Những người cần tầm soát ung thư tuyến giáp
Tiền sử gia đình, di truyền là một trong các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư tuyến giáp.
5 năm trước, chị gái tôi phát hiện ung thư tuyến giáp giai đoạn 2, sau mổ đã ổn định. Gần đây, tôi thấy nuốt hơi đau, khàn giọng, đi khám chỉ bị viêm họng, trào ngược dạ dày - thực quản. Tôi lo ung thư tuyến giáp có di truyền. Tôi và người nhà có nên đi khám, tầm soát bệnh không? Những dấu hiệu sớm của bệnh là gì, thưa bác sĩ? (Minh Chuyên, Hải Phòng).
Bác sĩ nội trú Nguyễn Kim Tươi, Khoa ngoại Ung bướu và Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, trả lời:
Ung thư tuyến giáp là bệnh hay gặp nhất trong các ung thư tuyến nội tiết, thường gặp ở nữ giới. Theo Globocan 2020, ung thư tuyến giáp đứng thứ 9 trong các loại ung thư, với hơn 5.400 ca mắc mới, nhưng may mắn, đây là loại ung thư có tỷ lệ chữa khỏi cao.
Ung thư tuyến giáp xuất phát từ một vài tế bào bất thường ở tuyến giáp phát triển thành u. Khối u lớn dần xâm lấn, di căn để lại hậu quả lớn đối với người bệnh.
Tiền sử gia đình, di truyền là một trong các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư tuyến giáp. Người tiếp xúc với tia xạ, sống và làm việc trong môi trường độc hại hoặc các chất độc trong môi trường gây đột biến gene sinh ung thư cũng được xem là yếu tố nguy cơ.
Bên cạnh đó, những người từng mắc các bệnh tuyến giáp trước đó như viêm tuyến giáp mạn tính, Basedown; thiếu i-ốt, uống rượu thường xuyên, thừa cân, hút thuốc lá,… là yếu tố nguy cơ gây nên ung thư tuyến giáp.
Ở giai đoạn sớm, ung thư tuyến giáp không có bất kỳ triệu chứng nào rõ ràng. Thông thường, người bệnh chỉ tình cờ phát hiện khi đi khám sức khỏe tổng quát. Tuy nhiên, nếu đã bước vào giai đoạn muộn thì có thể có các triệu chứng dưới đây:
- Khối u ở cổ: Nếu thấy khối u lớn trước cổ, dưới yết hầu thì có thể đây là dấu hiệu của ung thư tuyến giáp.
- Khan tiếng, khó thở: Khối u tuyến giáp lan rộng có thể gây ảnh hưởng tới các dây thần kinh thanh quản khiến cho giọng nói của người bệnh sẽ bị khan, đồng thời việc thở cũng trở nên khó khăn hơn.
- Ho mạn tính: Một tỷ lệ nhỏ người mắc ung thư tuyến giáp sẽ xuất hiện triệu chứng ho (không sốt và không kèm theo đờm).
- Khó nuốt: Khi khối u lớn sẽ làm cho người bệnh cảm thấy khó khăn hơn trong việc nuốt.
- Khi bệnh di căn hạch vùng cổ có thể sờ thấy những khối hạch chắc nổi lên vùng cổ.
Những ai nên tầm soát ung thư tuyến giáp?
- Phụ nữ trên 25 tuổi cần đi tầm soát ung thư theo định kỳ đầy đủ và thường xuyên.
- Nam giới có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cao khi ngoài 40 tuổi.
- Người có chế độ ăn uống thiếu i-ốt.
- Những người bị phơi nhiễm các chất phóng xạ, chất độc hóa học ở mức cao.
- Người có tiền sử hoặc người thân trong gia đình có tiền sử với một số căn bệnh về tuyến giáp như FAP, MEN II, Cowden, ung thư biểu mô tuyến giáp,…
- Có dấu hiệu nghi ngờ bản thân mắc ung thư tuyến giáp như: hạch ở cổ, u ở cổ, khó nuốt - khó thở, đau họng, đau cổ, có khối u ở trước cổ hoặc tuyến giáp,…
- Từng phải chiếu/xạ vào đầu hoặc cổ khi còn nhỏ hoặc thuộc lứa tuổi thanh - thiếu niên.
- Khàn tiếng, đau họng, giọng nói bị thay đổi, gặp khó khăn trong việc giao tiếp.
Để tầm soát ung thư tuyến giáp, bạn có thể được bác sĩ chỉ định thực hiện xét nghiệm hormone tuyến giáp giúp đánh giá chức năng tuyến giáp, phát hiện các bệnh lý cường giáp, suy giảm tuyến giáp, ung thư, u tuyến giáp,…
Ngoài ra, phương pháp siêu âm tuyến giáp nhằm phát hiện các nhân giáp, đánh giá cấu trúc của tuyến giáp, xác nhận kích thước bướu tuyến giáp, đặc điểm của khối u. Bác sĩ cũng có thể cho bạn uống một lượng dung dịch chứa i-ốt phóng xạ vừa đủ, loại chất này đi vào cơ thể sẽ tập trung về tuyến giáp và giúp hiện ra các hình ảnh của tuyến này (gọi là xạ hình tuyến giáp).
Bước cuối cùng giúp khẳng định có bị ung thư hay không là sinh thiết bằng kim. Bác sĩ sẽ lấy một số mẫu mô ở nhân giáp để đánh giá tế bào.