Những người có nguy cơ và nguy cơ cao mắc ung thư đại trực tràng: Đừng lơ là tầm soát!
Đại trực tràng (còn gọi là ruột già) là đoạn cuối cùng của ống tiêu hóa, làm nhiệm vụ tiếp nhận và bài tiết các thức ăn không tiêu hóa được (phân).
Theo số liệu của Globocan (2019), ung thư đại trực tràng đứng hàng thứ 3 trên thế giới và đứng hàng thứ 5 ở Việt Nam về tần suất phổ biến của bệnh. Số liệu năm 2018 cũng cho biết, Việt Nam ghi nhận 14.733 trường hợp mắc mới và 7856 ca tử vong vì ung thư đại trực tràng. Căn bệnh này có xu hướng trẻ hóa.
Nguyên nhân gây bệnh
Theo BS.CKII. Nguyễn Phú Hữu, Phó Trưởng khoa Ngoại Tiêu Hóa, Bệnh viện Bình Dân, nguyên nhân chính của bệnh ung thư đại trưc tràng chưa xác định được, tuy nhiên, có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ của bệnh này, bao gồm: Lớn tuổi, nam giới, chế độ ăn nhiều mỡ và thịt, ít chất xơ, béo phì, hút thuốc lá, polype đại tràng, viêm loét đại tràng xuất huyết hay bệnh Crohn, tiền căn gia đình có người ung thư đại trực tràng.
Triệu chứng ung thư đại trực tràng:
Bệnh ung thư đại trực tràng ở giai đoạn đầu có thể hoàn toàn không có triệu chứng. Sau khi khối u phát triển, có thể nhận thấy một số triệu chứng sau:
- Hoạt động ruột thay đổi liên tục (tiêu chảy hoặc táo bón)
- Trong ruột khó chịu, không thoải mái
- Trong phân có máu (màu đỏ tươi hoặc sẫm màu)
- Phân nhỏ hơn so với bình thường.
- Thường xuyên thấy đau hoặc co thắt ruột do đầy hơi, hoặc cảm giác đầy bụng hoặc chướng bụng
- Giảm cân không rõ lý do, cơ thể mệt mỏi
Chẩn đoán
Nội soi đại trực tràng là xét nghiệm quan trọng nhất khi nghi ngờ có ung thư đại trực tràng. Qua nội soi, bác sĩ có thể biết được tương đối vị trí, kích thước khối u và lấy mẫu sinh thiết để chẩn đoán chắc chắn khối u đó có phải là ung thư hay không.
Ngoài ra, người bệnh cần được thực hiện một số chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm khác như: chụp cắt lớp điện toán (CT Scan), siêu âm bụng, X quang phổi, điện tim, xét nghiệm máu...để giúp chẩn đoán chính xác giai đoạn để tiến hành điều trị.
Ai cần tầm soát ung thư đại trực tràng
Theo BS Nguyễn Hữu Phú, ung thư đại trực tràng ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng mơ hồ, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Nhưng nếu bệnh không được phát hiện sớm, cơ hội điều trị của người bệnh sẽ giảm đi. Vì vậy, mọi người cần chủ động tầm soát, khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện ra bệnh, nhất là đối với các đối tượng có nguy cơ.
BS Nguyễn Hữu Phú khuyến cáo những đối tượng sau cần tầm soát ung thư đại trực tràng:
- Người trên 40 tuổi: tầm soát mỗi năm 1 lần bằng cách xét nghiệm máu ẩn trong phân.
- Người có tiền sử gia đình bị ung thư, không thuộc huyết thống bậc 1 (cha, mẹ, anh, chị, em): Mỗi 5 năm cần nội soi đại tràng ảo 1 lần, mỗi 10 năm nội soi đại trực tràng 1 lần.
Tuy nhiên, theo BS Nguyễn Hữu Phú, nhóm người sau đây có nguy cơ cao và rất cao bị ung thư đại trực tràng, cần chú ý hơn trong việc khám tầm soát:
- Người có tiền sử bị ung thư đại trực tràng, polyps đại trực tràng, viêm loét đại trực tràng vô căn, bệnh Crohn: cần nội soi đại trực tràng mỗi 1-2 năm 1 lần.
- Có tiền sử bị chiếu xạ vùng bụng hoặc vùng chậu để điều trị ung thư: cần nội soi đại trực tràng mỗi 3-5 năm 1 lần.
- Có một người thân huyết thống bậc 1 (cha, mẹ, anh, chị, em ruột) bị ung thư đường tiêu hóa trước 45 tuổi hoặc có người thân bị bệnh đa polyps đại tràng: cần nội soi đại trực tràng mỗi 3 năm 1 lần.