Những người cao tuổi '05'
Có niềm tin sắt son với Đảng, luôn gương mẫu, cộng đồng trách nhiệm trong phong trào phát triển kinh tế, tăng gia sản xuất, giúp đỡ bà con cùng thoát nghèo bền vững. Đó là những cảm nhận của tôi sau khi gặp và tiếp xúc với những người cao tuổi '05'- những tấm gương cao tuổi điển hình tiêu biểu trong việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh và học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Cùng lãnh đạo Hội Người cao tuổi của tỉnh vượt gần 50 km để đến bản Mô Cổng, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu thăm gia đình ông Sùng Sái Tồng, là người cao tuổi làm kinh tế giỏi của tỉnh. Trên chuyến xe, câu chuyện xoay quanh những tấm gương về những người cao tuổi “05” trên địa bàn tỉnh, câu chuyện không ngớt suốt cả chặng đường dài. Ông Lê Hữu Đê, Chủ tịch Hội người cao tuổi tỉnh nói: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 93.000 người cao tuổi, thì có trên 46.000 người cao tuổi đang trực tiếp tham gia lao động, trong đó có 3.751 người cao tuổi làm chủ trang trại, doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho 12.380 lao động thường xuyên và mùa vụ; từ năm 2012 đến nay, có trên 6.000 lượt người cao tuổi được các cấp công nhận danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi, góp phần đáng kể làm cho lĩnh vực kinh tế nông nghiệp của tỉnh thêm khởi sắc.
Bản Mô Cổng hiện ra với những nếp nhà mái ngói bao quanh khắp các đồi núi, đâu đâu cũng thấy màu xanh rừng, của sa nhân và sơn tra. Nhà ông Sùng Sái Tồng ở tận cuối bản, ông đón chúng tôi với nụ cười đôn hậu, dễ mến. Trong căn nhà truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, điều ấn tượng nhất với tôi là 2 bức tường được treo rất nhiều Bằng khen, Giấy khen của tỉnh, của huyện tặng ông về thành tích trong phát triển kinh tế, trong tham gia xây dựng chính quyền sở tại... Qua trò chuyện, ông vui vẻ nói: Ai cũng có thể học và làm theo Bác, cán bộ vận dụng vào công việc của cán bộ, nông dân vận dụng vào việc của nông dân, người cao tuổi vận dụng vào việc của người cao tuổi..., tạo ra những ảnh hưởng tích cực trong đời sống cộng đồng, lan tỏa tinh thần tự giác, tự nguyện học và làm theo Bác. Với tinh thần đảng viên đi trước, những năm qua, tôi đã đăng ký xây dựng mô hình điển hình “05” về lĩnh vực kinh tế, làm mẫu, làm gương cho thế hệ trẻ và đồng bào học tập, noi theo.
Năm 2004, ông Tồng nghỉ hưu, nhưng ông vẫn tích cực tham gia lao động sản xuất. Trước đây, với vai trò Bí thư Đảng ủy xã Phổng Lái, được đi nhiều, tiếp xúc nhiều với các mô hình kinh tế, ông nhận thấy khu vực bản Há Chua cách nhà ông khoảng 20 km, tuy hoang hóa nhưng đất còn rộng, nếu đầu tư sức người sức của vào cải tạo, chắc chắn đất sẽ sinh sôi, tạo ra của cải vật chất. Nghĩ là làm, ông làm đơn xin chính quyền địa phương cho phép nhận 130 ha đất trồng và bảo vệ rừng. Vậy mà sau 1 năm khởi nghiệp, cơn rét đậm rét hại năm 2005 kéo dài nhiều ngày làm cây rừng chết đi phân nửa. Gian nan không làm nản trí, ông động viên vợ con tiếp tục trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, trồng thêm cây ăn quả. Thuận lợi hơn nữa, khi diện tích đất ông đang quản lý, chăm sóc được huyện triển khai dự án hỗ trợ trồng 7 ha cây sơn tra, 5 ha cây sa nhân dưới tán rừng.
Lật giở cuốn sổ ghi lại những kết quả kinh tế từ những ngày đầu bán sản phẩm, ông khoe: Cách đây 6 năm, quả sơn tra bắt đầu cho thu hoạch với giá bán 4.000 - 5.000 đồng/kg, năm đó gia đình thu lãi hơn 100 triệu đồng, mừng vui khôn tả. Còn năm nay, niềm vui nhân lên gấp nhiều lần vì bán sơn tra được giá 9.000 đồng/kg, sa nhân bán hơn 80.000 đồng/kg. Thành công nối tiếp, tôi đã đầu tư trồng thêm 3 ha chanh leo và nhiều loại cây ăn trái khác, năm nay dự tính trừ chi phí đầu tư, gia đình thu lãi khoảng 700 triệu đồng từ quả sơn tra, chanh leo và sa nhân.
Đưa chúng tôi đi thăm những đồi sa nhân, ông đi phăm phăm lên đỉnh đồi, tôi đi theo còn thở dốc. Đứng từ trên cao nhìn xuống, khắp các đồi núi trong bản Mô Cổng, xanh ngắt màu xanh của sa nhân và sơn tra. Ông Tồng nói: Trước đây, bà con chỉ quen với việc khai thác quả sơn tra rừng. Mình đích thân trồng rồi mang bán có tiền, bà con nhìn thấy hiệu quả sẽ làm theo mà không phải tuyên truyền, vận động nhiều. Anh Sùng A Só, Trưởng bản Mô Cổng khẳng định: Với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi bản Mô Cổng, bằng uy tín của mình, nhiều năm qua ông Tồng đã tham mưu và cùng các đảng viên của Chi bộ bản vận động bà con thực hiện nghiêm quy định bảo vệ rừng để thoát nghèo bền vững với 2 loại cây đang cho giá trị kinh tế cao là sơn tra và sa nhân. Hiện nay, bản Mô Cổng có gần 100 ha cây sa nhân, 13 ha cây chanh leo, gần 300 ha rừng phòng hộ và hàng ngàn con gia súc, gia cầm. Số hộ khá, giàu trong bản ngày một tăng và số hộ nghèo giảm dần.
Nghe và làm theo lời ông, người dân trong bản đã lựa chọn những giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu, cho năng suất cao. Nhờ đó, nhiều hộ trong bản hiện có thu nhập từ 70-90 triệu đồng/năm. Đặc biệt, trong 10 năm qua, ông còn giúp 8 hộ nghèo trong bản vươn lên giàu có, bằng cách giao quyền quản lý cho mỗi hộ 1 ha đất để phát triển sản xuất. Anh Hờ Vả Sình, ở bản Mô Cổng, là 1 trong 8 hộ được ông giúp đỡ nay đã thoát nghèo, nói: Được ông Tồng nhượng quyền sử dụng đất, chỉ cho cách trồng và chăm sóc cây sơn tra, cây sa nhân đúng kỹ thuật, nên năng suất đạt cao. Giờ đây, mỗi năm gia đình tôi thu nhập hơn 300 triệu từ trồng sa nhân, có của ăn của để, con cái được học hành đàng hoàng, chúng tôi luôn nhớ ơn ông Tồng và làm theo ông.
Chia tay ông Sùng Sái Tồng, hẹn gặp lại ông vào đầu năm tới, khi dự định đưa giống cây trồng mới là măng tây lên Mô Cổng của ông hoàn thành. Chúng tôi còn nhớ mãi điều ông gửi gắm vào lớp thanh niên của bản là làm thế nào cũng phải giữ lấy đất, lấy rừng, trồng cây ăn quả, làm giàu bằng chính đôi tay và sức lao động của mình, xây dựng quê hương ngày một ấm no, đổi mới.
Tiếp tục hành trình trên con đường trải nhựa êm ru với bạt ngàn cà phê trĩu quả 2 bên đường dẫn vào xã Chiềng Ban (Mai Sơn), chúng tôi đến thăm ông Tòng Văn Nọi, ở bản Ót, là người dân tộc Thái, đại diện người cao tuổi tỉnh Sơn La tham dự Hội nghị biểu dương Người cao tuổi tiêu biểu sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc năm 2017.
Trên đường đi, ông Tòng Văn Kiêm, Chủ tịch Hội NCT xã Chiềng Ban (Mai Sơn) thông tin: Nhiều năm qua, xã Chiềng Ban (Mai Sơn) là xã có nhiều tấm gương “05” tiêu biểu trong lĩnh vực phát triển chăn nuôi, tăng gia sản xuất của huyện, của tỉnh. Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị của về đẩy mạnh và học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Hội NCT xã đã hướng dẫn hội viên xây dựng những mô hình “05” thiết thực, phù hợp với điều kiện từng bản, tạo ra những ảnh hưởng tích cực trong đời sống cộng đồng, lan tỏa tinh thần tự nguyện học và làm theo Bác. Toàn xã Chiềng Ban có 411 người cao tuổi đạt danh hiệu “Tuổi cao gương sáng”, “Gia đình văn hóa”; 52 người đạt tuổi cao gương sáng xuất sắc.
Trăm nghe không bằng một thấy, đến nhà ông Nọi, tôi càng khâm phục với nỗ lực của những hội viên người cao tuổi. Ngôi nhà 2 tầng được xây kiên cố theo kiến trúc hiện đại, bên cạnh là vườn cà phê trĩu quả. Ông Nọi kể: Năm 1994, gia đình bắt đầu trồng 0,5 ha cà phê, cũng như nhiều gia đình chuyển đổi cây trồng khi đó, gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc trồng và chăm sóc cây cà phê. Nhất là những năm 2009, 2010, nhiệt độ xuống thấp, xuất hiện sương muối dày đặc, gia đình gần như mất trắng vụ cà phê năm đó. Không nản lòng, tôi đã lặn lội đến nhiều tỉnh, thành phố để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm trồng cây cà phê.
Từ diện tích ban đầu là 0,5 ha, đến nay gia đình ông đã phát triển lên 5 ha trồng cà phê, thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm và tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức lương hơn 6 triệu đồng/người/tháng. Nhạy bén với thị trường, ông Nọi đã vay vốn ngân hàng để đầu tư máy xát và lò sấy cà phê. Ngoài thu hoạch cà phê tươi, sản xuất cà phê khô của gia đình, hằng năm, ông còn thu mua khoảng 300 tấn cà phê tươi và 200 tấn cà phê khô cho người dân trên địa bàn xã.
Hướng tới phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường bền vững, ông Nọi đang phối hợp với Viện Khoa học môi trường (Tổng cục Môi trường) thí điểm mô hình xử lý nước thải cà phê cho kết quả khả quan. Nước thải không gây mùi khó chịu, lại được tái sử dụng để tưới cho cây trồng. Ngoài ra, ông còn tích cực tham gia chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăm sóc, thu hái cà phê cho bà con. Đặc biệt, ông hướng dẫn bà con phương pháp ủ vỏ cà phê thành phân hữu cơ giúp giảm bớt lượng phân hóa học cho đất, vừa tiết kiệm, vừa bảo đảm năng suất cây trồng.
Không làm theo phong trào, mỗi mô hình điển hình tiên tiến “05” học và làm theo Bác ở Chiềng Ban được địa phương linh hoạt lựa chọn xây dựng để nhân rộng trên cơ sở phù hợp đặc thù, lợi thế của từng bản. Hiểu việc học và làm theo Bác là những việc làm cụ thể, ông Nọi suy nghĩ mộc mạc: Mình là nông dân, chăm chỉ, chịu khó trong lao động sản xuất, làm giàu cho bản thân và quê hương bằng chính sức mình, đó là cách học Bác thiết thực nhất.
Dám nghĩ, dám làm, dù có gian nan cũng không nản trí, những tấm gương cao tuổi “05” đang cụ thể hóa việc học và làm theo Bác thành những việc làm cụ thể, xây dựng mô hình cụ thể, làm ra sản phẩm cụ thể để tuyên truyền, vận động nhân dân làm theo. Những thành quả của việc học và làm theo Bác của người cao tuổi như ngọn đuốc sáng soi đường, dẫn lối, giúp nhân dân làm kinh tế hiệu quả hơn, thành công hơn, góp phần xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nhung-nguoi-cao-tuoi-05-25584