Những người 'canh giữ' tử thần
Suy nghĩ tiêu cực, ảnh hưởng của việc sử dụng ma túy, rượu bia trước khi vào trại giam, buồn chán vì xa gia đình, vì xấu hổ, bị trầm cảm, thậm chí chỉ vì không có người thân đến thăm... là những lý do khiến phạm nhân tìm cách tự sát. Để phòng ngừa, phát hiện và cứu phạm nhân tự sát, cán bộ quản lý phạm nhân cũng 'trăm phương ngàn kế' giúp đỡ họ, để họ yên tâm cải tạo, làm lại cuộc đời.
7 lần tự sát bất thành
Phạm nhân tự sát tới 7 lần và cũng 7 lần được cán bộ Trại giam Bến Giá phát hiện, ngăn chặn kịp thời, đó là Đặng Bá Diệp, người TP Trà Vinh. Diệp là đối tượng nhiều tiền án, tiền sự với 2 tiền án đã được xóa án tích và 1 tiền án chưa được xóa án tích. Từ khi đến trại, Diệp luôn không an tâm chấp hành án, tâm lý không ổn định, không tiếp thu sự giáo dục của cán bộ, nhiều lần có ý định tự sát bằng cách xé quần áo thành dây vải để cột vào cửa sổ nhà vệ sinh hòng treo cổ.
Lần thứ nhất vào 7h15’ ngày 16/11/2022, khi Diệp mới đến trại được hơn 2 tháng. Do buồn chán vì gia đình tan vỡ, không có người đến thăm nuôi nên Diệp đã nảy ý định tự sát. Theo đó, khi các phạm nhân xuất trại đi làm, Diệp đã trốn ở lại phòng giam, dùng dây vải cột lên sào phơi đồ phía sau buồng giam để treo cổ. Khi cán bộ làm thủ tục cho đội phạm nhân xuất trại thì phát hiện thiếu Đặng Bá Diệp nên ban chỉ huy phân trại đã chỉ đạo cán bộ trực và phạm nhân tự quản xuống khu giam kiểm tra, phát hiện Diệp đang treo cổ. Rất may, do chỉ trong thời gian ngắn đã phát hiện, ngăn chặn nên hậu quá đáng tiếc không xảy ra.
Được các cán bộ động viên, giáo dục, Đặng Bá Diệp nhận ra sai lầm, cam kết sẽ từ bỏ ý định tự sát. Tưởng rằng, sau khi từ cõi chết trở về, Diệp sẽ quý trọng sự sống, cải tạo tốt hơn để sớm được trở về nhưng do vẫn buồn chán vì bị vợ bỏ, vì không có người thăm nuôi nên Diệp liên tục nuôi ý định tự sát.
Ngày 30/3/2023, Diệp xin nghỉ ốm để tách khỏi sự kiểm soát của cán bộ, được nghỉ lao động, nghỉ tại phòng giam. Khi các phạm nhân khác xuất trại, Diệp đi vào nhà vệ sinh, xé quần áo phạm nhân thành dây vải rồi treo cổ lên song sắt cửa sổ nhà vệ sinh. Nhưng, chỉ sau ít phút Diệp ở trong nhà vệ sinh không ra ngoài, phạm nhân cùng đội đã phát hiện, ngăn chặn, đồng thời báo cáo cán bộ xử lý nên Diệp được cứu sống.
Gần đây nhất là đêm 11/5/2024, do vẫn nuôi ý định tự sát, chỉ trong 1 đêm, Diệp thực hiện hành vi tự sát tới 2 lần. Cụ thể, vào 2h15’, Diệp đi vệ sinh rồi tháo chun quần, một đầu cột vào song sắt cửa sổ nhà vệ sinh, một đầu buộc vào cổ mình. Do biết tâm lý của Diệp, Trại giam Bến Giá đã cử cán bộ tuần tra, giám sát ngoài phòng giam nên đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời.
Mặc dù được cứu nhưng chỉ 30 phút sau, với diễn biến tâm lý hết sức phức tạp, Diệp tiếp tục dùng khăn và dây vải áo buộc lại với nhau, thắt vào cổ mình để tự sát. Lúc này, phạm nhân được phân công trực buồng giam ban đêm đã phát hiện, báo cáo cán bộ ngăn chặn, xử lý nên hậu quả đáng tiếc không xảy ra.
Trường hợp thứ hai cũng nhiều lần tự sát bất thành đó là Huỳnh Văn Hiệp (sinh năm 1987, trú phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, TP Cần Thơ), phạm tội cướp tài sản và trộm cắp tài sản, với mức án phạt 10 năm, nhập trại ngày 20/3/2019. Từ khi đến trại, Hiệp luôn chán nản, không an tâm cải tạo, không tiếp thu sự giáo dục của cán bộ, chây lười, trốn tránh lao động, nhiều lần có hành vi tự hủy hoại thân thể.
Với các hành vi của Hiệp, Ban Giám thị Trại giam Bến Giá đã chỉ đạo lập biên bản xử lý theo quy định. Tuy nhiên, sau 5 lần bị lập biên bản, mặc dù được cán bộ giáo dục, động viên nhưng Hiệp vẫn không thôi ý định tự sát, chống đối. Các hành vi vi phạm của Hiệp có tính liên tục, ý thức chấp hành nội quy cơ sở giam giữ rất kém nên ngày 2/5, Ban Giám thị đã quyết định áp dụng biện pháp riêng với phạm nhân này.
Để cảm hóa, giáo dục Hiệp, trong thời gian anh ta bị giam riêng, Giám thị Trại giam Bến Giá đã cử cán bộ gặp gỡ, giáo dục, phân tích, giúp Hiệp nhận thức được việc làm sai trái của bản thân. Dù vậy, Hiệp không tiếp thu sự giáo dục mà tiếp tục vi phạm nội quy. Theo đó, anh ta tìm cách tự sát bằng cách xé một mảnh chăn được cấp phát và xé áo cá nhân rồi buộc thành dây để cột vào cửa sổ nhà vệ sinh. Sau khi cột dây, Hiệp chui đầu vào để tự sát nhưng rất may được cán bộ phát hiện, ngăn chặn kịp thời.
Trường hợp thứ ba - trường hợp tự sát với lý do “như trẻ con” - là trường hợp Bùi Văn Thuận (sinh năm 1994, trú ở xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, Đắk Nông) phạm tội cố ý gây thương tích với án phạt 2 năm 6 tháng tù, bị bắt ngày 11/5/2023, thi hành án tại Trại giam Bến Giá từ ngày 17/1/2024. Thông thường, đối với những phạm nhân chưa tiền án, tiền sự, phạm tội lần đầu, mức án nhẹ thường rất yên tâm cải tạo để được khoan hồng, sớm trở về. Tuy nhiên, Thuận là trường hợp khá đặc biệt bởi lý do anh ta sự sát không giống ai và hết sức cảm tính. Gia đình Thuận vốn quê ở Đắk Nông nhưng đến thị trấn Long Thành, huyện Duyên Hải, Trà Vinh để lập nghiệp, thuê nhà sinh sống.
Do mâu thuẫn với chủ nhà, Thuận dùng dao đâm nạn nhân bị thương nên phải vào tù. Lúc mới đến trại, tinh thần Thuận khá tốt, chấp hành nghiêm nội quy, sinh hoạt bình thường nên được xếp loại cải tạo khá. Tuy nhiên, 2 tháng gần đây, gia đình không có ai thăm gặp, Thuận gọi điện về nhà thì không liên lạc được nên nảy sinh tâm lý, buồn chán vì cho rằng người nhà không quan tâm đến mình nữa.
Đầu tháng 6/2024, khi đến kỳ thăm gặp, chỉ có mẹ và chị gái đến thăm, bố không đi thăm nên Thuận cho rằng bố mình không thương, không quan tâm đến mình nữa và có ý định tự sát. Đêm 29/6, Thuận được cán bộ sắp xếp trực đêm buồng giam từ 3 đến 4h sáng. Ngay sau khi nhận ca trực, lúc 3h5’, Thuận đi xuống nhà vệ sinh, leo lên thành bể nước, lấy 2 dây chun quần nối với nhau, tự trói tay, chân lại rồi lăn xuống bể nước. Lúc này, phạm nhân Sơn Tấn Đạt - người trực ca trước Thuận (trực từ 2-3h sáng) - nghe tiếng động trong bể nước nhà vệ sinh, đã chạy ra bể nước, phát hiện Thuận đang chìm nghỉm trong đó nên tri hô các phạm nhân trong đội đưa Thuận ra khỏi bể.
Giữ mạng sống cho phạm nhân làm lại cuộc đời
Phải nói rằng, việc giữ mạng sống cho những người muốn chết là việc vô cùng khó khăn, đặc biệt là đối với các phạm nhân, bởi khi muốn chết, họ tìm đủ cách để đạt được ý định với những cách thức khác nhau, họ lợi dụng các thời điểm mọi người mất cảnh giác như ngủ say, đi lao động để thực hiện hành vi tự tước đi mạng sống của mình. Vì vậy, đối với các cán bộ quản lý trại giam, ngoài việc giáo dục tư tưởng thì điều quan trọng là phải tìm hiểu nguyên nhân, kịp thời động viên để phạm nhân từ bỏ ý định tự sát.
Đại tá Nguyễn Anh Dũng, Giám thị Trại giam Bến Giá cho biết, các phạm nhân có ý định tự sát thường là những người từng mắc chứng trầm cảm, nghiện rượu, sử dụng ma túy khi chưa vào trại giam nên sinh ra ảo giác; hoặc phạm nhân buồn chán chuyện gia đình, khó khăn trong giải quyết hậu quả phạm tội... nên không muốn cải tạo mà muốn tự sát để giải thoát khỏi tội lỗi. Vì vậy, để giúp những phạm nhân này dần có được trạng thái cân bằng về tâm lý, thoát ra được những suy nghĩ và hành động tiêu cực, nhận thức được hành vi sai trái của bản thân để hướng thiện, lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống, các cán bộ phải kết hợp đồng bộ nhiều biện pháp giáo dục phù hợp mới đem lại hiệu quả cao.
Như trường hợp phạm nhân Đặng Bá Diệp - người 7 lần tự sát bất thành, các cán bộ đã dày công nghiên cứu hồ sơ về hành vi phạm tội và hoàn cảnh gia đình của anh ta để có biện pháp phòng ngừa, giáo dục phù hợp. Theo đó, Trại giam Bến Giá đã mời gia đình Diệp đến cùng động viên, giáo dục. Do bố mẹ đã mất, vợ bỏ nên Diệp buồn chán. Các cán bộ đã trao đổi với chị gái Diệp cùng phối hợp giáo dục, động viên anh ta. Bên cạnh đó, Ban Giám thị đã cử cán bộ trực đêm (từ 22h đến 5h sáng) để giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện hành vi tiêu cực. Chính nhờ sự cảnh giác này, khi Diệp có hành vi tự sát, các cán bộ đều phát hiện sớm để ngăn chặn.
Trường hợp của Bùi Văn Thuận đặc biệt hơn bởi anh ta có án ngắn, chưa tiền án, tiền sự nên người bình thường sẽ hiếm khi tìm đến cái chết. Tuy nhiên, qua nắm bắt tâm lý, cán bộ phát hiện Thuận có biểu hiện buồn chán nên đã tìm hiểu nguyên nhân và cử phạm nhân giám sát. Nhờ đó, đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi tiêu cực của Thuận. Tìm hiểu hoàn cảnh của Thuận, cán bộ biết nguyên nhân bố anh ta không lên thăm con không phải là bỏ rơi Thuận mà vì già yếu, bệnh tật, không đi lại được. Khi Thuận gọi điện về nhà thì mọi người đi vắng, bố Thuận nặng tai nên không nghe được. Hiểu hoàn cảnh như vậy, Trại giam Bến Giá đã động viên gia đình đưa bố Thuận lên thăm con. Sau khi bố mẹ, anh trai lên thăm, Thuận đã hiểu được và yên tâm cải tạo.
Đại tá Nguyễn Anh Dũng cho biết thêm, việc khó nhất trong ngăn chặn phạm nhân tự sát là đối với các phạm nhân bị trầm cảm hoặc ảo giác do sử dụng các chất kích thích trước khi bị bắt. Những phạm nhân này thường diễn biến tâm lý nhanh, ít có biểu hiện ra bên ngoài nên cán bộ phải thường xuyên nắm tình hình mới có thể phòng ngừa, ngăn chặn.
“Khó nhất là đối với các phạm nhân trầm cảm, bởi họ luôn có ý định tiêu cực. Những trường hợp này chúng tôi cử cán bộ giáo dục có kinh nghiệm, chân thành, cởi mở để chuyện trò, chia sẻ, giúp họ cảm thấy không còn cô đơn mà luôn có người tốt ở bên cạnh, ủng hộ mình, từ đó giúp họ nhận ra rằng, trầm cảm chỉ là tạm thời, xung quanh vẫn còn nhiều sự giúp đỡ, còn người thân và nhiều việc quan trọng. Đối với phạm nhân bị ảnh hưởng do sử dụng chất kích thích từ khi còn ở ngoài xã hội thì cần gần gũi, khuyên ngăn họ thực hiện lối sống lành mạnh, tránh căng thẳng quá mức, tích cực tham gia các hoạt động thể dục, thể thao, thư giãn để đầu óc tỉnh táo thư thái hơn, tránh tiêu cực” - Đại tá Nguyễn Anh Dũng.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/nhung-nguoi-canh-giu-tu-than-i738043/