Những người Colombia thành 'tội phạm' sau một đêm

Sau lệnh cấm đánh bắt cá mập của chính phủ Colombia, cộng đồng ngư dân nước này ở khu vực ven biển Thái Bình Dương buộc phải phạm luật để duy trì kế sinh nhai.

 Ngư dân đánh bắt cá mập ở Colombia. Ảnh: Guardian.

Ngư dân đánh bắt cá mập ở Colombia. Ảnh: Guardian.

Mỗi sáng, Paola Arbolera - mẹ đơn thân 35 tuổi - thường chất đầy vài thùng cá mập hun khói và cá đuối lên xuồng gỗ rồi kéo ra sông. Trước khi Mặt Trời mọc, cô chèo thuyền trong bóng tối đến khu chợ ở Guapi, thị trấn nhỏ tại tỉnh Cauca trên bờ biển Thái Bình Dương của Colombia.

Đến khoảng 5h, Arbolera mở cửa hàng ở một góc phố, trưng bày món cá hun khói và chào đón những người khách lớn tuổi. Đây là công việc duy nhất giúp Arbolera một mình nuôi 7 đứa con.

Tuy nhiên, công việc này hiện đã trở thành hoạt động vi phạm pháp luật.

Vào tháng 11/2020, chính phủ cựu Tổng thống Colombia Iván Duque đã ban hành sắc lệnh cấm đánh bắt và thương mại hóa cá mập với hy vọng giải quyết vấn đề xuất khẩu vây cá mập và bảo vệ sinh vật biển tới châu Á, theo AFP.

Song sắc lệnh này đã cho thấy sự xung đột giữa bảo tồn hệ sinh thái biển và bảo vệ các cộng đồng ngư dân cũng như truyền thống của họ, theo Guardian.

"Người nghèo nhất trong số những người nghèo”

"Tôi có thể làm gì nữa?", Arbolera nói. Cô mù chữ và chỉ có thể sống dựa vào nghề bán cá. “Số phận của chúng tôi là làm việc. Nếu không được làm điều này, chúng tôi sẽ nuôi con thế nào?”.

Hoạt động đánh bắt cá mập công nghiệp bị cấm ở Colombia từ năm 2017. Với lệnh cấm năm 2020, chính phủ Colombia đã hình sự hóa cả hoạt động đánh bắt thủ công mà người dân địa phương như Arbolera phụ thuộc vào.

 Một chiếc thuyền đánh cá ở cảng Buenaventura, Colombia. Ảnh: Guardian.

Một chiếc thuyền đánh cá ở cảng Buenaventura, Colombia. Ảnh: Guardian.

“Quyết định đánh dấu một cột mốc quan trọng trong chính sách công về môi trường. Lệnh cấm đóng góp tích cực vào việc bảo vệ hệ sinh thái biển và sự bền vững của quần thể cá mập”, Estefanía Rodríguez, cố vấn vận động chính trị của nhóm bảo tồn biển MarViva, cho biết.

Dù được các nhà bảo vệ môi trường tôn vinh, quy định này đã khiến nhiều cộng đồng rơi vào tình thế mất kế sinh nhai - từ những người đánh bắt cá thủ công, người bán rong đến các đầu bếp.

Những người chỉ trích cựu tổng thống cho rằng lệnh cấm này là cách cải thiện hình ảnh vốn không được ưa chuộng của ông trong nước và chỉ tạo thêm khó khăn cho cuộc sống vốn đã đầy thách thức của các cộng đồng ven biển.

“Họ đã khiến một số cộng đồng nghèo nhất Colombia gặp khó khăn. (Việc đánh bắt) trở thành bất hợp pháp theo ý thích bất chợt của chính phủ”, Diego Andrés Triana, luật sư và cố vấn của Hiệp hội Ngư dân Colombia, cho biết.

“Các cộng đồng da đen sống dọc Thái Bình Dương là những người nghèo nhất trong số những người nghèo”, ông Triana nói thêm.

Đối với các thị trấn như Guapi, đánh bắt cá mập thủ công là một truyền thống lâu đời. Tollo - tên gọi của cá mập - là nguồn thức ăn cho nhiều gia đình và có giá trị văn hóa quan trọng với các cộng đồng người Colombia gốc Phi.

Colombia là nơi sinh sống của 76/500 giống cá mập trên thế giới. Loài cá mập nhỏ dài khoảng 1,5 m thường được coi là nguồn protein rẻ nhất mà nhiều người dân ven biển có thể mua được.

“Guapi không có tollo giống như sa mạc không có nước”, Willingtong Obregón, người đánh bắt cá trong nhiều thập kỷ, chia sẻ.

Không còn lựa chọn

Những người đánh cá thủ công thường giăng lưới trên những chiếc thuyền nhỏ hoặc ca nô.

“(Lệnh cấm) thực sự ảnh hưởng đến chúng tôi về mặt kinh tế. (Công việc này) giúp chúng tôi chu cấp cho gia đình”, ông Obregón nói.

Các tổ chức và người dân địa phương ở Guapi cho rằng cộng đồng ngư dân không được tham gia vào các cuộc thảo luận trước khi lệnh cấm được thực thi.

“Tôi biết (công việc này) ảnh hưởng đến hệ sinh thái nhưng để cấm nó, lẽ ra họ nên hỏi ý kiến chúng tôi, những người bán và đánh bắt cá, để xem giải pháp thay thế nào có thể giúp chúng tôi duy trì cuộc sống”, Melba Angulo, người đã bán cá ở chợ Guapi từ năm 10 tuổi, bất bình.

Về vấn đề này, bà Sandra Vilardy, tân thứ trưởng về môi trường của Colombia, thừa nhận: “Lệnh cấm đã không được tham vấn đầy đủ”.

Paola Arbolera và những người bán cá mập hun khói ở Guapi. Ảnh: Guardian.

Paola Arbolera và những người bán cá mập hun khói ở Guapi. Ảnh: Guardian.

Trên thực tế, ngư dân địa phương dọc theo bờ biển Thái Bình Dương không chủ đích đánh bắt cá mập mà phần lớn do tình cờ. Họ quăng một tấm lưới lớn dọc theo bờ biển và rất có thể sẽ bắt được cá mập, dù muốn hay không.

“Đánh bắt tollo là chuyện tình cờ, làm sao người ta có thể tránh được điều đó?”, Otto Polanco Rengifo, một nhà sinh học biển và là cựu giám đốc Cơ quan Nuôi trồng và Đánh bắt Thủy sản Quốc gia cho biết.

“Lệnh cấm buộc (người dân) làm điều không thể”, ông nói.

Năm 2022, Francisco “Pancho” Mina - một ngư dân địa phương - từng bị Hải quân Colombia chặn lại và lục soát thuyền khi đang trở về Guapi sau vài ngày lênh đênh trên biển.

Trong đống cá da trơn và cá mú, hải quân tìm thấy 58 con cá mập. Số cá này bị tịch thu và Francisco nhận lời cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng hơn nếu tái phạm.

Tuy nhiên, giống Obregón và Arbolera, Francisco chia sẻ anh không có nhiều lựa chọn, bất kể lệnh cấm.

“Đó là nhu cầu thuần túy vì chúng tôi không có gì khác để làm. (Chính quyền) không nên làm khổ một ngư dân chỉ đang cố gắng nuôi sống gia đình mình”, anh nói.

Hiện nay, chính phủ mới của Colombia đã cam kết bảo vệ lợi ích cũng như truyền thống văn hóa của các cộng đồng gốc Phi. Họ đặt mục tiêu thực hiện chương trình nghị sự xanh đồng thời hỗ trợ sinh kế cho những người bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm.

Song trong thời gian chờ đợi, người dân ở Guapi không có lựa chọn nào khác ngoài phạm luật.

“Nếu đã sống nhờ vào (công việc) này, chúng tôi sẽ phải tiếp tục đánh bắt”, Francisco nói.

Hải Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-nguoi-colombia-thanh-toi-pham-sau-mot-dem-post1405521.html