Những người có EQ thấp thường gặp phải 7 vấn đề này trong mối quan hệ yêu đương

Trí tuệ cảm xúc là chìa khóa cho mối quan hệ yêu đương bền vững nhưng không phải ai cũng sở hữu kỹ năng này.

Duy trì một mối quan hệ lành mạnh đòi hỏi trí tuệ cảm xúc (EQ) cao, một kỹ năng không phải ai cũng có. EQ bao gồm khả năng nhận biết, hiểu và kiểm soát cảm xúc của bản thân cũng như của người khác. Đây là yếu tố then chốt giúp xây dựng và duy trì các mối quan hệ tích cực.

Tuy nhiên, khi một người thiếu EQ, họ có thể gặp khó khăn trong việc điều hướng các mối quan hệ, giống như việc điều khiển một con tàu mà không có la bàn nên rất dễ lạc hướng. Có nhiều dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự thiếu hụt EQ trong một mối quan hệ.

Dưới đây là 7 dấu hiệu phổ biến mà bạn có thể nhận diện.

Thiếu sự đồng cảm

Đồng cảm được coi là nền tảng của trí tuệ cảm xúc. Đây là khả năng hiểu và chia sẻ cảm xúc với người khác, cho phép chúng ta đặt mình vào vị trí của họ để cảm nhận sâu sắc những trải nghiệm mà họ đang trải qua. Thiếu đi sự đồng cảm, mối quan hệ giữa con người sẽ trở nên khô khan, giống như một chiếc xe không có nhiên liệu, không thể vận hành một cách trơn tru.

Người thiếu đồng cảm thường gặp khó khăn trong việc hiểu cảm xúc của đối phương. Họ có thể phớt lờ hoặc xem nhẹ cảm xúc của người khác, khiến đối phương cảm thấy cô lập hoặc bị bỏ rơi. Điều này không chỉ đơn thuần là không biết lắng nghe, mà còn thể hiện sự thiếu khả năng kết nối với trải nghiệm cảm xúc của người khác.

Nếu một người thường xuyên tỏ ra thờ ơ hoặc không coi trọng cảm xúc của người khác, điều này có thể cho thấy họ có EQ thấp. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng ai cũng có những ngày tâm trạng không tốt. Do đó, trước khi đưa ra kết luận, chúng ta nên quan sát các dấu hiệu này có lặp lại thường xuyên không.

Dấu hiệu người có EQ thấp.

2. Thiếu nhận thức về bản thân

Nhận thức về bản thân là một yếu tố quan trọng của EQ. Thiếu nhận thức này, con người sẽ giống như đi trong bóng tối mà không có ánh sáng dẫn đường. Họ không hiểu rõ cảm xúc của chính mình mà còn không nhận ra cách mà những cảm xúc đó ảnh hưởng đến hành vi của họ.

Có những người thường xuyên phản ứng thái quá với những vấn đề nhỏ nhặt như lỗi của nhân viên phục vụ hay tình trạng giao thông đông đúc. Điều này không chỉ đơn thuần là phản ứng tức thời, mà là sự thiếu nhận thức về cách cảm xúc cá nhân tác động đến tâm trạng và mối quan hệ xung quanh.

Nếu một người liên tục phản ứng với các tình huống mà không hiểu lý do thực sự đằng sau, đó có thể là dấu hiệu của EQ thấp.

3. Khó tiếp nhận phê bình

Phê bình, dù mang tính xây dựng hay tiêu cực, luôn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Đây là phương tiện giúp con người học hỏi, phát triển và tiến bộ. Tuy nhiên, đối với những người có trí tuệ cảm xúc thấp, việc tiếp nhận phê bình có thể trở thành một thách thức lớn.

Nghiên cứu cho thấy những người có EQ thấp thường gặp khó khăn trong việc chấp nhận phê bình. Họ không xem đó là cơ hội để phát triển mà lại coi đó là sự công kích cá nhân.

Sự thiếu khả năng tiếp nhận phê bình này thường dẫn đến phản ứng phòng thủ, tức giận hoặc né tránh. Trong một mối quan hệ, điều này có thể khiến các vấn đề không bao giờ được giải quyết một cách hiệu quả.

Nếu một người phản ứng tiêu cực với phê bình và không thể tiếp thu một cách tích cực, đó có thể là dấu hiệu của EQ thấp.

4. Dễ mất kiểm soát cảm xúc

Thỉnh thoảng, chúng ta sẽ có những lúc để cảm xúc lấn át lí trí. Tuy nhiên, nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên, đó có thể là dấu hiệu cho thấy người đó có EQ thấp. Những người có EQ cao có khả năng kiểm soát và điều chỉnh cảm xúc của mình trong những tình huống căng thẳng. Điều này không có nghĩa là họ kìm nén cảm xúc, mà là biết cách thể hiện chúng một cách lành mạnh và phù hợp.

Ngược lại, nếu một người thường xuyên trải qua những cơn bùng nổ cảm xúc bất cứ hoàn cảnh nào, điều này có thể cho thấy họ khó kiểm soát kiểm xúc và có EQ thấp.

5. Khó khăn trong việc tạo sự gắn kết cảm xúc

EQ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và duy trì các mối quan hệ. Những người có EQ cao thường dễ dàng hình thành mối liên kết sâu sắc với người khác, tạo ra sự thân mật về mặt cảm xúc. Ngược lại, những người có EQ thấp có thể gặp khó khăn trong việc chia sẻ cảm xúc, thảo luận về nỗi sợ hãi hoặc bày tỏ sự dễ tổn thương.

Sự gắn kết cảm xúc là yếu tố then chốt giúp duy trì mối quan hệ bền vững. Nếu một người không thể mở lòng hoặc cảm thấy không thoải mái khi đối phương chia sẻ những cảm xúc sâu sắc, điều này có thể là dấu hiệu cho thấy họ đang thiếu trí tuệ cảm xúc.

6. Không thể tha thứ và buông bỏ

Những người thiếu trí tuệ cảm xúc có xu hướng giữ oán giận và thường xuyên nhắc lại những lỗi lầm trong quá khứ. Thay vì tìm cách hàn gắn, họ để sự tức giận chi phối cảm xúc, khiến mối quan hệ trở nên căng thẳng và đầy áp lực.

Nếu một người thường xuyên nhắc lại quá khứ khi tranh luận hoặc từ chối tha thứ, đó có thể là dấu hiệu họ thiếu khả năng giải quyết xung đột một cách lành mạnh.

7. Luôn đổ lỗi

Thay vì chịu trách nhiệm, những người có EQ thấp có xu hướng đổ lỗi cho người khác để né tránh sai lầm của mình. Họ sử dụng cơ chế phòng vệ này để bảo vệ bản thân khỏi sự khó chịu khi phải thừa nhận sai lầm. Tuy nhiên, điều này có thể tạo ra một môi trường tiêu cực, nơi các vấn đề không bao giờ được giải quyết.

Nếu một người liên tục đổ lỗi và không chịu trách nhiệm cho hành động của mình, đó có thể là dấu hiệu của EQ thấp.

Phan Hằng (Theo Geediting)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nhung-nguoi-co-eq-thap-thuong-gap-phai-7-van-de-nay-trong-moi-quan-he-yeu-duong-204251507063803086.htm