (điện; thủy lợi - phòng chống thiên tai; an ninh trật tư - hành chính công). Phấn đấu cuối năm nay, toàn huyện hoàn thành thêm 3 tiêu chí: quy hoạch, kinh tế và môi trường (hiện các tiêu chí này đã đạt từ 65 - 90%). Với sự nỗ lực cao của chính quyền các cấp và nhân dân, huyện Vũ Quang đang vững tin về đích huyện nông thôn mới đúng với kế hoạch đã đề ra”.