Những ngọn đèn soi chiếu lịch sử
Hơn bảy thập kỷ đã đi qua kể từ trận đánh quyết định số phận thực dân Pháp trên chiến trường Đông Dương, nhưng những hồi ức về 56 ngày đêm 'khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non' vẫn luôn sống động trong tâm trí những người lính Điện Biên năm xưa. Với cựu chiến binh Bùi Kim Điều và Phạm Đức Cư - hai nhân chứng sống của Chiến dịch Điện Biên Phủ, quá khứ ấy chưa bao giờ phai nhạt.
Giữa những ngày tháng Năm khi núi rừng Tây Bắc rực rỡ trong sắc nắng, cũng là lúc ký ức về một Điện Biên "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" trở về đầy da diết trong lòng những người lính năm xưa. Dẫu chiến tranh đã lùi xa 71 năm, nhưng từng bước hành quân, từng khúc sông, con suối, những đêm kéo pháo ròng rã trong im lặng hay cả tiếng hô xung phong dưới làn mưa bom bão đạn… vẫn hiện về như mới hôm qua trong tâm trí những người lính Điện Biên.

Dù đã 95 tuổi, nhưng chiến sĩ Điện Biên Phạm Đức Cư vẫn rất minh mẫn.
Tôi tìm đến nhà cựu chiến binh Phạm Đức Cư, phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ trong một buổi chiều đầu tháng Năm lịch sử. Căn nhà nhỏ nằm trong khu chợ C4, phía trong nhà vừa mới khoác lên mình một lớp sơn mới. Ở tuổi 95, ánh mắt ông vẫn sáng, giọng nói đanh và dứt khoát. “Tôi là lính cao xạ của Trung đoàn 367. 70 năm rồi, nhưng chưa bao giờ tôi quên được những ngày ấy, chưa bao giờ...” - ông Cư dừng lời, ngước lên nhìn khoảng trời xanh thẳm phía xa.
Ông kể, năm 1949, khi mới 19 tuổi, lòng căm thù giặc và lý tưởng cách mạng đã đưa chàng trai quê Thái Bình đến với quân đội. Năm 1952, ông được chọn sang Trung Quốc học kỹ thuật pháo cao xạ - loại vũ khí mới, quyết định chiến lược đánh bại ưu thế không quân Pháp. Cuối năm 1953, Tiểu đoàn 394 của ông được bí mật hành quân trở về nước, mang mật danh “Trần Đình”, lên đường ra chiến trận.
“Hành quân lên Điện Biên gian khổ lắm cháu ạ. Mỗi khẩu pháo nặng hơn 2 tấn, phải 80 - 100 người mới kéo nổi. Đi đêm, không đèn, không tiếng động, chỉ có hai chiến sĩ cầm mảnh dù trắng làm hoa tiêu. Trượt chân là cả người lẫn pháo rơi xuống vực” - ông nhớ lại. Mỗi đêm, chỉ kéo được hơn một cây số. Gót chân rớm máu, vai rát bỏng, nhưng cả đơn vị không ai bỏ cuộc.
Khi đến lòng chảo Mường Thanh, pháo binh chia thành các trận địa vòng vây quanh tập đoàn cứ điểm, tạo nên lưới lửa phòng không dày đặc. Những khẩu pháo cao xạ đã “trấn giữ bầu trời Điện Biên” như ông Cư tự hào khẳng định. Trong suốt 56 ngày đêm chiến đấu, lực lượng pháo cao xạ của Trung đoàn 367 đã bắn rơi 62 máy bay, trong đó có cả “pháo đài bay” B-24, niềm kiêu hãnh của không lực Pháp.
Trong căn phòng nhỏ của gia đình ông, treo kín tường là huân, huy chương và hình ảnh đồng đội. Có thời điểm, ông sở hữu cả kho kỷ vật quý giá: những cuốn sổ tay ghi chép thời chiến, ảnh tư liệu, vật dụng thông tin liên lạc, giấy tờ, thư từ… Nhưng với ông, những di vật ấy không chỉ là kỷ niệm riêng mà còn là một phần lịch sử cần được bảo tồn đúng nơi.
Ông Cư đã quyết định trao tặng phần lớn hiện vật của mình cho Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ. “Mỗi hiện vật là một câu chuyện. Nếu tôi giữ cho riêng mình thì mai này không còn ai nhớ nữa. Đem gửi vào bảo tàng, các cháu học sinh, người dân, du khách… ai cũng có thể xem, cũng có thể hiểu và trân trọng hơn quá khứ” - ông chia sẻ.
Với một nhân chứng lịch sử khác, tôi được gặp cựu chiến binh Bùi Kim Điều, người lính thông tin Trung đoàn 165, Đại đoàn 312 - đơn vị đánh mở màn chiến dịch. Năm nay ông cũng đã 95 tuổi, sống cùng con cháu tại căn nhà gần Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh. Trong căn nhà nhỏ ở ấy, ông treo trang trọng bức ảnh chụp cùng 2 đồng đội cũ trong lần trở lại hầm chỉ huy Đờ Cát, nụ cười ấm áp giữa những nếp nhăn, ánh mắt như chứa đựng cả trời ký ức. Tuy đôi chân đã chậm chạp vì tuổi tác, nhưng giọng nói của ông vẫn vững vàng, rắn rỏi khi nhắc về những ngày tháng 5 lịch sử. Trong ký ức của ông, hành quân từ Thanh Hóa lên Điện Biên suốt 25 ngày là một chặng đường vừa gian lao, vừa thiêng liêng.
“Khi nhận được thư Bác Hồ và lệnh động viên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh em chúng tôi truyền tay nhau đọc trong ánh đèn dầu, lòng rạo rực...”, ông nói, mắt ánh lên niềm tự hào. Ngày 13/3/1954, chính đơn vị của ông là mũi tiên phong đánh vào Him Lam: “Pháo ta nã liên tục, dữ dội, rồi bộ binh xông lên như thác lũ. Him Lam thất thủ, lá cờ quyết chiến quyết tháng lỗ chỗ đạn của quân ta tung bay trên cứ điểm địch - ta đã lập công đầu”.
Ông kể say sưa về sự kiện anh hùng Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai. “Lúc đó, chúng tôi không ai nghĩ mình sẽ chết, chỉ nghĩ làm sao tiêu diệt được địch để anh em phía sau tiến lên. Anh Giót hy sinh rồi, anh em càng lao lên quyết liệt hơn, như một cơn bão cuốn sạch địch”.

Cựu chiến binh Bùi Kim Điều và bức ảnh gặp gỡ đồng đội ở Hầm Đờ Cát được chụp năm 2024.
Nước mắt ông rơi khi nhắc đến những ngày đào hào cắt đứt sân bay Mường Thanh - hành động khiến hậu cần của Pháp tê liệt. “Trời mưa, cơm không nấu được, phải ăn gạo rang, uống nước lã. Nước trong hào ngập đến đầu gối, pha cả bùn non và máu, nhưng anh em thay nhau đào. Gặp nhau trong lòng hào mà không nhận ra vì ai cũng bùn đất đầy mặt. Khi cắt đứt được sân bay, ôm nhau mà cười, cười ra nước mắt”.
Cả ông Điều và ông Cư đều nhắc nhiều đến sự hy sinh. Như anh Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo. “Chiến thắng ấy là máu, là xương của đồng đội tôi. Không ai muốn chiến tranh, nhưng đã là người lính thì phải thắng. Không thắng thì đất nước không có ngày hôm nay” - ông Cư nghẹn giọng.
71 năm đã trôi qua kể từ chiến thắng ấy, hai ông giờ đều đã cao tuổi, sức khỏe giảm sút vẫn luôn giữ phẩm chất của “bộ đội Cụ Hồ”. Họ không sống trong hào quang chiến tích, mà lặng lẽ góp sức cho địa phương, truyền lửa yêu nước cho con cháu. Mỗi lần được mời chia sẻ về chiến thắng Điện Biên Phủ, họ lại nhanh nhẹn, giọng rắn rỏi, mắt sáng lên niềm tự hào. “Chúng tôi là người lính, sống vì đất nước. Bây giờ già rồi, chỉ mong sao lớp trẻ không quên cha ông đã đánh đổi điều gì để giữ được màu cờ hôm nay. Tôi luôn nhắc cháu tôi rằng: Đừng bao giờ quên Điện Biên, nơi cha ông đã lấy máu viết nên bản anh hùng ca độc lập”.

Mỗi bức ảnh đều được ông Điều đóng khung, treo trang trọng trong nhà
Trong từng câu chuyện, từng hồi ức của những chiến sĩ Điện Biên, không chỉ thấy khói lửa của chiến tranh, mà còn thấy một Điện Biên nhân văn và đầy khí phách. Giữa những xô bồ của đời sống hiện đại, câu chuyện của các ông giản dị, nhưng là ngọn đèn soi chiếu lịch sử, nhắc nhở thế hệ mai sau không được phép lãng quên một thời rực lửa. Đó có lẽ chính là chiến thắng lâu dài nhất của những người chiến sĩ Điện Biên.
Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.vn/bai-thuong/chinh-tri/nhung-ngon-den-soi-chieu-lich-su