Những người bước khỏi vùng an toàn để bứt phá
Làm sao để thoát khỏi cảnh loay hoay, bế tắc, mắc kẹt trong những sự lựa chọn mình không yêu thích, là câu hỏi mà chuyên gia Nguyễn Phi Vân hay gặp trong sự nghiệp tư vấn. Chiếc còng vàng đến từ thu nhập, danh tiếng, đặc quyền được coi là nguyên nhân lớn nhất khiến con người không dám thay đổi để tìm điều mình thực sự trân quý.
Đó là một buổi chiều tháng 8-2020, An vẫn nhớ như in gương mặt thảng thốt, sững sờ của tất cả đồng nghiệp khi cô chìa ra lá đơn xin nghỉ việc đã được vị giám đốc phê duyệt. Không khí trong phòng như đông đặc, không ai muốn tin sự thật nữ trưởng phòng xông xáo, tài hoa, từng du học nhiều năm ở nước ngoài, vốn là con một quan chức, đang được quy hoạch vào đội ngũ lãnh đạo trẻ triển vọng, lại đột ngột nghỉ việc... để mở quán ăn.
Trước khi đi đến quyết định gây sốc này, An đã trải qua một quá trình được tư vấn bởi một trong những chuyên gia về phát triển sự nghiệp khá nổi tiếng trên mạng xã hội. Chị Linh, người đồng hành trong việc gỡ rối cho An, kể lại: “Cô ấy tâm sự với tôi về những chuỗi ngày mệt mỏi, với những công việc nhàm chán lặp đi lặp lại, trong một môi trường công sở chỉ giỏi nhòm ngó, để ý và buôn chuyện vặt vãnh. Ai nghĩ, một nữ công chức sáng láng, ăn diện, đạo mạo, xông xáo, nhiệt tình lại nhiều năm sống trong sự bế tắc, mắc kẹt, bị bào mòn bởi sự ngột ngạt khi không được sống thật với con người mình, theo cách mà mình mong muốn”.
“Vậy thì em thực sự khát khao điều gì? Điều gì khiến em ra khỏi giường mỗi ngày với nguồn năng lượng hứng khởi và mừng vui? Điều gì thôi thúc em sống?”, chị Linh hỏi An.
“Em luôn nghĩ đến việc mở quán ăn. Một ngày nào đó em sẽ phát triển những món ăn đặc sản quê em thành những cái tên nổi tiếng trên toàn quốc, được nhiều người yêu thích”, An nói. Niềm đam mê văn hóa, ẩm thực như một thứ bùa mê ngấm vào máu cô từ những năm tháng tuổi trẻ. Đối với An, mở nhà hàng đặc sản dân tộc không chỉ để thỏa mãn sở thích, mà đó còn là cơ hội để tạo thêm nhiều việc làm cho những người dân quê cô và để tỉnh nhà trở thành một điểm đến hấp dẫn về ẩm thực du lịch.
Cảm giác mòn mỏi, thiếu động lực, bị mắc kẹt trong công việc - sự nghiệp xảy ra ở tất cả mọi nơi, từ công ty tư nhân cho đến khu vực công, ở bất cứ lứa tuổi từ những sinh viên mới ra trường cho đến người đã có một vị trí ổn định, ở mọi lĩnh vực, từ kinh doanh, đầu tư, ngân hàng cho đến truyền thông, giáo dục... Bà Nguyễn Phi Vân, một nhà đầu tư, cố vấn, tác giả và diễn giả cho biết, một trong những vấn đề bà được nhiều người chia sẻ, xin tư vấn nhiều nhất là bị mắc kẹt trong một hoàn cảnh nào đó không thoát ra được, dù bản thân rất muốn.
“Làm công việc mình không yêu thích, sống không hiểu vì sao mình sống, học trường hay ngành học không đúng với đam mê, mòn mỏi, chán nản vì nhiều năm chỉ gắn với một công ty nhưng không dám nghỉ vì chi phí cơ hội quá cao”, bà Vân nói.
Bị giam hãm, cầm tù trong chiếc “còng vàng" cũng là một hiện tượng phổ biến ở Mỹ được tạp chí kinh doanh HBR đặt tên. Đó là việc nhiều nhân viên kỳ cựu làm việc trong các tập đoàn kinh doanh, ngân hàng, tài chính, bất động sản, đầu tư, luật... danh tiếng với mức lương hàng triệu đô la mỗi năm, lại là những người chán nản, loay hoay, bế tắc với chính vị trí họ đang đảm nhận. Những người này không dám nghỉ việc dù phải chịu guồng quay 80 giờ làm việc/tuần, bị bóc lột cả về thể chất lẫn tinh thần vì bị áp chỉ tiêu, năng suất từ lãnh đạo.
Nguyên nhân là vì họ không thể từ bỏ những đặc quyền, đặc lợi từ mức lương 8 con số, gói bảo hiểm có quyền lợi cao nhất, những kỳ nghỉ sang trọng, danh tiếng và ngưỡng mộ từ xã hội. Họ trở thành nô lệ cho chính sự lựa chọn của mình.
Adam Markel là tác giả sách bán chạy nhất, diễn giả, người truyền cảm hứng được tạp chí Wall Street Journal tôn vinh, từng là giám đốc một hãng luật xuất sắc tại Mỹ. Ông có một gia đình hạnh phúc với vợ và 4 người con, biệt thự, xe hơi, máy bay riêng, lối sống xa hoa và sự kính trọng của cộng đồng. Nhưng, không ai biết, Adam phải thường xuyên ngủ lại văn phòng với khối lượng công việc khổng lồ. Ông thức dậy mỗi sáng với cảm giác mệt mỏi, thiếu năng lượng, thậm chí có lúc muốn tự tử. “Đó không phải là con người mà tôi muốn trở thành, cuộc sống mà tôi muốn có”, Adam tâm sự.
Cho đến năm 1998, sau một cơn đột quỵ nhẹ - di chứng từ việc uống 6-8 cốc cà phê mỗi ngày, từ áp lực căng thẳng và nặng nề của những vụ tranh chấp, Adam ở giữa lằn ranh sự sống và cái chết. Đó cũng là thời khắc vị luật sư danh tiếng thức tỉnh và quyết định bẻ bánh lái cuộc đời theo hướng khác, trở thành thầy giáo và diễn giả truyền cảm hứng cho người khác. Sau này, khi đã tư vấn cho hàng nghìn người từ các nhân viên cho đến giám đốc doanh nghiệp, Adam nhận thức việc mọi người mắc kẹt trong sự nghiệp là do nỗi sợ phải thay đổi.
Ông phân tích: “Sự thay đổi dường như là nỗi đe dọa lớn nhất đến tình trạng an toàn và ổn định đã diễn ra nhiều năm. Cơm áo gạo tiền, khoản trả góp mua nhà, mua xe, tiền học cho con, tiền mua bảo hiểm, tiền tiết kiệm hưu trí, những kỳ nghỉ hè, các khoản chi cho dịch vụ giải trí cuối tuần... sẽ ra sao nếu đột nhiên tôi bỏ việc? Nếu công việc mới không suôn sẻ hoặc sự khởi nghiệp của tôi thất bại? Chồng/vợ, con cái, bố mẹ, người thân, bạn bè, xã hội liệu sẽ coi thường, dè bỉu, cười chê một người U40 từ bỏ công ty danh tiếng để bắt đầu từ con số 0? Có quá nhiều rủi ro, nguy cơ, bất định, khiến con người đông đặc trong nỗi sợ và do đó họ không đủ dũng cảm chui khỏi vùng an toàn, mạo hiểm để theo đuổi đam mê và những giá trị mình khao khát".
“Việc sống mắc kẹt nhiều năm trong những điều mình không thích là một thứ hóa chất độc hại bào mòn sức khỏe và hạnh phúc. Trong khi đó, nếu ai đó tìm được công việc, sự nghiệp mới giúp họ phát huy được điểm mạnh, đam mê, sở thích của chính mình, thì không những họ sống vui vẻ, tích cực hơn mà bằng sự nhiệt huyết, tràn đầy năng lượng họ còn tạo nên khác biệt cho cộng đồng và xã hội”, Jenny Blake, cựu chuyên gia cấp cao về nhân sự của Google nói.
Rachel Hollis, diễn giả và blogger người Mỹ, tác giả của nhiều cuốn sách truyền cảm hứng cho phụ nữ, chia sẻ về con đường chuyển hóa sự nghiệp thành công. Nhiều năm trước đó, Rachel là một nhân viên tổ chức sự kiện kiêm cộng tác viên viết bài cho một số tờ báo tại Los Angeles. Công việc đem lại cho cô mức thu nhập ổn định với những chuyến công tác ở các thành phố lớn, gặp gỡ nhiều nhân vật nổi tiếng nhưng Rachel chưa khi nào cảm thấy mãn nguyện. Từ sâu thẳm, cô bị thôi thúc, khát khao bởi những điều mơ hồ nào đó mà cô chưa thể gọi tên. Chỉ sau khi tham gia một khóa khai vấn về nghề nghiệp được dẫn dắt bởi chuyên gia tâm lý, Rachel mới nhìn rõ con đường mình cần đi.
Đầu tiên, Rachel cần suy ngẫm, hiểu và xác định được mình là ai, mình muốn trở thành con người như thế nào, giá trị, điểm mạnh, đam mê, sở thích là gì, điều gì khiến mình có động lực ra khỏi giường mỗi sáng, ước mơ, tầm nhìn vào tương lai của mình là gì? Nhờ các công cụ phân tích về tính cách, thế mạnh, sở thích vừa hữu ích vừa miễn phí trên internet như Clifton Strengths của Gallup, trắc nghiệm tính cách Enneagram, MBTI, Big Five..., Rachel nhận ra điểm mạnh của bản thân là một phụ nữ độc lập, tự chủ, yêu tự do, thích phiêu lưu, khám phá, chinh phục kiến thức và trải nghiệm mới, thích học hỏi, phát triển bản thân và chia sẻ với người khác về những điều hữu ích đó. Sở thích của cô là đọc và viết mỗi ngày về các vấn đề tâm lý, phát triển bản thân, kỹ năng sống, quản lý tài chính cá nhân...
Ước mơ của Rachel là truyền cảm hứng và khơi dậy sức mạnh của phụ nữ cũng như trẻ em gái trong việc xây dựng một cuộc sống độc lập, tự chủ, phá vỡ định kiến, rào cản, dám sống với chính bản thân mình và chinh phục hoài bão cá nhân. Rachel khao khát xây dựng các nền tảng như blog, sách, các khóa học, buổi hội thảo, nói chuyện, diễn đàn, mạng xã hội để hiện thực hóa ước mơ này.
Từ việc xác định rõ được thế mạnh, đam mê, sở thích và tầm nhìn cho tương lai, Rachel bắt tay vào xây dựng các kế hoạch hành động 1 năm, 3 năm, 5 năm trong đó cụ thể hóa từng mục tiêu và lộ trình thực hiện. Ví dụ, cô đặt mục tiêu mỗi 2 năm phải xuất bản 1 cuốn sách viết về những rào cản khiến phụ nữ khó khăn khi muốn sống được như là chính mình, đưa ra giải pháp và truyền cảm hứng thúc đẩy họ thay đổi.
Để thực hiện, cô viết kế hoạch chi tiết, từ việc lên đề cương, tìm kiếm đối tác xuất bản, thiết kế và ảnh, kế hoạch quảng cáo, phát hành, những buổi nói chuyện giao lưu độc giả. Mỗi ngày, Rachel dành 2 tiếng vào buổi sáng - là khoảng thời gian cô làm việc tập trung nhất - để viết 3.000 từ.
“Kiến tha đầy tổ là nguyên tắc làm việc của tôi. Mỗi ngày, tôi bền bỉ, kiên định hoàn thành từng đầu việc nhỏ cho đến 3 mục tiêu lớn. Chỉ trong 4 năm, tôi đã phát hành được 3 cuốn sách, xây dựng một nền tảng mạng xã hội có hàng nghìn thành viên tham gia, mở nhiều buổi nói chuyện và hội thảo, bán được nhiều lớp học về phát triển cá nhân cho phụ nữ”, Rachel tự hào khi nói về thành công đến từ lòng can đảm dám thoát ra khỏi vùng an toàn của mình.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/nhung-nguoi-buoc-khoi-vung-an-toan-de-but-pha-i620094/